Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 17/11 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Chuyện ông Hảo tật nguyền và những cánh chuồn chuồn tre vươn mình sang Nhật’.

Dù vất vả, thu nhập chẳng được bao nhiêu nhưng những cánh chuồn chuồn tre này là niềm vui, sắc màu tô vẽ cho cuộc đời nhiều gian truân, bất hạnh của ông Hảo. 

Chuyện cổ tích về ông Hảo “khoèo” và người chị gái ở vậy nuôi em

Tới thôn An Lạc 2 (xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) hỏi ông Bùi Văn Hảo (58 tuổi) người dân nơi đây lại thốt lên: “Hảo khoèo chứ gì?” rồi chỉ vào ngôi nhà nhỏ nhưng thấm đượm tình yêu thương. Suốt hơn 40 năm qua ai cũng cảm động trước câu chuyện chị gái không lấy chồng, ở vậy chăm sóc em trai của gia đình người đàn ông tật nguyền này.

Ông Hảo sinh ra vốn lành lặn như bao đứa trẻ trong thôn. Năm lên 10 tuổi, cơn bạo bệnh ập tới khiến cậu bé Hảo khi ấy bỗng dưng bị tê buốt, co giật liên hồi. Cứ ngỡ đó chỉ là cơn đau bình thường, Hảo chịu đựng suốt 3 năm.

Cho đến một ngày, cơn đau dữ dội hơn, ông được gia đình đưa đi khám thì nhận được kết luận mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Cơn đau kéo dài khiến cơ thể ông Hảo teo tóp, tay chân không thể cử động.

“Bác sĩ nói rằng bệnh của tôi có thể chết bất kỳ lúc nào, có người chỉ sống thêm được 5 hoặc 7 năm sau khi phát bệnh”, ông Hảo nhớ lại kể với Báo Dân Trí.

chuyen ong hao tat nguyen va nhung canh chuon chuon tre vuon minh sang nhat
Bà Hiền nguyện ở vậy chăm lo cho em trai. (Ảnh: Dân Trí)

Để sống đến tận ngày hôm nay, ngoài ý chí kiên cường của ông Hảo, phải kể đến công lao của người chị gái, tảo tần sớm hôm.

Khi cha mẹ mất, bà Bùi Thu Hiền (69 tuổi) là người thân duy nhất bên cạnh, chăm sóc nâng niu em trai lúc này, từ mọi sinh hoạt cá nhân, bữa ăn giấc ngủ hàng ngày.

Có lần, bệnh tình của ông Hảo trở nặng phải lên Thái Nguyên chữa trị, bà Hiền đã viết thư động viên: “Nếu không may em không khỏi được bệnh thì chị sẽ ở vậy nuôi em suốt đời”.

Ông Hảo kể, ngày đó có nhiều chàng trai tốt bụng đến ngỏ lời lấy chị. Họ hứa nếu chị về làm dâu sẽ đón cả ông về để chăm sóc chu đáo. Có người còn hứa đến ở rể nhưng chị đều không chấp thuận vì: “Nhà có 2 chị em, nó đã thiệt thòi như vậy, nếu đi lấy chồng thì ai sẽ chăm lo”.

Chuồn chuồn tre cất cánh sang Nhật

Nếu bà Hiền là động lực để ông Hảo sống tốt thì chuồn chuồn tre là niềm đam mê giúp cuộc đời tẻ nhạt thêm màu sắc, ý nghĩa.

Theo Báo Thương Hiệu và Pháp Luật, năm 2009, ông Hảo tình cờ được giới thiệu đến lớp dạy làm chuồn chuồn tre do một tổ chức phi chính phủ Nhật Bản tài trợ. Tuy khóa học chỉ diễn ra trong 2 tháng nhưng ông Hảo đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật làm chuồn chuồn.

Mỗi sản phẩm được ông “chế tác” đều sáng tạo, đặc sắc về hoa văn, kiểu dáng phong phú. Nhân viên của tổ chức phi chính phủ cũng tấm tắc công nhận sản phẩm của ông đạt tiêu chuẩn cao.

chuyen ong hao tat nguyen va nhung canh chuon chuon tre vuon minh sang nhat
Ngoài sản phẩm cung cấp cho tổ chức phi chính phủ, anh Hảo còn làm thêm để bán cho các em nhỏ, học sinh trong vùng… (Ảnh: Thương hiệu và Pháp luật)

Vất vả là thế nhưng nghĩ đến cảnh chuồn chuồn tre của mình được cất cánh sang Nhật, được mọi người đón nhận, ông cảm thấy vui sướng. Mỗi tháng ông Hảo chỉ kiếm thêm vài trăm nghìn đồng nhưng nó giúp người đàn ông ngũ tuần này thêm lạc quan, tự tin hơn.

chuyen ong hao tat nguyen va nhung canh chuon chuon tre vuon minh sang nhat
Mỗi con chuồn chuồn bán được, ông Hảo lại trích ra một số tiền nho nhỏ để gây quỹ học bổng giúp trẻ em nghèo vươn lên vượt khó trong cuộc sống. (Ảnh: Dân Trí)

Câu chuyện của ông Hảo khiến nhiều độc giả liên tưởng tới chàng nghệ sĩ khuyết tật với biệt tài nặn tò he, từng xuất hiện ở đường phố Thái Lan, Hồng Kông…

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Chưa rõ người đàn ông này sinh sống và làm việc ở đâu nhưng đa phần đều bày tỏ sự ngưỡng mộ với tinh thần vượt lên số phận của anh.

Không có ngón tay như người bình thường, anh dùng cùi tay bị cụt thoăn thoắt làm từng động tác đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Không có tay cầm, anh dùng miệng giữ dao, khuôn mặt vẫn toát lên vẻ lanh lợi và tươi tắn.

chuyen ong hao tat nguyen va nhung canh chuon chuon tre vuon minh sang nhat
Nếu không nhìn tận mắt, chắc không ai có thể hình dung được những sản phẩm tò he dễ thương như Doraemon, Minion, gấu Brown… lại do một người khuyết tật đôi tay tạo ra. (Ảnh cắt từ video)
chuyen ong hao tat nguyen va nhung canh chuon chuon tre vuon minh sang nhat
Một khách du lịch từng gặp chàng trai này tại Hồng Kông.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News