Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm thép nhập khẩu có gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa.

Ngày 20/9, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng công báo về việc quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm thép mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7212, 7213, 7214, 7215, 7216, 7217, 7219, 7220, 7225, 7226, 7227, 7228, 7302, 7303, 7304, 7305 và 7306 nhập khẩu vào nước này.

Biện pháp tự vệ tạm thời đối với thép nhập khẩu sẽ được áp dụng theo hình thức hạn ngạch thuế quan với mức thuế nhập khẩu bổ sung ngoài hạn ngạch là 25%. Thời hạn áp dụng biện pháp là 200 ngày kể từ ngày công bố.

Biện pháp thuế tự vệ tạm thời này được miễn áp dụng cho các nước đang phát triển và thỏa mãn các điều kiện theo quy định của Hiệp định Tự vệ.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, Bộ Công Thương cho biết một số sản phẩm thép của Việt Nam thuộc diện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ theo thông báo của Bộ Kinh tế nước này đưa ra ngày 27/4. Theo đó, thời kỳ điều tra để xem xét lượng tăng nhập khẩu, thiệt hại là giai đoạn từ 2013-2017.

Cơ quan điều tra cho rằng trong giai đoạn này, lượng thép nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng đáng kể, từ -4,7% của giai đoạn 2013-2014 lên 24,7% năm 2015. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu lại sụt giảm mạnh.

Do vậy, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ quyết định khởi xướng điều tra vụ việc nhằm xác định liệu thép nhập khẩu có gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng đây là cuộc điều tra do Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tự khởi xướng, xuất phát từ những lo ngại do Mỹ áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm, Liên minh Châu Âu (EU) khởi xướng điều tra tự vệ và xu hướng gia tăng áp dụng biện pháp bảo hộ đối với sản phẩm thép trên toàn cầu.

Sản phẩm thép của Việt Nam thời gian qua liên tục “gặp nạn” tại các thị trường xuất khẩu. Theo Cục Phòng vệ thương mại, từ đầu tháng 8 đến nay, ngành thép Việt Nam đã phải đối mặt với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại. Từ trước đến nay, thép vẫn luôn là ngành bị khởi kiện nhiều nhất, nhưng với tốc độ tăng mạnh như hiện nay (8 vụ/tháng, 7 thị trường khởi kiện), các doanh nghiệp sản xuất thép không tránh khỏi sự lo lắng.

Cụ thể, Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra gia hạn lần 2 biện pháp tự vệ đối với thép tấm không hợp kim cán nóng dạng cuộn và không cuộn; EU áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ với 3 sản phẩm thép của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt hoặc thép cuộn hợp kim và không hợp kim cán phẳng mạ hoặc tráng kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự trốn thuế.

Vỹ An (Tổng hợp)