Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức ngày 5/5 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 24/4 vừa qua đưa ra nhiều nội dung quan trọng trong lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam.

Buổi lễ do NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Tổng đạo diễn. Bên cạnh phần lễ, phần hội cũng được trú trọng với các nội dung: Nói về cội nguồn nghệ thuật Bài Chòi; thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa, đời sống cộng đồng của người dân miền Trung; bảo tồn, phát huy giá trị của Bài Chòi trong thời gian tới.

Theo đó, buổi lễ sẽ quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản Bài Chòi tham gia, trình diễn.

Tháng 5, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ đón bằng UNESCO
Nghệ thuật Bài Chòi có hai hình thức chính: “Chơi Bài Chòi” và “Trình diễn Bài Chòi”.

Trước đó, ngày 7/12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Đây là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Yến Yến