Hoạt động chế biến chế tạo của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 3 nhưng với tốc độ chậm nhất trong 4 tháng, khiến chỉ số PMI của Việt Nam phải nhường vị trí dẫn đầu Đông Nam Á cho Myanmar.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam giảm xuống mức 51,6 điểm trong tháng 3 từ mức cao nhất trong 10 tháng đạt được vào tháng 2 là 53,5 điểm, theo báo cáo hàng tháng được hãng Nikkei và IHS Markit công bố ngày 2/4.

Sản xuất tăng chậm nhất trong 4 tháng, chỉ số PMI Việt Nam mất vị trí dẫn đầu khu vực
Chỉ số PMI của Việt Nam tháng 3 giảm. (Nguồn: Nikkei)

Kết quả trên cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tại Việt Nam tiếp tục cải thiện vào tháng cuối quý I/2018, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.

Báo cáo cho thấy sản lượng của ngành chế biến chế tạo chỉ tăng nhẹ trong tháng 3, với tốc độ chậm nhất trong vòng 4 tháng.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào với giá cả đầu ra cũng tăng chậm hơn trong tháng 3. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh nhờ xuất khẩu tăng.

Nikkei cho biết kết quả hoạt động của ngành sản xuất không đồng đều giữa các quốc gia ASEAN. Trong số 7 quốc gia được khảo sát, 4 nước ghi nhận sự cải thiện về các điều kiện kinh doanh, trong khi con số này trong tháng 2 là 5 quốc gia.

Do sản lượng và số đơn đặt hàng mới tăng chậm lại, chỉ số PMI của Việt Nam đã để mất vị trí dẫn đầu Đông Nam Á vào tay Myanmar khi nước này đạt 53,7 điểm.

Sản xuất tăng chậm nhất trong 4 tháng, chỉ số PMI Việt Nam mất vị trí dẫn đầu khu vực
Việt Nam đứng thứ 2 khu vực về chỉ số PMI tháng 3

Trong khi đó, Philippines vươn lên vị trí thứ 3 với 51,5 điểm và Indonesia đứng thứ tư với 50,7 điểm.

Malaysia, Thái Lan và Singapore ghi nhận hoạt động sản xuất suy giảm trong tháng 3 với chỉ số PMI đứng dưới mức 50 điểm.

Minh Tuệ