Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội thông qua chiều ngày 12/11, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 7 chính thức phê chuẩn hiệp định thay thế cho TPP này.

Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan đã nhận được sự ủng hộ cao khi có 469 phiếu tán thành, tương đương 96,7% số phiếu tại Quốc hội.

Trước đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ báo cáo các nội dung của CPTPP cùng các văn kiện có liên quan để trình Quốc hội xem xét phê chuẩn.

Phó Thủ tướng cho biết việc tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên còn lại sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP để bảo vệ việc làm của nước này vào đầu năm 2017.

CPTPP sẽ giảm hàng rào thuế quan tại 11 nước thành viên – hiện chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 10 nghìn tỷ USD.

quoc hoi viet nam chinh thuc thong qua cptpp
Dệt may được xác định là ngành hưởng lợi nhiều từ CPTPP

Trước khi được cơ quan làm luật Việt Nam phê chuẩn, Hiệp định CPTPP đã có 6 quốc gia khác chính thức thông qua thỏa thuận này là Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và gần đây nhất Australia phê chuẩn vào ngày 31/10, giúp cho hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 30/12 tới.

Các quốc gia thành viên còn lại chưa phê chuẩn thỏa thuận này là Brunei, Chile, Malaysia và Peru.

Minh Tuệ (Tổng hợp)