Xem Chàng vợ của tôi, bên cạnh sự hài hước, khán giả còn cảm nhận được nhiều ý nghĩa và thông điệp cuộc sống sâu sắc.

Ngay từ khi ra mắt, Chàng vợ của em đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận bởi quy tụ dàn diễn viên tên tuổi: Thái Hòa, Hứa Vĩ Văn, Phương Anh Đào, Trung Dũng…

Phim là câu chuyện về cặp đôi trái dấu: Một bên là cô gái thành công trong sự nghiệp nhưng lại vụng về gia chánh và luôn cảm thấy cô đơn, với một bên là chàng trai có vẻ ngoài cù lần nhưng có trái tim ấm áp. Từ đó, mang đến cái nhìn chiêm nghiệm về cuộc sống vốn dĩ muôn màu và luôn biến động.

Những bài học đơn giản mà thấm thía từ 'Chàng vợ của em'
“Ông vua phòng vé” Thái Hòa có màn trở lại ấn tượng, đóng cùng Đào Phương Anh trong Chàng vợ của em.

Tuy lồng ghép nhiều thông điệp nhưng đạo diễn Charlie Nguyễn đã xử lý khéo léo, không lên gân, không giáo điều, để khán giả được khóc, cười cùng nhân vật một cách tự nhiên, đồng thời tự nhìn lại bản thân.

Đừng đánh giá người khác qua vẻ ngoài

Điều tưởng chừng đã quá quen thuộc này, nhiều người trong chúng ta vẫn mắc phải. Giống như câu cửa miệng của nhân vật Hùng (Thái Hòa) trong phim: “Đừng đánh giá 1 cuốn sách qua bìa”, với những người xung quanh cũng vậy, đừng nên vì ấn tượng ban đầu mà đánh giá.

Những bài học đơn giản mà thấm thía từ 'Chàng vợ của em'

Lần đầu chạm mặt ở công viên, trong lúc đỡ Mai khỏi ngã, Hùng vô tình chạm vào “chỗ hiểm” của Mai. Mai bực tức và nhanh chóng đánh giá Hùng là “gã đàn ông biến thái, cơ hội”, nhất là khi nhìn thấy bề ngoài ngô ngố, xấu xí và luộm thuộm của anh.

Bản thân Mai cũng không ngờ rằng, sau này, chính chàng trai có vẻ ngoài xấu xí và từng bị cô ghét cay ghét đắng, lại khiến cô rung động và chỉ muốn gắn bó ở bên.

Những bài học đơn giản mà thấm thía từ 'Chàng vợ của em'
Cặp đôi oan gia từ thù thành bạn.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình vẫn là nơi bình yên nhất

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Mọi giông bão đều dừng chân trước cánh cửa nhà”. Sau bao sóng gió, nhà vẫn là nơi mọi con tim hướng về.

Không chỉ mang đến tiếng cười giòn tan cho khán giả qua những tình huống dở khóc dở cười của cặp đôi trái dấu, Chàng vợ của em còn có những khoảng lặng sâu sắc.

Đó là hình ảnh một cô gái tối ngày bù đầu vào công việc mà quên mất rằng bên ngoài còn rất nhiều thứ đáng để bận tâm. Đó là một người mẹ quá mải mê với ánh hào quang sân khấu mà quên mất rằng chính con mình cũng đang khao khát được vỗ về yêu thương.

Những bài học đơn giản mà thấm thía từ 'Chàng vợ của em'

Không phải ngẫu nhiên mà Hùng có thể trở thành “chàng vợ”. Câu chuyện về người anh gác lại ước mơ để bù đắp cho bé Ngọc (Thanh Trúc) và cô em gái luôn khó chịu trước sự quan tâm thái quá của anh, khiến người xem cảm động và bất giác nhớ về gia đình của mình.

Những bài học đơn giản mà thấm thía từ 'Chàng vợ của em'
Tình anh em và tình cảm gia đình thấm đẫm trong phim.

Câu chuyện về “chàng vợ” thay người mẹ đã mất chăm sóc cho em gái và người phụ nữ tự rời xa căn bếp đã nhắc nhở người xem về giá trị thực sự của cuộc sống – bữa cơm sum vầy của cả gia đình.

Sau cùng, ngôi nhà chính là nơi gắn kết tình thân, là nơi để ta trở về sau bao bộn bề của lo toan, căng thẳng.

Một nửa thực sự sẽ mang đến cho bạn sự bình yên

Không địa vị, không tiền bạc cũng chẳng có nhan sắc, ở Chàng vợ của em, “một nửa hoàn hảo” đối với phụ nữ đôi khi đơn giản chỉ là người đàn ông đem đến cho họ cảm giác trọn vẹn và để họ được làm chính bản thân mình.

Hùng khiến Mai nhận ra, ngoài công việc còn có rất nhiều thứ đáng để trân trọng. Từ những mảnh ghép trái dấu, họ trở thành một nửa hoàn hảo của nhau.

Những bài học đơn giản mà thấm thía từ 'Chàng vợ của em'
Từ những mảnh ghép trái dấu, họ trở thành một nửa hoàn hảo của nhau.

Cách khai thác tình yêu của bộ phim được đánh giá rất độc đáo. Cặp đôi chưa từng gặp gỡ lần nào dần cảm mến nhau qua ngôi nhà sạch sẽ, tinh tươm, những món ăn cầu kỳ, chậu cây được chăm sóc cẩn thận, cho đến chú chó tên Heo ngày càng ngoan ngoãn và khôn hơn.

Ai cũng có giá trị của riêng mình

Mai không chịu an phận lo việc bếp núc như cô bạn thân, mà mạnh mẽ vươn lên, thoát khỏi những thành kiến và sự bao bọc để thực sự khẳng định năng lực bản thân.

Còn Hùng, anh chấp nhận đánh đổi ước mơ của mình để thay mẹ chăm sóc và nuôi dạy em gái.

Những bài học đơn giản mà thấm thía từ 'Chàng vợ của em'

Có thể, với những người đàn ông xung quanh, anh bị chê bai vì lép vế, vì nhẫn nhịn. Nhưng với Ngọc, anh là cả bầu trời yêu thương, còn với Mai, anh chính là người giúp cô nhận ra ý nghĩa và giá trị thực sự của cuộc sống.

Hạ Nguyên