Nhiều người dùng phàn nàn, sau khi đưa Uber “về chung một nhà”, Grab đã thẳng tay tăng giá cước. Đặc biệt, việc đặt xe cũng khó hơn và tài xế thường xuyên tự ý hủy chuyến.

Phải còn gần 3 tháng nữa, thương vụ Grab mua lại Uber tại Việt Nam mới có kết luận điều tra chính thức về tính pháp lý. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hành khách, hiện giá cước của Grab tăng ít nhất 25-30%. Việc đặt xe cũng khó hơn và tài xế thường xuyên tự ý hủy chuyến, gây nhiều phiền toái cho khách hàng.

Theo Tri thức trực tuyến, anh Ngọc ở quận 7 (Tp.HCM) thường lựa chọn xe công nghệ thay vì tự lái xe đến cơ quan. Trước đây, anh chủ yếu sử dụng Uber nhưng từ khi hãng này rời khỏi Việt Nam, anh đành chuyển sang đi Grab.

Anh Ngọc cho biết các cuốc xe mà anh đặt từ Grab gần đây có dấu hiệu tăng giá, thậm chí là tăng mạnh hơn so với trước. Trong khi đó, với cùng đoạn đường, cùng thời điểm đặt xe nhưng một hãng xe công nghệ khác có giá chưa đến phân nửa.

Anh Ngọc phàn nàn cùng một chặng đường từ Quận 1 về Quận 7, Grab báo giá 104.000 đồng nhưng anh chờ mòn mỏi vẫn không thấy tài xế đến. Sau khi hết kiên nhẫn chờ đợi, anh mở ứng dụng Vato (công ty Phương Trang) thì được báo giá 47.000 đồng và chỉ ít phút sau là có tài xế đến đón.

Khách hàng than thở Grab đội giá, hủy cước vô tội vạ sau khi mua Uber
Nhiều người nghi ngờ việc độc quyền trên thị trường Việt Nam khiến Grab dễ dàng tăng giá trong khi chất lượng dịch vụ lại đi xuống. (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Tương tự, chia sẻ trên Thanh niên, chị Khánh ở Quận 4 cho biết quãng đường từ Hoàng Diệu (Quận 4) đến Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3) hàng ngày chị đi làm bằng GrabCar 4 chỗ ngày trước chỉ mất từ 25.000-29.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây cũng quãng đường đó, khung giờ đó, giá cước tăng lên 36.000-39.000 đồng.

Ngoài ra, rất nhiều hành khách phản ánh từ khi sáp nhập Uber vào hệ thống, giá cước của Grab tăng ít nhất 25-30%. Thêm vào đó, việc đặt xe ngày càng khó, tài xế thường xuyên tự ý hủy chuyến.

Trong buổi gặp mặt báo chí ngày 9/5, Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim xác nhận việc hãng nhận được nhiều lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ Grab có phần đi xuống sau thương vụ mua lại Uber. Theo vị này, người dùng hay than phiền trên mạng xã hội, blog cá nhân về việc hủy chuyến cũng như thái độ, tác phong không tốt của tài xế.

Ngoài ra, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết mức phí của Grab đã tăng nhẹ so với trước đây vì xăng tăng giá liên tục và khẳng định thông tin tăng giá này đã được gửi đến email của từng khách hàng từ năm 2017.

Ông Jerry cũng cho biết thêm mức giá hãng đưa ra chỉ cao hơn vào giờ cao điểm khi cùng lúc có nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ. Ngược lại, vào các thời điểm khác trong ngày, giá vẫn ổn định như bình thường.

Sau khi Uber rời khỏi thị trường Việt Nam, giới chuyên gia đánh giá đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Trong số đó, cái tên nổi bật nhất là ứng dụng Vato do Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đầu tư, được kỳ vọng tạo sự cạnh tranh, chặn thế độc quyền của Grab. Tuy nhiên, “chào sân” đã gần 2 tháng nhưng ứng dụng này vẫn chưa chiếm được đông đảo sự quan tâm của cả khách hàng và tài xế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong thời gian ngắn, rất khó có được ứng dụng gọi xe nào đủ khả năng thay thế Uber cạnh tranh với Grab. Các doanh nghiệp Việt còn yếu ớt, tiềm lực kinh tế chưa đủ để chạy đua bằng giá, khuyến mãi như công ty đa quốc gia. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động của taxi truyền thống quá cồng kềnh, kém hiệu quả. Kết quả là sau khi Uber ra đi, Grab vẫn chưa có đối thủ.

Nguyễn Trang