Thay vì đi chơi xa, nhiều người dân ở Tp.HCM và Hà Nội đã chọn các siêu thị, trung tâm thương mại làm điểm đến để giải trí và mua sắm trong dịp nghỉ lễ 2/9. 

Theo thống kê sơ bộ của các hệ thống siêu thị tại Tp.HCM, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị tăng cao. Cụ thể, tại hệ thống các siêu thị của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opXtra và Co.op Food, sức mua tăng trung bình 20-40%. Ba nhóm ngành hàng hút khách nhất là thực phẩm tươi sống, nước giải khát và các mặt hàng hóa phẩm có khuyến mãi.

Tại Lotte Mart, lượng khách đến vui chơi và mua sắm cũng tăng đột biến trong dịp nghỉ lễ 2/9, giúp doanh thu của đại gia bán lẻ Hàn Quốc này tăng khoảng 25% so với những cuối tuần trước.

Ngoài ra, lượng khách đổ về các siêu thị lớn khác như Emart, Aeon và BigC cũng nhiều hơn ngày thường.

Sức mua tăng cao tại các siêu thị trong những ngày này một phần là do nghỉ lễ, người tiêu dùng Tp.HCM có nhu cầu mua sắm thực phẩm, đồ uống để ăn lễ; một phần do các nhà bán lẻ dồn dập tung khuyến mãi để hút khách.

Tương tự, tại các siêu thị và trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội, lượng khách tới mua sắm cũng tăng mạnh trong 3 ngày nghỉ lễ vừa qua.

dip nghi le 29 sieu thi thang lon cho truyen thong e am
Sức mua tại các siêu thị tăng trong 3 ngày nghỉ lễ. (Ảnh: VOV)

Theo Kinh tế đô thị, các khu vực mua sắm của siêu thị BigC Thăng Long luôn trong tình trạng chật cứng khách hàng. Ngay từ ngày 1/9, lượng khách đến siêu thị này đã đông hơn nhiều lần so với ngày thường. Nhân viên tại các quầy hàng phải liên tục đưa hàng mới lên kệ để phục vụ nhu cầu của khách.

Thống kê sơ bộ của siêu thị Co.op Mart Hà Nội cho thấy, trong hai ngày 1-2/9, lượng khách đến mua sắm tăng gấp đôi và doanh số tăng 40% so với ngày thường.

Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khác ở thủ đô như Vinmart, Lotte Mart, Fivimart, Aeon… cũng rất đông khách. Người mua phải xếp hàng dài để đợi thanh toán.

Trái ngược với cảnh tấp nập tại các siêu thị là tình trạng trầm lắng của các chợ truyền thống. Các chợ bán lẻ ở Hà Nội như Thành Công, Nghĩa Tân, Ngã Tư Sở… không còn cảnh người người chen nhau mua hàng như mọi ngày. Nhiều quầy hàng rơi vào cảnh ế ẩm.

Tuy nhiên, giá thực phẩm, rau củ quả vẫn ổn định. Cụ thể, giá thịt nạc thăn, sườn lợn dao động trong khoảng 110.000-120.000 đồng/kg, các loại thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò vẫn giữ mức giá khoảng 90.000-100.000 đồng/kg…

dip nghi le 29 sieu thi thang lon cho truyen thong e am
Các chợ truyền thống rơi vào cảnh trầm lắng, ế ẩm. (Ảnh: Người lao động)

Chia sẻ trên Người lao động, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Tp.HCM thừa nhận rằng khi sức mua ở chợ xuống thấp, người bán buộc phải giảm giá nếu không sẽ "ôm" hàng, đặc biệt là mặt hàng rau, thịt… nguy cơ bị lỗ rất cao. Do đó, rất ít tiểu thương dám giữ những mặt hàng này qua ngày hôm sau và phải cố gắng bán hết trong buổi chợ sáng.

Theo một đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, do dịp lễ này có nhiều ngày nghỉ nên sức tiêu thụ giảm đáng kể. Bình thường lượng hàng về chợ khoảng 2.800 tấn/ngày, nhưng trong dịp 2/9 tiểu thương đã chủ động giảm 20% do nhiều đầu mối tiêu thụ lớn như bếp ăn tập thể, trường học… không lấy hàng. Sức mua giảm khiến nhiều tiểu thương buộc phải giảm giá các mặt hàng 10-25% để mong sớm bán hết hàng.

Tổng Hợp