Hàng nông sản năm nay phục vụ Tết tại chợ đầu mối Thủ Đức – đây là chợ đầu mối nông sản lớn nhất TP. HCM – xuất hiện nhiều loại trái cây Trung Quốc nhưng có tên của Việt Nam như trái cam Canh. 

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, chủ một quầy hàng trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, nay có nhiều mặt hàng mới như cam Canh nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiểu thương chợ lẻ chọn mua hàng Trung Quốc nhiều hơn vì giá rẻ từ 50-70% so với hàng Mỹ, theo báo Tiền Phong.

Rạng sáng 18/1, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP. HCM đã kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm nhiều mặt hàng rau củ quả, trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức.

Bà Phạm Khánh Phong Lan kiểm tra nông sản chợ đầu mối Thủ Đức rạng sáng ngày 18/1. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ chủ yếu hoạt động vào ban đêm gồm 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa với các ngành hàng kinh doanh gồm rau, trái cây, hoa tươi và ăn uống, thuốc tây. Có 945 thương nhân kinh doanh.

Trong năm 2018, tổng lượng hàng nhập về chợ gần 1,4 triệu tấn, giảm 48.677 tấn so với cùng kỳ năm 2017 (-3,5%). Trong đó, lượng rau là 646.362 tấn, trái cây 688.011 tấn. Lượng hàng bình quân khoảng 3.700 tấn/ngày.

Lực lượng chức năng kiểm tra hóa đơn, nguồn gốc hàng hóa. (Ảnh: Tiền Phong)

Ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc công ty CP Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, chợ có 2 mặt hàng rất được quan tâm là trái cây và rau củ quả. Đối với trái cây ngoại có kiểm tra đầu vào, có đầy đủ giấy tờ, chứng từ mới được xuống hàng để bốc xếp vào kho. Phần lớn trái cây ngoại ở chợ đều từ Trung Quốc, chợ có phu vực riêng cho loại trái cây này.

Qua công tác kiểm tra đã lập 120 biên bản nhắc nhở các trường hợp vi phạm nội dung: không khám sức khỏe, không tập huấn xác nhận kiến thức ATTP, kinh doanh không đóng gói hàng hóa vào bao bì, chế biến, xay sả, hành, tỏi, ớt tại ô vựa không đảm bảo ATTP .

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP cho biết, đây là chợ nông sản lớn nhất TP. Có thể nói mọi hoạt động ăn rau củ quả của TP đều thông qua chợ này. Tuy nhiên, do số lượng hàng hóa quá lớn, gần 4.000 tấn/ngày nên có thể có sự trà trộn hoặc có những hàng kém chất lượng lẫn vào, theo CAND.

Do vậy để kiểm soát ATTP, theo bà Lan, hằng năm, Ban đều tăng cường lấy mẫu để đánh giá nguy cơ. Nhưng với số lượng lớn gần 4.000 tấn/ngày, nếu một mình quản lý nhà nước để đầu tư kiểm nghiệm thì không đủ. Do đó nếu chỉ “trông cậy” vào ngân sách nhà nước, chẳng khác nào “muối bỏ bể”. Chúng ta hãy học hỏi mô hình của các siêu thị, họ có hệ thống quản lý chất lượng, lấy mẫu hằng đêm để đánh giá nguy cơ.

Thanh Thanh (tổng hợp)