Chiều nay, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP đã tiếp xúc cử tri quận 2.

TP.HCM mượn bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm của ông Võ Viết Thanh Nguyên Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh: Thủ Thiêm có tới mười mấy bản đồ Chính quyền nói thất lạc, dân bức xúc công bố bản đồ gốc Thủ Thiêm

Từ 13h chiều, hội trường Trung tâm bồi dưỡng Chính trị quận 2 đã rất “nóng” khi hàng trăm cử tri quận 2 mang theo bản đồ khu đô thị Thủ Thiêm kiến nghị lên tổ đại biểu Quốc hội.

“Chúng tôi không chống đối chính quyền”

Cử tri Nguyễn Thế Vinh (82 tuổi, ngụ phường Bình An, quận 2) cho biết, năm 2014, việc cưỡng chế, giải tỏa mặt bằng bị tạm ngưng, gia đình ông cùng chục hộ dân khác thuộc phường Bình An cố gắng bám trụ lại đây, để giữ đất.

“Đất nhà tôi nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nên gia đình không đi đâu cả. Gia đình tôi đề nghị chính quyền cho xem bản đồ 1/5.000 có dấu mộc đỏ để chứng minh tính pháp lý. Chúng tôi không chống đối chính quyền, không lì lợm giữ đất để kiếm thêm tiền đền bù”, ông Vinh nói.

Người dân trình bày với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM

Cùng phản ánh vấn đề trên, bà Hồ Thị Mai bức xúc cho biết, nhà ở và cửa hàng kinh doanh của gia đình nằm ngoài khu quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm nhưng bị thu hồi từ năm 2012. Bà mong mỏi chính quyền sớm làm rõ và giải quyết dứt điểm khiếu nại kéo dài nhiều năm qua. 

Có mặt tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu trấn an cử tri Thủ Thiêm. Bà cho biết tổ đại biểu Quốc hội sẽ làm việc hết trách nhiệm, lắng nghe các kiến nghị của các cử tri.

Cử tri quận 2 mang theo bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm đến gặp tổ đại biểu Quốc hội

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội TP đang tổng hợp, lên kế hoạch giám sát và trình Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân xin ý kiến chỉ đạo về vấn đề Khu đô thị Thủ Thiêm. 

Theo ông Khuê, đoàn giám sát sẽ được tổ chức thành nhiều nhóm, đi theo những nội dung như kiểm tra tính pháp lý của dự án từ quyết định 367 của Thủ tướng dẫn đến các văn bản pháp lý để UBND TP.HCM triển khai những nội dung liên quan đến việc giải tỏa đền bù, mời gọi đầu tư, phân khu chức năng…

Người dân Thủ Thiêm tại buổi tiếp xúc.
Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2. (Ảnh: Vietnamnet)

Các chuyên gia độc lập sẽ được mời để đánh giá, giám sát dự án và làm rõ trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại. Từ nội dung giám sát, đoàn sẽ đề xuất cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm.

Báo cáo tại buổi tiếp xúc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó chủ tịch UBND quận 2 cho biết, các kiến nghị liên quan đến giải tỏa mặt bằng, khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện UBND quận đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ. 

“Từ năm 2016 đến nay, quận 2 đã tạm dừng vấn đề cưỡng chế đất của người dân để làm khu đô thị Thủ Thiêm. Chúng tôi khẳng định, hiện không có bất cứ động thái cưỡng chế nào”, ông Khiết cho hay.

Đền 18 triệu, rao bán 350 triệu/m2

Về vấn đề mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết cho rằng, việc Bộ Xây dựng dựa vào QĐ 6565 của UBND TP do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua ký thay thế QĐ 367 của Chính phủ. Điều này cho thấy, quyết định của TP không có giá trị. Từ bản đồ 1/5.000 mới ra Quyết định 367, từ đó mới ra bản đồ tỷ lệ 1/2.000.

Bà Tuyết đặt câu hỏi, việc làm quy hoạch Thủ Thiêm dựa vào QĐ 6565 liệu có đúng?

Về giá đền bù, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết phản ánh: “Tôi đã gọi lên công ty Đại Quang Minh (chủ dự án khu đô thị Sala – P.V) để hỏi tìm mua nhà ở gần nơi ở cũ, thì được thông báo giá đất trên đúng con đường này là 350 triệu/m2 và đã bán hết. Nếu cần thì năm sau công ty sẽ báo lại nhưng lên tới giá 23 tỷ/1 căn. 

Bà Lê Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Vietnamnet)

“Đền bù cho chúng tôi 18 triệu/m2, trong khi công ty bán ra thị trường giá 350 triệu/m2. Tôi nghĩ như vậy là bóc lột dân quá, đa số người dân là nghèo, thiểu số mới là giàu”.

Từ đó, cử tri này đề nghị, nếu công ty Sala bán ra 350 triệu/m2 thì phải đền bù cho người dân ít nhất 50 triệu/m2, vì đây là đền bù theo thỏa thuận…

Yêu cầu công khai bản đồ 1/5.000

Cử tri Lê Thị Ngọc Nga, ngụ tại số 11/1 Lương Định Của, phường Bình Khánh, quận 2 đặt câu hỏi: UBND.TP có trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh ranh qui hoạch khu đô thị Thủ Thiêm hay không? Cho dù TP có điều chỉnh cũng phải nằm trong ranh qui hoạch theo quyết định 367 của Thủ tướng. 

Bà Nga yêu cầu, giờ lãnh đạo cũ của thành phố đã trưng ra bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000. Vì vậy, đề nghị thành phố trưng ra bản đồ cho người dân xem, việc thu hồi đất có đúng pháp luật hay không? Nếu không đúng thì yêu cầu trả lại đất cho chúng tôi.

Cử tri Nguyễn Ngọc Thanh khóc, trình bày: gia đình mua căn nhà giá 50 chục cây vàng để ở, sau này chính quyền nói gia đình trong quy hoạch, được đền bù 94 triệu đồng. Sau đó, bố trí gia đình tới ở 1 chung cư, nhưng phải bỏ thêm 800 triệu mới được vào ở.

“Gia đình tôi đâu có nằm trong quy hoạch mà giải tỏa, tôi yêu cầu trả lại căn nhà ở phường An Khánh để sinh sống, hoặc một chỗ khác ổn định hơn”, bà Thanh yêu cầu. 

10 năm đi kiện, xin trở lại đất cũ. (Ảnh: Vietnamnet)

lại đất cũ Cử tri Lê Thị Hồng Vân (phường An Khánh) cho biết, 10 năm đi khiếu kiện từ trung ương đến địa phương về các vấn đề nhà đất. Bà cho rằng nhà mình không nằm trong quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm nhưng vẫn bị thu hồi, không có quyết định thu hồi đất. Gia đình 6 người phải ở thuê trong một căn nhà dột nát, gần sập, rất nguy hiểm.

Bà Vân cho rằng gia đình bà phải được tái định cư tại chỗ. Nếu chính quyền không giải quyết, lỡ có chuyện gì, chính quyền phải chịu trách nhiệm?

Đề nghị thanh tra toàn bộ khu đô thị Thủ Thiêm 

Cử tri Nguyễn Phi Thường, cho rằng, chính quyền quận 2 và TP.HCM cần nhìn ra cái sai của mình để giải quyết cho nhân dân. 

Cử tri Nguyễn Phi Thường đề nghị thanh tra toàn diện dự án khu đô thị Thủ Thiêm.

“Tính pháp lý khu đô thị Thủ Thiêm chỉ có một, không có hai. Chúng tôi không có khó khăn gì với cán bộ cả, chịu khổ cũng đã nhiều năm rồi. Lãnh đạo chính quyền phải nhìn thấy cái sai của mình để cùng ngồi lại với nhân dân.

Cử tri này đề nghị, trường hợp lãnh đạo TP không đứng ra trả lời cho người dân rõ ranh quy hoạch đô thị Thủ Thiêm…thì đề nghị Thủ tướng, Quốc hội chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào thanh tra toàn diện khu đô thị Thủ Thiêm để trả lời cho người dân được rõ.

“Chết không có nhà làm đám ma; đồng tiền làm biến dạng Thủ Thiêm” 

Bà Phạm Thị Bạch Tuyết (đường Lương Định Của) cho rằng, việc dân bám đất, bám phố không đi vì quá trình đền bù, giải tỏa còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

“Diện tích đất nhà tôi rộng 3.787 m2, trong quá trình quy hoạch, được thông báo tiền đền bù là 150.000 đồng/m2, nhận về khoảng 571 triệu đồng. Chúng tôi tưởng thu hồi làm công trình Nhà nước thì sẵn sàng hiến đất. Nhưng thực tế lại xây nhà cao tầng, phân lô bán nền, bán nhà. Với số tiền đền bù như vậy dân Thủ Thiêm có những người đến chết không còn nhà để làm đám ma”, bà Tuyết bức xúc. 

Cử tri Nguyễn Thị Ngọc Mỹ: “Tôi đồng tình với quan điểm đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm”. (Ảnh: Vietnamnet)

Cùng vấn đề này, cử tri Nguyễn Ngọc Mỹ cho rằng, 22 năm trước quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mang tính nhân văn, phân rõ khu vực trung tâm và tái định cư cho người dân Thủ Thiêm, chứ không phải lấy thêm đất của dân ngoài ranh, còn khu tái định cư thì phân bổ rải rác nhiều nơi.

Cử tri này cho hay, rất tâm đắc ý kiến của cựu Chủ tịch TP.HCM Võ Viết Thanh: “đồng tiền đã làm biến dạng quy hoạch Thủ Thiêm”.

“Tôi đồng ý với ý kiến này. Bởi từ khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm đến nay còn dở dang, đất được giao cho nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, bán hàng trăm triệu/m2. Trong khi nhà tôi bị thu hồi, được bồi thường chỉ 200.000 đồng/m2”, bà Mỹ bức xúc nói.

Bà Nguyễn Mỹ Ngọc, phường An Khánh bức xúc vì hơn 10 năm qua đi khiếu nại chưa được giải quyết. (Ảnh: Vietnamnet)

Đề nghị làm rõ tuyến đường siêu đắt: 1km giá 1000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Tiến Thịnh (phường Thành Mỹ Lợi) yêu cầu Quốc hội giám sát 4 tuyến đường Đại Quang Minh. Được biết chỉ dài chưa đầy 12km nhưng tuyến đường này có mức giá ‘khủng”: 12 nghìn tỷ đồng.

“Có thể nói đây là con đường dát vàng…1km hơn 1.000 tỷ đồng. Đề nghị TP.HCM cho biết đổi đất cho Đại Quang Minh là bao nhiêu? Ngoài ra, sau hơn 15 năm dự án khởi động, người dân chưa thấy quảng trường, khu vui chơi, bệnh viện, trường học… đâu, mà chỉ thấy mọc lên nhà cao tầng, villa” – lời cử tri Thịnh 

Ông Thịnh đề nghị phải cho thanh tra, kiểm tra lại các dự án đang được xây dựng tại Thủ Thiêm.