Trong báo cáo vừa công bố, ADB đánh giá kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức trên 7% trong năm nay, nhưng ngân hàng này cũng khuyến cáo Việt Nam về 2 thách thức lớn.  

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 11/4 công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2018 (ADO), trong đó dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ cao là 7,1% trong năm nay trước khi hạ nhiệt còn 6,9% vào năm 2019.

ADB cũng dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ đứng ở mức bình quân 3,7% trong năm 2018 và tăng lên 4% trong năm 2019 do sức cầu nội địa mạnh lên và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2018 và trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.

Những yếu tố thúc đẩy kinh tế Việt Nam năm nay, theo ông Eric Sidgwick, là sự tăng trưởng mạnh của lĩnh vực chế biến chế tạo và xuất khẩu, cùng với đó là sự gia tăng của tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của cả khối doanh nghiệp FDI và trong nước, cũng như cải thiện của lĩnh vực nông nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Aaron Batten của ADB, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt được khi các động lực tăng trưởng kinh tế trên hội tụ vào cùng một thời điểm.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục gặp những thách thức, trong đó thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại là những khó khăn chủ yếu.

Theo phân tích của ADB, kim ngạch thương mại hàng năm của Việt Nam đã vượt mức 185% GPD, khiến Việt Nam trở thành quốc gia phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai tại Đông Nam Á, sau Singapore.

Ngoài ra, Việt Nam ngày càng có sự liên đới với các thị trường Mỹ và Trung Quốc, do đó nếu 2 cường quốc này xảy ra sự cố nghiêm trọng về thương mại có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với lĩnh vực xuất khẩu và tiếp đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Một thách thức khác là vấn đề về thiếu hụt nhân lực chất lượng, vì đây là một trong những động lực chính thu hút nguồn vốn FDI và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

ADB cho rằng dân số Việt Nam đã bắt đầu già hóa, dẫn đến những trở ngại trong huy động nguồn lao động trẻ và việc thiếu lao động có kỹ năng sẽ là trở ngại rất lớn trong đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy Việt Nam thời gian qua đã huy động được nguồn cung lớn nhân lực trẻ, được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng nền kinh tế đang dần trở nên phức tạp hơn, nếu không khắc phục được tình trạng sự thiếu hụt lao động kỹ năng sẽ là một rào cản lớn cho tăng trưởng.

Minh Tuệ tổng hợp