Nếu học vấn không phải là tấm vé thông hành duy nhất cho tương lai, thì đâu mới là điều quan trọng nhất và nền tảng nhất để con em chúng ta trở thành người thành đạt?

Trong bài viết này, người viết trân trọng giới thiệu đến quý độc giả ba phẩm cách đạo đức và tinh thần sống chuẩn mực trên thế giới, đó là: Tinh thần quý tộc châu Âu, tinh thần võ sĩ đạo, và tinh thần quân tử Nho gia.

Chúng tôi tin rằng nếu con em chúng ta học tập và làm được dẫu chỉ là một phần trong những tinh thần ấy, thì có hy vọng sẽ trở thành một quý ông thành đạt. Cho dù không thành danh trên thương trường thì vẫn sẽ thành công với lối sống chuẩn mực và đạo đức cao thượng.

Tinh thần võ sĩ đạo

Tinh thần võ sĩ đạo (Bushido) còn được gọi là tinh thần Nhật Bản. Đây chính là phẩm chất từng giúp một dân tộc bại trận sau chiến tranh quật khởi thành siêu cường thứ hai trên thế giới chỉ sau 50 năm. Điều đáng ngạc nhiên là bên thắng trận lại là người tán dương tinh thần võ sĩ đạo này. Tổng thống Mỹ Roosevelt năm đó vì quá ấn tượng với cuốn sách “Bushido – tinh thần của Nhật Bản” nên đã hào phóng mua 60 quyển tặng gia đình và bạn bè. 

Trong sách, tác giả Nitobe Inazo đã giải thích về ý nghĩa của “Võ sĩ đạo” (Bushido) – vốn là bộ các quy tắc ứng xử của Samurai trong công việc và cuộc sống thường ngày. Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng Nitobe đã lãng mạn hóa sự yêu mến dành cho tầng lớp võ sĩ nay đã không còn, nhưng không thể phủ nhận rằng công trình nghiên cứu của ông được thực hiện một cách nghiêm túc và chính xác dựa trên những tôn chỉ về nhân cách có từ hàng ngàn năm trước, khởi nguồn cho cách hành xử nghĩa hiệp của hầu hết các Samurai. 

Vậy điều gì đã khiến một tinh thần cổ xưa đem lại giá trị lớn lao ngần ấy cho người Nhật? Đó là sự nhấn mạnh về tâm chính nghĩa, lòng dũng cảm, sự nhân từ và những giá trị đạo đức của một người đàn ông chân chính – một võ sĩ Samurai.

Sau khi du nhập một lượng lớn tinh hoa văn hoá nhà Đường từ hơn 1000 năm trước, người Nhật đã chọn lọc những phẩm chất quan trọng trong học thuyết Nho giáo để xây dựng nên các nguyên tắc Bushido. Có lẽ vì thế mà những người am hiểu về thuyết quân tử của Khổng giáo sẽ không thấy xa lạ với các phẩm chất Bushido. 

Có bảy nguyên tắc của Bushido được trình bày như sau:

Nghĩa

Nếu như Khổng Tử coi đức Nhân là quan trọng nhất trong Ngũ đức, thì người Nhật lại đề cao chữ Nghĩa khi xây dựng nguyên tắc Bushido. Điều này cũng dễ hiểu khi Bushido là quy tắc ứng xử dành cho giai cấp võ sĩ vốn dĩ cần sự mạnh mẽ và thượng võ.

Nhưng chữ Nghĩa trong Bushido không chỉ đề cập đến tinh thần thượng võ, mà quan trọng nhất là nói về sự chính trực cá nhân. Chính trực hoặc công bằng là phẩm chất phải có đầu tiên của một Samurai. Một Samurai nổi tiếng đã định nghĩa nó như sau: “Sự chính trực là khả năng của một người quyết định đường hướng lãnh đạo thích hợp mà không hề nao núng, sẽ chết khi cần phải chết, sẽ chiến đấu khi cần phải chiến đấu”.

Đề cao sự chính trực là để đảm bảo các quy tắc của Bushido được thực hiện đúng đắn. Người chính trực sẽ luôn làm điều mà anh ta cho là chính nghĩa và hợp với đạo lý. Nó đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn minh chủ để tôn thờ cho đến hơi thở cuối cùng.

(Ảnh minh họa: cellcode.us)

Dũng

Chữ Dũng đặt sau Nghĩa làm nổi bật thêm phẩm chất và sự mạnh mẽ của các võ sĩ. Người Samurai cần phải có tinh thần của một người anh hùng. Điều này không có nghĩa là mạo hiểm và đánh đổi mạng sống của mình, mà là ý nói về tinh thần cầu tiến luôn xông về trước để trải nghiệm ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời. Một Samurai không dám tiến về trước và đương đầu với khó khăn thì bị coi như là người đã chết. 

Dũng cũng không phải là mù quáng và cực đoan, vì một Samurai thì cần phải thông minh và mạnh mẽ. Samurai thay nỗi sợ bằng dũng khí, nhưng luôn hành sự cẩn trọng và tôn trọng nghĩa khí. Vì thế đối với một Samurai, chết không đáng sợ mà phải chết cho xứng đáng với tinh thần Bushido, với đức Dũng. Chết vì một nguyên nhân không xứng đáng được gọi là cái chết của một con vật. Đức Dũng của Samurai có thể xem như là “Sự can đảm thật sự để sống khi đáng sống, và chỉ chết khi thật sự phải chết”.

Nhân

Nhân tuy chỉ được xếp thứ ba sau Nghĩa và Dũng, nhưng vị trí này cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của Nho giáo lên văn hóa và tinh thần võ sĩ Nhật Bản. Vì ngoài Nghĩa và Dũng thì một võ sĩ Nhật phải có đức Nhân. Mà chữ Nhân trong Nho giáo lại là mục đích cao nhất phải đạt đến của người quân tử, là tiêu chuẩn rất cao dùng cho giới sĩ phu trong thời cổ đại. 

Đức Nhân là:

– Điều gì mình không muốn thì không làm cho người khác (“Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”). 

– Luôn khống chế bản thân, giữ gìn lễ nghi (“Khắc kỷ phục lễ vi nhân”).

– Người quân tử, nếu rời bỏ đức Nhân thì sao xứng với danh quân tử? (“Quân tử khứ nhân, ô hồ thành danh”).

Võ sĩ Nhật Bản cần có sự kết hợp giữa văn và võ, người võ sĩ phải văn võ toàn tài. Có lẽ nhờ điều này mà hậu thế đã chứng kiến nhiều danh họa và thi nhân, vĩ nhân Nhật Bản thời cổ lại đồng thời là một võ sĩ nổi tiếng.

Ví dụ như Miyamoto Mushashi, người được xưng tụng là “đệ nhất kiếm thánh Nhật Bản mọi thời đại” cũng đồng thời là triết gia, hành giả Thiền tông và đại sư điêu khắc, thư pháp gia, và tác gia nổi tiếng.

Miyamoto Musashi khi sung mãn nhất, đang cầm hai thanh Bokken (một loại kiếm bằng gỗ của Nhật Bản sử dụng trong luyện tập). (Ảnh: wikipedia.org)

Lễ:

Lễ là một trong ngũ đức rất quan trọng được xếp ngay sau đức Nhân. Khổng Tử từng giảng: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”, người khống chế bản thân tốt và giữ gìn lễ nghi sẽ đạt đến đức Nhân. Vì thế lễ nghi là một phần vô cùng quan trọng đối với các Samurai, vì điều đó thể hiện lòng tôn trọng và sự tu dưỡng để trở thành con người chân chính, làm một người quân tử có văn hóa và giáo dưỡng.

Tuy nhiên Lễ Nghi không phải là phương tiện thực hành bề mặt để tránh làm mất lòng người khác, mà phải xuất phát từ sự thông cảm cho người khác, biết nghĩ cho người khác. Các Samurai cho rằng: “Lễ nghi cao nhất là gần gũi nhất với lòng nhân”. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Samurai không cần thiết phải tàn nhẫn để chứng minh sức mạnh của mình. Ngay cả với kẻ thù độc ác nhất thì các Samurai cũng tôn trọng theo lễ nghi trước khi dùng sức mạnh. Họ cho rằng nếu không có phẩm chất đó thì người Samurai cũng không hơn con thú. Trong các cuộc xung đột, các Samurai càng phải bảo trì sức mạnh khống chế nội tâm để có thể giành chiến thắng một cách hoàn hảo.

Thành:

Khổng Tử giảng: “Thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Thành ý là một trong những việc mà người quân tử cần phải tuân theo để tu dưỡng bản thân. Vì thế nên người Samurai đã nói là làm, không gì khác có thể cản trở, không cần phải nhiều lời, không cần hứa gì thêm. Những gì Samurai nói ra sẽ được đảm bảo thực hiện.

Danh dự

Cuộc đời Samurai là quá trình tu dưỡng theo các quy tắc Bushido, sao cho bản thân luôn xứng đáng với đẳng cấp và giai cấp của mình. Vì thế mà danh dự vô cùng quan trọng đối với Samurai. Họ có thể chấp nhận mất đi sinh mệnh chứ không muốn mất danh dự. Với các Samurai, người duy nhất chịu trách nhiệm phán xét cho danh dự chính là bản thân họ. Vì mỗi hành động và quyết định đều sẽ phản ánh nội tâm của bản thể. Chúng ta không thể trốn tránh chính mình. Các Samurai cũng vậy, sẽ luôn chịu trách nhiệm cho những gì họ làm vì danh dự của bản thân.

Trung Nghĩa

Bên cạnh đức Nghĩa ở vị trí đầu tiên trong quy tắc Bushido, vị trí thứ bảy lại nhấn mạnh hơn về lòng trung thành. 

Các Samurai thờ chủ trọn đời và hiến dâng cả sinh mệnh của mình cho chủ nhân, nên lòng trung nghĩa được xem là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất mà một võ sĩ phải có. Trong cuộc xung đột giữa lòng trung thành và tình cảm, các võ sĩ không bao giờ có được sự lựa chọn khác ngoài lòng trung thành. Samurai chịu trách nhiệm cho hành động của họ, trung thành với lãnh tụ, và là tấm gương cho cấp dưới của mình.

Bên cạnh tinh thần võ sĩ Nhật Bản, còn có một phẩm đức khác không chỉ là tinh hoa của phương Đông, mà còn vô cùng gần gũi và quen thuộc với người Việt. Đó chính là tinh thần quân tử Nho gia sẽ được tiếp tục giới thiệu trong phần tiếp theo.

Tĩnh Thủy
(Còn tiếp)

Bạn đang đọc bài viết: “Không cần điểm cao ở trường, hãy dạy con tinh hoa truyền thống để trở thành quý ông thành đạt (P.2)” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||9983cd854__