Gần đây, tôi có tham gia một loạt huấn luyện có liên quan tới công việc, thời gian mỗi đợt huấn luyện không dài, chỉ 1 tiếng 15 phút. Buổi học hôm trước, thầy giáo bỏ ra khoảng 15 phút để mọi người tự đánh giá kinh nghiệm sơ bộ của bản thân.

Chúng tôi xếp thành một hàng, thầy giáo chuẩn bị 7, 8 vấn đề và lần lượt đọc cho mọi người, vị trí ở trong hàng là đại biểu cho việc tự đánh giá về kinh nghiệm của mình. Đứng ở vị trí đầu hàng là thể hiện rằng mình tự nhận bản thân có kinh nghiệm về phương diện nào đó, đứng ở vị trí cuối hàng là thể hiện rằng mình đối với phương diện đó không có kinh nghiệm gì.

Khi nghe thầy giáo giải thích trò chơi nhỏ này, tôi cảm thấy không cần thiết, lãng phí mất 1/5 thời gian của trò chơi, chi bằng nói nhiều hơn một chút về phương diện khác. Hơn nữa, kiểu đánh giá này tồn tại rất nhiều nhân tố không hợp lý, ví dụ, tôi làm sao mà biết được những kinh nghiệm của người khác? Không hiểu rõ người khác, tôi làm sao mà đánh giá được vị trí của mình, mà cho dù cuối cùng có tìm được ra đánh giá rõ ràng đi nữa, thì cũng có tác dụng gì? Nhưng, thầy giáo ở trên bục giảng đã bắt đầu lần lượt đọc đủ loại vấn đề, tôi phát hiện ra cách nghĩ của mình là sai. Những vấn đề đó bình thường tôi đều rất ít cân nhắc, nghe thì rất đơn giản, nhưng để tự mình tìm ra đánh giá chuẩn xác, tìm đúng vị trí của mình trong hàng thì thật không hề dễ dàng.

Ngay từ đầu, tôi đứng ở vị trí trung tâm của hàng, mỗi khi nghe được một vấn đề, tôi gần như đều dịch chuyển về phía sau một chút. Cũng không phải là khiêm tốn, mà vì khi cân nhắc những vấn đề đó, tôi liền nhớ ra đủ loại thiếu sót, nên cảm thấy kinh nghiệm đối với điểm này của mình không đủ để lấy ra mà nói. Những đồng nghiệp bên cạnh tôi thì không như thế, đa số họ đều rất sôi nổi, đặc biệt là hai người bạn Hoa Kỳ của tôi, hai cô ấy cười rất tươi, lúc thì chạy đến vị trí đầu tiên của hàng, lát sau lại chạy tới vị trí cuối cùng của hàng, khiến cho không khí rất vui vẻ. Đến khi toàn bộ vấn đề được đọc xong, tôi đã đứng ở vị trí cuối cùng nhất của hàng.

Thầy giáo nhìn tôi một lát, vừa cười vừa hỏi: “Chẳng lẽ em tự đánh giá bản thân mình đến một chút kinh nghiệm cũng không có sao?”.

Tôi trả lời: “Em tự thấy mình có một chút kinh nghiệm, nhưng cảm thấy những kinh nghiệm đó chỉ sơ sài và không đủ để nói, trước đây cũng chưa từng tự mình tiến hành đánh giá, cho nên nghiêm túc mà nói em cũng không biết bản thân mình rốt cuộc là đang ở độ cao nào?”

Thầy giáo tỏ vẻ đã hiểu và nói: “Điều này cũng rất thường thấy, rất nhiều người đối với những vấn đề bên ngoài, không liên quan đến mình thì thường phán đoán rất chính xác, nhưng một khi đề cập về bản thân mình, lại thường cảm thấy rất mơ hồ, không rõ ràng.”

Tôi nghĩ, bình thường mà nói, mỗi người ở tại chiếc thang của cuộc đời mình đều hướng lên phía trên mà leo, giống như tuổi tác tăng lên, tích lũy được những kinh nghiệm, sự nghiệp phát triển, tư tưởng khoáng đạt rộng mở, nội tâm trầm tĩnh… những điều này đều được xem là tiến lên. Song có điều, những bước tiến này chỉ là so sánh với quá khứ của bản thân hoặc so sánh với người khác. Nên dường như mọi người đều cảm thấy thỏa mãn, thậm chí rất đắc chí. Nhưng nếu chiểu theo trình độ rộng lớn ở bên trên mà nói thì chính là đang bị mất phương hướng. Vì bận rộn với cuộc sống nên có rất ít người có thể tĩnh tâm để đánh giá về bản thân mình một cách lý trí và khách quan.

Trên chiếc thang cuộc đời, rốt cuộc mình đang đứng ở độ cao nào? Không phải là so sánh với quá khứ của bản thân hay so sánh với người khác, mà là so sánh với cảnh giới tư tưởng cần phải đạt tới.

Theo Đại Kỷ Nguyên Đài Loan

Biên dịch: Mai Trà, biên tập: Tiểu Thanh, Công Lý

Xem thêm: