Những ngày đầu của tháng 9 mùa thu, không khí của ngày tựu trường thấm đượm khắp nơi trên dải đất hình chữ S thân thương. Những chùm bóng bay, những bông hoa đủ màu sắc vui vẻ nhảy nhót trong những bàn tay nhỏ, đón chào một năm học mới. Nhưng không phải ở tất cả mọi nơi, không khí của ngày khai trường đều bình yên như thế. 

Ngày khai trường đối với mỗi bé thơ dường như là một trong những ngày đặc biệt nhất của năm, ngày mà bao cảm xúc đan vào nhau, vừa luyến tiếc, vừa háo hức đón chờ. Các em sẽ phải chào tạm biệt với một mùa hè bay nhảy tự do nhưng thay vào đó, các em được gặp lại bạn bè, thầy cô và chuẩn bị cho mình tâm thế để bắt đầu một chuyến hành trình mới. Hành trình ấy sẽ có khó khăn, nhưng sẽ có rất nhiều điều mới mẻ, thú vị đón chờ. 

Nhưng trên dải đất chữ S thân thương, không phải cô bé, cậu bé nào cũng có may mắn được tựu trường trong cái nắng dịu nhẹ của mùa thu. Ở những vùng mà nước lũ vừa đi qua, ngày khai trường tưởng như đã không thể “đến đúng giờ”. 

Mưa lũ, bùn đất đi qua trường em

Cuối tháng 08 vừa qua, những cơn mưa lũ lớn đã bất ngờ kéo về các tỉnh phía bắc nước ta. Dòng nước dữ đã làm sập một cây cầu bê-tông ở Phú Thọ, đất đá theo dòng nước mà sạt lở, vùi lấp cả một phần quốc lộ 6 ở Sơn La. Cơn lũ như mang theo sự giận dữ của thiên nhiên, cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó. Để rồi để lại là nước ngập, bùn đất phủ khắp mọi nơi, những căn nhà đổ nát. 

Mưa lũ lớn bất ngờ kéo về các tỉnh miền núi phía Bắc cuối tháng 8 vừa qua (Ảnh: soha)

Ngôi trường của các em cũng không thoát được cơn lũ dữ. Dù đã gần đến ngày khai trường, bùn đất vẫn ngổn ngang bề bộn trong sân của trường Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Ngôi trường như bị phủ một tấm màn màu đỏ gạch. 

Sân trường Nà Ớt ngập trong bùn lũ (Ảnh chụp màn hình)

Nước và bùn theo nhau vào tận lớp học. Các thầy cô phải dùng đến máy bơm nước để dẫn nước ra ngoài. Rồi lại hì hụi cùng nhau dồn bùn ra khỏi lớp. 

Chồng sách vở chuẩn bị cho năm học mới giờ cũng ướt sũng, cũng phủ một lớp dầy bùn lũ. Ở nơi xa xôi cách trở này, một cuốn sách, một cuốn tập là điều gì đó quý lắm. Chúng chứa đựng mọi ước mơ của các em. Ước mơ được đi ra thế giới bên ngoài, nhờ những con chữ, những bài giảng của thầy cô. 

Sách vở đều ướt hỏng vì nước lũ (Ảnh chụp màn hình)

Cơn lũ còn chơi trốn tìm với các thầy trò vùng cao Sơn La ấy. Các thầy cô vừa cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ ngôi trường, chuẩn bị cho ngày khai giảng. Tưởng như mọi chuyện đã qua, bình yên đã về. Vậy mà, hai ngày sau, một cơn lũ dữ nữa lại về ngay trước giờ cơm trưa. Cơm chưa kịp ăn, cả thầy cả trò phải tháo chạy lên tầng 2, tầng 3 của trường để tránh lũ. Các thầy cô cho biết, dù mọi người luôn trong tinh thần sẵn sàng đón lũ nhưng dường như chưa có trận lũ nào về mạnh và bất ngờ như thế. Và rồi khi cơn lũ rời đi, mọi thứ lại thành tan hoang, ngổn ngang như khi trận lũ đầu tiên tìm đến. 

Ngày khai giảng giữa mênh mông nước lũ

Sáng 05 tháng 09 vừa qua, dù cơn lũ mới đi qua, nhưng trẻ em của các tỉnh vùng núi phía Bắc vẫn cố gắng đến trường để dự lễ khai giảng. Nhiều nơi, các thầy trò phải vượt dòng nước lớn để đến được điểm trường. Có những nơi, các em phải ngồi trong túi ni-lông để người lớn kéo qua con suối rộng. 

Các học sinh miền cao chuẩn bị vượt suối đến khai trường (Ảnh: laocai.tintuc)
Thầy và cha giúp các em nhỏ vượt suối (Ảnh: laocai.tintuc)

Đó là câu chuyện của 50 học sinh ở bản Nà Ui của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) mà phóng viên báo Dân Việt đã ghi lại được. Những hình ảnh khiến người xem vừa cảm phục sự ham học của các em, nhưng vừa xót xa, lo lắng. 

Lũ lên, con suối Pá Đành quen thuộc cũng trở nên dữ dằn hơn. Dòng nước đỏ đục chảy xiết khiến những cô cậu học trò nhỏ không thể một mình tới lớp. Các em phải cậy nhờ đến sự giúp sức của cha mẹ, thầy cô. Để giúp các con, người lớn đã kết những chiếc bè tre và dây thừng để chở học trò sang suối. Cây cầu tre bắc qua suối đã bị dòng nước mang đi rất xa rồi.

Có nơi, phụ huynh kết những chiếc bè tre để đưa trẻ đến trường (Ảnh: laocai.tintuc)

Còn có những gia đình, để con em có thể đến trường ngày khai giảng, cha mẹ đã nghĩ ra cách, cho đồ dùng của con vào túi ni-lông, rồi ngay cả các con chui vào những chiếc túi ni-lông lớn ấy để cha kéo qua con suối dữ. Mọi người đã dùng tất cả những phương tiện có được để đưa các con tới trường. 

Cũng có nơi, cha mẹ cho con vào túi bóng để đưa qua suối (Ảnh: laocai.tintuc)

Ở một điểm trường khác của Lai Châu, ngày khai giảng của 600 học trò cùng thầy cô diễn ra ngay bên bờ suối. Do điểm trường Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (Lai Châu) không có sân, nên nhà trường đã nhờ một doanh nghiệp san bằng cho khoảnh đất bên suối này để dành riêng cho ngày khai giảng.

Tại một điểm trường khác, các học sinh làm lễ khai giảng bên bờ suối (Ảnh: Kênh 14)

May mắn thay, trong ngày tựu trường, khoảng sân ấy vẫn còn nguyên vẹn. Ông Lý Chùy Hừ – Chủ tịch UBND xã Tà Tổng cho hay: nếu mưa lớn hay lũ qua, khoảng sân này cũng sẽ chìm trong nước suối.

Khu đất này may mắn không bị dòng suối “nuốt chửng” ngày khai giảng (Ảnh: Kênh 14)

Lòng hiếu học của trò và tình thương của thầy

Tuy vất vả, khó khăn là thế, nhưng lạ thay, trên khuôn mặt những cô cậu học trò nhỏ miền cao vẫn hiện rõ niềm vui, niềm hân hoan khi được tới trường.

Có lẽ, các em nhỏ ở đây đã quen với cảnh sông nước, quen với những trận lũ, những đoạn đường đến trường đầy gian nan. Nên, những khó khăn này không khiến các em nản lòng. Niềm vui khi được gặp bạn, gặp thầy cô, được học cái mới vẫn khiến các em hào hứng trở lại trường. 

Tuy khó khăn, trẻ con miền núi vẫn háo hức được đến trường (Ảnh: Kênh 14)

Hơn ai hết, các thầy cô giáo có lẽ là những người thấu hiểu nhất, tấm lòng ham học của học trò. Phải chăng vì sự thấu hiểu ấy, và cũng vì nghĩ tới tương lai của các em, các thầy cô đều rất cố gắng để mang lại điều kiện học tốt nhất cho các học trò của mình. Dù phải vất vả lau dọn trường trong ngày nghỉ lễ, dù phải cõng bàn lội qua dòng nước xiết, các thầy cô giáo đều sẵn sàng làm hết sức mình. 

Các thầy giáo cõng bàn qua suối dữ để chuẩn bị cho ngày khai trường (Ảnh chụp màn hình)

Hy vọng rằng, sự nỗ lực của trò vượt mưa lũ khi đến lớp, sự nỗ lực của các thầy cô khi chuẩn bị trường lớp để đón trò, tất cả sẽ trở thành động lực, thành nguồn động viên mà thầy trò dành cho nhau. Để rồi, trong năm học tới này, thầy cô sẽ cố gắng để trao cho trò không chỉ những con chữ, mà cả bài học làm người. Còn trò, cũng không chỉ học để lấy kiến thức, mà còn cố trau dồi những điều tốt đẹp bên trong mình. 

Hy Văn