Nạn buôn thuốc giả gần đây là đề tài đang được người tiêu dùng rất quan tâm và lo lắng. Bởi lẽ, họ rất khó mà nhận biết được rằng đâu là thuốc giả đâu là thật. Điều này thực sự là mối nguy hại vô cùng lớn cho sức khỏe.

Thuốc giả không còn là vấn đề mới với cộng đồng trên toàn thế giới. Riêng Việt Nam thì gần đây, sự kiện VN Pharma buôn bán thuốc giả, làm giả giấy tờ, chứng từ để hợp pháp hóa 9.300 hộp thuốc giả chống ung thư, trị giá hơn 5 tỷ đồng, nếu không bị phát hiện ra thì nghiễm nhiên sẽ được sử dụng cho rất nhiều bệnh nhân ung thư trong các bệnh viện. Đó chỉ là một ví dụ trong vấn nạn buôn bán thuốc giả.

WHO: 200.000 người chết vì thuốc giả mỗi năm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo trên toàn cầu: mỗi năm có khoảng 200.000 người chết vì uống phải thuốc giả, đó là con số được thống kế, trên thực tế thì không dừng lại ở con số 200.000. Các chuyên gia WHO cũng nhận định rằng, doanh số từ thuốc giả lên đến 93 tỉ euro trên thị trường toàn cầu năm 2015, tăng 26% so với năm 2010, và con số của năm 2017 có thể sẽ không giảm. Đặc biệt, 50% các trường hợp mua bán thuốc trên internet đều là thuốc giả. Còn ở thị trường truyền thống, thuốc giả có mặt ở các hiệu thuốc, chợ thuốc, thậm chí trong các bệnh viện nếu như không được phát hiện kịp thời…

WHO cũng khẳng định, tính trung bình trên thế giới hiện nay thì thuốc giả chiếm ít nhất 10% trên thị trường tân dược. Kết quả điều tra của chuyên gia y tế công cộng Guarvike Nayyar thuộc Hội Dược phẩm Mỹ được đăng tải trên tạp chí về Y học và Vệ sinh nhiệt đới của Mỹ hồi tháng 8 vừa qua cũng cho thấy, khoảng 30% thuốc ở châu Phi là giả và 15% ở châu Á là thuốc giả hoặc dưới tiêu chuẩn. Ông Guarvike Nayyar cho biết, ngay cả thuốc chống sốt rét cũng bị làm giả.

Hơn 1/3 thuốc sốt rét được xét nghiệm trong thập kỷ qua tại Đông Nam Á và vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi cho thấy là thuốc giả hoặc kém chất lượng, không thể giúp ngăn ngừa và chống căn bệnh sốt rét. Thậm chí có trường hợp, bệnh nhân sốt rét đã bị tử vong do thuốc không có tác dụng chữa bệnh.

Thuốc giả nguy hại hơn ngàn lần tác dụng phụ thông thường

PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa (bên phải) – (Ảnh qua Hup.edu)

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội – nguyên Giám đốc Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR): nếu tác dụng phụ của thuốc thật, thuốc chuẩn nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lại lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.

Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, chúng còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân và trong rất nhiều trường hợp thuốc giả gây ra tác hại to lớn như gây ra các phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc. Các thuốc giả, thuốc nhái này có thể chứa bất cứ thành phần nào từ phấn bảng, bê-tông nghiền, acid boric hoặc những chất khác và được bán như thuốc thật.

Bên cạnh đó, khi uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người uống cũng hay gặp phải tình trạng dị ứng thuốc. Các phản ứng dị ứng có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc 15 – 30 phút hoặc một vài ngày. Các phản ứng dị ứng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhẹ nhất là sự kích ứng, các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ như: buồn nôn, ói mửa cho đến các trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, điển hình như shock phản vệ… gây nguy hiểm cho người dùng.

Lời khuyên dành cho bạn đọc

Với tình hình thuốc giả thuốc thật khó mà phân biệt được, mà tác hại của thuốc giả thì quá lớn, đúng là tiền mất tật mang, chúng ta nên làm gì để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng của nó? Đối với người tiêu dùng, có thể giảm thiệu việc dùng thuốc giả bằng cách:

– Chỉ mua thuốc tại nhà thuốc, nếu là nhà thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) càng tốt. Tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, bán kiểu trao tay.

– Khi mua thuốc cần quan sát kỹ món thuốc. Nếu là loại thuốc đã quen dùng, cần xem kỹ bao bì, dạng bào chế (dạng viên nén, viên nang…), mùi vị thuốc khi uống. Nếu có sự nghi ngờ như bao bì đóng gói kém chất lượng, nhãn mác kém thẩm mỹ hơn so với trước đây, viên thuốc có sự khác biệt với thuốc quen dùng, mùi vị thuốc uống không như trước… thì có nguy cơ rất lớn là thuốc giả. Lúc này không nên dùng thuốc mà nên đem món thuốc đến nhà thuốc hỏi xem thực giả như thế nào.

Việc trừ tận gốc nạn thuốc giả không phải là đơn giản một sớm một chiều, nó cần có sự phối hợp của nhiều ngành chức năng và nhiều nước trên thế giới cùng hành động. Để góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân mình, bạn có thể tìm hiểu thêm những liệu pháp khác làm cho sức khỏe tốt hơn thay vì phải phụ thuộc quá nhiều vào thuốc, như chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý, kết hợp các biện pháp dưỡng sinh, khí công để có được thân thể khỏe mạnh hơn, phòng ngừa bệnh tật từ sớm, chính từ ý thức của người dân sẽ cải biến được phần nào tình trạng thuốc giả đang lộng hành hiện nay.

Nhân Hòa

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.