Thời điểm chuyển mùa cũng là lúc gia tăng trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp, bởi thời tiết thất thường khiến cho vi khuẩn, virus phát triển, dễ dàng xâm nhập hệ miễn dịch còn yếu kém của trẻ. Nhiều phụ huynh vội vàng cho con sử dụng kháng sinh để ngăn chặn viêm nhiễm, song đây không phải là giải pháp tốt nhất, thậm chí còn khiến trẻ dễ bị kháng kháng sinh.

Để phòng bệnh cho con,ngay trước thời điểm giao mùa, cha mẹ nên cho con ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin từ thực phẩm, trái cây để tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó việc vệ sinh đường hô hấp trên là hết sức cần thiết bởi hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa đủ khỏe mạnh để chống lại những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài.

Việc vệ sinh đường hô hấp cần thực hiện cẩn trọng và đúng quy trình tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Chuyên gia khuyên dùng nước muối sinh lý đẳng trương, dạng đơn liều để là giải pháp tốt nhất cho niêm mạc mũi của trẻ và tránh lây nhiễm chéo.

Khi đường thở của trẻ bị lạnh là lúc miễn dịch tại chỗ suy yếu. Miễn dịch trên niêm mạc đường hô hấp đóng góp tới 80% khả năng phòng bệnh nhiễm trùng hô hấp của cơ thể, vì vậy, việc giữ ấm đường thở cho trẻ là đặc biệt quan trọng để phòng bệnh nhiễm trùng hô hấp. Đặc biệt là khi thời tiết giao mùa như chuyển từ nóng sang mưa lạnh hay trời hanh khô rét buốt của mùa đông.

Phụ huynh có thể giữ ấm đường thở cho trẻ kể cả trong mùa hè bằng cách không nên để điều hòa nhiệt độ quá thấp so với môi trường bên ngoài, vệ sinh bằng nước muối ấm, ngâm chân bằng nước gừng…

Bên cạnh các loại bệnh cơ bản như như ho gà, bạch hầu, phụ huynh cũng nên cho con tiêm phòng cúm và vaccine phế cầu. Bởi dịch cúm thường xảy ra khi giao mùa,, nhất là trong mùa đông. Nguyên nhân gây bội nhiễm đường hô hấp cấp tính nguy hiểm cho trẻ. Trong khi đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân chính gây viêm phổi cho trẻ sơ sinh, là nguyên nhân chính trong nhiều bệnh lý hô hấp khác như viêm tai giữa, viêm họng… Các chuyên gia của WHO khẳng định, tiêm vaccine phế cầu giúp giảm tới 47% lượng kháng sinh điều trị phế cầu khuẩn ở trẻ.

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp thông thường như cảm cúm, sốt nhẹ, ho, kén ăn hụ huynh có thể áp dụng các bài thuốc dân gian, sử dụng thảo dược.

Bảo vệ đường hô hấp cho trẻ không cần đến kháng sinh
Khi trẻ có dấu hiệu trở nặng hơn thì nên đưa đến bác sĩ khám, phụ huynh không nên tự ý mua thuốc chữa cho con.

Thời tiết lạnh thì nên mặc áo ấm cho con, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hằng ngày. Cho trẻ uống nhiều nước ấm, ăn lỏng, tăng cường thêm dinh dưỡng từ nhóm rau, củ quả.

Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên chườm khăn ấm vào trán, cổ, bẹn cho con, cho bé mặc thoáng mát, và tuyệt đối lưu ý khi sử dụng điều hòa nhiệt độ vào khoảng thời gian này. Không để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá cao so với ở ngoài, cho bé chạy ra chạy vào, cơ thể bé chưa kịp thích nghi cũng sẽ khiến bé dễ nhiễm bệnh hoặc bệnh nặng thêm.

Nếu điều trị bằng thuốc thảo dược mà thuyên giảm được là tốt, không cần đưa đi khám. Tuy nhiên, trong khoảng từ 1 đến 3 ngày đầu, nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu trở nặng như mệt hơn, ho nhiều hơn, sốt cao hơn, đặc biệt có dấu hiệu suy hô hấp như thở nhanh hơn, gấp hơn, cánh mũi phập phồng với trẻ nhỏ hơn thì lập tức đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế và không được tiếp tục tự điều trị, cũng như tự mua kháng sinh về sử dụng.

Vũ Vũ