Hơn 8 năm qua, chị Sương đã đến Trung tâm nuôi dạy trẻ em “Mái ấm tình hồng” để dạy tiếng Anh cho các em nhỏ.

Hơn 8 năm dạy tiếng Anh miễn phí

Chị Nguyễn Thị Lệ Sương hiện công tác tại một trung tâm Giáo dục thường xuyên ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Hơn 8 năm nay, cứ chiều thứ Tư và Chủ Nhật, chị lại đến Trung tâm nuôi dạy trẻ em đường phố “Mái ấm tình hồng” để dạy ngoại ngữ cho các em. 

Năm 2011, chị đến với “Mái ấm tình hồng” chỉ là đi dạy cho vui, cho quen việc nhưng về sau, nhận thấy các em ở đây dễ thương và hồn nhiên quá nên không dứt được, cứ năm này qua năm khác chị đều lên đây dạy. Không ngờ chị đã bén duyên với các lớp học tại đây ngót nghét gần 10 năm.

Chị Sương đang hướng dẫn các em học sinh học tiếng Anh (ảnh: Vietnamnet).

Chị như một người chị gái thủ thỉ, hướng dẫn các em nên học sinh ở đây ai cũng kính mến chị, xem chị là người thân trong nhà, thoải mái bộc bạch với chị vô số chuyện.

Lớp học của chị không đông nhưng đa dạng lứa tuổi học. Chia sẻ với PV Vietnamnet, chị cho biết lớp chỉ có 7 học sinh nhưng đã có 2 bạn học cấp 3 và 5 bạn học THCS. Chị nói ở các khối học có kiến thức khác nhau, chị phải tập trung để giảng và chỉ bài cho từng bạn nhưng được cái vui, các em đua nhau hỏi bài liên tục. 

Các em trong lớp đua nhau hỏi bài (ảnh: Vietnamnet).

Ở trung tâm có bạn Nguyễn Thị Lài, từng gắn bó với lớp học Tiếng Anh của cô Sương thời gian khá dài. Nhiều năm liền, Lài là học sinh giỏi của trường THPT Đông Hà. Kỳ thi THPT vừa rồi Lài đậu vào trường đại học ở Tp. Đà Nẵng.

Chị Sương chia sẻ thêm, các em ở đây sống rất tình cảm, niềm vui đối với em rất đỗi giản dị, chân chất. Các em thỉnh thoảng tổ chức sinh nhật hay tất niên, trung thu đều mời chị cùng tham dự. Có năm, các em bí mật tổ chức lễ 20/11 cho chị, khiến chị rất bất ngờ. Nhìn thấy các em trưởng thành lên từng ngày chị thấy vui, hạnh phúc với việc mình đang làm.

Thương học sinh nghèo, học yếu, muốn dạy bổ túc cho các em

Cũng như chị Sương, ông Nguyễn Viết Học (sinh năm 1963, ở xóm Tân Lập, Tân Kỳ, Nghệ An) đã mở lớp học, 12 năm dạy miễn phí cho hàng nghìn học sinh nghèo miền núi.

Ông Học không có nghiệp vụ sư phạm bài bản nhưng thương những học sinh có học lực yếu, những đứa trẻ nghèo không có cơ hội đến trường, ông muốn dạy bổ túc cho các em.

Ông Nguyễn Viết Học 12 năm dạy miễn phí cho học sinh nghèo (ảnh: TQ/Lao Động).

Đầu năm 2008, ông đến từng gia đình có con em đang học cấp 2 trong làng để trình bày ý tưởng. Nhiều người nghi ngờ, đàm tiếu, nhưng cuối cùng lớp học vẫn được ông mở ra với 6 em đang học lớp 9.

Từ những kiến thức sẵn có của mình, “thầy giáo” Nguyễn Viết Học đã tự mình “dùi mài kinh sử”, lục lại kiến thức cũ, tìm tòi từ Internet để dạy học. Sau một thời gian, các em học sinh tiến bộ trong học tập, đến nay, mỗi tối lớp của ông có tới 30 đến 40 em theo học.

Lớp học từ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đến nay những học sinh cá biệt, nghiện games đều được các gia đình tin tưởng gửi thầy (ảnh: CAND).

Theo Lao Động, không những dạy học, ông còn truyền dạy cho các em học sinh những lễ nghi, phép tắc giao tiếp hằng ngày với bố mẹ, người lớn tuổi. Học đi đôi với hành, ông cùng các trò tiết kiệm tiền ăn sáng, thu gom giấy loại, lon bia, sắt vụn… gom góp bán để gây quỹ từ thiện. Số tiền tuy ít nhưng quý hơn nhiều là các em học được bài học về tình thương yêu và sự sẻ chia.

Mặc dù đời sống không khá giả, chỉ nhờ vào mấy sào lúa, sào mía nhưng với tấm lòng cao cả của một người thầy, 12 năm qua, chưa bao giờ ông nhận một đồng học phí nào từ học sinh. Không những thế, ông còn nhận hỗ trợ học phí cho 3 em có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường THPT Lê Lợi (huyện Tân Kỳ) trong vòng 3 năm.

Những giáo viên thầm lặng như cô Sương, thầy Học mang kiến thức cùng lòng nhiệt huyết giúp đỡ các em nhỏ nghèo, có điều kiện còn khó khăn như những đóa hoa tỏa hương thơm ngát điểm tô cho cuộc đời. Hy vọng sẽ có nhiều em nhỏ hơn nữa được thầy cô giúp đỡ để trở thành những công dân tốt, những con người có ích cho xã hội. 

Video xem thêm: Nếu “Đạo luật Nhân quyền Hồng Kông” được thông qua các quan chức ĐCSTQ sẽ bị trừng phạt

videoinfo__video3.dkn.tv||bd14c9e4b__