Theo “Tả truyền – Tương Công cửu niên” đã ghi chép lại một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra ở kinh đô nước Tống, và cách đối phó của họ thời bấy giờ.

Đầu xuân năm Lỗ Tương Công thứ 9 (tức năm 564 trước Công Nguyên), do cả mùa đông không có tuyết, nên cả đô thành Thương Khâu đều rất khô hanh. Trên đường phố, người qua kẻ lại tấp nập, ai cũng bận rộn kiếm kế sinh nhai. Không ai ngờ, chính lúc đó, một tai nạn lớn đang dần dần ập đến…

Một ngày, khi mọi người trong thành Thương Khâu vẫn ra ngoài sinh hoạt như bình thường, thì có người đã phát hiện ra điều bất thường – trên bầu từ xa xuất hiện một đám cháy màu đỏ rực kèm theo một khói đen.

Ngay lập tức, mọi người cầm theo các dụng cụ cứu hỏa, nhanh chóng hướng về phía đám cháy. Nhưng các ngôi nhà làm bằng gỗ, lại trải qua mùa đông khô hanh khiến cho việc dập lửa trở nên rất khó khăn. Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ trong tay, người dân không thể nào ngăn nổi đám cháy lan về phía trước.

Lửa lớn cùng với gió mạnh khiến cho đám cháy càng lan nhanh hơn. Nếu không ngăn chặn kịp thời, cả thành Thương Khâu phồn hoa có thể sẽ chìm trong biển lửa.

Tình thế vô cùng cấp bách! 

Rất nhanh, viên quan phụ trách tuần tra thành đã tức tốc báo cáo tình hình lên vị đại thần nắm quyền nước Tống bấy giờ là Tử Hãn.

Tử Hãn, xưng là Lạc Hỉ, là con trai của Lạc Tào (con thứ của công tử Tống Đới Công), thành viên của gia tộc họ Đới, là hiền thần nổi tiếng của nước Tống thời Xuân Thu.

Nghe được tin cấp báo, Tử Hãn một mặt cùng tùy tùng nhanh chóng đến hiện trường vụ hỏa hoạn, mặt khác cho người thông báo đến tất cả quan lại lớn nhỏ trong thành Thương Khâu, tập hợp khẩn cấp tại khu vực gần đám cháy để có thể dặn dò phân công các công việc cần thiết.

Sau khi đến hiện trường, chính Tử Hãn cũng thấy hoảng bởi biển lửa trước mắt. Mặc dù trên đường đi, qua lời thuật lại của viên quan tuần tra, ông cũng đã hình dung ra mức độ của vụ hỏa hoạn này, nhưng ông không ngờ tình hình lai nghiêm trọng như vậy.

Hàng trăm ngôi nhà đã bị thiêu rụi, hơn nữa tốc độ lan về phía trước vô cùng nhanh chóng, mỗi phút lại cháy thêm cả chục mét. Cứ đà này, thành Thương Khâu sớm muộn cũng sẽ bị đám cháy này tàn phá. 

Không thể được, dù phải trả giá đắt thế nào, cũng phải ngăn bằng được trận lửa lớn này.

Thế là Tử Hãn bắt đầu chỉ huy các quan lại ở hiện trường một cách có tổ chức để tiến hành cứu hỏa. Rất nhanh, ông phát hiện, phía trước hướng ngọn lửa sắp lan tới có rất nhiều ngôi nhà nhỏ. Ông ngay lập tức cho người tháo dỡ những ngôi nhà đó. Có lẽ sẽ có người không hiểu cháy lớn thế này, không lo dập lửa mà đi dỡ nhà.

Tuy nhiên, Tử Hãn chính là muốn dùng cách thức này để ngăn chặn ngọn lửa lan rộng—nếu phía trước không còn hoặc còn rất ít những vật dễ cháy, thì ngọn lửa sẽ không thể lan rộng được nữa.

Đương nhiên là như vậy! Đây chính là kiến thức tự nhiên cơ bản nhất.

Nhà nhỏ có thể tháo dỡ, còn những ngôi nhà lớn không thể hoặc không kịp tháo dỡ thì làm thế nào? Tử Hãn đều đã nghĩ xong kế sách đối phó – hất bùn ướt lên nhà.

Theo đó, các viên quan bắt đầu sắp xếp phân công nhân lực tương ứng với từng công việc khác nhau.

Mọi người bắt đầu dùng những vật dụng gia đình trong tay để cùng nhau thực hiện. Người thì tiếp tục tạt nước vào ngọn lửa đang cháy, tuy không có tác dụng lớn, nhưng cũng khiến ngọn lửa bớt lan nhanh hơn. Người thì lấy nước từ khu vực gần đó, đổ vào một cái hồ vừa được đào tạm thời. Người thì bắt đầu trộn bùn, người thì dùng bùn đó đem đi hất lên những ngôi nhà sắp cháy.

Cùng lúc đó, Tử Hãn lại hạ lệnh cho viên quan dưới khẩn cấp điều động binh lính bên ngoài tiến vào thành, bổ sung thêm nhân lực hỗ trợ việc cứu hỏa. Lệnh cho Tư Mã dẫn các binh sĩ tuần tra, đề phòng kẻ gian thừa cơ trộm cắp. Lệnh cho viên quan quản lí đường xá nhanh chóng mở đường thoát hiểm, đề phòng trường hợp không ngăn chặn được ngọn lửa cũng sẽ có đường thoát thân. Các văn võ bá quan khác, tùy theo chức vị mỗi người, sẵn sàng nhận lệnh, đề phòng mọi sự việc có thể xảy ra.

Dưới sự chỉ huy và điều động của Tử Hãn, ngọn lửa đã nhanh chóng được chế ngự và dập tắt.

Như vậy, vụ hỏa hoạn lớn nhất thời Xuân Thu đã bị dập tắt dưới sự chỉ huy bình tĩnh và mưu trí của Tử Hãn. Nhưng hơn hết đó là do tinh thần hợp tác vô điều kiện và sự đoàn kết trong lúc dầu sôi lửa bỏng của nhân dân nhà Tống.

Theo NTDTV
Quỳnh Chi biên dịch

Xem thêm: