Bạn không phải người duy nhất lười biếng trên thế giới này. Một nghiên cứu về sự lười biếng đã chỉ ra, chỉ có 8% những người lên “kế hoạch cho năm mới” thực hiện được mục tiêu của họ. Trên thực tế, cứ 4 người thì chỉ có 1 người thực hiện được dự định quá 1 tuần.

Rào cản thói quen cũ

Để khiến mình tiến bộ, bạn cần tìm ra được những điều đang cản trở khả năng đạt được mục tiêu của mình. Thay vì mặc định gọi đó là “lười biếng”, hãy thử chuyển đổi cách tiếp cận để chủ động phát hiện và loại bỏ các thói quen xấu. Dưới đây là 5 “lối mòn” tư duy thường khiến chúng ta từ bỏ quyết tâm sớm hơn dự định:

  1. Đặt ra những mục tiêu quá lớn và phức tạp. Ai cũng muốn đạt đến đỉnh cao thành công, nhưng đó là một quá trình rất dài. Mục tiêu lớn phải hiện thực hoá bằng nhiều chặng đường nhỏ. Và việc bạn đặt ra các nấc mục tiêu vừa phải, tăng dần sẽ giúp bạn có động lực hoàn thành hơn.
  2. Kỳ vọng sự thuận lợi. Khi mơ tưởng đến thành công, chúng ta thường cảm thấy thoải mái, hấp dẫn. Trên thực tế thì “không có con đường nào trải đầy hoa hồng”, đặc biệt với mục tiêu càng lớn lao, bạn càng cần lường trước khó khăn để không bị nản trí khi gặp phải .
  3. Buông thả theo bản năng. Khi bạn tự nhủ rằng “Mình lười” và chấp nhận điều đó thì sự tiêu cực sẽ tự nhiên chiếm lấy bạn và hút cạn năng lượng cố gắng. Đừng chỉ trích mình quá nhiều khi gặp sai lầm, những lời tự phê bình quá đà cũng có thể khiến bạn chấp nhận từ bỏ điều mình muốn.
  4. Quá bận tâm lời người khác. Khi có ai đó thường xuyên nói bạn lười biếng, đặc biệt với những người thân gần gũi, tiếp xúc với từ “lười” quá nhiều cũng sẽ khiến bạn mặc định mình là một kẻ lười biếng và không có khả năng tiến lên trong cuộc sống.
  5. Không lên kế hoạch hành động. Đôi lúc chúng ta tìm thấy cảm hứng bất chợt và hào hứng với viễn cảnh tươi đẹp vẽ ra trong đầu. Nhưng một kế hoạch cụ thể mới là thứ dẫn bạn tới điều mình muốn. Nếu không có một lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu thì sự hào hứng của bạn sớm sẽ bay biến mất.

Làm thế nào để xua tan cơn lười biếng?

Làm gì để vượt qua sự lười biếng

5 bước dưới đây sẽ giúp bạn từng bước hiện thực hoá mục tiêu của mình:

  1. Tạo ra những mục tiêu nhỏ, khả thi.
  2. Dành thời gian để lập kế hoạch cụ thể rõ ràng. Dù đó là kế hoạch giảm cân hay hoàn thành một bài tập về nhà cũng cần đặt ra những yêu cầu rõ ràng để bản thân thực hiện.
  3. Tập trung vào thế mạnh của bản thân. Sự tự tin là một yếu tố quan trọng giúp bạn có kiên trì để đeo đuổi điều mình muốn. Nếu niềm tin vào bản thân luôn bị lung lay thì chắc chắn bạn sẽ dễ từ bỏ mọi dự định.
  4. Tự chúc mừng những thành quả nhỏ. Bạn đặt mục tiêu giảm 10 kg trong 1 tháng nhưng 1 tuần qua mới chỉ xuống được 1 kg? Không sao, bạn vẫn có quyền tự hào vào sự cố gắng trong một tuần qua. Suy nghĩ này sẽ củng cố sự tích cực đề hoàn thành mục tiêu tới cùng.
  5. Nhờ sự hỗ trợ. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm ai đó cùng tư tưởng, cùng hướng đến một mục tiêu để đồng hành. Việc có người chia sẻ mục đích giúp chúng ta nhận được nhiều sự hỗ trợ và động viên vào những lúc nản lòng.

Làm thế nào để xua tan cơn lười biếng?

Đừng bỏ qua các yếu tố bên ngoài

Mọi người thường nghĩ “lười biếng” là yếu tố thuộc về tâm lý nên khó có thể tác động một cách cụ thể. Trên thực tế, sự lười biếng còn có liên hệ với nhiều yếu tố như sức khoẻ thể chất, thực phẩm, giấc ngủ…

Sức khỏe thể chất: Chăm sóc sức khỏe thể chất có thể giúp tăng năng lượng tích cực vào hành động con người.

Thực phẩm: Những gì bạn ăn có ảnh hưởng rất lớn tới mức độ năng lượng bên trong. Chế độ ăn quá nhiều protein khiến cho năng lượng lên xuống thất thường trong ngày. Đó là lý do tại sao muốn trị bệnh lười, bạn cần tránh các thực phẩm như khoai tây chiên, kẹo, bánh mì, bia rược, đồ uống có ga, đồ ngọt. Thay vào đó, các thực phẩm tăng năng lượng bạn có thể tham khảo là: hạnh nhân, cá hồi, chuối, sữa chua, yến mạch, rau có màu xanh đậm, thịt gà, nước khoáng. Các món chứa nhiều đường có thể giúp chúng ta tăng năng lượng tạm thời, nhưng lại giảm nhanh sau đó. Bên cạnh đó, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày cũng giúp duy trì năng lượng ổn định hơn là ăn dồn vào 3 bữa chính.

Tập thể dục: Khi cảm thấy mệt mỏi và lười biếng, vài bài tập thể dục cơ bản sẽ xốc lại tinh thần cho bạn. Nếu “lười”, bạn có thể kết hợp tập thể dục vào các hoạt động như dắt chó đi dạo, chạy bộ với bạn, đi dạo phố mua sắm…

Chế độ ngủ cũng có ảnh hưởng lớn đến mức năng lượng của chúng ta. Nếu bạn hay thấy mình lười biếng, đó có thể là do bạn ngủ quá nhiều. Tạo thói quen ngủ đúng giờ, nếp sống ổn định sẽ giúp bạn cảm thấy cân bằng và tiếp thêm sinh lực thực hiện công việc hiệu quả hơn.

Kiểm soát căng thẳng: liên tục gây áp lực cho mình để đạt được mục tiêu không phải lúc nào cũng tốt. Sự kiệt sức, căng thẳng cũng có thể khiến bạn mất động lực và từ bỏ sớm hơn sự định. Hãy cho phép mình nghỉ ngơi và thả lỏng khi cần.

Làm thế nào để xua tan cơn lười biếng?

Và cuối cùng, đừng để chính mình tự cản bước trên con đường tiến đến thành công. Hạn chế so sánh và hạ thấp bản thân, có lòng tin vào chính mình và luôn nhủ thầm trong đầu những từ ngữ tích cực thúc đẩy bản thân cố gắng, đó chính là đòn bẩy để bạn đứng dậy sau những phút lười biếng muốn từ bỏ.

Night-fly