Đó là một lớp học đặc biệt với một cách chấm điểm đặc biệt, và vào ngày cuối cùng của học kỳ tất cả sinh viên cũng lựa chọn một cách đặc biệt để tham gia kỳ thi. Họ tin tưởng và đoàn kết để không tham gia làm bài, để rồi kết quả là cả lớp đều được điểm tuyệt đối. Một câu chuyện vui và đầy cảm hứng vì tư duy mở của cả thầy và trò.

Kể từ khi dạy học ở trường Đại học Johns Hopkins vào năm 2005, Giáo sư Peter Frohlic đã xây dựng một cách tính điểm cho sinh viên của mình như sau: Người có thành tích cao nhất lớp sẽ được điểm A. Kết quả bài thi của anh ta sẽ là chuẩn để cho điểm các thành viên còn lại trong lớp. Điều này có nghĩa là nếu bạn trả lời 36/40 câu hỏi, nhưng bạn là người làm bài tốt nhất lớp, bạn sẽ được điểm A. Những người còn lại sẽ nhận được điểm dựa theo số phần trăm câu đúng trên 36 câu đó. 

Giáo sư Peter Fröhlich (Ảnh: JHU Computer Science)

Cách chấm điểm này được ông Peter đánh giá rất cao, vì chúng “tốt và ổn định nhất”, chúng giúp ông so sánh khả năng của sinh viên với các bạn cùng lớp, từ đó mà có thể tạo ra động lực học tập cho mỗi người.

Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, giáo sư Peter không lường trước được những gì mà các cậu chàng sinh viên có thể nghĩ ra để lách luật của ông. Đơt thi cuối kỳ vào tháng 12, các sinh viên trong lớp “Lập trình Trung cấp”, “Nguyên lý hệ thống máy tính”,  “Nhập môn lập trình cho nhà khoa học và Kỹ sư” đã cùng nhau lên kế hoạch “tẩy chay” kì thi cuối kỳ.

Theo đó tất cả mọi người sẽ không đi thi, vì tất cả đều bỏ thi, nên bài làm tốt nhất sẽ là bài nộp giấy trắng, và theo luật của Giáo sư Peter, tất cả đều sẽ… đạt điểm tối đa.

Thầy Peter kể lại rằng:

“Sinh viên không chịu vào phòng thi, và thế là chúng tôi cứ ngồi đó một lúc lâu: thầy ngồi trong phòng, trò ngồi ngoài phòng. Khoảng 20 – 30 phút sau tôi đầu hàng… Và tất cả ra về. Các sinh viên đứng ở ngoài phòng thi để đảm bảo rằng mọi người tuân thủ hiệp định ngầm, và cũng để sẵn sàng vào thi nếu có ai chơi bẩn. Cuối cùng thì chẳng ai vào thi cả”.

Tất cả sinh viên đều không chịu vào phòng thi làm bài (Ảnh: Boing Boing)

Andrew Kelly, một sịnh viên của lớp “Nhập môn lập trình”, một người trong ban lãnh đạo phong trào bỏ thi đã giải thích cho các bạn cùng lớp của mình về quyết định này thông qua một lá thư điện tử có nội dung như sau:

“Tặng điểm 0 cho bạn bè của bạn sẽ chẳng làm điểm số của bạn tốt hơn gì hết. Vậy nếu bạn có thể bước vào phòng thi, tự tin 100% sẽ làm đúng hết, thì cách kia (cách toàn bộ bỏ thi) cũng cho bạn cùng số điểm. Cứ suy xét thử xem sự ảnh hưởng đến các bài kiểm tra môn khác của bạn thế nào khi bạn cố gắng học đến mức có thể cầm chắc điểm 10 trong tay. Ngược lại, hợp tác với bạn học của bạn sẽ đảm bảo điểm tuyệt đối cho tất cả mọi người và đó sẽ là một khởi đầu trong mơ khi bạn nghỉ cuối kì”.

Anh cũng chia sẻ thêm rằng, vụ “đình công” này đã được thực hiện nhờ sự trợ giúp của các công cụ truyền thông xã hội. Rất đúng với những gì mà các chàng sinh viên đang được học. Họ dùng Spreadsheet của Google để lên danh sách người đồng ý tham gia bỏ thi, và mạng xã hội là chìa khóa để mọi người kết nối với nhau trên cùng một chiến tuyến.

Với một giáo viên thông thường, chắc hẳn ông ấy sẽ rất giận dữ vì những hành động phá phách của đám học trò. Nhưng giáo sư Peter đã hành động rất lịch thiệp với các em. Ông viết qua Email như sau.

Sinh viên của tôi đã học được rằng bằng cách đoàn kết lại, họ có thể đạt được những điều mà một cá nhân không bao giờ có thể có. Ở một ngôi trường nổi tiếng về cạnh tranh như ở đây, tôi không bao giờ có thể tưởng tượng việc đạt được một thỏa thuận kiểu này lại có thể xảy ra.

Quang cảnh trường đại học Johns Hopkins (Ảnh: Johns Hopkins University)

Sau vụ lách luật “kiểu Mỹ” của đám sinh viên, Thầy Peter cũng quyết định cho điểm các em theo “kiểu rất Mỹ” – Điểm tuyệt đối. Thấy nói:

Tôi đã thay đổi cách tính điểm bằng cách thêm vào luật “tất cả mọi người đều nộp giấy trắng đồng nghĩa với việc mọi người được điểm 0” và tôi cũng đã viết rằng tôi có quyền cho mọi người 0 điểm nếu tôi cảm thấy sinh viên đang tìm cách lách luật lần sau.

Ngoài ra vào học kỳ sau đó, thầy cho các bạn sinh viên lựa chọn giữa hai cách tính điểm một là viết luận hai là làm bài thi cuối kỳ như bình thường. Và đa số mọi người đều thi theo cách đầu tiên.

Suy ngẫm

Các sinh viên khối ngành kinh tế đã từng học về “Lý thuyết trò chơi” sẽ biết rằng, rất khó để một nhóm người xa lạ tin tưởng lẫn nhau. Bởi vì ai cũng sẽ tìm cách chiếm lấy phần hơn cho mình mà không quan tâm đến kết quả của người khác. Thế nhưng, lý thuyết là lý thuyết, tình người và sự tin tưởng là yếu tố không thể cân lượng được bằng những con số. Và trường hợp trên đã chứng mình điều đó.

Trong khi họ hoàn toàn có cơ hội chiếm lấy điểm cao cho riêng mình, các bạn sinh viên lại liều lĩnh nhẫn nại để “sống cùng sống chết cùng chết”. Ngay cả Thầy Peter cũng rất bất ngờ về hành động tình thần này, để rồi khi ông suy nghĩ hồi lâu, đành quyết định khoan dung cho sự phá phách.

Khi trong xã hội chúng ta ngày càng có nhiều những tấm gương thành đạt, việc trợ giúp lẫn nhau giữa con người cũng nhạt phai dần. Thay vì kề vai sát cánh, cùng vượt qua khó khăn, bão tố, người ta chọn sự cạnh tranh, so sánh hơn thua, so kè cao thấp. Tuy nhiên, sức mạnh lớn nhất là sức mạnh chung, cũng là sức mạnh mang lại lợi ích cho cả xã hội, trong đó có bạn, có tôi. Bởi vậy, thay vì làm đối thủ, hãy trở thành bạn của nhau, nương tựa vào nhau và tiếp thêm cho nhau những năng lượng chân chính.

Trọng Đạt