Câu chuyện dưới đây là do ông nội tôi kể lại. Đó là chuyện về nhà hàng xóm, nhưng gia đình ấy giờ đã chuyển đi nơi khác.

Khoảng 10 năm về trước, trong thôn chúng tôi có một gia đình vốn không mấy khá giả, hai vợ chồng thật thà cùng hai đứa con thơ cơm bữa qua ngày có nhau.

Một ngày nọ, người cha đột nhiên run rẩy, chân tay co quắp, toàn thân rã rời. Người mẹ vội vã đưa cha đến bệnh viện, bác sĩ nói nhất định phải làm phẫu thuật.

Gia cảnh thì nghèo, người mẹ lại phải lo lắng chạy vạy tiền nong. Đã không đủ tiền để cứu cha, vậy mà đúng lúc này cậu con trai cả lại xuất hiện các triệu chứng giống hệt cha mình. Bác sĩ cho biết đây là bệnh di truyền, nên cũng phải phẫu thuật thì mới có hy vọng. Người mẹ vừa đau khổ vừa lo lắng, tiền mượn được còn chưa đủ chi trả cho một người, giờ biết làm sao đây? Bà không muốn mất chồng, cũng không thể để mất con trai, giờ biết cứu ai bỏ ai?

Bà buồn bã nói với hai cha con: “Thực sự nhà không còn tiền nữa rồi, cố gắng thì cũng chỉ có thể cứu được một người, hai cha con nói xem nên cứu ai trước?”

Người cha vội nói: “Cứu tôi trước! Tôi là chồng bà, tôi mới là người thân thiết nhất của bà!” Cậu bé nghe những lời của cha mình, buồn bã quay mặt đi rồi lặng lẽ rơi nước mắt.

Người mẹ im lặng. Cuối cùng, bà nói: “Ai có thể chất khỏe hơn thì cứu người đó, vì thể chất khỏe sẽ có hy vọng lớn hơn. Thôi, cứ quyết định như vậy.” Cuối cùng hai cha con đều đồng ý.

Trước đó, cậu bé đã nghĩ sẽ chủ động từ bỏ, để mẹ cứu lấy cha. Nhưng bây giờ, cậu đã thay đổi quyết định – sẽ không bỏ cuộc! Cậu muốn tiếp tục sống, vì cha cậu đã quá ích kỷ! Cậu bé bắt đầu chăm chỉ uống thuốc, thậm chí thuốc có đắng thế nào cậu cũng cố nuốt, không hề nhăn mặt nhíu mày. Cậu muốn cơ thể của mình đủ khỏe mạnh, cậu không thể thua cha mình được.

Một vài ngày sau đó, tình trạng tinh thần và thể chất của người cha càng tồi tệ hơn, còn cậu con trai thì đã khỏe hơn cha nhiều rồi. Lúc này người mẹ và các bác sĩ quyết định cứu chữa cho cậu con trai.

Cuộc phẫu thuật rất thành công. Cơ thể của cậu bé khôi phục từng ngày, còn cơ thể của người cha lại gầy đi từng ngày. Ngày cậu bé xuất viện cũng là ngày người cha bị trả về. Cậu tự mình đi, còn cha cậu thì phải nhờ người chở về.

Sau khi về nhà, hàng ngày cậu bé đều hoạt bát tươi cười, người cha thì mất vào một buổi sáng sớm không lâu sau đó. Khi đó thân thể ông chỉ còn lại da bọc xương…

Chứng kiến cha qua đời, cậu con trai không hề cảm thấy buồn thương, luyến tiếc. Nhưng mẹ cậu thì quá đau lòng. Bà nói với cậu: “Con trai à cha đã mất rồi, con không cảm thấy buồn sao? Con hãy lại dập đầu lạy ông ấy vài lạy đi”.

Cậu bé lắc đầu, nói: “Không!!! Con không lạy ông ấy!”

Người mẹ nói: “Con à, mẹ muốn nói với con rằng, sự thực không phải như vậy đâu. Ngay từ đầu, cha con đã quyết định bỏ cuộc, để mẹ cứu lấy con. Nhưng ông ấy sợ rằng nếu cứu con mà lại không cứu ông ấy thì con sẽ áy náy và cảm thấy có lỗi cả đời, nên mới nói ra những lời ích kỷ như vậy. Tuy những lời nói đó làm con tổn thương, nhưng đó lại chính là động lực để con cố gắng, để con dám giành lấy cơ hội sống mà không cảm thấy áy náy. Sự thực là ông ấy đã nhường hết thuốc của mình cho con. Nếu không phải vì để cứu con, thì hôm nay ông ấy đã không ra đi như thế này.”

Bà mẹ chưa dứt lời, cậu bé đã nước mắt tuôn trào, cậu đến trước linh cữu của cha mình quỳ sụp xuống. Cậu cứ quỳ ở đó ròng rã cả ngày trời, nước mắt không ngừng rơi vì ân hận. Nhưng trong quan tài, có lẽ người cha vĩ đại của cậu đang mỉm cười…

Thiếu Kỳ biên dịch

Xem thêm: