Người Do Thái có sức mạnh và thành công lớn nhất trong lĩnh vực tài chính – thương mại. Điều gì tạo nên sự khác biệt đó? Bí quyết không phải do tư chất quản lý tài sản của người Do Thái xuất sắc hơn các dân tộc khác mà là do họ được bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản ngay từ nhỏ.

Trẻ em cần có nhận thức đúng đắn về tiền ngay từ  nhỏ

Người Do Thái rất coi trọng việc giáo dục con cái. Một trong những nội dung giáo dục quan trọng, đó là bồi dưỡng ý thức, quan niệm về tiền bạc. Họ áp dụng triệt để chế độ cùng làm cùng hưởng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không được hưởng. Tiêu chuẩn thù lao được quyết định bởi mức độ khó – dễ của công việc, không liên quan đến tuổi tác. Rất nhiều gia đình Do Thái áp dụng phương pháp giáo dục này để giáo dục con cái về tiền bạc.

Một thương nhân đã kể về việc mình giáo dục con cái đối với vấn đề tiền bạc như sau: “Tiền tiêu vặt tôi cho chị em Lisa không phải hôm nào cũng có mà dựa vào mức độ và khối lượng công việc chúng làm. Tôi giao ước với chúng là nếu sáng dậy cắt cỏ trong vườn thì được 10 đồng, mua một phần ăn sáng được 2 đồng… Tôi không bao giờ phân tuổi lớn nhỏ đối với chúng, mà áp dụng chế độ thù lao theo công việc”.

Người Do Thái cho rằng, tiền bạc không phải là thứ làm vấy bẩn tâm hồn trẻ thơ. Cho trẻ tiếp xúc sớm với tiền sẽ rất có ích trong việc bồi dưỡng tài kinh doanh cho chúng.

Người Do Thái quan niệm rằng: giúp trẻ tiếp xúc với tiền sớm chính là cách để trẻ học cách quản lý và bồi dưỡng khả năng kinh doanh. (Ảnh: beliefnet.com)

Bồi dưỡng ý thức về tiền thích hợp theo từng độ tuổi

Các chuyên gia giáo dục phương Tây cho rằng, trong số những người Do Thái có rất nhiều người giàu có, đó không chỉ là do sự nỗ lực và phấn đấu của bản thân họ, mà còn do từ nhỏ họ đã được bồi dưỡng ý thức về tiền bạc. Sự bồi dưỡng ý thức về tiền bạc, về kinh tế được bắt đầu khi trẻ 3 tuổi, các bậc cha mẹ sẽ lập kế hoạch thích hợp cho từng độ tuổi của con:

Từ 3 – 4 tuổi: Học cách nhận biết chủng loại tiền, nhận thức giá trị trên tiền nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ.

Từ 4 – 5 tuổi: Mua những đồ đơn giản dưới sự giám sát của người lớn.

Từ 5 – 6 tuổi: Dạy cho trẻ biết rằng tiền kiếm được không dễ, muốn có được nó phải lao động vất vả.

Từ 6 – 7 tuổi: Có thể đếm 1.000 – 5.000 đô la, biết “bỏ ống” tiết kiệm tiền, bồi dưỡng ý thức “đây là tiền của con”.

Từ 7 – 8 tuổi: Tự xem và hiểu giá trị ghi trên bao bì sản phẩm, có thể tự so sánh với số tiền trong túi mình, phán đoán mình có đủ khả năng mua món hàng đó không.

Từ 8 – 9 tuổi: Hiểu cách gửi tiền ở ngân hàng, có thể tự làm việc kiếm tiền tiêu vặt như bán báo, đánh giày, làm việc nhà…

Từ 9 – 10 tuổi: Biết phân bổ hợp lý số tiền trong tay mình, khi đi mua hàng có thể mặc cả với chủ cửa hàng, khi tự bán đồ thì cò kè kiếm từng đồng để học cách giao dịch. Không được coi thường giá trị của một đồng tiền.

Từ 10 – 12 tuổi: Đích thân thể nghiệm kiếm tiền không phải là chuyện dễ dàng nên phải có ý thức tiết kiệm nhất định.

Từ 12 tuổi trở lên, trẻ có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh giống như người lớn.

Với phương pháp giáo dục này của cha mẹ ngay từ nhỏ người Do Thái đã có một số tri thức về tiền bạc và phương diện tài chính. Rõ ràng điều này giúp người Do Thái có ưu thế hơn hẳn người khác về phương diện tài chính, đặt nền móng vững chắc cho họ gặt hái nhiều thành công trên lĩnh vực tài chính sau này. Quả thật không sai khi gọi người Do Thái là “nhà tài chính bẩm sinh”.

Những người giàu có người Do Thái phần lớn đều được giáo dục về tiền bạc từ nhỏ, họ biết cách kiếm tiền và quản lý tài sản ngay từ khi còn nhỏ.

Với phương pháp giáo dục này trẻ sẽ có nền móng vững chắc trong việc làm chủ tài chính của mình về sau. (Ảnh: kiplinger.com)

Ông vua dầu mỏ nổi tiếng thế giới Rockefeller dạy con như thế nào?

Ông vua dầu mỏ nổi tiếng thế giới Rockefeller sinh ra trong một gia đình Do Thái điển hình, cha ông luôn dạy ông theo phương thức giáo dục của người Do Thái. Ngay từ khi mới bốn, năm tuổi, cha ông đã sai Rockefeller giúp mẹ làm những công việc vừa sức và được trả một ít tiền tiêu vặt. Ông còn niêm yết giá cho từng loại công việc: nấu một bữa cơm sẽ được 12 đô la.

Khi Rockefeller lớn hơn thì cha ông không cho tiền tiêu vặt nữa và bảo muốn có tiền tiêu thì phải tự đi kiếm. Thế là, Rockefeller đến nông trường của cha để làm việc, giúp cha vắt sữa bò, xách thùng sữa bò, những công việc này đều được ghi lại và ông đã lượng hóa bằng tiền từng công việc nhỏ. Đến một thời gian nhất định, ông cùng cha kết toán số tiền đó.

Không lâu sau, ông cho người nông dân vay 50 đô la kiếm được từ việc làm việc giúp cha, ông còn thỏa thuận lợi tức cũng như ngày hoàn trả với người vay. Đến ngày nhận lại tiền ông thu được 53,75 đô la. Lúc này, Rockefeller mới 6 tuổi nhưng đã có được sự nhạy cảm và ý thức kinh doanh.

Sau khi thành công trong sự nghiệp, Rockefeller cũng dùng phương pháp tương tự để giáo dục các con mình. Trong công ty của mình, ông từ chối vợ và các con gia nhập và làm việc tại đó, ngay cả việc bước chân vào công ty cũng không được phép trừ khi có lý do đặc biệt. Bởi ông muốn các con ông biết rằng, muốn thành công phải dựa vào chính nỗ lực của mình, không được vì cha giàu có mà ỷ lại.

Ở nhà, Rockefeller áp dụng phương pháp để các con ông giúp mẹ việc nhà, vợ ông sẽ căn cứ vào tình hình thực hiện công việc để phát tiền tiêu vặt cho các con. Ông còn dạy các con tự biết tính sổ và yêu cầu các con hàng ngày phải ghi lại từng món chi tiêu dù là để mua đồ chơi hay sách vở.

Mỗi tối ông sẽ kiểm tra vở ghi của các con, nếu rõ ràng và hợp lý ông sẽ thưởng 5 đô la và ngược lại, món chi tiêu không hợp lý sẽ bị trừ 5 đô la vào lần tiếp theo. Phương pháp dạy con này của ông giúp các con tránh được những khoản chi tiêu không cần thiết, biết tiết kiệm và quý trọng sức lao động.

Theo tạp chí Forbes, gia đình Rockefeller hiện có 7 thế hệ với 170 người thừa kế và đã duy trì được sự giàu có đáng kể. (Ảnh: artsy.ne)

Ý nghĩa của việc bồi dưỡng kỹ năng về tiền

Người Do Thái bồi dưỡng ý thức về tiền cho con không phải nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền mà đây là cách họ giáo dục và bồi dưỡng cho con về đạo đức và nhân cách làm người.

Mục đích của việc làm cho trẻ hiểu được giá trị sức lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản không chỉ đơn thuần là trang bị tri thức và rèn luyện kỹ năng sinh tồn. Hàm nghĩa thâm sâu hơn, đó là giúp trẻ có những hiểu biết cần thiết và có nhân sinh quan đúng đắn không chỉ  đối với tiền bạc mà còn với cả cuộc đời. Đó là của cải có được nhờ sức lao động, của cải chân chính do tự mình làm ra. Làm nhiều được nhiều, làm ít được ít, không tham lam phần của người khác, không sống ỷ lại vào người khác, ỷ lại và lợi dụng vào quyền lực nào đó mà kiếm lợi riêng.

Người Do Thái bồi dưỡng cho con ý thức về tiền bạc sớm như vậy là để cho chúng biết cách đầu tư hợp lý, cách có được của cải, cách quản lý tài sản của mình. Thông qua sự giáo dục sớm này, giúp trẻ tích lũy nhiều kinh nghiệm cần thiết cho sự thành công sau này. Bởi vậy, muốn con cái trở nên giàu có nhờ biết cách kiếm tiền chân chính thì việc bồi dưỡng ý thức về tiền bạc cho trẻ là điều không thể thiếu.

Hồng Ân