Điều gì sẽ xảy ra nếu Nhật Bản và Đức không tập trung vào cải tiến giáo dục? Bạn có thể tìm thấy câu trả lời ở Zimbabwe, Congo, Colubia, Sudan, Somalia, Angola… và rất nhiều quốc gia đói nghèo khác.

Ở những nơi đó, họ sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào cùng với một nền nông nghiệp mạnh nhưng lại quên một yếu tố vô cùng quan trọng – Giáo dục. Dựa dẫm vào nền thương mại nông nghiệp và tầm nhìn hạn hẹp đã khiến cho một nền kinh tế có nhiều tiềm năng chẳng thể phát triển. Ngày nay, có một nghịch lý đang diễn ra: Những quốc gia đi lên từ đống tro tàn của chiến tranh lại trở thành cường quốc nhất nhì thế giới, còn những vùng đất vốn đã trù phú tài nguyên thì lại lụi tàn vì các nội chiến và sự chi phối của các thế lực bên ngoài.

Nghịch lý của sự phát triển

(Ảnh: Sputnik)

Sau thế chiến 2, Đức và Nhật Bản đều là những kẻ bại trận, chịu sự kìm kẹp của các nước phương tây cả về Chính trị lẫn kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng bị phá hủy bởi chiến tranh. Nhật lãnh chịu 2 quả bom nguyên tử, còn Đức thì bị chia cắt thành 2 nửa Đông Tây. Xây dựng lại một nền kinh tế hậu chiến quả là muôn phần khó khăn.

Đã có nhiều sách viết về thời kì này, hầu hết chúng đều tập trung vào chương trình viện trợ kinh tế hậu chiến, nơi mà Mĩ trợ giúp cho vay ($13 tỉ đô la) để viện trợ, nhưng các tư liệu đó đề cập không đầy đủ tới nguồn lực nội bộ của quốc gia. Nhật Bản và Đức đã vượt qua các chướng ngại và tạo ra “Phép màu kinh tế hậu chiến”, điều mà hiếm nơi nào có thể thực hiện được. Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những bí mật của nước Nhật trên con đường chinh phục thế giới.

Những trọng điểm đầu tư – Khởi nguồn của sự thịnh vượng

(Ảnh: Du học Nhật Bản)

Mặc dù sự trợ giúp tài chính từ bên ngoài là rất quan trọng và cần thiết, nhưng chúng không thể quyết định được sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, người ta phát hiện ra rằng, chính những “Kế hoạch kinh tế” khôn ngoan mới là yếu tố then chốt. Chính phủ quốc gia này hiểu rằng nguồn vốn vay là có giới hạn, và rằng họ cần chắt chiu từng nguồn lực mà họ đang sở hữu.

Hai yếu tố căn bản được tập trung nguồn lực đầu tiên là xây dựng hệ sinh thái phục vụ sản xuất và hệ thống giáo dục. Tập trung tăng trưởng trong những ngành công nghiệp sinh lời nhất như ô tô, thép, dược phẩm và viễn thông cho phép họ có được nền tảng vững chắc để phục hồi quốc lực. Năng suất chế tạo được cải tiến qua việc dùng trang thiết bị mới, tiện nghi mới, cách quản lí mới, và chuẩn hoá qui trình. Đồng thời, người Nhật dành nhiều nỗ lực để cải tiến hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo trình đào tạo cao, mục tiêu của họ là hỗ trợ những lĩnh vực quan trọng như y học, thương mại, luật pháp, kinh tế và kĩ nghệ.

Người Nhật đi những bước dài trên con đường khôn ngoan

(Ảnh: Thang Long OSC)

Bằng việc hội tụ nguồn lực tại một vài điểm, Nhật Bản nhanh chóng đào tạo được những người có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Năm 1965, GDP của Nhật là 90 tỉ đô la, nhưng sau 10 năm nó đã sải cánh bay lên với mức 2,5 nghìn tỉ đô. Khi giáo dục và sản xuất đã được hoàn thiện, từ những năm 70 người ta đã bắt đầu tập trung vào đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đường xá và thủy lợi. Tất nhiên những công ty Nhật  luôn trúng thầu trong các công trình mang tính quốc gia.

Đây cũng là cách mà người Hàn Quốc lựa chọn để xây dựng cơ sở hạ tầng cho mình. Không một quốc gia phát triển nào muốn thành công mà không có những tập đoàn xây dựng lớn sở hữu khả năng tự túc về xây dựng. Ban đầu với trình độ kỹ thuật hạn chế nhưng được chính phủ cất nhắc và cùng với đó là tinh thần dân tộc, công trình của những “tay mơ” vẫn được khởi công và hoàn thành đúng tiến độ. Tất nhiên chất lượng của chúng rất cao và giá thành thấp hơn nhiều so với việc thuê mướn ở nước ngoài.

Giá trị của đạo đức trong giáo dục

(Ảnh: yan.vn)

Điều đặc biệt ở Nhật Bản là hệ thống kinh tế thay đổi nhưng vẫn duy trì truyền thống giáo dục có từ thời Minh Trị. Người ta đánh giá nghiêm túc vai trò của đạo đức và luân lí trong việc nhào nặn một con người thành tài. Vì vậy, việc hòa hợp được những kiến thức khoa học của phương Tây với những giá trị truyền thống của phương Đông được các nhà giáo dục đặt lên hàng đầu.

Trong cuốn sách “Con ngỗng bay” của Kaname Akamatsu xuất bản năm 1962, tác giả đã chỉ ra rằng các nước Châu Á có khả năng bắt kịp Phương Tây với quá trình dịch chuyển nguồn lực. Tác giả đã nêu ra một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc nắm bắt thời cơ đó.

Nền tảng giáo dục truyền thống với các giá trị như sự tự trọng, chân thật, liêm chính, cần kiệm, khiêm cung, ngay thẳng, chính là nhiên liệu của thế hệ tương lai giống như lửa làm cho phép màu kinh tế xảy ra nhanh chóng

Ông đã dùng hình mẫu “con ngỗng bay” theo hình chữ V trên bầu trời để ví von với nước Nhật. Ông tin rằng người Nhật sẽ bán sản phẩm của mình ra  khắp thế giới bởi vì Nhật có cả “dầu và lửa”. Và sau 40 năm, điều đó đã hoàn toàn là sự thực.

Những thành tựu đả phá thế giới – Tất cả chỉ là bài toán về giáo dục

(Ảnh: VietnamPlus)

Ta hãy nhìn vào một số sự kiện: từ 1965 tới 1980, Mĩ và châu Âu đã chi phối công nghiệp bán dẫn nhưng bắt đầu năm 1982, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan nhanh chóng nắm lấy ngành công nghiệp này và bây giờ nắm 92% thị trường công nghiệp bán dẫn. Từ 1940 tới 1990, Mĩ chi phối ngành công nghiệp xe hơi cho tới năm 1980 Nhật Bản tiến vào thị trường này và cạnh tranh thẳng thắn với các nhà làm xe hơi Mĩ bằng những thiết kế tốt hơn. Năm 2005 Toyota đánh bại General Motor, Ford và Chrysler và trở thành nhà chế tạo xe hơi lớn nhất thế giới.

Với toàn cầu hoá, sự cạnh tranh ngày càng mãnh liệt, phần lớn đồ điện tử (ti vi, máy nghe nhạc, điện thoại v.v.) và các sản phẩm chế tạo giá thấp (dệt, giầy, đồ chơi v.v.) do Trung Quốc chi phối và bắt đầu từ năm 2001, hầu hết công việc và dịch vụ tri thức như Công nghệ thông tin đã bị Ấn Độ chi phối.

Điều gì đã xảy ra cho các nước đã phát triển như Mĩ và các cường quốc Âu Châu? Tại sao họ để điều đó xảy ra? Câu trả lời là: Tự mãn. Với thành công, nhiều nước đã trở nên ngạo mạn và không chú ý tới các đối thủ cạnh tranh. Nhiều nước thậm chí không có chiến lược trong thị trường năng động và cạnh tranh cao này. Khi giá dầu tăng, các nhà làm xe hơi Mĩ vẫn làm những chiếc xe lớn tiêu thụ nhiều xăng trong khi người làm xe Nhật đã hiểu rằng thị trường đã thay đổi và mọi người muốn xe tiêu thụ xăng tốt hơn. Trong ngành công nghiệp công nghệ cao, các công ty bán dẫn sinh lời cao nhưng họ đã không đầu tư vào chế tạo của mình để có hiệu quả hơn, việc thiếu kế hoạch dài hạn đã cung cấp cơ hội cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cải tiến tiện nghi chế tạo của họ và sản xuất các sản phẩm tốt hơn với giá cả thấp hơn.

Trước năm 1992, 95% linh kiện trong máy tính cá nhân được chế tạo tại Mĩ nhưng ngày nay 98% số đó đã được làm ở đâu đó, chỉ linh kiện CPU là vẫn được làm ở Mĩ. Các ví dụ tương tự có thể được thấy trong hầu hết mọi khu vực trong công nghiệp.

Ngày nay, mọi sự đều thay đổi,  một số quy tắc cũ bị loại bỏ và quy tắc mới được đề xướng. Quốc gia nào có thể thay đổi nhanh để thích hợp với đà thay đổi của công nghệ sẽ phát triển mạnh và chiếm vị trí thượng phong. Mãnh lực kinh tế như chúng ta đã thấy trong bài học lịch sử thực tế truyền thống là vốn (Càng nhiều tiền càng tốt) nhưng bây giờ mãnh lực kinh tế là chiến lược canh tân và lực lượng lao động có kĩ năng (Càng canh tân nhanh càng tốt). Tuy nhiên, chiến lược canh tân cần người thực hiện cho nên phương trình kinh tế lại quay lại giải quyết bài toán giáo dục.

Nói tóm lại, để thành công và thịnh vượng trong thế giới được dẫn lái bởi công nghệ này chỉ có một con đường duy nhất – một nền giáo dục đủ khả năng đào tạo ra những chuyện viên có kĩ năng cao. Sự thịnh vượng kinh tế của Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc v.v, chính là minh chứng cho điều đó.

Trùng Dương