Phương thức tốt nhất giúp trẻ thành công ở trường là sự hợp tác chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên. Nó giống như một sợi chỉ quan trọng xuyên suốt những năm tháng trên học đường của trẻ.

Ở nhà, phụ huynh là những người “biết tuốt” về con, từ việc giúp con làm bài tập về nhà cho đến các mối quan hệ của con với anh chị em, họ hàng và bạn bè. Trong khi ở trường, có những điều mà chỉ thầy cô giáo mới biết rõ về con, những thứ liên quan đến học tập cũng như giao tiếp của con cùng bạn bè đồng trang lứa. Nếu có thể kết hợp hai nguồn thông tin này với nhau thì tất cả mọi người đều được lợi ích: cha mẹ và thầy cô trở nên hiểu biết sâu sắc về con em của mình, còn những đứa trẻ sẽ hạnh phúc vì được thấu hiểu và trân trọng.

Giao tiếp, Giao tiếp và Giao tiếp!

Có thể nói rằng chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa phụ huynh và giáo viên chính là một nền tảng giao tiếp tốt. Cũng giống như để xây một chiếc cầu chắc chắn người ta cần những nguyên vật liệu tốt, để tạo dựng một mối liên hệ chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh thật sự cần những trao đổi thường xuyên và chất lượng. 

Ảnh minh hoạ: Pgmfcu.

Thuở ban đầu, phụ huynh hẳn phải chia sẻ nhiều với giáo viên chủ nhiệm về đứa trẻ để giúp con bắt đầu năm học mới thật suôn sẻ, nhưng sau đó để duy trì một mối giao tiếp tốt đẹp thì cần có sự tham gia tích cực của cả phụ huynh và giáo viên trong khoảng thời gian dài liên tục.

Mối liên kết phụ huynh-giáo viên sẽ cho kết quả tốt đẹp nếu người giáo viên không chỉ kiên nhẫn phản hồi các câu hỏi và mối bận tâm của phụ huynh, mà còn chủ động chia sẻ những mối lo và ngợi khen dành cho đứa trẻ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phụ huynh có thể nghĩ rằng giáo viên không đủ tận tâm, vậy họ nên làm gì?

Trực tiếp tiếp cận

Đối phó với một giáo viên thiếu tận tâm không khó như các bậc phụ huynh thường nghĩ. Nếu cảm thấy giáo viên không thiện chí hoặc ít chia sẻ thông tin, thì phụ huynh nên yêu cầu một cuộc họp riêng với giáo viên. Bằng cách này, phụ huynh có thể đặt ra các câu hỏi và lắng nghe cô giáo trả lời. Với khoảng thời gian đủ dài của cuộc họp, phụ huynh sẽ có những thông tin cần biết về tình hình của đứa trẻ.

Phụ huynh chỉ cần lưu ý sắp xếp một cuộc họp có hẹn trước. Nên tránh việc gặp mặt chớp nhoáng tại khu vui chơi của trường hay tranh thủ giữa một cuộc họp phụ huynh chính thức vì sẽ không có thời gian cho sự chia sẻ, đặc biệt trong trường hợp cô giáo thiếu tận tâm.

Đối phó với tình huống khó khăn

Không phải mọi đứa trẻ đều yêu thích trường học hoặc có hành trình chuyển trường suôn sẻ. Thực tế, tại từng thời điểm nhất định, có đến 20% trẻ em tỏ dấu hiệu không thích đến trường. Và mỗi ngày, vô số trẻ em than chán khi ở trường.

Kết quả hình ảnh cho asian parents child
Ảnh minh hoạ: The healthy.

Thực tế cho thấy một số phụ huynh tự gánh chịu trách nhiệm trong mọi vấn đề của con trẻ, không hề chia sẻ cùng nhà trường vì họ cảm thấy họ phải tự thân giải quyết lấy. Một số khác khi được yêu cầu về một buổi trao đổi liên quan đến đứa trẻ lại cảm giác rằng nhà trường dường như có ý định chỉ trích cách nuôi dạy con cái của mình

Tuy nhiên, cùng nhau chia sẻ và tìm kiếm giải pháp mới là cách xử lý tốt nhất với những tình huống khó khăn.

Ví dụ, để giải quyết việc con không muốn đến trường, phụ huynh và nhà trường cần cùng nhau chia sẻ thông tin về đứa trẻ và cùng lên kế hoạch đưa con trở lại với lớp học.

Hãy thực hiện tương tự như vậy khi tìm hiểu những nguyên do khiến đứa trẻ thấy chán khi ở trường. Các bậc phụ huynh nên lắng nghe con nhiều hơn và chia sẻ với giáo viên, đồng thời, giáo viên cũng nên chia sẻ với phụ huynh những điều quan sát được về con trẻ trong lớp học. Nhờ thế, chúng ta hiểu rõ hơn và có thể xử lý được các vấn đề của trẻ.

Xem xét vấn đề từ hai phía

Phụ huynh và giáo viên cần gây dựng mối liên kết đối tác chặt chẽ dựa trên sự lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Điều này rất quan trọng, bởi vì con người thường có xu hướng bác bỏ quan điểm của người khác. Liệu giáo viên có không đồng tình với tâm lý và mong muốn của phụ huynh, và ngược lại?

Thực tế, nếu phụ huynh ít được tham gia vào việc dạy dỗ con cái, họ có thể nghĩ rằng mình như thể bị gạt sang một bên. Trong khi đó giáo viên, nếu liên tục cảm thấy không được phụ huynh lắng nghe, sẽ chẳng còn muốn tiếp xúc với phụ huynh nữa.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Những mong muốn của phụ huynh và giáo viên cũng khác nhau. Giáo viên thường kỳ vọng phụ huynh làm đúng theo hướng dẫn để giúp trẻ hoàn thành bài tập về nhà, trong khi đó nhiều phụ huynh chỉ muốn trao đổi thông tin để cô hiểu về những đặc điểm riêng của con mình.

Thực ra cả phụ huynh và giáo viên đều có cùng một mục tiêu: giúp con trẻ trưởng thành, trở thành người có trách nhiệm, được đảm bảo an toàn và học tập thành công. Đó cũng chính là gốc rễ cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu thiếu đi sự hợp tác và kết nối giữa giáo viên và phụ huynh thì cũng giống như cái gốc rễ đó không được chăm sóc đầy đủ, gây ra thiệt thòi lớn cho cả gia đình, nhà trường và đặc biệt là đứa trẻ. 

Hà Nguyễn

Theo Very Well Family

Video xem thêm: Các giáo viên và học sinh rất xúc động bởi những gì tôi chia sẻ. Chuyện kể của người phụ nữ Đức chuyên ngành nghệ thuật và điêu khắc

videoinfo__video3.dkn.tv||b0df01bc6__