Hơn 15 năm nay, vợ chồng ông Hà Tư Phước (52 tuổi) và bà Huỳnh Thị Hạt (42 tuổi) ở xã Chư Hdrông, TP.Pleiku, Gia Lai đã cưu mang những người tâm thần lang thang ở khắp mọi nơi và xem họ như những người thân trong gia đình.

Ngôi nhà của những người… tâm thần

Đó là một ngôi nhà nhỏ, cũ kỹ nằm sâu trong rẫy cà phê ở xã Chư Hdrông, TP.Pleiku, nơi gia đình ông Phước và bà Hạt đang nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 100 người mắc chứng tâm thần. 

Nhiều người cứ liên tục thắc mắc tại sao ông bà có thể rước những con người điên như vậy về nhà? Họ cả ngày chỉ biết lảm nhảm, cãi vã, rên rỉ… Trong đó còn có những người đã từng giết cha mẹ, vợ con. Thật đáng sợ!

Mọi thứ bắt đầu từ một hạt giống thiện lành

Vậy mà, với vợ chồng ông Phước, những điều này lại quá bình thường. Hàng ngày, bà Hạt vẫn nấu cơm cho họ ăn, trao tận tay họ những viên thuốc. Ông Phước vẫn thường xuyên đến nói chuyện, nghe họ tâm sự về cuộc đời. Thậm chí, có hôm những người điên kêu rên nhiều quá, ông còn xuống ngủ cùng họ để trấn an.

Mọi chuyện bắt đầu từ một hạt giống thiện lành

Năm 2003, trong một lần chạy xe thuê, ông Phước tình cờ gặp một thanh niên đang đi lang thang ngoài đường, một bên chân của anh ta bị trói. Ông sợ xe đụng vào họ nên liền dừng lại xuống hỏi han. Đáp lại chỉ là những cái lắc đầu ngơ ngác, ông biết người này bị mắc chứng tâm thần. Thương tình, ông Phước cho người thanh niên lạ lên xe rồi đưa về nhà chăm sóc.

Ngôi nhà của hơn 100 người tâm thần

Hồi ấy kinh tế gia đình ông Phước còn gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng vừa phải chăm lo con nhỏ, vừa lo thuốc thang cho người mẹ già tật nguyền. Chẳng hiểu ông Phước lấy đâu ra quyết tâm lớn thế, nuôi một người tâm thần đâu có dễ, nhất là khi người ấy lại không có quan hệ máu mủ gì với mình.

Vợ chồng bà Hạc chăm sóc người tâm thần từng miếng ăn giấc ngủ.

Ban đầu bà Hạt cũng phản đối hành động của chồng lắm. Thấy ông đưa về một người lạ, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, miệng liên tục lảm nhảm những câu nói vô nghĩa, nụ cười lại ngây ngây dại dại… rồi nói sẽ nuôi nấng, bà cứ nghĩ ông nói đùa. Nhưng rồi khi câu nói của ông “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Mình không nuôi thì ai nuôi?”, bà đã thay đổi.

Ông Phước thường xuyên đến nói chuyện, nghe họ tâm sự về cuộc đời.

Bà kể lại, khi ông Hạt bảo “Nếu sau này tôi cũng bị như vậy chẳng lẽ bà cũng bỏ tôi à?”, bà chết lặng, thấy bản thân  mình thật vô cảm và ích kỷ. Nhìn vào ánh mắt vô hồn của chàng trai trẻ bị điên, bà bỗng nhận ra mình cần làm gì. Chính ánh mắt ấy đã thay đổi cuộc đời bà kể từ ngày ấy.

Liều thuốc chữa bệnh tốt nhất chính là yêu thương

Để có nơi ở rộng rãi cho mọi người sinh hoạt, vợ chồng ông Phước đã xây một căn nhà lớn dưới rẫy của mình, cũng vì không muốn ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Ông nhận chạy xe thuê để kiếm tiền chăm sóc cho những người bị tâm thần, còn bà thì ở nhà làm rẫy và lo cơm nước.

Đối với những người bị điên, đừng bao giờ xem họ là người bệnh mà hãy xem như anh em ruột thịt của mình. Thường xuyên trò chuyện, làm bạn và tâm sự cùng họ, hãy dùng tình yêu của mình để cảm hóa họ. Giống như những đưa trẻ bị tự kỷ, nên gần gũi và tâm sự với chúng nhiều hơn. Đừng bao giờ chỉ dùng thuốc, thuốc chỉ có tác dụng để cắt cơn đau, chứ không có tác dụng cảm hóa được con người…

Hiện tại, gia đình ông Phước đã đang cưu mang hơn 100 người điên trên khắp đất nước.Từ Bắc vào Nam, chỉ cần gia đình nào có nguyện vọng muốn gửi người nhà bị tâm thần là ông Phước và bà Hạt đều dang rộng vòng tay đón về. Trong số những người tâm thần ấy, có cả tội phạm, từng giết người, nghiện ngập… nhưng đã thay đổi hoàn toàn.

Nhiều người trước khi đến đây không biết gì, nhưng hiện tại họ đã biết làm nhiều công việc vặt trong gia đình.

Dù tinh thần bất ổn nhưng được cái ai cũng nghe lời vợ chồng ông bà. Đến bữa ăn, người khỏe hơn lấy cơm cho người bệnh nặng. Cứ như thế mà các cá nhân trong nhà anh có thể tự giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều người trước đây khù khờ và điên dại, đến nay đã biết nấu cơm, rửa chén. Thậm chí, những công việc lao động chân tay như hái cà phê họ cũng làm rất nhanh và bài bản.

Những người tâm thần chung tay làm những công việc nhẹ nhàng.

Ngoài tấm lòng nhân ái của hai vợ chồng, có nhiều mạnh thường quân cũng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ. Bên trạm xá xã cũng thường xuyên nhận thuốc trên tỉnh về trao cho gia đình để hỗ trợ phần nào những người kém may mắn này. Hiện tại, kinh tế gia đình ông Phước cũng đã ổn định. Ông hiện đang sở hữu hơn 2ha cà phê và một đàn bò. Nhiều người tâm thần một thời gian ở với vợ chồng ông cũng đã biết đi chăn bò, hái cà phê.

Mọi thông tin liên hệ với vợ chồng ông Phước, xin gửi đến địa chỉ:

 Hà Tư Phước. Thôn Ia Rôc, xã Chư Hdrông, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

SĐT: 0974108968

(Nguồn: Báo Gia Lai)

Thiện Nam (tổng hợp)