Có một câu chuyện nhỏ ở một tiểu bang xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới bởi điều ý nghĩa trong đó thật sự có khả năng lan tỏa và chạm tới trái tim của tất cả mọi người.

Rajaram, một thầy giáo dạy môn Toán và Khoa học tại trường Tiểu học Baarali đã quyết định mua một chiếc xe buýt để đưa đón các em học sinh tới trường khi thấy tỉ lệ bỏ học của các em ngày càng tăng cao.

Chiếc xe buýt ngày ngày đưa các em tới trường. (Ảnh: Thelogicalindian)

Tại quận Udupi, có khoảng 50 em học sinh đang theo học tại trường Tiểu học Baarali. Tuy nhiên, con số này đang giảm dần bởi con đường đến trường của các em “thật lắm nỗi gian nan”.

“Không có bất kỳ cách nào đến trường ngoài con đường bùn duy nhất xuyên qua khu rừng”, thầy Rajaram chia sẻ với tờ News Minute.

Để đến được với trường làng, các em phải đi bộ gần 6 cây số trên con đường bùn lầy lội và ướt bẩn trong khu rừng. Vậy nên, đã có rất nhiều phụ huynh cho con em mình nghỉ học bởi sự vất vả và nguy hiểm.

“Số lượng các em bỏ học tăng nhanh chóng và sĩ số học sinh tại trường chúng tôi tụt xuống rất thấp”, thầy Rajaram kể lại. “Có một buổi tối, tôi ngồi tính lại số lượng các em đã bỏ học. Mỗi tuần có ít nhất 5-6 em không đến trường. Tôi rất buồn”.

Suy ngẫm về tình cảnh giáo dục tại làng quê mình, thầy Rajaram đã nghĩ ra một ý tưởng. Thầy đến gặp Vijay Hegde, một trong những người học trò cũ của trường đến để đề xuất việc mua một chiếc xe buýt có thể đón đưa các em học sinh đến trường. Hegde đồng ý với ý định của thầy Rajaram. Họ góp vốn cùng một người học trò cũ nữa là Ganesh Shetty để mua một chiếc xe buýt phục vụ cho việc đi học của các em học sinh trong làng.

Tuy nhiên, việc thuê một tài xế xe buýt sẽ vượt quá nguồn tài chính của họ. Vậy nên, thầy Rajaram đã tình nguyện tự mình lái xe đưa đón các em tới trường. Thật tuyệt vời, nhờ có xe buýt các em đã đi học trở lại. Không những vậy, số lượng học sinh còn tăng lên gần gấp đôi từ 50 lên tới 90 em.

Thầy Rajaram tình nguyện đưa đón các em mỗi ngày. (Ảnh: Thelogicalindian)

“Các lớp học bắt đầu vào lúc 9h30 sáng và tôi đảm bảo rằng tất cả các học sinh đều đúng giờ, thầy Rajaram vui mừng kể lại. “Có những giáo viên đã đến trước khi chuyến xe buýt đầu tiên của các em tới trường. Và tất cả các giáo viên đều ở lại cho đến khi tất cả các em học sinh đều đã được đưa về nhà an toàn và chiếc xe buýt được đưa lại chỗ đậu xe”.

“Tôi đang nghĩ đến việc xây dựng một hàng rào xung quanh trường và một đường mòn để các em có thể thực tập thể thao… Các em sẽ được khuyến khích tham dự các lớp học nếu có các môn thể thao và các hoạt động khác”, thầy Rajaram vui vẻ nói.

Số lượng học sinh đã tăng lên gấp đôi kể từ khi có xe buýt của thầy Rajaram đưa đón. (Ảnh: Thelogicalindian)

Mặc dù kinh phí để duy trì cho việc đưa đón xe buýt tới trường và đầu tư thêm cho chất lượng ngôi trường vẫn còn rất hạn hẹp, nhưng thầy Rajaram tin rằng, họ sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn và cố gắng để các em đến trường nhanh chóng.

Câu chuyện cảm động về tấm lòng của thầy Rajaram với những cô cậu học trò nhỏ làm người ta lại nhớ đến hình ảnh của những người thầy, người cô trên những bản làng nơi vùng cao nước nhà. Đã có biết bao tấm gương âm thầm, những “người lái đò” lặng lẽ đưa các em qua sông, qua núi, qua đồi để các em tìm đến con chữ. Hành trình ấy có biết bao gian nan và trắc trở, nhưng họ đâu cần được đền đáp, đâu cần được tán thưởng hay khen ngợi. Họ chỉ cần các em học sinh có cơ hội được học được hành như bao người bạn đồng trang lứa khác. Đó chẳng phải là điều mà người ta vẫn thường gọi là “vị tha”, là vì người khác mà không mong nhận về điều gì về cho riêng mình. Và có một điều chắc chắn rằng, chúng ta vẫn hy vọng thế giới này có nhiều hơn, nhiều hơn một “người thầy” như thầy Rajaram. 

Tuệ Minh