Sinh ra đã bị khiếm khuyết đôi tay, Nguyễn Tiến Anh (SN 2010) ở thôn Muối, xã Lan Mẫu, Lục Nam (Bắc Giang) vẫn lớn lên vui vẻ, hồn nhiên, hoà đồng với bạn bè cùng trang lứa. Với đức tính kiên trì, nhẫn nại, cậu bé đã rèn cho đôi chân trở nên khéo léo, có thể làm được hầu hết công việc như một người bình thường. 

Lúc còn rất nhỏ, Tiến Anh thường hỏi mẹ: “Sao các bạn có tay mà con lại không có tay?”; “Bao giờ tay con sẽ mọc như tay các bạn hả mẹ?”. Mỗi lần như thế, mẹ Tiến Anh lại bắt đầu giải thích cặn kẽ cho cậu bé hiểu, rằng có những người từ khi sinh ra đã đặc biệt so với người khác; nhưng trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ, điều đó thật khó chấp nhận biết bao.

Nhiều lần sau này, khi Tiến Anh đã lớn hơn một chút, cậu bé mới chấp nhận rằng mình là người khuyết tật, sẽ không có đôi tay nào mọc lên được nữa. Và Tiến Anh quyết tâm “ép” đôi chân vận động theo ý mình, làm việc thay đôi tay…

Nói thì dễ nhưng làm thì khó khăn đến chừng nào. Ở trên lớp, cậu học trò nhỏ thường ngồi một bàn có thiết kế riêng để viết bằng chân cho thuận tiện. Em kẹp bút ở hai ngón chân, đưa từng nét một, phải gù lưng, vặn người mới có thể giữ chắc cây bút. Lúc nào mệt quá, cô giáo lại giúp em xoa bóp chân cho bớt đau rồi cô trò cùng tập tiếp. Có những buổi sáng mùa đông giá rét, ai nấy đều đi tất, riêng Tiến Anh phải bỏ tất ra để tập viết dù ngón chân tê cứng. Luyện ở trên lớp chưa đủ, về nhà lại Tiến Anh lại cặm cụi luyện thêm, cứ như thế trong một thời gian dài. 

Giờ đây, việc viết lách đã không thể làm khó được cậu bé không tay đầy nghị lực. Tiến Anh  có thể viết rất nhanh nhẹn, em dùng chân với quyển vở và cây bút trên giá sách rồi ngồi xuống nền nhà viết, chữ đẹp chẳng kém các bạn viết bằng tay là bao nhiêu.

Buổi trưa, khi mẹ nấu cơm, Tiến Anh lăng xăng ở bên giúp những việc vặt. Đến bữa, cậu bé dùng đũa gắp thức ăn, dùng thìa xúc cơm, ăn một lèo là xong, mẹ không phải giục giã.

Mọi sinh hoạt cá nhân từ mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt em đều dùng đôi chân, không phiền đến mẹ và các anh. Những buổi chiều rảnh rỗi, mấy anh em rủ nhau đi chơi đá bóng. Tiến Anh chưa bao giờ để những khiếm khuyết trên thân thể cản bước mình sống vui vẻ, hồn nhiên.

Tiến Anh mơ ước sau này trở thành họa sĩ. Em thích vẽ những bức tranh thật đẹp về mẹ, về mái trường và nhiều chủ đề khác. Biết được điều đó, các thầy cô giáo đã khuyến khích em tham gia Câu lạc bộ Mỹ thuật của trường. Trong cuộc thi “Em vẽ ước mơ của em” năm 2018 do hãng bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức, Tiến Anh đoạt giải Triển vọng (khu vực Hà Nội).

Câu chuyện của Tiến Anh sau khi được đăng tải trên báo Bắc Giang đã nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng. Các nhà hảo tâm cũng đến tặng em giá vẽ bằng gỗ và nhiều đồ dùng học tập khác để khuyến khích cậu học trò nhỏ nhưng nghị lực lớn. 

Hy vọng cậu bé không tay Nguyễn Tiến Anh sẽ như diễn giả nổi tiếng Nick Vujicic – dù khuyết tật tứ chi nhưng luôn có khát vọng vươn lên. Rồi mai đây, Tiến Anh cũng sẽ truyền cảm hứng cho hàng triệu người như vậy – giúp họ vững tin vào bản thân, tìm thấy hạnh phúc thật sự.

Video xem thêm: Có những người chỉ vì mưu sinh mà phải dốc hết những gì mình có

videoinfo__video3.dkn.tv||19d011cbc__