Không chỉ truyền kiến thức, đam mê cho trò mà trên hết, cô Tâm và thầy Diễn cho thấy ý chí, nghị lực, tình yêu nghề của mình với học sinh. Mất đi đôi chân nhưng họ vẫn đứng vẫn trên bục giảng.

Nữ giáo viên và vết chân tròn trên bục giảng

Tròn 10 năm sau vụ tai nạn giao thông, cô Nguyễn Thị Minh Tâm (sinh năm 1986, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) không đầu hàng số phận, vẫn bền bỉ với những bước chân tròn trên nạng gỗ đến trường dạy học.

Một ngày cuối tháng 8/2009, Minh Tâm khi ấy mới 23 tuổi, đang trên đường đi vận động học sinh đến trường THPT Tân Thành (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng), nơi thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh, thì bất ngờ gặp tai nạn. Ôtô chở vật liệu xây dựng lên được nửa cầu, bị tuột dốc, lao thẳng vào cô, bánh sau xe tải cán lên chân. Cô gái tỉnh dậy tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Tp.HCM) với cơ thể không còn lành lặn.

Thỉnh thoảng lật giở những bức hình cũ từ nhiều năm trước, một cô gái tròn 20 tuổi với đôi chân thon dài, Minh Tâm vẫn mỉm cười nhưng không còn quá nuối tiếc về một hình ảnh đẹp của bản thân ngày xưa (ảnh: Zing).

Cú sốc lớn ở độ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết khiến cô suy sụp hoàn toàn. Nhưng bằng tình yêu thương của má Bảy, chị Hai và đám học trò nhỏ, Tâm dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Nữ giáo viên nói trên Zing: “Nghĩ lại cũng thấy may mắn, dù có chán nản đến đâu, mình cũng chưa bao giờ sống tiêu cực”.

Ra viện, vì vấn đề sức khỏe, cô được chuyển đến làm công việc văn phòng tại trường THPT Thiên Hộ Dương (TP Cao Lãnh). Mỗi ngày nhìn đồng nghiệp đứng trên bục giảng, đám học sinh nô đùa vui vẻ, ước mơ của cô sinh viên sư phạm Toán thuở nào đã thôi thúc khiến cô mạnh dạn xin được đứng lớp.

Những e ngại, dè dặt ban đầu của nhiều người dần bị giáo viên trẻ chinh phục. Cô tập đi bằng chân giả, nạng gỗ. Chiếc chân giả nặng 2kg trở thành người bạn đồng hành của cô 10 năm nay. Nó giúp cô có thể đi lại không cần sự trợ giúp của nạng gỗ và hơn cả là mang đến cho người phụ nữ vẻ bề ngoài như chưa từng xảy ra vụ tai nạn thương tâm ngày ấy.

Những học trò đáng yêu là động lực để cô Tâm ngày ngày đến trường (ảnh: Zing).

Hàng ngày, cô Tâm đi qua cây cầu đó trên chiếc xe 3 bánh tự chế để đến trường. Cô vẫn nói đùa mình như “anh thương binh” nhưng thay vì ôm đàn, nữ giáo viên “ôm chữ” đến lớp học để mang cho tụi nhỏ kiến thức.

Chiếc xe ba bánh tự chế giúp cô đi lại dễ dàng hơn (ảnh: Zing).

Những bài giảng luôn hấp dẫn, cuốn hút học sinh, những tiết học luôn rộn vang tiếng cười.

Những học sinh vui vẻ, say mê với những bài giảng của cô (ảnh: Zing).
Cô luôn nở nụ cười trên môi (ảnh: Zing).

Nỗ lực không ngừng nghỉ

4h30′ sáng, tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên, cô Tâm thức giấc. Nhẹ nhàng đánh răng, rửa mặt xong cô di chuyển đến phòng tập gym cách nhà 2km. Với ý trí bền bỉ, cô đã luyện tập được hơn 2 năm.

Những bài tập đổ mồ hôi, cơn đau kéo đến nhưng cô vẫn kiên trì mỗi ngày, bởi có sức khỏe tốt mới đứng vững trên bục giảng (ảnh: Zing).

Sau màn khởi động, cô tập đi trên máy chạy bộ. Nữ giáo viên nói: “Ngày đầu, mình chỉ đi được vài bước chân là mệt xỉu nhưng động viên bản thân cố thêm chút nữa, mỗi ngày từng chút một. Đến giờ, mình đi liên tục được 10 phút”.

Tranh thủ lúc tập luyện, cô Tâm nghe thêm tiếng Anh và đọc sách (ảnh: Zing).

Cô chia sẻ có lần đi Nhật Bản thăm người thân, trước lúc đi cũng lo về chuyện đi lại, vì bên đó mọi người chủ yếu đi bộ và tàu điện ngầm. Lúc ấy, cô chỉ đi được tối đa 500m mỗi ngày. Cô giáo nhớ lại: “Nhưng không ngờ mình đã đi được 7km, thực sự bất ngờ về chính bản thân”.

Cô Tâm tự tin khi bây giờ có thể chơi được nhiều môn thể thao như cầu lông, nhảy dây (ảnh: Zing).

Truyền năng lượng tích cực đến mọi người

Anh Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1989) gặp tai nạn từ 9 năm trước, phải nằm một chỗ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng (Đồng Tháp). Đến bây giờ, anh còn nhớ mãi hình ảnh cô gái dong dỏng cao, chân đi hơi khập khiễng nhưng lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói. Khi biết được câu chuyện của cô, anh thực sự kinh ngạc: “Người ta là phụ nữ còn mạnh mẽ như vậy, trong khi mình còn cả cơ thể lành lặn, không thể phó mặc cho số phận được”. Từ đó, chàng trai quyết tâm tập luyện để một ngày nào đó có thể đi lại bình thường. 

Anh Toàn là một trong nhiều người thuộc nhóm mà cô Minh Tâm hướng đến. Cô thành lập câu lạc bộ thiện nguyện, giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh như mình với mong muốn phần nào có thể lan tỏa những điều tích cực đến với họ.

Không chỉ thăm hỏi, động viên những người có hoàn cảnh giống mình, cô giáo trẻ còn tổ chức những buổi phát cháo từ thiện hay chương trình văn nghệ để kết nối mọi người gần nhau hơn (ảnh: Zing).

Bên cạnh việc tham gia câu lạc bộ thiện nguyện, nữ giáo viên còn kèm thêm cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chiếc bảng trắng treo ngay ngắn trên tường ngả màu theo thời gian, có mảng vỡ toạc phải dùng giấy che lại, nhưng đây là nơi ghi dấu biết bao bài giảng miễn phí của cô Tâm dành cho những học trò có hoàn cảnh đặc biệt.

Nữ giáo viên tâm sự: “Giúp được tụi nhỏ chút nào hay chút đó. Bản thân mình cũng thấy vui hơn”.

Cô Tâm dạy miễn phí những học sinh có hoàn cảnh khó khăn (ảnh: Zing).

Ngoài ra, cứ thứ Năm hàng tuần, cô vận động học sinh tham gia làm sạch cảnh quan trường học. Ban đầu chỉ một vài em tham gia. Đến nay, sau 2 năm thực hiện, số lượng học sinh tăng lên đáng kể. Cô Tâm cho hay: “Thay đổi ý thức tụi nhỏ từ những điều nhỏ mới hy vọng có thể khiến các em suy nghĩ về những thứ lớn lao hơn”.

Các em học sinh cùng cô Tâm vệ sinh trường lớp (ảnh: Zing).

Thức dậy từ 4h30′ sáng tập gym, sau đó đến trường, dạy miễn phí cho học sinh, đi làm từ thiện…, công việc cuốn cô miệt mài hết ngày này qua ngày khác. Cô bảo công việc dồn dập nhiều khi khiến mình quên đi bản thân là người khuyết tật, chỉ khi tối về tháo chiếc chân giả ra, cô mới cảm thấy đau nhức. Nhưng những mệt mỏi đó theo cô chỉ là chút thử thách mà ông trời mang đến.

“Nghịch cảnh không phải bất hạnh mà là món quà cuộc sống ban tặng”, đây là câu khuyết danh mà cô Tâm nhớ mãi. Với người giáo viên ấy, có gặp khó khăn mới biết bản thân mình có thể chống chọi đến mức nào, có thể mạnh mẽ đến mức nào, cô vẫn tự nhủ với bản thân như vậy.

Người thầy liệt 2 chân với ý chí, nghị lực làm nên điều kỳ diệu

Cũng giống cô Minh Tâm, thầy Phạm Đức Diễn (sinh năm 1976, quê An Vũ, Quỳnh Phụ, Thái Bình) bị tai nạn mùa hè năm 17 tuổi khiến liệt đôi chân nhưng không từ bỏ ước mơ của mình.

Những tháng đầu tiên sau tai nạn, Diễn bó bột kín thân người và chỉ có thể nằm bất động trên chiếc giường bệnh viện. Từ 52kg, chàng thanh niên 17 tuổi gầy sọp, chỉ còn vẻn vẹn 42kg. Mọi sinh hoạt cá nhân, thậm chí ngay cả việc trở mình, cậu cũng phải nhờ cậy bố mẹ. Bố cậu xin nghỉ hưu sớm để hàng ngày túc trực bên Diễn. Khi tắm cho con, ông phải chuẩn bị một tấm gỗ dài, kê trên 3 chiếc ghế nhựa để đặt cậu nằm lên.

Chân dung anh Phạm Đức Diễn (ảnh: Nhân vật cung cấp/Vietnamnet).

Anh Diễn xúc động nhớ lại: “Nhìn bố mẹ vất vả, tôi thấy bản thân thật vô dụng. Cảm giác giống như mình lại là trẻ con lần nữa, bố mẹ phải chăm từng chút một. Rất nhiều đêm, tôi bật khóc nhưng không để ai biết, tới sáng lại tỏ ra vui vẻ cho người thân không buồn”.

Đau đớn, mệt nhoài cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng Diễn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buông xuôi, hoặc những điều tệ hơn thế.

Ra viện, Diễn lao vào luyện tập. Bố làm cho anh hai thanh gióng tre, gác lên tường nhà để tập đi. Bám vào hai thanh tre, Diễn cố nhấc từng bước. Hai chân không còn cảm giác, ngón chân liên tiếp bị quệt xuống sàn nhà. Diễn không bỏ cuộc, lại cố hết sức nhấc chân cao hơn. Mỗi ngày, anh đều tập nhiều tiếng như vậy. Tập hăng say đến nỗi phải mặc áo ngắn tay, bật quạt dù là mùa đông lạnh ngắt.

Anh Diễn chụp cùng các bạn năm 1994, một năm sau tai nạn  (ảnh: Nhân vật cung cấp/Vietnamnet).

4 tháng sau luyện tập, như một phép màu, Diễn có thể đi lại được nhờ chống nạng hai bên cánh tay. Dần dần, nạng từ cánh tay chuyển xuống khuỷu tay, từ 2 chiếc chỉ còn 1 chiếc, những bước đi của anh ngày một nhanh nhẹn hơn. Anh tự tập xe đạp bằng cách gác chiếc nạng lên ghi đông xe, quàng chân lên để đi. Rồi anh cũng tự đi được xe máy trong sự ngạc nhiên của nhiều người. Đến giờ, anh Diễn thậm chí có thể bám vào đồ vật để di chuyển khi không có nạng.

Trong suốt những năm sau tai nạn, Diễn chưa bao giờ từ bỏ việc học. Sau mỗi giờ tan lớp, anh lại nhờ các bạn mang sách vở về và giảng lại bài học hôm đó. Những quyển sách các bạn không còn dùng, anh xin về để tự ôn. Diễn thích nhất là học tiếng Anh. Ngoài học trong sách, anh học cả trên vô tuyến và đài phát thanh. Ngày bắt đầu đi được xe đạp, anh xin vào một xưởng làm kim hoàn, ban ngày làm việc, tối lại dành thời gian đi học thêm.

Sau khi thi tốt nghiệp cấp 3, năm 21 tuổi, Phạm Đức Diễn thi đỗ vào Khoa Tiếng Anh, Đại học Mở Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc và công tác Đoàn sôi nổi, Diễn được trao tặng giải thưởng Sao tháng giêng của BCH Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và rất nhiều học bổng khác.

Thầy Diễn cùng học trò của mình (ảnh: Vietnamnet).

Ra trường, anh trở thành một giảng viên tiếng Anh được nhiều học trò yêu mến. Anh Diễn hiện là Phó chủ nhiệm Khoa Tiếng Anh, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Anh cũng tham gia công tác giảng dạy tại một số trường đại học lớn khác như Đại học Ngoại thương, Đại học Mở, Học viện Ngân hàng,…

Trong những câu chuyện ngoài giờ với sinh viên hay mỗi khi có một học trò rơi vào khủng hoảng, anh Diễn vẫn hay kể về cuộc hành trình đầy thử thách của mình. Từ câu chuyện thầy kể, rất nhiều cô cậu học trò đã có thêm ý chí, niềm tin để tiếp tục vươn lên.

“Chặng đường nào cũng có khúc trơn trượt và nguy hiểm. Để đến được nơi cần đến, dù bạn là ai thì điều quan trọng vẫn là những người đồng hành sẻ chia, động viên để bạn vượt qua. Và điều nữa, bạn phải vượt qua chính mình”.

Anh mỉm cười tâm sự với Vietnamnet: “Tôi luôn biết ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan đã giúp đỡ để tôi có ngày hôm nay. Tôi có lẽ cũng phải cảm ơn chính tôi nữa, vì ngày ấy tôi đã không bỏ cuộc”.

Video xem thêm: Nghị lực của cậu bé bị trêu ‘tay đùi gà’ ở Nha Trang – VnExpress

videoinfo__video3.dkn.tv||cd704fcca__