Nhiều người đặt câu hỏi: Võ thuật truyền thống nói chung và Vịnh Xuân nói riêng có phải thực sự lợi hại như phim Diệp Vấn không, hay chỉ là một thứ đồ chơi? Vịnh Xuân Trung Quốc và Vịnh Xuân Việt khác nhau thế nào?

Tháng 3 năm 2018, sự kiện võ sỹ MMA [1] hàng đầu Trung Quốc Từ Hiểu Đông hạ Đinh Hạo, đệ tử đời thứ 4 của sư phụ Vịnh Xuân Diệp Vấn trong vòng một phút khiến công chúng đều đặt dấu hỏi về Vịnh Xuân và các môn phái võ thuật truyền thống khác. Trước đó, tháng 4 năm 2017, cũng Từ Hiểu Đông, trong 10 giây đã nhanh chóng hạ Ngụy Lôi, một người tự xưng là cao thủ Thái Cực quyền, càng khiến nhiều người hoài nghi sức mạnh thực chiến của võ thuật truyền thống.

Võ sư Nam Anh Tuấn, đệ tử của đại sư Nam Anh môn phái Vịnh Xuân Việt đã gửi thư thách đấu cho Từ Hiểu Đông, nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Tháng 7 năm 2017, Flores, một võ sư môn phái Vịnh Xuân Việt, học trò của đại sư Nam Anh đã dễ dàng, nhanh chóng thắng võ sư Karate Đoàn Bảo Châu.

Nhiều người đặt câu hỏi: Võ thuật truyền thống nói chung và Vịnh Xuân nói riêng có phải thực sự lợi hại như phim Diệp Vấn không, hay chỉ là một thứ đồ chơi? Vịnh Xuân Trung Quốc và Vịnh Xuân Việt khác nhau thế nào?

1. Vịnh Xuân –  môn võ truyền thống phương Đông lừng danh thế giới

Người làm rạng danh Vịnh Xuân là Lý Tiểu Long, đệ tử của sư phụ Diệp Vấn. Lý Tiểu Long trong cuộc đời đã thi đấu với nhiều võ sỹ nhiều môn phái và đều bất bại. Khi anh đưa võ thuật lên màn ảnh, thế giới mới biết được môn võ độc đáo Triệt quyền đạo của anh, do anh sáng lập trên cơ sở Vịnh Xuân quyền.

Và sau khi 3 tập bộ phim Diệp Vấn ra đời thì mọi người đã có cái nhìn khá toàn diện hơn về Vịnh Xuân. Cơn sốt học Vịnh Xuân lan truyền khắp thế giới.

Vịnh Xuân có nhiều truyền thuyết xuất xứ khác nhau, có 6 thuyết nói về nguồn gốc của Vịnh Xuân, nhưng do không có các tư liệu văn bản kiểm chứng nên hiện vẫn chưa thống nhất được lai lịch môn võ đặc biệt này. Nhưng tựu trung thì mọi người đều thừa nhận, Vịnh Xuân do một nữ cao thủ võ Thiếu Lâm là Ngũ Mai sư thái sáng tạo ra.

Sư thái dựa trên nền tảng công phu Nam Thiếu Lâm, thay đổi, sáng tạo ra môn võ phù hợp với phụ nữ, chú trọng mềm mại linh hoạt nhưng lại đầy uy lực, mau lẹ, nhanh chóng khắc chế hóa giải các thế tấn công dựa trên nền tảng nội lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, Vịnh Xuân thường truyền cho đệ tử trong phạm vi hẹp, và khẩu truyền tâm thụ, nên vẫn ít người biết đến.

Vịnh Xuân -  môn võ truyền thống phương Đông lừng danh thế giới
Vịnh Xuân quyền được biết đến là do một nữ cao thủ võ Thiếu Lâm là Ngũ Mai sư thái sáng tạo ra. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Từ năm 1901, đến đời thứ 6 của Vịnh Xuân là Trần Hoa Thuận, sư phụ của Diệp Vấn thì Vịnh Xuân được nhiều người biết tới. Trần Hoa Thuận thu phí rất cao, và cũng không truyền rộng rãi, nên chỉ con em quý tộc mới có đủ tiền theo học. Vì vậy, thời đó người ta còn gọi Vịnh Xuân quyền là “Thiếu gia quyền”, tức môn quyền thuật dành cho các thiếu gia, công tử giàu có.

2. Diệp Vấn và đệ tử là Lý Tiểu Long, hai thầy trò đem võ thuật truyền thống ra thế giới

Diệp Vấn từ khi còn nhỏ thiên chất thông minh, nhưng cơ thể yếu nhược, nhiều bệnh. Khi đó Trần Hoa Thuận có thuê khu vực đền thờ họ của nhà Diệp Vấn để truyền thụ Vịnh Xuân. Thấy Diệp Vấn yếu ớt nhiều bệnh, Trần Hoa Thuận nhận làm đệ tử, truyền thụ Vịnh Xuân.

Diệp Vấn thông minh vượt trội, lại rất chăm chỉ cần cù luyện võ, nên sư phụ rất hài lòng, thường đích thân chỉ bảo, và thường luyện cùng sư huynh Ngô Trọng Tố. Sau ông đến Hồng Kông định cư, có danh tiếng cao trong giới võ lâm Hồng Kông. Đệ tử theo học rất đông, có nhiều đệ tử người phương Tây, sau đó họ truyền lại Vịnh Xuân sang các nước phương Tây khiến danh tiếng Vịnh Xuân vươn ra tầm thế giới.

Lý Tiểu Long khi còn nhỏ thể chất yếu ớt nên đã bái Diệp Vấn làm sư phụ để học Vịnh Xuân. Sau này Tiểu Long sang học và định cư ở Mỹ, ông nghiên cứu võ cổ truyền, rồi sáng chế ra Triệt quyền đạo (Tên chính xác phải là Tiệt quyền đạo, nghĩa là môn quyền thuật nhanh gọn, do lỗi phiên dịch từ đầu nên đã dùng sai thành quen). Lý Tiểu Long ngoài dạy võ thuật còn đóng nhiều bộ phim võ thuật, anh được coi là biểu tượng của võ thuật đương thời.

Lý Tiểu Long ra đòn nhanh đến mức máy quay phim không bắt hình được khiến đạo diễn yêu cầu anh phải đánh chậm lại. Anh còn hạ gục một võ sỹ thách đấu trong 30 giây. Ngoài ra, anh tung nắm gạo lên trời và dùng đũa gắp chúng khi chúng còn trên không. Anh còn có thể dùng 2 ngón tay chống đẩy 200 lần, 1 ngón tay chống đẩy 100 lần, dùng côn nhị khúc chơi bóng bàn. Cú đấm của anh có lực 158.7 kg. Anh đá một người nặng 91 kg văng xa 20 m.

Diệp Vấn và đệ tử là Lý Tiểu Long, hai thầy trò đem võ thuật truyền thống ra thế giới
Lý Tiểu Long và sư phụ Diệp Vấn. (Ảnh: ggrr.info)

3. Vịnh Xuân Việt và những kỳ tích

Một nhánh khác của Vịnh Xuân truyền vào Việt Nam là từ võ sư Nguyễn Tế Công, đời thứ 6 của Vịnh Xuân, cùng thời với Diệp Vấn. Đầu thế kỷ 20, võ sư Tế Công sang Việt Nam. Ông đã truyền cho nhiều người Việt, trong đó có võ sư Trần Thúc Tiển, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, võ sư Nguyễn Thị Bích Vân, võ sư Đỗ Tuấn…

Sau năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn và truyền cho các võ sư Quang Sáng, Trương Cao Phong và Lục Viễn Khai.

Võ sư Trần Thúc Tiển là người gầy yếu, nhỏ bé, lại lao phổi nặng. Thời đó, bệnh lao phổi là vô phương cứu chữa, nhưng cơ may học Vịnh Xuân khiến ông sống khỏe mạnh và thành cao thủ tên tuổi của Vịnh Xuân Việt.

Vào một buổi chiều, cố võ sư Trần Thúc Tiển đang ngồi thì thấy hai người lính lê dương to cao đi từ phố Đinh Liệt (bây giờ) lại. Bộ dạng hai người lính như đang say, dáng đi chếnh choáng. Cùng lúc đó, một ông già người Tàu cũng đi trên hè với hướng ngược lại hai người lính. Lúc giáp nhau, vô tình cứ ông già Tàu tránh sang bên này, thì hai người lính tránh về bên đó. Sau hai ba lần như vậy, một trong hai người lính có vẻ tức tối, vung nắm đấm, đấm vào người ông già. Cố võ sư Trần Thúc Tiển thấy ông già khoảng trên 60 tuổi, không tránh và cũng không buông mẹt và giá đỡ ra để đỡ. Cố võ sư Trần Thúc Tiển thấy người lính đấm vào ngực ông già. Và thật lạ, người lính kia bắn ngược lại khoảng 2m, lăn ra vỉa hè (gần cống). Người lính thứ hai thấy bạn mình bị ngã, tưởng bị ông già kia đánh, mới tung cú đấm rất mạnh vào người ông già. Và lại giống như bạn mình, người lính này bị bắn ngược lại còn văng xa hơn người kia, lăn xuống hẳn rãnh cống. Trong khi đó, ông già người Tàu vẫn đứng yên.

Có một câu chuyện nữa về nội công của võ sư Tế Công. Một hôm, tất cả các học trò có mặt cùng võ sư đi ra bãi giữa sông Hồng. Tại đây, võ sư đứng yên để cho các học trò của mình từng người đánh thoải mái vào người võ sư. Chỉ sau một vài đòn đánh khẽ ban đầu, các học trò đã đánh hết sức mình (sức trẻ của tuổi thanh niên đã từng tập các môn thể thao như tạ, quyền anh… trước khi đến với môn Vịnh Xuân). Và tất cả các học trò, sau khi đánh hết sức mình đều mệt nhoài, nằm thở trên bãi cát, còn võ sư vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra với mình.

Về khả năng này, ngày nay những truyền nhân của cụ Tế cũng nhiều người luyện được. Võ sư Nội đã có lần biểu diễn trên truyền hình đứng cho học trò đấm hàng trăm, ngàn quả vào người mà vẫn nói chuyện tiếp phóng viên VTV bình thường. Hay như võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm có lần sang Trung Quốc thăm quê hương sư tổ Tế Công cũng đã đứng cho một võ sinh Trung Quốc đấm đến khi mệt thì thôi.

Vịnh Xuân Việt và những kỳ tích
Võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm. (Ảnh: youtube.com)

4. Sự khác nhau của Vịnh Xuân Việt và Trung Quốc tiết lộ bí mật võ thuật truyền thống

Vịnh Xuân Trung Quốc từ võ sư Diệp Vấn đến các đệ tử sau này, thường dựa vào các đòn nhanh khéo đầy sức mạnh khắc chế đối phương. Còn Vịnh Xuân Việt từ võ sư Tế Công đến một số đệ tử lại có khả năng nội công thâm hậu, chỉ đứng yên cho đối thủ thoải mái đánh mà vẫn như không, hay chỉ động nhẹ tay mà đối thủ bắn ngược lại mấy mét ngã bò lê bò càng. Như vậy sự khác nhau là Vịnh Xuân Việt có phương pháp luyện nội công vượt trội.

Vịnh Xuân, cũng như các môn phái võ truyền thống xưa thường tuyển chọn đồ đệ nghiêm ngặt và hạn chế. Trong các đồ đệ đó thì tùy người có căn cơ, tu dưỡng, đức hạnh khác nhau mà truyền các tuyệt học khác nhau, chứ không truyền hết các bí kíp.

Phái võ truyền thống lớn nhất, có lịch sử lâu đời, có ảnh hưởng rộng rãi đến võ thuật thế giới nhất có thể kể đến Thiếu Lâm. Sư tổ võ Thiếu Lâm là Bồ Đề Đạt Ma khi thấy nhóm người của Lương Võ Đế đuổi theo đã dùng một cọng lau vượt sông. Điển tích “Nhất vĩ độ giang” hiện nay còn được khắc họa ở chùa Thiếu Lâm và rất nhiều Thiền tự khắp nơi.

Bồ Đề Đạt Ma thấy các tăng nhân thể trạng yếu ớt, khó chống được cái lạnh trong núi rừng, cơn buồn ngủ, cùng bệnh tật, nên đã truyền thụ cho họ một phần thủ pháp rèn luyện thân thể, chứ không truyền hết tuyệt học võ thuật của ngài. Mục đích của ngài truyền võ thuật là để hỗ trợ các tăng nhân tu Phật. Người được sư tổ Đạt Ma truyền thụ nhiều nhất, ắt phải là nhị tổ Huệ Khả. Tương truyền nhị tổ truyền lại cho các đồ đệ phương pháp luyện nội công là “Dịch cân kinh” và “Tẩy tủy kinh”, giúp đồ đệ tinh tấn trong tu luyện, là một trong các phương pháp hỗ trợ tham thiền để đạt đến mục đích ngộ Đạo.

Phái võ xuất phát từ Thiếu Lâm, nhưng trái ngược với Thiếu Lâm là Thái Cực của Đạo gia. Sư tổ Thái Cực là Trương Tam Phong, người có võ công Thiếu Lâm thượng thừa, trên 70 tuổi mới vào núi tu Đạo. Trên cơ sở võ học Thiếu Lâm và nguyên lý Đạo gia “Nhu thắng cương, nhược thắng cường”, ông đã sáng tạo ra môn võ Thái Cực.

Tử Tiêu Cung ở núi Võ Đang hiện còn lưu lại một bức bích họa sống động như thật, vẽ một đạo sỹ đang quan sát cảnh chú chim hỷ thước giao tranh với một con rắn. Tương truyền, Trương Tam Phong đã từ cuộc đấu trí công thủ, nhanh chậm, trên dưới này mà tham ngộ được huyền bí của quyền nội gia, đã để lại “Thái Cực thập tam thức” (13 chiêu thức Thái Cực).

Theo ghi chép quyền nội gia Võ Đang sớm nhất là “Bài minh bia mộ Vương Chinh Nam” thì: “(Trương Tam Phong) Đêm mơ được Huyền Vũ truyền thụ quyền pháp, sáng hôm sau một mình giết trên trăm tên cướp”. Đây lại là cội nguồn thần kỳ của Trương Tam Phong và Võ Đang.

Bản thân Vương Chinh Nam có lần bị 7, 8 đại đội lính bắt đi làm lao dịch, ông khổ sở cầu xin mà không được tha, đành phải bỏ những vật nặng đang cõng trên lưng xuống ở trên cầu. Quân lính trông thấy liền vung đao chém, Vương Chinh Nam tay không giơ lên đỡ, quân lính từng tên từng tên tự ngã nhào, binh đao cũng leng keng rơi xuống đất.

Người các đời sau phần nhiều đều học võ từ hai phái Thiếu Lâm và Thái Cực này. Khi không đạt được đến cảnh giới của sư phụ họ, thì nhiều người cải biên, thay đổi, bổ sung thêm bớt, hoặc kết hợp các chiêu thức của các môn võ khác, tạo ra các trường phái, môn phái võ thuật mới.

Từ chuyện tu luyện và truyền thụ võ thuật của hai sư tổ hai phái võ truyền thống, có thể thấy hai ngài có công năng đặc dị thượng thừa, các đệ tử các đời sau chỉ đạt được phần nào tuyệt kỹ của hai ngài.

Sự khác nhau của Vịnh Xuân Việt và Trung Quốc tiết lộ bí mật võ thuật truyền thống
Đa số những môn võ công truyền thống nổi tiếng đều bắt nguồn từ hai trường phái Phật và Đạo. (Ảnh: youtube.com)

Kỳ thực, công năng đặc dị của hai ngài là có nhờ tu luyện, chứ không phải luyện võ mà ra. Bồ Đề Đạt Ma diện bích 9 năm ngộ Đạo rồi mới truyền Pháp. Truyền võ công chỉ là phương pháp bổ trợ cho tu Phật. Trương Tam Phong dùng nguyên lý âm dương, nguyên lý tương sinh tương khắc của Đạo gia, trên cơ sở võ Thiếu Lâm, sáng tạo ra môn võ mềm mại nhẹ nhàng như nước, lấy tĩnh thắng động, lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh.

Tuy nhiên, nếu không tu xuất được ra công năng đặc dị thì chỉ là chiêu thức. Nếu chỉ rèn luyện chiêu thức thì chỉ có thể đạt được tốc độ và sức mạnh ở đỉnh cao của tầng người thường.

Võ thuật truyền thống đỉnh cao nhất là hai sư tổ hai phái Thiếu Lâm, Thái Cực, tu Phật tu Đạo mà tu xuất ra công năng đặc dị. Về sau, không rõ do các sư tổ không truyền thụ hết, hoặc là các đời sau không đạt được cảnh giới đắc Đạo cao như các sư tổ, nên các công năng đặc dị càng ngày càng suy giảm. Cho đến ngày nay, như Ngụy Lôi, Đinh Hạo, bị một người mới luyện võ hiện đại MMA vài năm hạ trong vài phút, thì có thể thấy họ không có nền tảng nội công.

Nếu luyện võ truyền thống không luyện nội công, hoặc luyện nhưng không xuất công (do không tu đức) thì chính là lấy sở đoản của võ truyền thống (chiêu thức) đấu với sở trường của võ hiện đại (kỹ năng thi đấu), không nói ai cũng biết kết quả thế nào.

5. Luyện võ thuật truyền thống như thế nào?

Trang Tử kể một câu chuyện gà chọi, nó gợi mở rất nhiều điều cho những người muốn luyện công phu võ học cao thâm.

Kỷ Thanh Tử nuôi gà chọi cho đại vương. Đại vương tất nhiên rất thích chọi gà, hy vọng Kỷ Thanh Tử có thể luyện được một chú gà chọi có thể xưng bá bốn phương, có thể mau chóng xuất trận.

Qua 10 ngày, đại vương đi hỏi Kỷ Thanh Tử: Con gà của ta đã chọi được chưa?

Kỷ Thanh Tử trả lời: Vẫn chưa được, vì con gà này “vẫn kiêu căng và cậy khí thế”. Con gà trống to lớn này khí thế mạnh ức hiếp con gà khác, lông xù ra, ánh mắt rừng rực, vô cùng kiêu ngạo, trong lòng đầy khí thế.

Lại qua 10 ngày, đại vương lại hỏi. Kỷ Thanh Tử trả lời: Vẫn chưa được. Mặc dù khí thế của nó đã bắt đầu thu lại, nhưng con gà khác hễ động, thì nó lập tức vẫn còn phản ứng, vẫn đi tranh đấu, như thế vẫn chưa được.

Lại qua 10 ngày nữa, đại vương lại hỏi lần thứ ba. Kỷ Thanh Tử nói: Vẫn chưa được. Nó bây giờ tuy phản ứng đối với những cái bên ngoài đã nhẹ đi rất nhiều, nhưng ánh mắt nó vẫn còn nộ khí, chưa được, cần đợi thêm.

Lại 10 ngày nữa qua đi, đại vương lại hỏi. Kỷ Thanh Tử cuối cùng nói: Bây giờ cũng tạm được rồi. Những con gà khác kêu lên muốn đánh, nó đã không phản ứng rồi.

Bây giờ nó như thế nào? Nó bây giờ “ngây ngô như gà gỗ”. Kỷ Thanh Tử nói, con gà này đã huấn luyện đến mức như con gà bằng gỗ rồi, “đức của nó đã đầy đủ rồi”, tức là tinh thần tụ vào bên trong, đức tính của nó đã được hóa vào trong rồi, đã thu vào trong rồi. Do đó, con gà này đứng ở kia, bất kỳ con gà nào trông thấy nó đều vội vã bỏ chạy. Lúc này, gà có thể đi tham gia chọi gà được rồi.

Gà chọi luyện được đức khiến tinh thần hội tụ ở trong, nhìn bề ngoài ngây ngô như gà gỗ, mới đạt cảnh giới cao của gà chọi.

Người luyện võ cũng vậy, phải luyện võ đức, tức tu bỏ hết thảy các tâm thái kiêu ngạo, kiêu căng, như thế là luyện đức khiêm nhu.

Khi bị khiêu khích, khiêu chiến, phỉ báng, sỉ nhục vẫn không nổi giận, nổi nóng, đó là luyện đức nhẫn.

Không nổi giận nổi nóng khi bị hạ nhục, đồng thời tâm thái vẫn bình lặng như không, nét mặt vẫn ôn hòa, như thế là luyện đức tĩnh lặng, bình thản.

Luyện đến khi biểu hiện như người tầm thường, yếu đuối nhu nhược, tức là đã luyện đến cảnh giới ‘đại trí nhược ngu’, ‘đại xảo nhược chuyết’, tức là, bậc đại trí tuệ thì biểu hiện ra bên ngoài như người ngây ngô, khờ dại, người khéo léo tuyệt đỉnh thì lại biểu hiện ra vụng về.

5. Luyện võ thuật truyền thống như thế nào?
Võ học truyền thống vốn không chỉ nằm ở chiêu thức bề mặt mà coi trọng tu nội để đạt đến những cảnh giới cao hơn. (Ảnh: youtube.com)

Luyện võ đức là phải tu nội, là quá trình luyện nội công cùng với tu tâm tính, rèn ý chí rất lâu dài và gian khổ, phải là những người có căn cơ và có ngộ tính, và có sư phụ tốt truyền dạy.

Sau khi nắm vững, thành thục các kỹ thuật võ học của một môn phái nào đó, gọi là võ thuật, thì bước sang luyện nội công. Quá trình luyện nội công của các phái võ truyền thống xưa đều rất gian khổ.

Đầu tiên là luyện khí, mức thấp nhất là vận khí, chịu đòn, quá trình này vô cùng gian khổ và cũng phải mất thời gian nhiều năm.

Sau đó đến tu nội, tức là đạo dẫn khí để khai thông các huyệt mạch. Quá trình này còn gian nan và tốn nhiều công phu, thời gian hơn rất nhiều. Họ phải có sư phụ hướng dẫn tu luyện theo môn phái họ, tu luyện để thông các vòng tiểu chu thiên, đại chu thiên. Cứ như vậy luyện cho đến khi tất cả các mạch trong cơ thể đều thông thấu, thì đã bắt đầu xuất hiện các công năng đặc dị. Lúc đó, họ đã bắt đầu bước sang tu Đạo để đạt đến cảnh giới đắc Đạo giải thoát. Đây gọi là “võ Đạo”: Thông qua học võ, tu nội mà ngộ đạo, bước chân sang tu Đạo.

Sau đó tiếp tục tu nội ở tầng thứ cao hơn, tu bỏ dần các chấp trước thế tục như danh, lợi, tình, tu bỏ hết các ham dục của thế nhân. Đến cảnh giới như chú gà chọi trong câu chuyện trên, ‘ngây ngô như gà gỗ’, thì các công năng đặc dị của họ đã phi thường, có thể tiếp cận cảnh giới của Bồ Đề Đạt Ma, Trương Tam Phong. Lúc này, họ đã đạt đến trạng thái vô mạch, vô huyệt, đã đạt đến cảnh giới siêu thường rồi. Các công năng đặc dị đã vô cùng phong phú và mạnh mẽ, được gọi là Thần thông.

Nhưng khi đến cảnh giới này thì người thường chúng ta không ai có thể biết họ là những cao nhân siêu phàm, và họ cũng không bao giờ hiển thị khả năng ra cho người đời biết được, họ đã đạt được cảnh giới cao của võ đức.

Còn nếu những người học võ truyền thống để thi đấu, mưu sinh, mưu cầu danh tiếng tiền tài, sự nghiệp, thì cũng chỉ giống các môn võ hiện đại khác mà thôi. Võ truyền thống chỉ học chiêu thức, mà không luyện khí công, không luyện nội công, không tu nội, không tu võ đức, thì thậm chí còn không bằng võ hiện đại.

Nam Phương

Chú thích:

[1]  Mixed Martial Arts – võ tổng hợp