Vân Đồn có thế đất hiểm yếu, ở vị trí chiến lược nằm trên đường thủy từ Trung Quốc vào Việt Nam, là nơi từng xảy ra các trận đánh quan trọng trong lịch sử giữ nước của Đại Việt.

Sách Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư (quyển 106, trang 11) của Cố Viêm Vũ đời Thanh có viết về Nhập Giao Tam Đạo (tức 3 tuyến đường xâm nhập Giao Chỉ hay nước Việt xưa) bao gồm: đường thủy xuất phát từ châu Khâm thuộc tỉnh Quảng Đông cũ, và đường bộ từ Quảng Tây, Vân Nam. Với hàng loạt dải đảo chắn trước đường bờ biển Quảng Ninh nằm sát Trung Quốc, Vân Đồn có vị trí chiến lược về cả giao thương lẫn quân sự.

Vân Đồn có vai trò quan trọng trong chiến thắng của Lý Thường Kiệt

Năm 1076 khi Quách Quỳ của nhà Tống dẫn quân tới định đánh chiếm Đại Việt, đã chuẩn bị lực lượng thủy quân tấn công trên đường thủy. Thái úy Lý Thường Kiệt nắm được tin tình báo, triển khai 3 phòng tuyến, trong đó phòng tuyến thứ 3 trên biển chính là đóng ở Vân Đồn.

Bộ binh của nhà Tống tập hợp ở bờ bắc sông Cầu, đối diện phòng tuyến sông Cầu nức tiếng lịch sử của Lý Thường Kiệt, chờ đạo thủy quân hội quân tại đây để có thuyền chở bộ binh sang sông, tấn công Đại Việt.

‘’Nhưng, chính vào lúc này thì đã lộ diện chỗ non yếu của quân xâm lược Tống triều, là: Toàn bộ đạo thủy quân đang được chờ mong, trông ngóng ấy, đã bị đạo quân thủy Lý triều, do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy, chặn đứng bằng một loạt đến mười cuộc hải chiến ở ngay trên vùng biển phía bắc Vân Đồn”.

‘’Chỗ ấy, một bên là bờ biển, một bên là các dãy đảo biển chạy dọc mà cạp theo bờ ở mé xa, nên dải biển nước ở giữa lại được sử sách cổ truyền phương bắc gọi là ‘sông Đông Kênh’ (tên gọi vùng Vân Đồn của Trung Quốc trong lịch sử)”, theo Thủy quân trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược, Giáo sư Lê Văn Lan, Tạp chí Sự kiện và nhân chứng online, Nguyệt san của báo Quân đội Nhân dân, ngày 15/4/2016.

Thủy quân bị chặn không hội quân được, nghĩa là không có thuyền chiến, nên bộ binh nhà Tống phải dùng bè mảng, bắc cầu phao… hai lần vượt sông, nhưng sang được bao nhiêu đều bị quân Đại Việt tiêu diệt.

Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp phá tan mưu đồ xâm chiếm Đại Việt của nhà Tống. Vị trí chiến lược của Vân Đồn vì thế càng cho thấy tầm quan trọng cần được bảo vệ và khai thác.

Ảnh: Chụp từ tài liệu về huyện Vân Đồn của Ủy bân Nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Lập công tại Vân Đồn, Trần Khánh Dư thoát tội

Hơn một thế kỷ sau, nhà Nguyên lại đưa quân xuống đánh nước ta. Tháng 12/1287, 50 vạn quân Nguyên chia làm ba đạo tiến vào nước ta theo ba hướng: đường bộ từ Quảng Tây và Vân Nam, cùng một đảo thủy quân xuất phát từ Khâm Châu, vượt biển tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng.

Rút kinh nghiệm hai lần trước quân viễn chinh phải đi cướp lương thực để ăn, lần này Hốt Tất Liệt cho cả một đoàn thuyền lương bằng đường biển, đi cùng thủy quân Ô Mã Nhi. Đoàn thủy quân này có nhiệm vụ đưa lương thực tới Vạn Kiếp, nơi nhà Nguyên dự định lập căn cứ quân sự lớn, làm bàn đạp tấn công Đại Việt.

“Khi ấy, thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi (thua), thượng hoàng được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với trung sứ: ‘Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất hai, ba ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn’.

Trung sứ theo lời xin đó. Khánh Dư liệu biết quân giặc đã qua, thuyền vận tải tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, [Khánh Dư] đánh bại chúng, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức sai chạy ngựa mang thư về báo. Thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi đến và nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng?” Bèn tha những tên bị bắt về doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui. Cho nên, năm này, vết thương không thảm như năm trước, Khánh Dư có phần công lao trong đó.

Trước đây, Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người Bắc. Kháng Dư duyệt quân các trang, ra lệnh: ‘Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt’”, (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển V, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1993).

Đòn tấn công vào đoàn thuyền lương thực của quân Nguyên ở Vân Đồn thể hiện sự nhạy bén, táo tạo của Trần Khánh Dư. Bởi mặc dù đây không phải là mục tiêu chủ yếu, nhưng lại là yếu điểm, là cái kho lương thực của quân xâm lược, quyết định khả năng chiến đấu của quân Nguyên trong chiến tranh trường kỳ.

Tuy trong Đại Việt sử ký toàn thư có trách Trần Khánh Dư cho người nhà mua nón Ma Lôi từ trước bán cho dân giá cao lấy lời, không rõ thực hư ra sao, nhưng xét về mặt chiến thuật quân sự, đây cũng là một kế sách hay. Thời đó Vân Đồn là nơi thuyền bè ngoại quốc được phép giao thương buôn bán. Từ thời nhà Lý, Vân Đồn đã được lập hải cảng, ghi chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng: “Kỷ Tỵ, [Đại Định] năm thứ 10 [1149], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 19). Mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”.

Bởi vậy có rất nhiều lái buôn người phương Bắc sinh sống, hoạt động ở Vân Đồn. Chỉ một chiếc nón giúp phân biệt người của ta và người phương Bắc mà Trần Khánh Dư đã khiến quân giặc núp bóng thương lái không tranh thủ vùng dậy quấy phá được.

Qua những trận đánh trong lịch sử, và nhìn địa thế của Vân Đồn, có thể thấy khá rõ ràng vị trí chiến lược rất quan trọng của khu vực các đảo gần bờ này. Ngày nay, quy hoạch “Nhất đới Nhất lộ” (Một vành đai, một con đường) của Trung Quốc với tuyến đường biển đi qua khu vực vịnh bắc bộ Việt Nam, người Việt không thể không đề phòng dã tâm vốn chưa hề thay đổi của chính quyền đại lục. Và việc nghiên cứu một kế sách dùng nón Ma Lôi thời hiện đại có thể không phải chỉ là chuyện nói chơi.