Trong cuốn Pháp uyển châu lâm quyển thứ 81 có ghi lại tích cổ về một bé gái, ngay khi được sinh ra, bàn tay phải của em đã nắm chặt một đồng tiền vàng óng ánh. Kỳ diệu hơn, hễ nhặt đồng tiền ra thì từ lòng bàn tay em lập tức xuất hiện một đồng tiền vàng khác, cứ như thế. Trong tay em là một kho báu vô tận…

Bé gái ấy chính là công chúa con Vua A Dục Vương, trị vì nước Ấn Độ cổ.

Ngày ấy, vừa mới chào đời, bàn tay phải của công chúa đã nắm chặt không mở ra. Mãi sau này, vua cha mới phát hiện trong lòng bàn tay bé nhỏ của em có một đồng tiền vàng óng ánh. Nhặt đồng tiền này ra thì liền xuất hiện đồng khác, lấy mãi cũng không hết…

Vua A Dục Vương cảm thấy vô cùng kỳ lạ, bèn tới thỉnh cầu trưởng lão Da Xa La Hán khai thị. Trưởng lão đã kể cho Đức vua nghe một câu chuyện nhân duyên trong tiền kiếp…

Kể rằng, thời đó Đức Phật đang truyền Pháp tại Ấn Độ. Một ngày nọ, Ngài cùng các tỳ kheo vào thành Vương Xá hóa duyên. Khi đi vào một ngõ nhỏ, Ngài thấy hai đứa bé đang nghịch cát. Chúng lấy cát xây lâu đài, nhà cửa, kho lương… Rồi lại lấy những hạt cát làm thóc gạo, lương khô để cất vào trong kho. Hai đứa bé, một tên là Đức Thắng, đứa kia là Vô Thắng.

Khi Đức Phật chầm chậm bước tới, hai đứa trẻ bất giác ngừng chơi, trong lòng nảy sinh lòng cung kính vô hạn. Dưới ánh hào quang thuần tịnh của Đức Phật, hai đứa trẻ cảm thụ được một trường từ bi vô lượng đang lan toả. Đức Thắng ngây thơ dùng hai tay vốc lấy những hạt cát từ “kho lương” mới xây xong, làm “thóc gạo” kính cẩn dâng lên Đức Phật. Chú bé đồng thời thành kính phát nguyện “Sau này con nhất định sẽ cúng dường khắp thiên hạ, cấp phương tiện cho những người tu hành hóa duyên ăn chay”.

Hành động thuần thiện và nguyện ước tràn đầy cảm khái chân thành đó đã gieo mầm phúc báo cho kiếp sau của chú bé. 100 năm sau khi Đức Phật nhập niết bàn, Đức Thắng được chuyển sinh làm vua A Dục Vương sống ở thành Hoa Thị bên sông Hằng, thuộc nước Ấn Độ cổ. Y lời nguyện ước năm xưa, Vua A Dục Vương cho xây dựng 8 vạn 4 nghìn bảo tháp, đặt khắp nơi nơi, thờ cúng xá lợi Phật từ thập phương mang về. Ngoài ra, ông còn thường xuyên cúng dường, chu cấp cho rất nhiều tăng nhân trong hoàng cung.

Thời đó, trong hoàng cung có một tỳ nữ rất nghèo, thấy Đức vua giàu có và đầy thiện tâm như thế, trong lòng cô thầm ngưỡng mộ “Kiếp trước Đức vua ắt phải là người lễ Phật hành thiện nên mới có phúc báo đời này tốt thế. Còn mình, kiếp trước hẳn là đã gây nên tội nghiệp nên bây giờ mới nghèo hèn đến vậy. Nếu mình không tu thiện hạnh, tương lai không biết rồi sẽ ra sao nữa!”.

Tỳ nữ vừa quét sân hoàng cung vừa ngẫm nghĩ miên man, tự trách bản thân, đau lòng tuôn lệ. Bỗng nhiên thấy một đồng tiền xu hé lộ dưới đống phân gia cầm, cô vui mừng nhặt lên rồi dùng tay áo lau thật sạch. Đúng lúc đó có một nhóm tăng nhân khất thực đi ngang qua, trong lòng khởi lên thiện niệm, cô liền vui vẻ bố thí đồng tiền xu quý hoá duy nhất đó cho họ. Chuyện chỉ có vậy. Đến một ngày, tỳ nữ này ngã bệnh rồi qua đời.

Không lâu sau đó, phu nhân của Vua A Dục Vương có mang, sau 9 tháng 10 ngày thì sinh hạ được công chúa dung mạo đoan trang, xinh xắn tuyệt trần, quả là ngọc nữ hiếm thấy trên đời. Nhưng kỳ lạ thay, từ khi mới sinh, bàn tay phải của công chúa cứ nắm chặt không chịu xòe ra, mãi cho đến khi Vua cha phát hiện đồng tiền vàng óng ánh trong lòng bàn tay em. Đó chính là công chúa nhỏ đã khởi đầu câu chuyện này…

Trưởng lão Da Xa La Hán giải thích, công chúa nhỏ chính là tỳ nữ năm xưa chuyển sinh. Vì cô đã bố thí đồng tiền duy nhất của mình cho tăng nhân nên mới đắc được phúc báo lớn. Không chỉ được đầu thai vào gia đình đế vương, có phẩm hạnh đoan trang, dung nhan xinh đẹp, mà bẩm sinh cô đã được ban cho thiên chức nắm giữ kho báu vô cùng, vô tận…

Trưởng lão khai thị một đoạn nhân duyên trong tiền kiếp cho Vua A Dục Vương. (Ảnh minh họa: kaijeaw.com)

Câu chuyện cổ này là một bài học giáo huấn cảm động về tâm thuần thiện và đắc phúc báo trong luân hồi tiền kiếp. Luận về hành vi cúng dường thành kính và thuần thiện thì dù có dâng cho Phật cung điện hoành tráng hay bảo tháp nguy nga cũng chẳng bằng một vốc cát của trẻ thơ, phó xuất thì dùng ức vạn bạc vàng cũng thua đồng xu duy nhất trong tay người tỳ nữ nghèo khó. Đức Phật sao có thể ham muốn tiền tài, vật chất như người thường được? Điều mà Ngài muốn thấy chỉ là tín tâm thành kính, thuần thiện của con người mà thôi…

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nhất Tâm biên dịch