Trong lịch sử chiến tranh Bắc phạt, với hoài bão giành lại giang sơn đã mất, không chỉ có tinh thần quật cường của tổ tiên nhà Tấn, mà còn có Thừa tướng nước Thục là Gia Cát Lượng cúc cung tận tụy xuất binh ra Kỳ Sơn, càng không thể không nhắc đến tinh thần Bắc thượng kháng Kim của Nhạc Phi. Chính nhờ những câu chuyện anh hùng lưu danh thiên cổ mà “Bắc phạt” còn mang theo nội hàm kiên quyết tiến thủ, thống nhất bờ cõi. 

Nhạc Phi quyết chí đánh đuổi giặc Kim, rửa sạch nỗi nhục Tĩnh Khang, do vậy ông đã dành cả đời 4 lần Bắc phạt, cuối cùng sau 6 năm đã hoàn thành sứ mạng của một đại danh tướng “tinh trung báo quốc”. Lần đầu tiên Bắc phạt là vào năm Thiệu Hưng thứ 4.  

Ngụy Tề làm loạn, Tương Dương thất thủ 

Tháng 10 năm Thiệu Hưng thứ 3 (1133), Tương Hán thất thủ. Chính quyền cường đạo Lý Thành – Ngụy Tề, dưới sự giúp đỡ của quân Kim đã chiếm lĩnh 6 quận Tương Dương, ngày nay là các quận Đặng Châu, Tùy Châu, Đường Châu, Tương Dương, Dĩnh Châu, Tín Dương thuộc Hồ Bắc, Hà Nam. Điều này giống như tạo ra một lỗ hổng cực lớn tại phòng tuyến Trường Giang của Triều đại Nam Tống, khiến triều đình nhà Tống phải khiếp sợ. 

Từ xa xưa, Tương Dương đã là trận địa giao tranh, đúng như Tể tướng Chu Thắng Phi từng nói: “Tiến có thể đẩy lùi địch, lui có thể bảo toàn biên cương”. Quả nhiên hoàng đế bù nhìn Lưu Dự của Ngụy Tề đã có ý đồ năm sau sẽ tiến xuống phía Nam, do vậy hắn bí mật cấu kết với cường đạo ở Động Đình hồ là Dương Ma hợp lực tấn công triều đình nhà Tống. 

Trong lúc loạn trong giặc ngoài, vì lập được công lớn trong việc bình định giặc cướp nên Nhạc Phi đã có cơ hội lần thứ 2 gặp mặt hoàng đế Cao Tông, hơn nữa còn được tiếp đãi long trọng. Không chỉ có thăng quan phong thưởng, Nhạc Phi còn được ban cờ chiến có dòng chữ “Tinh Trung Nhạc Phi” do Cao Tông tự viết. Con trai trưởng của Nhạc Phi là Nhạc Vân, một người vô danh tiểu tốt mới 15 tuổi tham gia chiến trận cũng được ban ân. Nhưng mà, đạt được quan to lộc hậu cũng không phải là chí hướng mà Nhạc Phi theo đuổi. Khi đất nước lâm nguy, ông đề ra chiến lược thu phục Tương Dương, lên kế sách diệt trừ Dương Ma, đồng thời còn chủ động xin đi giết giặc, lên phương Bắc để đoạt lại vùng lãnh thổ đã mất. 

“Biết được thượng du lợi hại, đáng tiếc Phi này”. Tài năng quân sự trác tuyệt của Nhạc Phi khiến ông trở thành tướng soái dẫn binh xuất chinh có một không hai. Tuy nhiên, binh lính trong quân đội Nhạc Gia trên dưới chỉ có vẻn vẹn 3 vạn 5 ngàn người, còn quân binh của Ngụy Tề có tới gần 10 vạn người. Trước đây, triều đại Nam Tống rất khó có thể chủ động giao phong với địch, cho nên Cao Tông cùng quần thần vô cùng coi trọng cuộc viễn chinh lần thứ nhất này. 

Vì vậy, Hoàng đế Cao Tông đã chính thức bổ nhiệm Nhạc Phi làm Thống soái, ban thưởng lượng lớn lương thực cùng quân binh, đồng thời ban thưởng Trương Hiến làm Tướng quân thứ 3 của Nhạc Gia quân theo như tấu chương của Nhạc Phi. Chu Thắng Phi còn khích lệ Nhạc Phi, chỉ cần thủ thắng thì có thể đạt được danh hiệu “Tiết độ sứ”. Nhạc Phi nghe xong còn nghiêm nghị trả lời: “Nhạc Phi có thể vì nghĩa mà chịu trách nhiệm, không thể vì lợi mà theo đuổi. Nếu hạ được một thành liền ban thưởng một tước vị, đây là đối đãi với người bình thường, không phải cách làm của Quốc sĩ”.

Đại quân oai hùng xuất chinh, đệ nhất chiến tướng dẫn quân tấn công trận đầu tiên vào phía Nam của Dĩnh Châu. Tâm nguyện nhiều năm sắp được thực hiện, nội tâm Nhạc Phi cũng dâng trào như nước sông. Thuyền đi ra giữa dòng, ông đã thề một cách hùng hồn với các tướng sĩ: “Phi không bắt được tướng giặc, khôi phục lại cảnh cũ, không vượt sông này!” Đầu tháng 5 năm Thiệu Hưng thứ 4, Nhạc Gia quân đến thành Dĩnh Châu, nghênh chiến với Kinh Siêu, người được mệnh danh là “địch vạn người”

“Lay núi dễ, lay động Nhạc Gia quân khó”

Trước khi cuộc chiến diễn ra, Trương Hiến phụng mệnh chiêu hàng nhưng không có hiệu quả, trong doanh trại Nhạc Gia quân truyền ra một tin khẩn cấp rằng chỉ còn sót lại hai bữa cơm canh. Tuy vậy, Nhạc Phi vẫn tràn đầy tin tưởng, ông nói rằng ngày kế tiếp có thể phá tặc. Rạng sáng ngày mồng 6, Nhạc Gia quân và quân Ngụy Tề diễn ra cuộc chiến kịch liệt, Nhạc Phi tự mình chỉ huy quân tiến đánh. Bất ngờ một khối pháo đại bác bỗng rơi xuống đất, nện ngay trước mặt, ông chẳng những không bị thương, hơn nữa còn tiếp tục chỉ huy chiến trận. Đây chẳng phải là điều mà mọi người vẫn ca tụng “Lay núi dễ, lay động Nhạc Gia quân khó” sao? 

Kẻ chiếm cứ Tương Dương chính là địch thủ cũ của Nhạc Gia quân, Lý Thành. Hắn nghe nói Nhạc Phi đã thu phục Dĩnh Châu chỉ trong một ngày, sợ tới mức hốt hoảng bỏ chạy thục mạng, Nhạc Phi thừa thắng xông lên, trong vòng 17 ngày đã thu phục được Tương Dương. Tuy nhiên, ở chiến trường Tuy Châu, biết Châu Vương Tung trốn ở trong thành không dám ra chiến, quân của Trương Hiến công thành mấy ngày mà không có kết quả. 

Lúc này, Ngưu Cao xung phong nhận nhiệm vụ, viện trợ Trương Hiến, cũng đồng ý chỉ đem theo khẩu phần lương thực ăn trong 3 ngày. Không ngờ, lương thực ăn trong 3 ngày đã cạn, Ngưu Cao liền cùng Trương Hiến hợp lực công hạ thành đầu tiên, giết 5 ngàn quân địch. Nhạc Vân, đại công tử của Nhạc Gia một mực đi theo Trương Hiến, cũng trở thành vị tướng trẻ anh dũng trong ba quân. Lúc tác chiến, cậu có thể vung hai cây thiết chùy nặng 80 cân, một mạch tấn công, trở thành người lập được công đầu. 

Nhạc Gia quân tấn công, thế như chẻ tre làm chấn động Lưu Dự. Hắn vội vàng tăng thêm nhân lực và liên hợp với quân Kim cùng nhau phòng thủ những châu khác. Tháng 6, Lý Thành nhận được tiếp viện, lập tức huy động 30 vạn đại quân chuẩn bị một trận tử chiến với Nhạc Gia quân tại Tân Dã. Đại tướng của Nhạc Gia quân thay phiên nhau hỏi đánh như thế nào. Sau khi xem xong cách bố trí trận địa của quân địch, Nhạc Phi không khỏi cười nói: “Không ngờ Lý Thành vẫn ngu muội như vậy. Bộ binh lợi ở hiểm trở, kỵ binh lợi ở bằng phẳng và rộng rãi. Hôm nay Lý Thành bày trận, bên trái bố trí kỵ binh bên bờ sông, bên phải bố trí bộ binh trên đất bằng, cho dù có tới 10 vạn đại quân thì có lợi ích gì?” 

Thế là, Nhạc Phi giơ cây roi điều quân: “Vương Quý dẫn bộ binh tấn công kỵ binh của Lý Thành ở bên phải; Ngưu Cao dẫn kỵ binh tấn công bộ binh của Lý Thành ở bên trái”. Hai hổ tướng lĩnh mệnh rồi chia hai ngả tấn công, quân đội của Lý Thành nhanh chóng gặp phải thất bại thảm hại, không tiếp tục nhòm ngó Tương Dương nữa. Lưu Dự nghe tin báo về, vội vàng cầu cứu quân Kim. Một vị tướng nổi tiếng của quân Kim đã hợp sức với Lý Thành, lại chắp vá được mấy vạn quân ngũ, đóng quân ở Đặng Châu, tạo thành trận địa sẵn sàng nghênh chiến. 

Lấy ít địch nhiều, hai tháng công thành

Kim, Tề liên quân chống Tống, tin tức này được truyền đến triều đình nhà Tống, Tống Cao Tông thậm chí còn có tâm muốn lui binh, dặn dò Nhạc Phi “Việc hiện tại cần thận trọng”, bảo toàn kết quả của trận chiến trước. Nhưng Nhạc Phi quyết tâm chiến thắng, liền hạ lệnh cho Vương Quý và Trương Hiến chia thành hai ngả tiến nhanh đến Đặng Châu. Ngày 15 tháng 7, họ giao tranh ác liệt với hàng vạn liên quân ở bên ngoài thành cách 30 dặm, giết chết tướng Kim đang bỏ chạy thục mạng một mình, bắt sống hơn 200 tướng sĩ và binh lính, thu được vô số chiến mã cùng binh khí.

Ngày 17, tướng địch thủ thành là Cao Trọng vẫn dựa vào nơi hiểm yếu để phản kháng. Một đường đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi, Nhạc Gia quân chẳng nề rừng súng mưa tên, tiếp tục tấn công mạnh mẽ. Nhạc Vân một lần nữa thể hiện phong thái con nhà tướng, lần thứ hai đi đầu trợ giúp đại quân thuận lợi phá được tòa thành thứ 4, từ đó được mệnh danh là “Bách chiến bách thắng”. 

Trận quyết chiến ở Đặng Châu thành công đã triệt để thay đổi chiến cuộc, giúp cho việc thu phục hai quận khác trở nên dễ dàng. Ngày 23, Nhạc Phi đồng loạt cho quân tấn công, cùng ngày đoạt lấy Đường Châu và san bằng Tín Dương quân.

Ngoài sự dũng mãnh phi thường cùng mưu trí, Nhạc Phi còn thể hiện đức hạnh đại công vô tư, công danh đạm bạc trong cuộc Bắc phạt này. Tuổi còn nhỏ Nhạc Vân đã lập được nhiều chiến công, Nhạc Phi chỉ báo cáo về chiến công trong trận đánh đầu tiên của con trai mình ở Tùy Châu, còn lại đều giấu kín không báo. Đó là bởi vì ông hy vọng Nhạc Vân hiểu được sự vất vả của những binh lính khác trong cuộc chiến và có thể học được nhiều kinh nghiệm hơn trên chiến trường.

Mặt khác, một vị tướng nhà Tống là Lưu Quang Thế vốn nhận lệnh chi viện cho Nhạc Phi, nhưng sau cuộc chiến thứ 3, thuộc cấp của ông là Lý Quỳnh mới dẫn 5 nghìn binh mã khoan thai đến muộn. Khi báo công trạng, Nhạc Phi lại vô cùng quý trọng công lao của quân viện trợ. Lý Quỳnh cảm thấy vừa hổ thẹn vừa cảm kích trước sự thương cảm của Nhạc Phi đối với thuộc cấp, bao nhiêu công lao đều để ở trong lòng.  

Từ lúc xuất chinh đến khi thu hồi được 6 quận, với số binh lực ít ỏi, Nhạc Phi phải đối đầu mấy lần với liên quân Kim Tề nhiều gấp mấy lần, ông cũng chỉ dùng vẻn vẹn đến thời gian 2 tháng. Vì vậy, lúc mới 32 tuổi, Nhạc Phi đã được phong làm ‘Tiết độ sứ’, trở thành vị “Kiến tiết” thứ 5 trong triều và là Đại tướng trẻ tuổi nhất. Lần Bắc phạt này, từ khi triều đại Nam Tống thành lập đến nay, đây là lần thứ nhất chính thức xuất sư, thành quả chiến đấu đại thắng huy hoàng, ý nghĩa vô cùng to lớn. Tất cả những điều này đều quy về công lao của vị Quốc sĩ vô song Triều đại Nam Tống – Nhạc Phi. 

(Còn tiếp…)

Tác giả: Liễu Địch – Epoch Times
San San biên dịch