“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua.”

(“Ông Đồ” – Vũ Đình Liên)

Hình ảnh mực tàu giấy đỏ vào dịp Tết đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong lòng mỗi người. Tuy nhiên, điều tiến bộ và đáng mừng hơn là không chỉ những ông đồ già mới là người mê chữ, cho chữ, mà rất nhiều bạn trẻ cũng là những nghệ sỹ tài ba của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Tết đến xuân về, việc treo một bức tranh thư pháp cùng những lời chúc đầy ý nghĩa sẽ giúp gia viên có thêm không khí tết đầm ấm cùng với lời nguyện cầu về một năm mới no ấm và hạnh phúc. Ngoài ra, người ta còn quan niệm rằng khi nhận phong bao lì xì màu đỏ với những nét chữ thư pháp nhũ vàng óng ánh như rồng bay phượng múa sẽ mang đến nhiều may mắn tài lộc trong năm mới. Do đó, người người nô nức kéo nhau đi xin chữ ngày Tết, và cũng từ đó mà những lễ hội thư pháp đã ra đời.

Nhắc đến thư pháp là nhắc đến sự khổ luyện

Khi nhìn những ông đồ họa chữ thư pháp, ai cũng trầm trồ trước nét chữ mềm mại, tưởng chừng như viết ra rất dễ dàng. Nhưng kỳ thật viết thư pháp không hề đơn giản, đó là cả quá trình học hỏi một cách tỉ mỉ, kiên nhẫn, nhiếp tâm tinh tế.

Bởi đằng sau việc điều khiển một cây cọ lông tạo thành nét thanh, nét đậm, nét vòng, nét móc, nét phẩy, nét mác… là một sự kiên trì khổ luyện, tiêu tốn không biết bao giấy mực, công sức không thể tính bằng ngày một ngày hai mà là cả một quá trình, cả một sự đam mê sâu sắc. Không những vậy, người nghệ sỹ còn phải có tâm hồn tinh tế để biết cách bài trí bố cục lời văn đi vào lòng người mang tính nghệ thuật, được gọi là chương pháp.

Chương pháp là phương pháp phân bố toàn bộ bức thư pháp quy định các hàng đều và dài bằng nhau, một chữ lẻ không đứng thành một hàng, không dùng dấu chấm câu… Ấn chương (hay con dấu, con triện) cũng là yếu tố quan trọng của một bức thư pháp, việc đặt đúng vị trí ấn chương sẽ làm tăng thêm giá trị của tác phẩm. Chân phương, cách điệu, cá biệt, mô phỏng và mộc bản là năm kiểu chữ chính của thư pháp Việt, từng kiểu chữ lại có các quy định cụ thể.

Ngoài ra thư pháp còn có thể trở thành thư họa. Đó là khi nhà thư pháp biến chữ thành tranh, tranh là hình ảnh của chữ – lối viết này được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp.

Ông Đồ xưa. (Ảnh: wikipedia.org)

Nghệ thuật thư pháp mang nhiều ý nghĩa nhân văn độc đáo

Đối với người nghệ sỹ, việc rèn thư pháp cũng chính là quá trình rèn luyện thân tâm, càng luyện càng thấy nội tâm tĩnh lặng, thư thái, tiêu dao với tiếng nhạc thiền êm dịu nhẹ nhàng, an lạc. Chỉ những người đam mê thư pháp mới cảm thụ hết được cái hay cái đẹp của chữ, càng viết càng thấy tâm thanh tịnh, đặc biệt nhất là khi được họa những câu văn mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc.

Chính vì vậy mà những người ở cái tuổi thấm thía đạo đời lúc về hưu đều rất yêu thích tham gia các lớp học hoặc các câu lạc bộ thư pháp. Bởi đến đây họ như được đến chốn thiền, được thư giãn sau những ngày mệt nhọc, được lắng đọng buông xả mọi ưu phiền, được nghe tiếng nhạc nhẹ nhàng du dương, được họa những câu chữ mà mình tâm đắc…

Còn đối với người thưởng thức và yêu thích bộ môn nghệ thuật này thì thư pháp cũng có ý nghĩa sâu sắc không kém, bởi nó như một lời chúc, một lời nhắc nhở đầy yêu thương. Chẳng hạn như hai vợ chồng kia rất hay nóng giận sinh ra cãi vã suốt ngày. Một lần người chồng về nhà và tặng cho vợ bức tranh thư pháp chữ “Nhẫn”. Từ đó mỗi khi hai vợ chồng định to tiếng với nhau, chỉ cần nhìn thấy bức tranh kia họ đều kiềm chế lại và từ đó sống hòa thuận, yên vui hơn trước.

Nghệ thuật thư pháp Việt ngày càng được ưa chuộng không chỉ trong mà còn ngoài nước. Đặc biệt các du khách phương Tây rất thích thú khi thấy người Việt họa chữ thư pháp bằng tiếng Anh.

Với không khí xuân tươi vui lan tỏa khắp đất trời, ta cùng lắng đọng và nhẹ nhàng với thư pháp để cuộc sống bớt đi bận bịu, hối hả, lo toan… Để hiểu thêm ý nghĩa văn hóa sâu sắc của thư pháp, niềm tự hào về nét chữ người Việt thuộc dòng dõi rồng tiên, chúng ta hãy cùng thưởng thức ca khúc “Thư pháp” qua sự trình bày của ca sỹ Ngọc Anh:

Nhã Thanh