Xem bộ phim “Xích Bích”, người yêu điện ảnh sẽ nhớ đến trận chiến kinh thiên động địa thay đổi cục diện thời Tam Quốc. Nhưng người yêu văn thơ lại nhớ đến Tô Thức với ba bài kỳ văn là: “Niệm nô kiều – Xích Bích hoài cổ”, “Xích Bích phú”, và “Hậu Xích Bích phú”. 

Đây là ba tác phẩm được sáng tác sau 3 năm Tô Thức bị đày ở Hoàng Châu, lúc đó là vào năm Nguyên Phong thứ 5 đời vua Tống Thần Tông. Tuy viết ở cùng một nơi nhưng cả ba thiên văn chương này lại mang phong cách hoàn toàn khác nhau, mỗi thiên đều tinh xảo tuyệt diệu.

“Niệm nô kiều – Xích Bích hoài cổ” là phong cách nhất quán của Tô Thức, khí lực hùng tráng, khảng khái phấn chấn. Tiền Hậu Xích Bích phú (“Tiền Xích Bích phú” và “Hậu Xích Bích phú”) lại tươi mới tự nhiên, trong sự bình thản lại có sự thâm thuý, ngụ ý không tầm thường. Vì sự thăng hoa về cảnh giới tư tưởng đó mà tác phẩm được đánh giá rất cao, thể hiện sự tinh xảo tuyệt diệu của văn chương. 

Năm Nguyên Phong thứ 2 (năm 1079), Tô Thức vì “Ô Đài thi án” mà bị đày đi Hoàng Châu, nhậm chức Phó sử đoàn luyện. Từ đó ông ở ngoại thành Hoàng Châu mà khai hoang trồng trọt, lấy hiệu là Đông Pha cư sỹ. Năm Nguyên Phong thứ 7 (năm 1084), Tô Thức nhậm chức Phó sử đoàn luyện Nhữ Châu. Năm Nguyên Phong thứ 8 (năm 1085), Tống Thần Tông băng hà, Tô Thức phụng chiếu hồi kinh, khép lại 6 năm lưu đày. 

Tô Thức vốn là một tín đồ Phật giáo, câu chuyện kể về ông và hoà thượng Phật Ấn đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Trong những năm ở Hoàng Châu, Tô Thức luôn “lấy kinh Phật để hàng ngày tuân theo”, thường đến chùa An Quốc để “đốt hương tĩnh tọa, tự mình kiểm điểm”, hay “đóng cửa quét dọn, thu giữ tâm hồn, nép mình suy nghĩ, cầu đạo lý ở tự thân”. Nếu vậy khi Tô Thức tham thiền mặc toạ ở chùa An Quốc, thì kết quả mà ông được khải thị là gì? “Tiền Xích Bích phú” sẽ cho chúng ta manh mối để trả lời. 

Chuyện kể rằng, hôm ấy Tô Thức cùng người bạn đi du ngoạn ở dưới ngọn núi Xích Bích. Cả hai cùng cảm nhận được sự tuyệt diệu của trăng thanh gió mát, bất giác ngâm vịnh thi ca, cùng với bạn khách mà uống say thoả thích. 

Đương lúc cao hứng vui vẻ, người bạn lại cất lên bài hát bi thương, thở dài rằng đời người như phù du, sống tạm bợ giữa trời đất, ngắn ngủi tạm thời như hạt thóc trong biển cả mênh mông. Ngay cả anh hùng như Tào Tháo, Chu Du cũng ở nơi sông nước mênh mang mà bị quét sạch đến tận cùng, không chỗ nào lưu lại… 

Tô Thức bèn tiếp lời, chính là những điều đắc được trong ba năm mặc toạ: “Anh có biết nước và trăng không? Nước vẫn chảy, nhưng không thực sự chảy đi, mặt trăng khi tròn khi khuyết, nhưng đến cuối cùng chưa từng tiêu đi. Đại khái nhìn từ góc độ biến đổi thì trời đất không thể trong chớp mắt mà dừng lại, mà nhìn từ góc độ bất biến thì vạn vật và sinh mệnh cũng vô cùng vô tận đồng dạng như nhau. Vậy có gì mà khen ngợi đây? Huống chi các vật đều có chủ, nếu không thuộc về ta thì một chút cũng không thể lấy được. Chỉ có gió mát trên sông và trăng sáng trên núi, tai nghe đến là âm thanh, mắt thấy được là hình tướng, những cái đó lấy không ai cấm, dùng lại không hết. Đây là nơi chứa vô tận những chủ của các vật, mà tôi và ông có thể cùng tận hưởng”. 

Trong mắt Tô Thức, sinh mệnh giống như nước vĩnh hằng, mà trong mắt người bạn, sinh mệnh chỉ là một chớp mắt. Bởi vì khi gặp nạn trong “Ô Đài thi án” Tô Thức đã gần như suýt mất mạng, trước đó đường quan lộ cũng gập ghềnh trắc trở, nên người bạn nhìn nhận: Thời gian của danh vọng và hào quang thì ít, còn thời gian chán nản và hiểm nguy thì nhiều. Cho nên lấy Tào Tháo và Chu Du làm ví dụ, tuy họ là anh hùng một đời nhưng hiện tại đang ở đâu? Đã là người thiên cổ! Đời người như phù du sống tạm bợ nơi trời đất, như hạt thóc giữa biển xanh. Lời than của người bạn đã thể hiện sự đồng tình với cảnh ngộ của Tô Thức, cũng là một cách an ủi ông. 

Đây có lẽ là điều tự an ủi bản thân của người bình thường, nhưng Tô Thức lại không nghĩ như vậy. Ba năm “mặc tọa” ở Hoàng Châu, Tô Thức đã sớm siêu thoát khỏi tâm thái bị trói buộc đó, hơn nữa còn có thể ngộ được sự vô thường của sinh mệnh. Người chết chưa hẳn là đèn tắt (chết thực sự), mà là hoàn trả nợ thiện ác trong luân hồi. Vậy thì dưới góc nhìn của Tô Thức, “vật với ta đều là vô tận”, vạn sự vạn vật đều không nhảy thoát khỏi sinh tử luân hồi, do đó to lớn vô cùng. Trường Giang chảy mãi không dừng cũng không có gì để khen, bởi vì ta và dòng sông kia là đồng tại. Nước chảy mà chưa bao giờ rời đi, trăng khuyết mà chưa bao giờ tăng giảm, công danh lợi lộc, thứ ngoại thân đó chẳng qua là biểu hiện của cuộc đời khi lên khi xuống. Cho nên những gập ghềnh trong cuộc sống chẳng hề ngăn trở sự tồn tại của sinh mệnh, vinh diệu của cuộc đời cũng không cải biến được bản chất của sinh mệnh. 

Sinh mệnh là vĩnh hằng, tự nhiên là vĩnh hằng, vậy thì giác ngộ thật sự chính là tự ngã và tự nhiên dung hợp thành nhất thể. Trong dòng sông dài đằng đẵng, hãy để cho con thuyền nhân sinh phiêu du trôi nổi bất cứ đâu, vượt qua mặt sông vạn khoảnh. To lớn mênh mông như hư không mà cưỡi gió, lại không biết dừng nơi đâu. Phiêu đãng mênh mang như bỏ đi thế tục mà đứng sừng sững một mình, mọc cánh bay lên thành Tiên. Đây có lẽ là cảnh giới “thiên nhân hợp nhất”. Giữa trời đất, các vật đều có chủ, những gì tự nhiên có thì ta cũng có. Gió mát trên sông, trăng sáng giữa núi, nghe ra được âm và thấy được sắc thái, lấy không ai cấm, dùng thì không hết, cũng đồng dạng với sinh mệnh của ta vậy. 

Xem ra, những mối nguy trong vận mệnh cuộc đời không làm ảnh hưởng đến Tô Thức, trái lại còn khiến ông gia tăng sự kiên cường và khoáng đạt. Đây có lẽ là điều tốt đẹp của đức tin. Người có tín ngưỡng thấy rằng luân hồi là không ngừng nghỉ, nên mới có thể thản nhiên đối mặt với khó khăn, mới có thể lý trí thanh tỉnh đối mặt với lúc không như ý, mới có thể thoát khỏi phiền não của đời thường. Trong vạn biến chớp mắt mà thấy được vĩnh hằng, thấy rõ sinh tử, đạt được giải thoát tâm linh thật sự, thực hiện “thiên nhân hợp nhất” một cách thật sự…

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Dưới đây là hai bản dịch văn của tác phẩm “Tiền Xích Bích phú”, mời quý độc giả cùng thưởng thức.

“Tiền Xích Bích phú” – bản dịch văn của Phan Kế Bính:

Ngoài rằm tháng bảy mùa thu năm Nhâm Tuất, Tô tử cùng với khách bơi thuyền chơi ở dưới núi Xích Bích. Hây hây gió mát, sóng lặng như tờ, cầm chén rượu lên mời khách, đọc bài thơ “Minh nguyệt” và hát một chương “Yểu điệu”. Một lát, trăng mọc lên trên núi Đông Sơn, đi lững thững trong khoảng hai sao Ngưu, Đẩu. Khi đó sương tỏa trên mặt sông, nước trong tiếp đến chân trời. Tha hồ cho một chiếc thuyền nhỏ đi đâu thì đi, vượt trên mặt nước mênh mông muôn khoảnh. Nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên không, mà không biết là đi đến đâu; hớn hở sung sướng như người quên đời đứng một mình mọc cánh mà bay lên Tiên. Vì thế uống rượu vui lắm, rồi gõ vào mạn thuyền mà hát. 

Hát rằng:

“Thung thăng thuyền quế chèo lan,
Theo vừng trăng tỏ vượt làn nước trong.
Nhớ ai cánh cánh bên lòng,
Nhớ người quân tử ngóng trông bên trời”.

Trong bọn khách có một người thổi ống sáo, bèn theo bài ca của ta mà họa lại. Tiếng sáo não nùng rên rỉ như sầu như thảm, như khóc như than. Dư âm vẫn còn lanh lảnh, nhỏ tít như sợi tơ chưa dứt, làm cho con giao long ở dưới hang tối cũng phải múa mênh, người đàn bà thủ tiết ở một chiếc thuyền khác cũng phải sụt sùi.

Tô tử buồn rầu sắc mặt, thu vạt áo, ngồi ngay ngắn mà hỏi khách rằng:

– Làm sao lại có tiếng não nùng làm vậy?

Khách đáp rằng:

– Câu “Minh nguyệt tinh hi, ô thước Nam phi” chẳng phải là câu thơ của Tào Mạnh Đức đó ư? Phía tây trông sang Hạ Khẩu, phía đông nhìn sang Vũ Xương sông núi uốn khúc vây nhau, cây cối xanh tươi um tùm; đó chẳng phải là nơi Tào Mạnh Đức bị khốn với Chu Lang ư? Đương khi Tào công phá đất Kinh Châu, xuống thành Giang Lăng, thuận dòng mà sang mặt Đông, thuyền bè muôn dặm, cờ tán rợp trời, rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, đó thực là anh hùng một đời mà nay thì ở đâu? Huống chi tôi với bác đánh cá, kiếm củi ở bến sông này, kết bạn cùng tôm cá, chơi bời với hươu nai, bơi một chiếc thuyền nho nhỏ, nhấc chén rượu để mời nhau, gửi thân phù du ở trong trời đất, nhỏ nhặt như hạt thóc ở trong bể xanh, thương cho sự sống của ta không được bao lâu mà khen cho con sông này dài vô cùng. Vậy mà muốn được dắt tiên bay để vui chơi cho sung sướng, ôm lấy vừng trăng tỏ mà sống mãi ở đời. Tôi không làm sao được như vậy, nên nảy ra tiếng rầu rĩ ở trong cơn gió thoảng!

Tô tử nói:

– Vậy thế thì bác có biết nước và mặt trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ; mặt trăng khi tròn khi khuyết như vậy mà chưa thêm bớt bao giờ. Bởi vì ta tự ở nơi biến đổi mà xem ra thì cuộc trời đất cũng chỉ ở trong một cái chớp mắt; mà nếu tự ở nơi không biến đổi mà ra thì muôn vật cùng với ta, đều không bao giờ hết cả; cần gì phải khen đâu! Vả lại ở trong trời đất, vật nào có chủ ấy, nếu không phải là của ta thì dẫu một li ta cũng không lấy. Chỉ có ngọn gió mát ở trên sông cùng vầng trăng sáng ở trong núi, tai ta nghe nên tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của Tạo Hoá mà là cái vui chung của bác với tôi.

Khách nghe vậy, mừng và cười, rửa chén rót rượu uống một lần nữa. Khi đồ nhắm, hoa quả khan, mâm bát bỏ ngổn ngang, cùng nhau gối đầu ngủ ở trong khoang thuyền, không biết rằng vừng đông đã sáng bạch từ lúc nào.

Mạn Vũ
Theo Secretchina

videoinfo__video3.dkn.tv||12f7cf45f__