Lòng tham không chỉ khiến con người trở nên đáng sợ mà còn dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hãy cùng đọc câu chuyện về lòng tham của vị sư trụ trì trong câu chuyện dưới đây để có bài học cho mình nhé!

Ở Phúc Thanh, Phúc Kiến có một ngọn núi đá cao tên là Bạch Thạch Sơn, nằm cách thành thị hơn 33 dặm. Ngọn núi này trải dài khoảng 10 dặm và cao đến tận mây xanh.

Trên ngọn núi có một ngôi chùa, tên là Tam Thanh Quan. Tam Thanh Quan được xây dựng theo kiến trúc thời đại nhà Tống. Trong ngôi chùa có một tảng đá hình tam giác, được các vị hòa thượng gọi là “Thạch Quy” (Rùa đá).

rua con 2
(Ảnh minh họa)

Thời xưa, miệng của con rùa đá này có thể phun ra gạo. Điều thần kỳ chính là nếu trong chùa chỉ có hai hòa thượng thì con rùa ấy chỉ phun ra số gạo đủ cho hai người ăn, không bao giờ nó phun ra số gạo thừa, dù chỉ một chút.

Nếu trong chùa có thêm một người ở thì con rùa sẽ phun thêm gạo, đủ cho người này ăn. Con rùa ấy luôn luôn phun ra số gạo đủ ăn, vô cùng chuẩn xác, không một chút lãng phí. Bởi điều đặc biệt này nên người đến chùa thắp hương, cúng bái cũng ngày càng đông hơn. Mỗi năm số người đến hành hương lại tăng lên rất nhiều.

Vì miệng của rùa đá nhỏ nên tốc độ phun gạo của nó cũng vô cùng chậm chạp. Có một ngày, lượng người đến hành hương đông hơn mọi hôm, trời đã xế chiều, ai cũng kêu đói bụng nên muốn được ăn một chút cơm bố thí của nhà chùa rồi mới rời đi.

Khi nhìn thấy con rùa đá phun gạo một cách chậm chạp thì ai nấy đều vô cùng sốt ruột, nhưng cũng không biết phải làm sao.

Bỗng nhiên trong đám người đó có một vị khách lên tiếng: “Con rùa này phun gạo sở dĩ chậm chạp như vậy cũng không phải là vì bên trong nó không có gạo, mà bởi vì miệng của nó quá nhỏ mà thôi! Nếu chúng ta đục cho cái miệng nó rộng hơn một chút thì nhất định gạo chảy ra sẽ rất nhanh.”

Mọi người vừa nghĩ thì thấy lời nói ấy thật là có đạo lý nên đều kéo nhau vào xin sự đồng ý của vị sư trụ trì.

Vị sư trụ trì sau khi nghe xong lời của mọi người thì trong lòng rất mừng rỡ, cho rằng cách này không những giải quyết được tình thế trước mắt mà đối với sau này cũng là rất tốt. Ông nói: “Từ trước đến nay, sở dĩ gạo chảy ra ít và chậm chạp đúng là do cái miệng con rùa quá nhỏ. Nếu chúng ta đục miệng của nó rộng ra thì gạo sẽ chảy ra vừa nhanh lại vừa nhiều. Cứ như thế, chúng ta sẽ dùng gạo đổi được nhiều đồ ăn, đồ uống hơn, đồ dùng và quần áo cũng tốt hơn, cớ sao mà không làm chứ?”

Vị sư trụ trì ánh mắt ngời sáng và nói rằng: “Đây đúng là diệu kế, mọi người hãy nhanh tay tiến hành đi!”

Thế là mọi người mau chóng đi tìm đục sắt rồi thay phiên nhau đục miệng con rùa đá. Chỉ trong chốc lát, miệng của con rùa đá dần dần mở rộng ra, mọi người đều hy vọng sớm được ăn cơm tối.

(Ảnh minh họa/Nguồn: Sưu tầm)
(Ảnh minh họa)

Mặc dù miệng của con rùa đá đã rộng hơn nhiều nhưng tốc độ gạo chảy ra thì vẫn y nguyên như cũ. Điều này quả thực khiến sư trụ trì thất vọng nhưng đó mới chỉ là một chút thất vọng nho nhỏ. Khi miệng của con rùa đá ấy được đục rộng hơn lúc ban đầu nhiều lần rồi thì gạo trong con rùa ấy không những không chảy ra nhanh hơn, nhiều hơn mà từ đó trở đi nó đã không thể phun ra gạo được nữa.

Giờ phút ấy, vị sư trụ trì hồi tưởng lại lúc khởi một niệm tham nên giờ đây đã thu nhận về hậu quả là “hai bàn tay trắng”, trong lòng ông vô cùng hối tiếc, ân hận nhưng mọi sự cũng đã quá muộn màng.

Từ trong truyền thuyết này, chúng ta có thể biết được rằng, vạn vật không phải là vô tri vô giác như chúng ta vẫn tưởng mà đều có tâm linh. Con rùa đá kia có thể ở kiếp trước đã có mối quan hệ nhân duyên với vị sư trụ trì nên kiếp này đã dùng cách ấy để hoàn trả lại. Mọi sự việc diễn ra hãy thuận theo tự nhiên, đừng cưỡng cầu và tham lam, bởi vì hậu quả của lòng tham thật là lớn và chúng ta không thể biết trước. Thậm chí nó còn khiến chúng ta hối hận mãi mà không thể vãn hồi lại được!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch