Cuốn “Bắc Mộng Tỏa Ngôn” có ghi chép câu chuyện về một người quân tử, ông là người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhất cử nhất động đều quy chính bản thân, ngôn hành đúng mực, cuối cùng đến cả Thần Tiên cũng hết mực tán dương.

Trương Kiến Chương là quan nhà Đường, ông từng nhậm chức Hành quân tư mã tại U Châu; Thứ sử, Ngự sử đại phu tại Kế Châu. Ông là người yêu đọc sách Nho gia và sách lịch sử, thích sưu tầm sách quý, thậm chí còn xây dựng cả một khu nhà chỉ để thu thập, lưu trữ sách quý có tới hàng vạn cuốn.

Có một lần ông phụng lệnh đến vịnh Bột Hải, khi đang ngồi thuyền thì gặp phải gió lớn khiến thuyền không thể đi tiếp. Khi vừa dừng lại, đột nhiên ông nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ bất chấp sóng to gió lớn đang bơi tới, trên thuyền có người nói với ông: “Vâng lệnh đại Tiên mời đại phu”, Trương Kiến Chương nghe thấy vậy liền vâng lời mà đi.

Sau khi xuống thuyền nhỏ, đi được một lúc ông tới một hòn đảo lớn, trên đó có một tòa lầu cao to lộng lẫy. Ông được một người dẫn lên trên lầu, ở đó có một nữ Tiên nhân đang đợi sẵn, xung quanh có rất nhiều người theo hầu. Nữ tiên nhân mời Trương Kiến Chương dùng thức ăn, món ăn mang hương vị của quê nhà ông.

Theo thuyền nhỏ, đi được một lúc Trương Kiến Chương tới một hòn đảo lớn. (Ảnh minh họa: jianshu.com)

Sau khi ăn xong, nữ Tiên nhân mới nói nguyên nhân mời ông tới đây: “Ông chẳng phải phường ám thất mà là bậc chính nhân quân tử, cho nên tranh thủ lúc sóng to gió lớn, thuyền ông dừng lại, ta cho người mời ông tới nơi Tiên cảnh du ngoạn một lần”. Nữ Tiên nhân còn tặng cho ông một bảo vật có tên là “Giao Tiêu”. Sau rồi cho người đưa ông trở lại thuyền lớn, lúc này cũng là lúc trời quang mây tạnh. Trương Kiến Chương trong tâm hiểu được Thần Tiên bảo hộ người thiện lương, nên từ đó trở đi không còn sợ hãi gió to bể cả nữa.

Nữ Thần Tiên nói “chẳng phải phường ám thất”, tuy rằng không nói rõ ông đã làm việc thiện lương gì cụ thể, nhưng câu này có ý rằng Trương Kiến Chương dù ở chỗ không có ai nhìn thấy thì làm việc gì cũng đường đường chính chính, khi người khác nhìn thấy thì cũng là quang minh lỗi lạc. Giao Tiêu chính là bảo vật giống như tơ lụa, là do người cá trong truyền thuyết làm ra.

Trương Kiến Chương sau khi được tán dương, ban thưởng lại càng không dám làm gì khuất tất, tư lợi, ông chân thành đem Giao Tiêu nộp lại cho triều đình. Loại Giao Tiêu này có công dụng diệu kỳ, mùa hè chỉ cần mở ra là cả phòng mát rượi, được hoàng thất xem như báu vật trong những báu vật, cất giữ cẩn trọng. Bảo vật này được truyền tới sau thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, Đường Minh Triều, Minh Tông Hoàng Đế, Lý Tự Nguyên (CN 867-933). Mỗi lần tế thiên, lập đàn, đông tây hai hướng đều phải bày bảo vật triều đình, đương thời có 3 món bảo vật thường được chọn bày: một là ngọc tỷ truyền quốc, hai là Giao Tiêu bảo vật mà khi xưa Trương Kiến Chương dâng kính, bảo vật thứ ba thì do ghi chép không được rõ ràng nên không hiểu rõ.

Trương Kiến Chương sau khi được tán dương, ban thưởng lại càng không dám làm gì khuất tất, tư lợi. (Ảnh minh họa: xuehua.us)

Giao Tiêu này được nhiều đời Hoàng đế lưu truyền, cất giữ cùng với ngọc tỷ truyền quốc, hơn nữa lại chuyên dùng vào những việc trọng đại như lập đàn tế thiên thì đủ hiểu nó là bảo vật có giá trị thần kỳ như thế nào. Tiếc thay, sau này thay triều đổi quốc, nó đã bị thất lạc không còn.

Tuy Giao Tiêu đã thất lạc, nó vẫn còn ảnh hưởng đối với hậu thế. Có rất nhiều tác phẩm thi ca, nghệ thuật, lịch sử đều nhắc đến nó. Ví như “Giao Tiêu Mạt”, “Giao Mạt” đều từ đây mà ra; tuy nhiên hàm nghĩa của nó lại có nhiều thay đổi, trở thành tên gọi khăn tay như trong tác phẩm “Hồng Lâu Mộng”. Tại hồi thứ 34, Bảo Ngọc để Tình Văn đưa khăn tay cho Lâm Đại Ngọc làm tín vật truyền tin, trên đó Đại Ngọc đề thơ: “Xích phúc giao tiêu lao giải tặng, khiếu nhân yên đắc bất thương bi”.

Giao Tiêu thần kỳ, Thần Tiên tặng bảo vật là câu chuyện xác thực tồn tại trong lịch sử. Điều này không chỉ thể hiện việc con người ăn ở có nhân có đức, đủ đầy nhân nghĩa sẽ được người người kính trọng, mà còn chứng minh sự tồn tại của Thần linh trong Trời đất.

Giao Tiêu thần kỳ. (Ảnh minh họa: soundofhope.org)

Trong “Lễ Ký – Trung Dung” có viết: “Cái Đạo ấy không thể xa rời dù chỉ trong chốc lát; nếu có thể xa rời được thì đã không phải là Đạo. Bởi thế quân tử đặc biệt cảnh giác thận trọng ở chỗ người ta không nhìn thấy, lo lắng sợ hãi ở chỗ người ta không nghe thấy. Chẳng có gì rõ hơn vật che giấu, chẳng có gì làm hiển lộ chân tướng hơn những việc nhỏ bé. Cho nên người quân tử đặc biệt thận trọng khi chỉ có một mình mình vậy”.

Kỳ thực, nhân sinh tại thế đủ loại đủ dòng, như cây rừng cá bể, muôn hình vạn dạng loại nào cũng có. Tuy nhiên, con người dù có như trăm hoa vạn sắc thế nào đi nữa, cuối cùng cũng chỉ phân thành thiện, ác hai bên mà thôi. Người thiện lương quân tử, thì ở đâu cũng thể hiện lễ nghĩa đủ đầy, bất luận nơi đó đông người hay đơn độc.

Làm người quân tử dẫu khó nhưng trăm điều lợi không một điều hại. Người quân tử đi đứng khoan thai, nói ngồi tự tại, luôn vui vẻ hoà ái không có gì phải bận tâm lo nghĩ hay e sợ. Ngược lại, kẻ tiểu nhân thì ngốc nghếch ngu si, tự cho mình thông minh sáng dạ hơn người, luôn tìm cách chiếm phần hơn, số lợi cho mình. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng cái được chẳng bằng cái mất, được cái lợi trước mắt nhưng lại mất hậu vận muôn đời, bạn bè xa lánh, phúc đức tiêu tan, tiền đồ vô vọng.

Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Người quân tử thì thản nhiên thư thái, kẻ tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu”. Vì sao người quân tử có thể đạt được trạng thái thong dong tự tại, không phải lo nghĩ? Nguyên nhân chính là bởi nhất cử nhất động, việc gì họ làm cũng quang minh lỗi lạc, không có gì phải hổ thẹn với Trời đất.

Theo soundofhope.org
Minh Vũ biên dịch