Chuyên mục “Chữ và Nghĩa” chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực – nghĩa gốc cho những từ ngữ đang bị quần chúng sử dụng sai lệch trong đời sống hiện đại. Nếu không hiểu đúng nghĩa của từ, mỗi chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không liễu giải được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi mối dây liên hệ với quá khứ. Do vậy, DKN xin ‘phạt cỏ dọn cành’ ngõ hầu giúp quý độc giả phát quang lối cũ về với người xưa. Đồng thời cũng hy vọng bạn đọc có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.

***

Tiếp theo: Phần 1

Ở thôn quê có một tập tục rất hay: mỗi khi nhà ai có việc cưới xin hay ma chay thì người làng cùng xúm vào giúp đỡ. Tình làng nghĩa xóm đáng quý là vậy, nhưng vẫn không tránh khỏi cái sự so đo, ‘có đi có lại’ hình thành quan niệm cho tới tận ngày nay

Một sáng về quê, tôi thấy ông nội ăn mặc tươm tất và đang chuẩn bị đi đâu đó, trước khi đi ông cũng không quên cầm theo một cuốn sách trên tay. Vừa thấy tôi, ông nói:

– Cháu đấy à, cháu vào nhà nghỉ ngơi đi, đợi ông một lát.

Đi được vài bước, ông như sực nhớ ra điều gì nên quay lại nói:

– Hay cháu có muốn biết đám cưới ở quê không? Thế thì hãy đi cùng ông, ở đây cũng có rất nhiều cái đáng để biết đấy.

Tôi mừng quá, “vâng ạ” ngay lập tức. Mấy khi được dự đám cưới ở quê hương? Nghĩ vậy, tôi háo hức bước cùng ông trên con đường làng ngõ nhỏ quanh co.

Dọc đường, ông dặn:

– Cháu có thể quan sát nhưng cứ vui vẻ lịch sự thôi nhé, đừng thể hiện thái độ gì khác.

Ông cháu tôi bước thong thả trên con đường làng, vòng qua giếng nước, rồi lại đi qua sân đình. Hôm nay, người vắng hẳn.

Ông giải thích:

– Ở làng quê, hầu như mọi người đều biết nhau. Nhà ai có đám, ma chay hay hiếu hỷ, thì hầu như cả làng đều được mời. Nên cháu sẽ thấy ở nơi công cộng vắng người hơn thường ngày.

Mới đến gần gốc đa đầu làng tôi đã thấy vang lên tiếng nhạc, tiếng hát karaoke của các thanh niên đang ca hát tưng bừng trong đám cưới.

Đến cổng vào, hai ông cháu được bố mẹ chú rể đon đả chào:

– Dạ, chào cụ ạ. Mời cụ vào xơi cơm mừng cho gia đình ạ.

Ông tôi nồng ấm bắt tay họ:

– Chúng tôi xin chúc mừng cô chú, hai cháu và đại gia đình. Đây là cháu trai tôi ở Hà Nội về. Tôi mạn phép dẫn cháu đi cùng ạ.

– Vâng, quý hóa quá! Mời hai ông cháu vào mâm ạ.

Ông tôi chưa vào mâm ngay, mà đi ra chỗ cô dâu chú rể để nói lời chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Ông cười tươi, vỗ vai chú rể và tặng anh cuốn sách.

Rồi hai ông cháu vào mâm, một mâm toàn người cao tuổi.

Ông nói chuyện rất vui vẻ với các cụ trong làng nhưng không ăn gì cả, chỉ đưa đẩy một hai chén rượu. Tôi cũng không định bụng ăn uống, nhưng ai tiếp thức ăn cho mình thì cũng cúi đầu cảm ơn và để nguyên trong bát. Thực ra, tôi đã ăn sáng no nê rồi.

Nhưng có điều hơi kỳ lạ, đó là ngoài mâm ông cháu tôi và một số mâm của đàn ông thì có nhiều mâm toàn là các bà các mẹ. Trong các mâm ấy, họ hầu như chỉ chan canh ăn cơm, còn thức ăn khô như thịt gà, giò chả, nem rán… thì họ không động đũa, mặc dù mâm nào mâm ấy đầy tú ụ những thịt thà cá mú.

Tôi lại thấy một xấp mỏng túi bóng gia chủ để bên cạnh mỗi mâm, trong lòng tự hỏi không biết túi bóng là để làm gì?

Thì ra, các mâm ấy họ chỉ ăn đồ nước, còn đồ khô họ chia nhau cho vào các túi bóng để mang về. Tôi cứ trợn tròn mắt lên, miệng ấp úng định thốt lên một lời cảm thán. Ông nhìn tôi cười ý nhị. Tôi biết ý, nên lại tỏ vẻ bình thản như thường.

Ăn xong, ông cháu tôi thả bộ trên đường làng ra về. Lúc này mới đầu hè, trời trong, gió mát, nắng buổi sáng xiên xiên qua kẽ lá đa, nhảy múa trên mặt đường. Giờ mới là 9 giờ sáng, ở quê ăn cỗ cưới sớm thật!

Tôi lại bắt đầu tuôn ra một loạt câu hỏi như thường lệ:

– Ông ơi, sao ông lại mừng chú rể cuốn sách? Bây giờ người ta toàn mừng phong bì mà.

– Thứ nhất, ông không làm gì ra tiền, từ ngày về quê trông nom từ đường, ông chỉ “tự sản tự tiêu”, tức là ông tự nuôi trồng lấy mà ăn thôi, có buôn bán gì đâu mà kiếm ra tiền. Ông chỉ có thể mừng họ những gì ông có. Và ở làng thì đâu chỉ có một đám cưới; Thứ hai, ông không muốn đánh mất ý nghĩa đích thực của việc mừng đám cưới – giờ đã trở nên ngày càng kỳ lạ với văn hóa phong bì; Thứ ba, ông không muốn việc đó biến thành hình thức cản trở ông đến chia vui với bà con chòm xóm, người ta có quý mới mời mình, không đi sao được; Cuối cùng là, ông ở đây một thân một mình, không dám phiền đến ai nên cũng không mang nợ ai cả.

– Nhưng dù sao, việc ấy có gây cho ông rắc rối gì không ạ?

Ông tôi trầm tư:

– Có đấy. Những năm trước lúc ông mới về quê thì cũng có người không hiểu. Mà nói đâu xa, chính bố mẹ chú rể đây thôi, họ đi nói xấu ông khắp làng.

– Vậy sao ông vẫn đến đám cưới con trai họ ạ?

– À, mặc dù vậy ông cũng chẳng giận họ, ông thấy thương họ nhiều hơn. Cũng lạ, một đằng thì bố mẹ chú rể nói xấu ông, một đằng thì cậu bé con – chú rể hôm nay ấy – lại rất thích sang chơi với ông. Nó còn mang sách vở học ở trường sang hỏi ông nữa. Rồi chính ông lại kèm giúp cu cậu môn văn và toán và giải đáp về các môn học khác để cậu ấy thi đỗ đại học. Cậu ta còn dẫn thêm nhiều đứa khác đến hỏi bài. Cuốn sách ông tặng chú rể là một cuốn sách cổ rất quý hiếm mà cậu ta hỏi xin ông đã từ lâu, nhưng ông bảo: bao giờ cháu lấy vợ thì ông sẽ tặng.

– Ông ơi, vậy còn món quà mừng nào lớn hơn thế nữa hả ông?

Ông tôi cười:

– Cháu đừng gọi là quà mừng. Đối với ông, không bao giờ ông tiếc công sức giảng giải cho các cháu những điều ông tích lũy được trong cả cuộc đời. Đó cũng là trách nhiệm của ông với lớp trẻ. Một mai khi ông về với các cụ, các cháu phải là lớp người gìn giữ những giá trị ấy. Ông giữ lại cho riêng mình để làm gì?

Nếp cũ làng quê bây giờ khác lắm… (ảnh minh hoạ)

Đến lượt tôi trầm ngâm: Có lẽ vì vậy mà cha mẹ cậu bé và dư luận chung ở làng dần dần thay đổi thái độ với ông chăng?

– Ông ơi, sao ở quê ăn cỗ cưới lạ thế ông nhỉ? Đến ăn lại không ăn, chỉ cốt để mang về.

– Cháu phải thấy ở quê có một nét rất hay: khi nhà ai có việc cưới xin, ma chay thì người làng cùng xúm vào giúp đỡ. Đó là tình cảm chòm xóm đáng quý. Tuy vậy, bây giờ việc cưới xin lại trở thành một hình thức trả nợ lẫn nhau, không còn là ngày vui của đôi trẻ nữa. Vui làm sao được vì phải lo đến bạc đầu với việc trả nợ từ khi khách chưa ngồi vào mâm? Mà có mấy nhà sẵn tiền mà làm đám cưới như vậy đâu, phần lớn đều phải vay mượn thì mới có tiền mà chi trả lễ lạt, cỗ bàn. Chẳng phải cháu thấy toàn là những mâm cỗ thịt cá ê hề ra phải không?

– Vâng, đúng là niềm vui của người này lại là nỗi lo âu, vất vả của người khác.

Ông tôi dừng lời một lát, mắt ưu tư nhìn ra mảnh ruộng cằn cỗi trước mặt.

– Còn việc các bà các mẹ nhịn miệng để mang thịt cá về cho con cháu trong nhà thì cháu cũng nên thông cảm. Người Việt Nam ta chưa từng được no đủ, cái ăn luôn là nỗi lo hàng đầu của người dân, nhất là ở nông thôn. Cuộc sống khó khăn của bao thế hệ đã hình thành thói quen thu vén như thế đấy. Cụ Trần Tế Xương chẳng đã có câu thơ: “Van nợ lắm khi trào nước mắt, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” là gì? Tuy vậy, ông thông cảm nhưng ông không làm theo, vì nói cho cùng miếng ăn cũng làm cho con người tầm thường đi. Chính các cụ cũng nói: “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”. Cháu xem, xưa nay bao nhiêu danh nhân, vĩ nhân được nhân loại tưởng nhớ, ghi ơn là vì họ phụng sự nhân dân, phụng sự loài người, hay phụng sự nghệ thuật, cái đẹp, đạo lý, tri thức… chứ có ai thành vĩ nhân với mục tiêu duy nhất là thoát nghèo hay được no đủ sung sướng đâu?

Ông nháy mắt với tôi và nói thêm:

– Còn việc mình nỗ lực chân chính để cuộc sống tươm tất hơn một chút thì đâu có sai, phải không cháu? Nhưng miễn là ta đừng để danh lợi ràng buộc sai khiến đến mất cả tự do và thanh thản.

Tôi lanh chanh thể hiện ngay mình là học trò giỏi của ông:

– Ông ơi, từ đầu đến giờ có phải ta đang nói về điều mà ông vẫn dạy cháu là: “Quân tử hòa nhi bất đồng” phải không ạ?

Ông đưa tay ra khẽ véo mũi trêu tôi, và lại cười hiền lành:

– Khà khà, cháu ông thông minh quá. Đúng vậy đấy, mình ở đâu cũng thế thôi, luôn luôn sống chan hòa, vui vẻ với mọi người xung quanh, đối xử với họ bằng tình người ấm áp. Nhưng vẫn phải giữ được khí cốt và sự cứng cỏi của mình. Nếu đám đông làm điều bất hợp lý hay vi phạm nguyên tắc làm người của mình thì không nên hùa theo. Và đó là điều đức Khổng Tử dạy trong Luận Ngữ chứ không phải ông tự nghĩ ra.

Mải vui chuyện, ông cháu tôi đã về đến nhà tự lúc nào. Ông cười:

– Thế hôm nay về chơi thăm ông hay có việc gì không?

– Dạ, cháu vừa về thăm ông, cũng định hỏi ông mấy điều. Nhưng cháu đã được ông giải đáp hết rồi ạ.

Ông tôi lại cười khà khà thật dễ mến.

– Vậy trưa nay cháu thích ăn gì nào để ông đi chuẩn bị?

– Dạ thôi hôm nay ông nghỉ đi ạ, để cháu đi nấu cơm. Cháu phải thực hành mấy tuyệt chiêu nấu ăn ông dạy cháu chứ! Nếu chỉ học mà không hành thì cũng thật hoài phí phải không ông?

Ông hiền từ xoa đầu tôi. Tôi vui lắm, vừa đi ra vườn cây mãi xanh tươi của ông vừa cất cao một lời hát.

Bình Nguyên