Bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh đó, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…

  • Tiếp theo: Phần  1   2

Phần 3: Söghetei – Toa Đô (? – 1285)  

  • Tên Hán: Toa Đô   
  • Chức vụ: Tướng chỉ huy cánh quân xâm lược Đại Việt lần 2 đánh từ phía Chiêm Thành.
  • Bị đánh bại bởi: Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái.
  • Bị chém đầu bởi: Vũ Hải tại trận Tây Kết, ngay trên đường rút lui.

Kiêu dũng thiện chiến, sự nghiệp đang lên

Theo Nguyên sử, Toa Đô là người của bộ tộc Trát Lạt Nhi, tên đầy đủ là Trát Lạt Diệc Nhân Toa Đô.

Toa Đô kiêu dũng thiện chiến, được tuyển vào lực lượng túc vệ, tham gia chiến đấu lập được quân công. Chức vụ quan trọng đầu tiên của Toa Đô là chức thiên hộ, chỉ huy hơn 1 nghìn quân bảo vệ Thái Xuyên.

Năm Chí Nguyên thứ 5, Aju (A Truật, con trai Ngột Lương Hợp Thai từng đánh nhà Trần năm 1258) vây Tương Dương, cử Toa Đô tuần tiễu. Toa Đô đoạt được một loạt trại của quân Tống, có trận tự chém được hơn 300 thủ cấp quân Tống.

Năm Chí Nguyên thứ 9 (1272), quân Nguyên tấn công Phàn Thành. Toa Đô được cử làm tiên phong, lập được công và được trọng thưởng. Sau đó, trong các chiến dịch ở Giang Nam, Toa Đô tiếp tục lập nhiều quân công, được cấp trên chú ý và cất nhắc lên các chức như Tham tri chính sự hành tỉnh Phúc Châu, rồi Tả thừa hành tỉnh Tuyền Châu.

Sa lầy tại Chiêm Thành

Cũng như Thoát Hoan, có lẽ số mệnh của Toa Đô cũng gặp đại hạn khi phải đưa quân xuống phương Nam. Từ Chiêm Thành cho đến Đại Việt, không nơi nào mà sự kiêu dũng thiện chiến của Toa Đô lại có thể đem lại chiến thắng lớn cả.

Toa Đô. (Ảnh minh họa: zhihu.com)

Năm 1281, Toa Đô được cử làm Hữu thừa hành tỉnh Chiêm Thành. Tháng 12 năm 1282, Toa Đô chỉ huy một hạm đội 20 vạn quân với 1 nghìn thuyền xuất phát từ Quảng Châu đi tấn công Chiêm Thành. Đây là một phần của kế hoạch giáp công đánh Đại Việt, theo đó Toa Đô sau khi đánh xong Chiêm Thành sẽ từ phía nam đánh lên, còn đại quân của Thoát Hoan sẽ từ phía bắc đánh xuống.

Ngày 21 tháng 2 năm 1283, quân Toa Đô chiếm được kinh đô Vijaya của người Chiêm nhưng đó cũng lại là một tòa thành trống không. Toàn bộ quân dân và vua Chiêm Thành là Indravaman V đã rút vào rừng núi tiếp tục kháng chiến.

Do người Chiêm Thành rút vào rừng núi kháng cự quyết liệt, nên đạo quân của Toa Đô phải chiến đấu rất vất vả. Toa Đô rút quân khỏi kinh đô Vijaya và ra bờ biển Quy Nhơn ngày nay lập trại. Quân lính của Toa Đô bỏ trốn nhiều.

Do lương thực hết, do viện binh đã xin mà không sang, Toa Đô quyết định rút quân lên miền Bắc Chiêm Thành, gần biên giới với Đại Việt, xây thành gỗ, mở đồn điền sản xuất lương thực. Điều này khiến cho đạo quân tiếp viện do Qutuqu (Hốt Đô Hốt hoặc Hốt Đô Hổ), Omar (Ô Mã Nhi) chỉ huy tới Quy Nhơn không gặp được Toa Đô; sau đạo quân này bị đắm thuyền rất nhiều vì bão.

Mãi tới đầu năm 1285, Toa Đô mới rời Chiêm Thành tiến vào Đại Việt để phối hợp tác chiến với Thoát Hoan. Nhưng bấy giờ, đã không còn là một đoàn quân 20 vạn kiêu hùng thuở xưa, mà quân số đã giảm nhiều do chết bệnh, đào ngũ v.v. Đoàn quân này còn đang lâm vào cảnh thiếu đói do không tìm được lương thực, vì quân dân Chiêm Thành lúc làm tiêu thổ kháng chiến đã rút vào núi rừng mênh mông của dãy Trường Sơn. Họ đã không để lại cho Toa Đô và đoàn quân thảm hại đó chút gì để ăn.

Chiến tử tại Tây Kết: Một đời kiêu dũng bỗng thành không

Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật làm chánh tướng, Chiêu Thành Vương và Trần Quốc Toản làm phó tướng đi cùng với Nguyễn Khoái mang 5 vạn quân ra bắc đánh quân Nguyên ở Hàm Tử.

Trần Nhật Duật gặp binh thuyền Toa Đô ở bến Hàm Tử, bèn chia quân ra đánh. Hai bên chống nhau ác liệt. Toa Đô đi đường xa, giao chiến lâu ngày đã mỏi mệt nên đại bại.

Sau khi thua trận ở Hàm Tử Quan, Toa Đô vẫn không biết rằng Thoát Hoan đã tháo chạy. Cánh quân Toa Đô đóng ở sông Thiên Mạc và tìm cách liên lạc với Thoát Hoan. Được ít ngày, Toa Đô biết tin quân Thoát Hoan đã thất bại và rút chạy, bèn lui về Tây Kết (Khoái Châu).

Ngày 24 tháng 6 năm 1285, Trần Hưng Đạo trực tiếp chỉ huy quân đánh Toa Đô. Toa Đô và Ô Mã Nhi thua, bỏ thuyền đi đường bộ ra phía biển. Trên đường chạy, Toa Đô bị quân Đại Việt bao vây, sau cùng bị tướng Vũ Hải của nhà Trần chém đầu. Ô Mã Nhi thì chạy thoát về Thanh Hóa.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Nhân Tông trông thấy thủ cấp của Toa Đô thì cởi áo ngự phủ lên và nói: “Người làm tôi phải nên như thế này”, rồi sai người khâm liệm tử tế.

Vua Trần Nhân Tông trông thấy thủ cấp của Toa Đô thì cởi áo ngự phủ lên và nói: “Người làm tôi phải nên như thế này”. (Ảnh: violet.vn)

(Còn tiếp…)

Tĩnh Thuỷ

Tham khảo:

1. Nguyên sử, quyển 129, Liệt truyện 16: Toa Đô.

Bản tiếng Hán: http://www.guoxue.com/shibu/24shi/yuanshi/yuas_129.htm

Bản tiếng Việt: https://sites.google.com/site/quankhoasu/nguyen-su

2,. Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ, quyển 5.

Nguồn: http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt10b.html

3. Wikipedia, Bách Khoa Toàn Thư Mở: Toa Đô

https://vi.wikipedia.org/wiki/Toa_%C4%90%C3%B4