Bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh đó, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…

Chiến tranh luôn đem lại khổ đau và tai nạn cho nhân loại. Dù cho kẻ thắng hay người thua đều vì nó mà phải thương tâm. Chẳng thế mà Nguyễn Du đã từng có thơ rằng:

“Liên phong cao sáp nhập thanh vân
Nam bắc quan đầu tựu thử phân
Như thử hữu danh sinh tử địa
Khả liên vô số khứ lai nhân

Tắc đồ tùng mãn tàng xà hổ
Bồ dã yên lam tựu quỷ thần
Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt
Kỳ công hà thử Hán tướng quân”.

(Quỷ Môn Quan – Nguyễn Du)

Dịch thơ:

“Giăng giăng núi phủ vút từng mây
Nam bắc chia nhau tại chỗ này
Sinh tử từng nghe nơi hiểm trở
Tới lui bao kẻ xót thương thay

Bụi gai ngăn lối hùm beo núp
Khói độc đầy non quỷ quái đầy
Xương trắng ngàn xưa phơi gió lạnh
Khen gì tướng Hán chiến công hay”.

(Bản dịch của Trương Việt Linh. Nguồn: thivien.net )

Dù biết chiến tranh ác liệt khủng khiếp, nhưng vẫn có vô số kẻ khuấy động can qua, đem tai họa đến cho biết bao lương dân. Tất cả cũng chỉ vì muốn vinh danh anh hùng trên chiến địa, muốn được lưu truyền thiên cổ. Rất nhiều kẻ trong số đó đến từ các triều đại Trung Quốc, khi đạo đức thoái hóa đã không dùng Đức trị thiên hạ mà là ngồi trên lưng ngựa chinh phạt khắp nơi.

Nhưng Trời không chiều kẻ bạo ngược. Trong suốt lịch sử quân sự lừng lẫy của Thiên triều Trung Hoa, lại có một vùng đất nhỏ bé nhưng là nơi chôn vùi sự nghiệp của vô số hậu nhân Tôn Võ Tử suốt 4.000 năm. Đó chính là Đại Việt.

Vẫn biết rằng “thành bại là lẽ thường của binh gia”, nên bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh đó, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam, những con người nhỏ bé nhưng anh dũng đã đường đường chính chính đánh bại các đối thủ mạnh hơn để bảo vệ quê hương mình. Không ai trong số họ muốn được vinh danh, nhưng ngàn năm con cháu vẫn sẽ luôn ghi nhớ.

Vì triều đại nhà Trần là triều đại có chiến công lừng lẫy nhất, chúng ta sẽ bắt đầu với họ nhé.

Phần 1: Ngột Lương Hợp Thai – Uriyangqatai (1200-1271)

  • Tên Hán: Ngột Lương Hợp Thai.
  • Chức vụ: Tổng chỉ huy quân viễn chinh Đại Lý và Đại Việt năm 1258.
  • Đối thủ chính: Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ, Lê Tần.
  • Bị đánh bại tại: Thăng Long – Chiến dịch Đông Bộ Đầu và trận tập kích của Hà Bổng trên đường rút lui.

Uriyangqatai (chữ Mông Cổ: ᠥᠷᠢᠶᠠᠨᠺᠠᠲᠠᠢ, Урианхайдай), còn được chép trong sử liệu chữ Hán với phiên âm Hán Việt là Ngột Lương Hợp Thai hay Cốt Đãi Ngột Lang. Ông là một chỉ huy quân sự kiệt xuất của quân đội Nguyên Mông và là tướng chỉ huy quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ nhất vào năm 1258. Ngột Lương Hợp Thai được xếp là công thần đứng hàng thứ 3 của nhà Nguyên.

Ngột Lương Hợp Thai. (Ảnh minh họa từ youtube)

Con trai của Subotai, người đem đến châu Âu “Cơn thịnh nộ của Chúa Trời”

Cha của Ngột Lương Hợp Thai là một vị tướng lừng lẫy khắp thế giới từ Á sang Âu, chính là Subotai (Tốc Bất Đài). Tốc Bất Đài là một dũng tướng bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn trong Tứ Cẩu hay Tứ Dũng (4 viên dũng tướng); 3 người còn lại là Gia Luật Mễ, Hốt Tất Lai, Triết Biệt. Tốc Bất Đài đã theo chân Thành Cát Tư Hãn từ những ngày đầu lập quốc.

Ngoài việc góp phần quan trọng trong các chiến dịch đánh bại các đế quốc Khwarizm cũng như hạ gục Kim và Tây Hạ ra, thì vinh quang lớn nhất của Subotai chính là chiến dịch viễn chinh gây kinh hoàng khắp châu Âu được ví như cơn thịnh nộ của Chúa Trời.

Ông đã khởi động cuộc chiến với chuỗi chiến thắng trải dài từ Nga, Ba Lan, Hungary, Áo và thậm chí đã chuẩn bị xâm lăng đế chế La Mã, nhưng cái chết của Đại Hãn Ogotai (Oa Khoát Đài) đã khiến chiến dịch bị hoãn vô thời hạn. Và ông đành kết thúc cuộc đời binh nghiệp với chiến dịch sau cùng tiêu diệt nhà Nam Tống.

Vinh quang trải khắp Á Âu

Là con trai của Tốc Bất Đài, Ngột Lương Hợp Thai thừa kế thành công tài năng quân sự của cha mình và cũng trở thành một tướng lĩnh nổi tiếng của nhà Nguyên Mông. Ông từng tham gia đánh nước Kim của người Nữ Chân ở miền Liêu Đông, tấn công Đức và Ba Lan dưới cờ của Bạt Đô (sau này là Đại Hãn của Hãn quốc Kim Trướng) cũng như nhận lệnh tấn công đế quốc Ả Rập cùng Húc Liệt Ngột (em của Hãn Mông Cổ là Mông Kha) [1]. Sau này Húc Liệt Ngột là Hãn của Hãn quốc Y Nhi (Hãn quốc này bao gồm Iran và Iraq hiện nay). Nhưng sau đó, Ngột Lương Hợp Thai nhận lệnh mới và không ở trong đội quân đi đánh Bagdad.

Từ năm 1252, Ngột Lương Hợp Thai và Hốt Tất Liệt đánh Đại Lý – quốc gia của người Thoán Bặc (người Di ở Vân Nam), chiếm được kinh đô từ năm 1253. Sau đó, Hốt Tất Liệt nhận việc mới và Ngột Lương Hợp Thai trở thành tổng chỉ huy.

Năm 1254, Ngột Lương Hợp Thai đã hoàn thành việc bình định nước Đại Lý với việc bắt sống vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí.

Nhằm dọn đường cho quân Mông Cổ tiến đánh nhà Nam Tống từ phía Nam, Ngột Lương Hợp Thai tiến quân vào Đại Việt theo đường từ Vân Nam dọc theo sông Hồng vào tháng 12 năm Đinh Tỵ (tức tháng 1 năm 1258). Quân của Ngột Lương Hợp Thai có ít nhất là hơn 3 vạn người, trong đó 2 vạn là quân của Đoàn Hưng Trí.

Định mệnh sa lầy nơi Đại Việt

Ngày 12 tháng Chạp (17 tháng 1 năm 1258), các lực lượng tiên phong của Ngột Lương Hợp Thai do Aju và Cacakdu chỉ huy đã đến Bình Lệ Nguyên và giao chiến với quân Đại Việt do đích thân vua Trần chỉ huy tại đây.

Bàn đồ cuộc chiến Mông Cổ – Đại Việt lần I. (Ảnh từ wikipedia.org)

Ngột Lương Hợp Thai quá tự tin vào năng lực tác chiến và các chiến thắng quá dễ dàng tại Đại Lý nên đã vô thức không nhận ra rằng, lần này ông ta đã gặp phải đối thủ lớn nhất của đời mình.

Kế hoạch bắt sống bộ chỉ huy nhà Trần và đánh tan quân Đại Việt chỉ trong một trận của Ngột Lương Hợp Thai đã thất bại khi Trần Thái Tông nghe lời Lê Tần quyết định lui quân để bảo toàn lực lượng. Quân Ngột Lương Hợp Thai tiếp tục tấn công ồ ạt, khiến quân Đại Việt phải bỏ kinh đô Thăng Long. Nhờ dự liệu chính xác về phương thức chiến tranh của quân Mông Cổ, nhà Trần trước đó đã thực hiện cuộc đại di tản toàn bộ kinh đô và không để lại một chút gì cho đạo quân xâm lược có thể lợi dụng.

Thiếu lương thực, khí hậu bất lợi, sự kháng cự của quân Đại Việt đã khiến quân của Ngột Lương Hợp Thai gặp nhiều khó khăn. Chỉ 12 ngày sau trận giao chiến đầu tiên, tức ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân Đại Việt đã phản công, đánh bật quân của Ngột Lương Hợp Thai khỏi Thăng Long bằng chiến dịch Đông Bộ Đầu. Ngột Lương Hợp Thai quyết định rút quân về Vân Nam. Giữa đường, quân của Ngột Lương Hợp Thai bị lực lượng của Hà Bổng tập kích gây tổn thất nặng.

Sau khi thoát về Vân Nam, Ngột Lương Hợp Thai được lệnh hội sư công Tống (tập hợp các cánh quân chuẩn bị cho chiến dịch lớn tấn công nhà Tống) nhưng bị tước giải binh quyền không lâu sau đó. Quyền chỉ huy được giao lại cho con trai của Ngột Lương Hợp Thai là Aju.

Thiệt hại của quân Mông Cổ trong trận chiến này có lẽ là lần thiệt hại nặng nề nhất tính cho đến lúc đó, tùy theo nguồn tài liệu mà chênh lệch từ già nửa cho tới khoảng 4/5.

Sử gia Rasid ud-Din cho biết rằng khi tiến lên Ngạc Châu ở miền Nam Trung Quốc gặp Hốt Tất Liệt, quân số của đoàn quân này chỉ còn không quá 5.000 người.

Nguyên sử [2], Ngột Lương Hợp Thai truyện và bài bia ký A Truật chép rằng: Khi thâm nhập đất Tống, đoàn quân này còn 3000 kỵ binh Mông Cổ và 1 vạn quân Thoán Bặc.

Bước ngoặt của cuộc chiến chống Mông Cổ cho toàn thế giới

Vì cuộc chiến chỉ diễn ra chưa đến nửa tháng với chiến bại quá nhanh và triệt để của quân Mông Cổ, người ta thường ít nhận thấy mức độ quan trọng của nó so với 2 cuộc chiến khốc liệt hơn lần thứ 2 và thứ 3 sau đó 30 năm. Nhưng các sử gia trong đế quốc Mông Cổ như Rasid-ud Din và Lê Tắc (tác giả An Nam chí lược) [3] lại thừa nhận rằng, quả thực là Đại Hãn Mông Kha muốn chiếm Đại Việt làm bàn đạp để đánh thọc vào châu Ung, châu Quế phía nam nước Tống.

Nếu chiến dịch này không quan trọng thì Mông Kha đã không cử tới 50 chư vương của triều đình Mông Cổ, có cả phò mã Mông Cổ tên là Quaidu tham gia chỉ huy đội quân này. Việc quân Mông Cổ thất bại ở Đại Việt cũng đã giúp Nam Tống tránh được việc bị đánh kẹp từ phía Nam để có thể tập trung binh lực đối phó Mông Cổ ở phía Bắc.

Vì thế, tuy quy mô đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai không lớn, chỉ cỡ 4-5 vạn, nhưng thất bại triệt để chóng vánh của ông ta đã giáng một đòn nặng vào toàn thể chiến lược xâm lăng đất Tống theo bốn con đường mà Mông Kha vạch ra. Sử gia Hà Văn Tấn có nhận định rằng:

“Có lẽ… trong đời chinh chiến của mình, chưa bao giờ Uriangqadai bị thua nhục nhã như lần này”.

Có lẽ… trong đời chinh chiến của mình, chưa bao giờ Uriangqadai bị thua nhục nhã như lần này. (Ảnh minh họa từ youtube)

Thậm chí các tác giả phương Tây như Peter D. Sharrock và Vũ Hồng Liên (người Anh gốc Việt) đã nhận xét về kết quả cuộc chiến năm 1258 là một cuộc chiến bước ngoặt của toàn thế giới chống quân Mông Cổ:

“Các bộ sử Việt ca ngợi các sự kiện năm 1258 là một đại thắng, nhưng Nguyên sử và An Nam chí lược cho là người Mông Cổ đã thắng, vì họ đã chiếm được Thăng Long. Cuối năm đó, Đại Hãn Mông Kha gửi một lá thư cho vua Trần, có nói đến việc ông ta [vua Trần] đuổi hai sứ Mông Cổ, và yêu cầu triều đình Trần thần phục. Điều đó có nghĩa là nhà Trần đã không thần phục từ trước. Điều đó cũng có nghĩa là thanh danh bất khả chiến bại của người Mông Cổ đã bị tan vỡ tại thời điểm này. Nguyên sử, An Nam chí lược và các bộ sử biên niên Việt chỉ viết sơ sài về cuộc chiến năm 1258, nhưng thật ra đây là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới, vì đây là bước lùi đầu tiên của quân Mông Cổ tại châu Á và trong chiến dịch chinh phục thế giới của họ. Nó được nối tiếp bằng thất bại được biết đến nhiều hơn của họ trong tay người Mamluk tại Ain Jalut tháng 9 năm 1260” [4].

(Còn tiếp…)

Tĩnh Thuỷ

Chú thích:

[1] Hãn (“khan”, “han”, đôi khi “xan”) trong tiếng Mông Cổ và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là một tước hiệu có nhiều nghĩa, ban đầu có nghĩa là “thủ lĩnh” một bộ tộc. Một Hãn kiểm soát một lãnh thổ gọi là Hãn quốc. Đôi khi cũng có thể dịch là Hoàng đế. Ngày nay các Hãn chủ yếu còn ở Nam và Trung Á. Khắc Hãn (Khagan) nghĩa là Hãn của các Hãn.

[2] Nguyên sử:

Bản tiếng Việt: https://sites.google.com/site/quankhoasu/nguyen-su

Bản tiếng Hán: http://www.guoxue.com/shibu/24shi/yuanshi/yuas_128.htm

[3] “An Nam chí lược” được viết bởi Trần Ích Tắc. Là hoàng thân nhà Trần, nhưng Trần Ích Tắc là một người tham vọng và muốn thay thế ngôi vị của Thánh Tông và Nhân Tông. Khi nhà Nguyên xâm lược đến Đại Việt năm 1285, ông đã dẫn gia quyến xin hàng và được cải phong làm An Nam quốc vương. Tuy nhiên, quân đội nhà Nguyên liên tiếp thất bại khiến Trần Ích Tắc tan vỡ kế hoạch và phải sống lưu vong ở Đại Nguyên. Vì sự phản bội này mà sau này nhà Trần đã loại Ích Tắc ra khỏi tông thất. Ông ta phải cải họ nên gọi thành Lê Tắc.

Nguồn sách:

https://drive.google.com/file/d/104IuZ5O9KmRxXjcg9wFs52uGMzRJHKaw/view

[4] Peter D. Sharrock; Vũ Hồng Liên (2014). Descending Dragon, Rising Tiger: A History of Vietnam (bằng tiếng Anh). Reaktion Book. ISBN 1780233884.