Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Xưa nay những người có thể làm nên sự nghiệp lớn đều là nhờ đức nhẫn nhịn tuyệt vời.  

Chuyện kể rằng, xưa có hai nhà sư tên gọi: Năng Nhẫn và Bất Nhẫn. Hai người cùng cạo đầu xuất gia từ ngày còn trẻ và cùng tu hành ở một ngôi chùa hẻo lánh. Sau một thời gian dài tu luyện, bỗng một hôm, Năng Nhẫn được đức Phật độ cho thành chính quả.

Bất Nhẫn thấy mình tu hành không kém gì bạn mà không được hưởng may mắn như bạn thì rất buồn bực. Chàng đến trước tòa sen hết sức kêu nài với đức Phật, bày tỏ lòng chân thành tu đạo cùng mọi sự khổ hạnh đã trải qua của mình. Đức Phật bảo chàng: “Nhà ngươi chuyên tâm cầu đạo, lại là người trong sạch, thật đáng khen ngợi. Nhưng tính tình nhà ngươi vẫn như con trâu chưa thuần, chưa thể đắc đạo lên Phật giới. Vậy hãy cố gắng để tu bỏ đi sự bất thuần đó trong một cuộc khổ hạnh trường kỳ, rồi sau đó ngươi theo bạn cũng chưa muộn”. 

Bất Nhẫn nghe lời, bèn lên núi chọn một gốc cây, bắt chước người xưa ngồi xếp bằng tu theo lối trường định. Chàng cương quyết ngồi im lặng như thế mãi trong ba năm, dù có phải thế nào cũng không chịu dậy.

Và từ hôm đó, Bất Nhẫn như một vật vô tri vô giác. Những con sâu, con kiến bò khắp mình chàng. Những con thú cào vào thân chàng. Những con chim tha rác lên đầu chàng. Chàng đều không hề bận tâm. Chàng chỉ một mực tâm tâm niệm niệm nghĩa lý cao thâm của đạo Phật.

Cứ như thế, trải qua hai mùa hè và sắp sửa qua một mùa hè thứ ba là kết kết thúc cuộc tu luyện. Một hôm bỗng dưng có hai vợ chồng chim chích ở đâu đến làm tổ ngay trong vành tai của Bất Nhẫn. Chàng cứ để yên, mặc chúng muốn làm gì thì làm. Chúng đi về tha rác lên đầu, lên mặt. Rồi chim mái đẻ trứng. Rồi cả một thời kỳ hai vợ chồng thay phiên nhau ấp. Cho đến lúc trứng nở, những con chim non kêu léo nhéo suốt ngày. Nhưng Bất Nhẫn không lấy thế làm khó chịu.

Một hôm, lúc ấy chỉ còn mười ngày nữa thì Bất Nhẫn kết thúc thời gian tọa quan dưới gốc cây. Hôm đó, đến lượt con chim vợ đi tìm thức ăn cho con. Suốt một buổi chiều nó vẫn không kiếm được một chút gì. Mãi đến gần tối, lúc lượn qua một cái hồ, chim vợ mới thấy một con nhện đang giăng tơ trong một đóa hoa sen. Nhện nhác thấy chim liền ẩn mình vào giữa những cánh hoa làm cho chim mất công tìm mãi. Không ngờ hoa sen vừa tắt ánh mặt trời đã cụp ngay cánh lại, nhốt chim vào trong. Chim cố công tìm lối chui ra nhưng những cánh hoa vây bọc dày quá đành chịu nằm lại đó.

Ở nhà, chim chồng hết bay đi kiếm vợ lại trở về. Đàn con đói mồi nháo nhác suốt đêm. Mãi đến sáng mai, chờ lúc hoa nở, chim vợ mới thoát được bay về tổ. Một cuộc cãi lộn nổ ra bên tai Bất Nhẫn. Ghen vợ, chim chồng mắng nhiếc vợ hết lời. Nhưng chim vợ vẫn hết sức bày tỏ nỗi lòng trinh bạch của mình. Cuộc đấu khẩu kéo dài suốt cả buổi sáng và có cơ chưa chấm dứt. Bất Nhẫn rất khó chịu. Thêm vào đó, đàn con khóc đói chíu chít điếc cả tai. Nhè lúc vợ chồng chim cãi vã đến chỗ găng nhất, Bất Nhẫn không chịu nổi, chàng bỏ tay lên tai giật cái tổ chim vứt mạnh xuống đất và nói: “Đồ khốn! Chỉ có mỗi một chuyện đó mà chúng mày làm điếc tai ông từ sáng đến giờ”.

Thế là công sức tu luyện của Bất Nhẫn sắp hoàn thành thốt nhiên vứt bỏ trong chốc lát.

Đại Kỷ Nguyên minh họa.

Nhưng Bất Nhẫn vẫn không nản chí. Trước tòa sen, chàng hứa sẽ kiếm cách tỏ rõ sự hối lỗi của mình. Chàng tìm đến một khúc sông nước chảy xiết, tình nguyện làm người chèo đò đưa khách bộ hành quá giang mà không lấy tiền. Chàng quyết chở cho đến người thứ một trăm mới chịu nghỉ tay.

Lần này Bất Nhẫn tỏ ra một người rất nhẫn nại. Tuy bến sông thường vắng khách, chàng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Luôn trong hai năm chàng chở được chín mươi tám người mà không xảy ra việc gì.

Một hôm vào khoảng giữa thu, nước sông tự nhiên tràn về chảy xiết hơn mọi ngày. Trời bỗng đổ một trận mưa lớn. Giữa lúc đó có một người đàn bà dắt một em bé đòi qua sông. Bà có vẻ là vợ một viên quan sở tại, chưa bước xuống thuyền đã dọa Bất Nhẫn:

– Chú nhớ chèo cho vững nghe không. Che mui cho kín. Nếu để chúng ta mà ướt thì liệu chừng kẻo roi quắn đít đó.

Nghe nói thế Bất Nhẫn đã hơi bực, nhưng chàng nín được và vẫn giữ vẻ mặt tươi cười đáp:

– Bà và cậu đừng sợ gì cả. Tôi xin cố sức.

Rồi chàng vận dụng hết tài nghề để đưa hai mẹ con nhà nọ qua bên kia sông được vô sự. Lúc sắp lên bờ, người đàn bà bỗng kêu lên:

– Ta quên khuấy đi mất. Có một gói hành lý bỏ quên ở quán bên kia. Vậy nhà ngươi chịu khó chèo sang lấy hộ.

Bất Nhẫn nín lặng cắm cổ chèo qua sông giữa sóng gió. Mãi đến gần tối chật vật lắm chàng mới đưa được gói hành lý sang cho người đàn bà. Nhưng khi soát lại gói, người đàn bà nọ lại kêu lên:

– Thôi rồi! Còn một đôi giày của thằng bé bỏ ở gầm giường. Thế nào nhà ngươi cũng phải gắng sang lấy cho ta một lần nữa.

Người đàn bà nói chưa dứt lời thì Bất Nhẵn phừng phừng tức giận, chỉ tay vào mặt:

–  Bà cút đi! Tôi có có phải sinh ra để hầu hạ mẹ con bà mãi đâu.

Nhưng người đàn bà ấy vốn là đức Phật Bà Quan Âm hiện hình xuống thử lòng người đệ tử khổ tu đó, bấy giờ lại hiện nguyên hình và cất tiếng bảo chàng:

– Nhà ngươi vẫn chưa thực tâm nhẫn nhục, như thế thì tu luyện nỗi gì, họa chăng là tu hú!

Bất Nhẫn thẹn quá đành cúi đầu nhận lỗi.

Phật Bà Quan Âm sau đó biến Bất Nhẫn hóa thành một giống chim mà người đời sau quen gọi là chim tu hú. Họ bảo thứ chim đó vào khoảng cuối hè sang thu hay xuất hiện, đúng vào lúc xảy ra câu chuyện giữa Bất Nhẫn với Phật Bà.

Ảnh minh họa: Ifeng.

*** 

Trong dân gian thường lưu truyền nhiều câu chuyện ý nghĩa về người tu luyện, để lại cho nhân loại những bài học sâu sắc. Câu chuyện tu luyện bất thành của nhà sư Bất Nhẫn kể trên đã nhắc chúng ta nhớ rằng, bất kỳ sự nhẫn nại và cố gắng nào cũng cần phải trọn vẹn tới cùng. Cổ nhân nói, chuyện nhỏ không nhịn được thì loạn mưu lớn. Người không thể nhẫn chịu những xung kích nhỏ thì ắt là xôi hỏng bỏng không, khó công thành viên mãn. Sắp tới đích nhưng vẫn chưa phải là đích, chặng đường cuối cùng càng cần phải cẩn thận, không được phép buông lơi. Rất có thể mọi cố gắng sẽ đổ sông đổ biển một khi người ta dấy động nhân tâm, để tâm hồn mình vẩn đục.  

Tiêu chuẩn của Thiên Quốc là rất nghiêm ngặt, sinh mệnh nào cũng đều cần phải đạt đến độ thuần tịnh theo tiêu chuẩn thì mới có thể tiến vào. Không hề có chuyện hễ khoác áo cà sa đi tu đều có thể tiến vào Thiên Quốc. Câu chuyện của Bất Nhẫn nghe cũng thật thương tâm. Vốn dĩ căn cơ cũng không tồi nên mới có thể bước vào tu luyện, vậy mà cứ tới quan ải cuối cùng lại rớt không thành. Lãng phí cả một kiếp làm người.

Từ Khóa: