Đó là một ngày mùa đông lạnh lẽo năm 1961. Trong mắt một cậu bé đó là ngày buồn bã vô cùng. Sau khi người cha lái xe tải bị tai nạn và mất đi một chân, kinh tế gia đình cậu mất đi hoàn toàn chỗ dựa. Mỗi bữa ăn tối, trên bàn ăn của gia đình chỉ toàn là những món khó nuốt, là rau mẹ cậu nhặt nhạnh ngoài vườn và cafe gần hết hạn được giảm giá.

Từ ngày bị mất việc làm do tai nạn lao động, cha cậu cũng mất luôn cả niềm tin vào cuộc sống. Mỗi ngày chỉ biết mượn rượu giải sầu, và trở thành một con ma men. Bởi sẵn có men rượu trong người nên chỉ cần cậu hơi không nghe lời cha liền nổi giận lôi đình, và cũng từ đó trận đòn tra tấn của cha diễn ra hằng ngày như cơm bữa. 

Đó là một đêm Noel năm cậu 12 tuổi, trong khi các gia đình đang quây quần vui vẻ bên bàn ăn với những món thơm ngon nức mũi trong ánh nến lung linh huyền ảo thì cảnh nhà cậu lại hoàn toàn khác biệt. Mẹ cậu vì không mượn được tiền đang cau mày rầu rĩ ngồi ở góc nhà, còn cha cậu thì đang nổi trận lôi đình mắng nhiếc những người kia là kẻ ngu ngốc. Người mẹ bất lực của cậu không còn cách nào khác chỉ đành biết đuổi mấy anh em cậu ra phố chơi. 

Trong khi các gia đình đang sum vầy – thì gia đình cậu cha đang say rượu nổi cơn lôi đình, mẹ đành bảo mấy anh em ra ngoài phố chơi/ Ảnh theo shutterstock.com.

Ba đứa trẻ bụng đói cồn cào đành đi ra phố, vừa ra tới cổng ba anh em phát hiện một cửa hàng tổng hợp đang bày la liệt các loại đồ ăn và nước ngọt. Mấy anh em cậu thèm rỏ dãi. Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu. Cậu bé liền bảo em trai và em gái mình về nhà trước, còn bản thân thì đứng nhìn chăm chú vào một lon cafe được đóng gói cầu kỳ đẹp mắt ở đó. Cậu rất muốn làm một điều gì đó để giúp cha vui vẻ hơn. 

Nhìn ngó một hồi đợi đúng thời cơ, cậu bé nhanh chóng lấy lon cafe đó nhét vào túi áo bông. Tuy nhiên thật không may là cậu lại bị ông chủ cửa hàng phát hiện. Ông ta hét lớn: “Bắt lấy kẻ trộm”. Cậu cắm đầu bỏ chạy một mạch về nhà và cứ nghĩ rằng đã thoát nạn. Cậu mang món quà nhỏ đó tặng cha. Khỏi phải nói nét mặt cha cậu khi đó vui mừng cỡ nào. Khi mở lon ra mùi thơm ngào ngạt của cafe bốc lên làm ông cứ hít hà mãi và nhắm mắt tận hưởng. Nhưng khi còn chưa kịp thưởng thức thì ông chủ cửa hàng tạp hóa đã đuổi tới tận nhà cậu bé. Sự việc bại lộ, cậu bé bị lãnh một trận đòn đau nhớ đời.

Đêm Noel năm đó đối với cậu thật sự vô cùng khó quên khiến cậu mãi khắc cốt ghi tâm. Khi cảm nhận được những dư vị của sự khốn khó và đau khổ tột cùng, cậu tự thề với mình sẽ nỗ lực hơn nữa để bằng mọi giá mua được loại cafe hảo hạng nhất, thay vì phải uống cafe sắp hết hạn như lúc này.

Để giảm gánh nặng kinh tế cho mẹ, sau giờ học, cậu tới làm thêm ở một quán ăn nhỏ và nhận giao báo sáng trước khi lên lớp. Nhưng số tiền ít ỏi mà cậu bé đáng thương kiếm được lại bị cha lấy cắp để mua rượu uống. Cậu trở nên oán giận và chán ghét cha. Hai cha con cậu vì thế mà càng ít nói chuyện hơn. 

Từ sau ngày đó, để kiếm tiền cậu đã làm thêm rất nhiều việc: kéo da thú trong một công ty sản xuất áo da, xử lý sợi ở công ty sản xuất giầy thể thao… Chỉ có một điều mâu thuẫn giữa hai cha con cậu mãi không thay đổi. Trải qua vô số khó khăn, chông gai, cuối cùng cậu bé cũng xuất sắc thi đỗ đại học. 

Cảnh nhà nghèo khó, cha kiên quyết không cho cậu vào đại học mà muốn cậu đi làm kiếm tiền. Cậu gào lên: “Cha không có quyền quyết định cuộc sống của con. Con không muốn sống những ngày tháng không có mơ ước, không có động lực phấn đấu, ăn bữa nay lo bữa mai như của cha. Cuộc sống của cha làm con cảm thấy thật hổ thẹn”. 

Khi vào học đại học bắc Michigan, để tiết kiệm tiền lộ phí và có tiền trang trải học hành trong, trong kỳ nghỉ hầu như cậu không về nhà mà đều đi làm thêm. Mỗi tháng cậu bé đều viết thư về cho mẹ nhưng chưa bao giờ hỏi thăm về tình hình của cha mình. Sau khi tốt nghiệp cậu trở thành một nhân viên kinh doanh xuất sắc. Tất cả mọi cố gắng phấn đấu trong cuộc sống của cậu chỉ là vì muốn chứng minh cho cha cậu hiểu rằng lựa chọn của mình không sai lầm.

Năm đó nhờ làm việc chăm chỉ, cậu kiếm được một món tiền khá lớn. Lần này phá lệ cậu quyết định mua cho cha mình một hộp cafe đen của Brazil loại hảo hạng. Cậu cứ nghĩ cha sẽ rất vui khi nhận món quà đó, nhưng nào ngờ cậu lại bị cha chế nhạo tới ức phát khóc. Ông nói với cậu: “Con dốc sức học hành chỉ là vì để mua loại cafe này thôi à?”. Để không bị cha xem thường hơn nữa, cậu quyết tâm đạt thành tích tốt hơn để chọc tức ông.

Nhiều năm sau, mẹ điện cho cậu nói cha nhớ và muốn gặp cậu. Từ trước tới nay chưa bao giờ cha cậu nói với cậu những lời như vậy. Cậu có đôi chút ngạc nhiên và khó hiểu. Dù vậy, vì đang bận đàm phán với khách hàng nên cậu từ chối không về, cũng không nói chuyện điện thoại với cha. Vì những bận rộn công việc, hai tuần sau cậu mới về nhà được. Khi này, cậu mới hay cha đã mất rồi… 

Sau đó khi sắp xếp lại những di vật còn sót lại của cha, cậu phát hiện có một lon cafe đã rỉ sét lốm đốm. Cậu nhận ra ngay đó là lon cafe mình đã ăn cắp năm lên 12 tuổi. Trên đó là nét chữ của cha: “Món quà của con trai yêu quý, Noel 1964’”. Trong đó còn có một bức thư ngắn gửi cho cậu: “Con trai yêu quý, cha xin lỗi, vô cùng xin lỗi con. Cha là một người cha thất bại. Cha đưa con đến với thế giới này nhưng lại không thể mang lại cho con một cuộc sống đầy đủ tốt đẹp. Nhưng cha cũng có ước mơ của mình. Ước mơ lớn nhất của đời cha là có một quán cafe nhỏ và cha có thể nhàn nhã pha cafe cho mọi người yêu thích cafe. Nhưng tiếc là cha đã không thể thực hiên được. Cha hi vọng con có thể trải nghiệm niềm hạnh phúc đó”. 

Trong giây phút ngập tràn đau thương ấy, cậu bé bỗng phát hiện ra những trận đòn đánh mắng của cha chính là một ký ức đáng trân quý. Sau khi nghe cậu kể lại câu chuyện, Shirley vợ cậu đã động viên: ‘”Nếu cha đã có nguyện vọng như vậy thì chúng ta hãy thực hiện mơ ước này của ông đi”. Vừa hay khi đó quán Seattle Cafe lại muốn chuyển nhượng, cậu đã từ bỏ công việc mới mức lương  75.000 đô la/ năm để mua lại quán cafe đó. 

Đây chính là cậu chuyện cuộc đời của ông chủ đế chế cafe Starbucks, người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nổi tiếng thế giới.

Howard Schultz ông chủ của đế chế café Starbucks. Ảnh theo bizua.org

Chúng ta thường cảm thấy thiệt thòi khi so sánh hoàn cảnh gia đình mình, cha mẹ mình với người khác, rằng họ hạnh phúc hơn, yêu thương con cái hơn hoặc ít ra là đúng cách hơn cha mẹ chúng ta. Nhưng chúng ta thường dễ quên rằng, dẫu bằng cách nào đi nữa thì cái cội nguồn yêu thương, tình mẫu tử ấy là một. Nó có thể không nở ra hoa lan quý phái, không lộng lẫy như hoa hồng, thậm chí cũng chẳng dịu dàng như huệ, bởi vì đôi khi nó là… cây xương rồng, đầy gai, sống nơi khô cằn và có thể làm ta đau nhói.

Nhưng ngay cả cây xương rồng ấy, vào một ngày muộn màng, ta sẽ thấy nó nở hoa, bông hoa bé nhỏ nhưng không phải vì thế mà kém đi vẻ rạng ngời của sự chân thành, giản dị, và nó đã nở bằng tất cả sự gian khó, thiếu thốn của hoàn cảnh. Tình yêu của người cha già của ông chủ đế chế Starbucks chẳng phải như bông hoa xương rồng ấy, bé nhỏ và âm thầm như ngọn lửa ông giữ trong tim về một ước mơ và hoài bão mà ông tin con trai mình sẽ biến nó thành hiện thực, ngay cả khi cậu bắt đầu nó bằng một lon cafe ăn cắp.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, nhưng cho dù nó được vẽ bằng màu xám của tuyệt vọng, khổ đau, thì nó vẫn có thể làm nên kiệt tác, với những ai có đủ kiên nhẫn, đủ nghị lực để chấp nhận gian khó và đủ yêu thương để biến điều không thể thành có thể.

Trong cuộc đời ai cũng mong cầu mọi việc được thuận lợi, hanh thông, nhưng điều làm nên các ‘thiên tài’ lại chính là nghịch cảnh. Bởi vì thành công là món quà mà thượng đế dành tặng cho ai có thể vượt qua khó khăn, thay vì bỏ cuộc trước nó. Dành cho ai có thể, bằng tất cả tình yêu và nỗ lực không ngơi nghỉ, biến ước mơ thành hành động,

Sinh ra ở Brooklyn, New York, vào ngày 19/7/1953, Howard Schultz tốt nghiệp Đại học Bắc Michigan với bằng cử nhân Thông tin trước khi trở thành Trưởng phòng tiếp thị và bán lẻ 1982 của Starbucks. Sau khi thành lập công ty cà phê Il Giornale, vào năm 1987, ông mua Starbucks và trở thành Giám đốc điều hành và chủ tịch của công ty.

Năm 2000, Schultz công khai từ chức Giám đốc điều hành của Starbucks. Tuy nhiên, 8 năm sau ông đã trở về để lãnh đạo công ty. Tính đến năm 2012, Starbucks có hơn 17.600 cửa hàng với vốn cơ bản lên tới 35,6 tỷ USD.

Kiên Định – Lam Thư

Xem thêm: