Khi nhìn vào một bức họa cổ điển, nhất là một kiệt tác, người xem có thể thấy được những gì? Tuy rằng chúng thường được vẽ một cách chân thực và dễ hiểu, không trừu tượng hay ấn tượng, nhưng nội hàm, mục đích và ý nghĩa thâm sâu của nó có thể không phải là giản dị như hình ảnh trên bề mặt được nhìn thấy…

Những bức họa cổ điển, ngoài việc chứa đựng những câu chuyện truyền thuyết, những câu chuyện trong kinh Thánh, v.v… còn có thể chứa đựng nhiều tầng lớp nội hàm, và để một khoảng tự do cho người xem với các cảnh giới tư tưởng khác nhau tự mình đánh giá. Đó cũng chính là giá trị thâm thúy và sâu sắc của nhiều kiệt tác hội họa cổ điển.

Yếu tố ngụ ngôn quả thực có chứa đựng trong tác phẩm ‘Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu’ (Folly Driving the Chariot of Love), một bức tranh thuộc loại hiếm của Giuseppe Bezzuoli, được bán đấu giá tại nhà đấu giá Christie’s.

Giuseppe Bezzuoli (1784-1855) là hoạ sĩ lớn của phong cách lãng mạn Ý thế kỷ 19.

Chi tiết bức họa “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu”, năm 1848, tranh của Giuseppe Bezzuoli (1784-1855). Chất liệu: Than chì, màu lót xám, được làm nổi bằng màu thân xe trắng, trên bốn tờ giấy nâu sáng, 135 3/4 inch x 189 1/2 inch. (Bản quyền: nhà đấu giá Christie’s)

Là con người, chúng ta đều cần có tình yêu, song điều gì sẽ xảy ra khi tình yêu của một người trở nên điên cuồng mất lý trí? Ai cũng có thể mắc sai lầm khi vướng lưới tình, và khi ta ‘yêu như điên cuồng’, thì điều nguy hiểm nào chờ đợi?

Marchese Carlo Gerini, người đặt hàng cho họa sĩ Giuseppe Bezzuoli (1784-1855) vẽ bức tranh “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu” trên trần cung điện của chính ông ở Florence vào mùa xuân năm 1848, có thể cũng đã nghĩ tới những điều đó.

Để giải thích cho lý do ra đời của bức tranh, Furio Rinaldi, chuyên gia về kiệt tác tranh cổ của nhà đấu giá Christie’s ở New York, đã phỏng đoán: “Bức tranh này có thể đã được vẽ trong một dịp đám cưới”.

“Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu”, vẽ năm 1848 bởi Giuseppe Bezzuoli (1784-1855). Chất liệu: Than chì, màu lót xám, được làm nổi bằng màu thân xe trắng, trên bốn tờ giấy nâu sáng, 135 3/4 inch x 189 1/2 inch. (Bản quyền: nhà đấu giá Christie’s)

Vậy yếu tố ngụ ngôn mà bức tranh này thể hiện là gì?

Trước hết chúng ta hãy nhìn vào các chi tiết của bức tranh. Bức tranh mô tả vị thần tình yêu La Mã, hay còn gọi là Cupid, đeo chiếc ống tên đặc trưng của mình, nhưng các mũi tên không được phô ra. Chàng đang cầm một cây cung, nhưng lại không có dây cung.

Những phần còn thiếu trong các đồ vật mang theo của chàng như thế có thể nhằm ngụ ý rằng vì thiếu chúng nên chàng chưa thể đạt được mục tiêu. Chàng ngồi đó trong một dáng vẻ hờ hững, không bị xáo động bởi cỗ xe tình yêu đã bị một người phụ nữ trong trạng thái điên cuồng điều khiển.

Với vẻ điên cuồng thể hiện cả trong ánh mắt, người phụ nữ đứng ở phía trước của cỗ xe ngựa tình yêu, vung chiếc roi da trong tay một cách mãnh liệt và tay bên kia tóm dây cương. Nửa thân trên để trần, với mái tóc xõa bay trong gió, cô giằng giật bốn con ngựa khiến chúng hoảng sợ, dường như cô cũng không phải chủ nhân của chúng và chủ nhân chiếc xe này.

Chi tiết bức “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu”, năm 1848, tranh của Giuseppe Bezzuoli (1784-1855). Chất liệu: Than chì, màu lót xám, được làm nổi bằng màu thân xe trắng, trên bốn tờ giấy nâu sáng, 135 3/4 inch x 189 1/2 inch. (Bản quyền: nhà đấu giá Christie’s)

Ở trong trạng thái ngược lại với cô gái, Cupid, hay Thần tình yêu, có một vẻ bình thản, khi cỗ xe chở chàng lướt đi trên những đám mây. Chàng ngước nhìn thiên sứ với ánh mắt buồn, xung quanh đầu chàng hào quang tỏa sáng. Chàng đang dõi theo một tiểu thiên sứ bay lượn với một chiếc vòng trên tay. Đại diện cho sự ngây thơ trong sáng, tiểu thiên sứ luôn bay lượn trên đầu Thần tình yêu, ở bên chàng, bảo vệ chàng, đối ngược lại với sự điên loạn của người phụ nữ và những chú ngựa đang hoảng loạn phi nước cuồng.

Chi tiết bức “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu”, năm 1848, tranh của Giuseppe Bezzuoli (1784-1855). Chất liệu: Than chì, màu lót xám, được làm nổi bằng màu thân xe trắng, trên bốn tờ giấy nâu sáng, 135 3/4 inch x 189 1/2 inch. (Bản quyền: nhà đấu giá Christie’s)

Có lẽ tác phẩm tranh ngụ ngôn này muốn để người xem thấy sự tương phản giữa một tình yêu thuần khiết, bình thản và lý trí, với một sự ham muốn điên cuồng trong dục vọng bất kham?

Nó cho phép người xem dễ dàng hình dung ra hậu quả của các lựa chọn khác nhau trong tình yêu: hoặc là tiết chế một cách có ý thức, đưa đến trách nhiệm, sự hài hòa thấu hiểu, hoặc là buông thả một cách vô ý thức, dẫn đến sự điên rồ chứa chất nhiều nguy hiểm.

Nhưng có lẽ bức kiệt tác không chỉ minh họa cho sự tương phản này.

Nó có thể mang theo một thông điệp của Thần đối với con người:

Con người có lẽ luôn lạc hướng trong những dục vọng điên cuồng mất kiểm soát, dẫn đến hậu quả nguy hiểm, tuy nhiên vẫn luôn có Thần dõi theo, chăm nom, hy vọng con người tỉnh lại khỏi cơn mê, không bị tầng tầng dục vọng như lũ cuốn đi. Nhưng lúc có những lúc Thần phải buồn bã tuyệt vọng nhìn con người không cách nào tự giải thoát mình khỏi những cơn mê điên cuồng huyễn hoặc.

Dù sao, ở đâu đó vẫn còn một sự hy vọng cho con người. Mặc dù người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe ngựa một cách mất kiểm soát, tuy nhiên ta vẫn cảm nhận rằng, Thần tình yêu và tiểu thiên sứ vẫn luôn đi cùng để bảo vệ nàng cùng những chú ngựa đang hoảng sợ kia…

Một khía cạnh tuyệt vời khác của các ý tứ ngụ ngôn trong bức tranh này, là việc sắp đặt những chi tiết tư tưởng đối lập bên trong, và ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, khi xem bức họa này, tùy thuộc vào tâm trạng của người xem, mỗi người đều có thể có những bài học đúc rút hay câu chuyện cho riêng mình, dẫn đến những sự thấm thía khác nhau.

Thế nên, trong một cuộc phỏng vấn riêng tư tại nhà đấu giá Christie’s tại Rockefeller Center, Rinaldi đã nói: “Điều tôi thực sự thích ở nhân vật Cupid là, chàng là Thần kháng lại bóng tối, và với vầng hào quang chàng phát ra, trông chàng thực sự đẹp đẽ.”

Lấp đầy một khoảng trống trong lịch sử

Trước khi đến với nhà đấu giá Christie, bức “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu” này chưa hề được nghiên cứu kĩ lưỡng, do đó mọi phát hiện và các mối liên kết mà Rinaldi đã tìm ra trong gần một năm nghiên cứu thật đáng kinh ngạc. Rinaldi giải thích rằng, tuy có một hồ sơ khá mơ hồ gợi ý rằng bức vẽ này là của Bezzuoli, nhưng trên bức tranh không còn tên tác giả, nên nó đã được cho là tác phẩm của họa sĩ Filippo Brunelleschi (1377-1446).

Vì vậy, trong một thời gian, Rinaldi vẫn nửa tin nửa ngờ về bức tranh này có đúng là bản nháp của bức tranh tường trong cung điện của Marchese Carlo Gerini hay không.

Có rất ít bằng chứng cho giả thiết này; đồng thời bức tranh tường đó cũng chưa bao giờ được vẽ lại trước đây. Vì không có manh mối, nên cuối cùng nhà đấu giá Christie đành cho xuất bản một bức ảnh chụp của nó lần đầu tiên trong danh mục bán hàng “Old Master & British Drawings” của mình.

“Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu”, bức tranh sơn dầu của Giuseppe Bezzuoli. Palazzo Gerini ở Florence, Italy. (Bản quyền: Marchese Pietro Paolo Cavalletti)

May mắn cho Rinaldi, khi ông tìm ra một bức tranh có nội dung tương tự (nhưng là bản màu) trong phòng trưng bày Galleria d’Arte Moderna tại Cung điện Pitti ở Florence; đó chính là bức tranh nháp của Bezzuoli cho bức tranh trần trong cung điện tư nhân của Gerini; nhờ đó Rinaldi có thể tìm ra các kết nối của các bức tranh này. Vẻ đẹp của công trình của Rinaldi nằm ở chỗ nó đã khám phá ra lịch sử chân thực của một tác phẩm nghệ thuật lớn đã bị lãng quên.

Ông khẳng định: “Tôi đã làm chúng sống lại”. Bức tranh tường này đã được vẽ vào năm 1848, chỉ vài năm trước khi tác giả Bezzuoli qua đời. Rinaldi cho rằng bản nháp vẽ bằng than chì này có thể đã được lưu giữ ở trong xưởng của Bezzuoli trong một thời gian. Bằng chứng là có một con tem nhỏ xíu với số 96 được viết lên mặt tem, có thể là số lưu kho của xưởng vẽ của ông. Con tem này, được đặt ở vị trí ngang tầm mắt, bên dưới cánh của Thần tình yêu, tuy là một chi tiết nhỏ, nhưng rất hấp dẫn. Bên cạnh những vết nhỏ trên mặt giấy do độ ẩm gây ra theo thời gian, con tem này đã làm tăng thêm giá trị đặc trưng của tác phẩm.

Chi tiết của bức “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu” của Giuseppe Bezzuoli. (Ảnh: Milene Fernandez/The Epoch Times)

Một bức vẽ cực kỳ hiếm

Rất hiếm khi còn tìm thấy được một bức tranh nháp vẽ bằng than chì có khổ lớn như thế (khoảng 11 feet x 16 feet), đồng thời cũng là một bản vẽ còn nguyên vẹn và hoàn hảo như vậy, mà còn tồn tại đến ngày nay. Rinaldi đã gọi đó là một phép màu, bởi vì “thông thường các bản nháp than chì là thứ đầu tiên bị hủy hoại trong quy trình thiết kế của các họa sĩ”.

Các bức vẽ nháp như thế này thường được các họa sĩ sử dụng để chuyển bản vẽ thiết kế lên bề mặt thực sự của bức tranh (vải, bảng hoặc tường) và thường bị hư hỏng trong quy trình này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu” vừa là một bản nháp, lại vừa là một bản vẽ hoàn chỉnh.

Nó không có vết rạch từ các công cụ sắc nhọn, hay bất kỳ lỗ thủng nào thường thấy trong khi áp dụng các phương pháp chuyển hình vẽ sang tường hoặc trần, thông qua can hoặc rập. Thay vào đó, giấy can mờ có thể đã được sử dụng để sao chép bản vẽ, sau đó mới chuyển từ giấy can sang trần nhà.

Việc tạo ra các bản nháp than chì như vậy đã đạt cực thịnh vào thế kỷ 19, thể hiện mức độ hoàn thiện cao hơn nhiều nếu so với các bản vẽ nháp thời kỳ Phục Hưng vào thế kỉ 16.

Bản nháp này của Bezzuoli “cho phép con người ngày nay có thể hình dung về những bản nháp tuyệt vời khác của các danh họa bậc thầy cổ điển vĩ đại trông sẽ như thế nào, … thậm chí trong bối cảnh có rất ít những bản vẽ như thế còn sót lại tới ngày nay”.

Furio Rinaldi, chuyên gia về kiệt tác tranh cổ tại nhà đấu giá Christie’s New York. (Ảnh: nhà đấu giá Christie’s)

Rinaldi, trong sự nghiệp của mình, đã gặp rất ít các bản vẽ khác có kích thước lớn và vĩ đại như vậy. Ông đã kể tên bức tranh “Thánh Stephen tử vì đạo” của Giulio Romano (1499-1546) ở Viện Bảo tàng Vatican, và một bức tranh lớn “Bữa tối cuối cùng” của Federico Barocci (1535-1612) trong Uffizi Gallery, như những ví dụ hiếm hoi để so sánh.

Ông nói: “Sáng tác này thực sự đi theo phong cách của các bậc thầy cổ điển, nhưng đồng thời nó lại mang một dáng dấp hoàn toàn mới mẻ và khác biệt. Chúng ta nhớ rằng Bezzuoli là một tiền tố của trường phái Italia lãng mạn, nhưng ông đồng thời cũng là một thành tố của chủ nghĩa tân cổ điển, vì ông vẫn còn rất ngưỡng mộ các bậc thầy vĩ đại của thế kỷ 17.”

Tác phẩm của ông thường được đem so sánh với tác phẩm của các bậc thầy người Pháp và ông được cho là bạn của đại danh họa Jean -Auguste-Dominique Ingres (1780-1867).

Trạng thái biến đổi của tâm trạng nhân vật đã được kịch tính hóa

Trong tác phẩm này, người ta có thể tìm ra một số chi tiết đã được tác giả vẽ đi vẽ lại, cùng với những thay đổi được đánh dấu, liên quan tới tổ hợp cấu trúc của tác phẩm, thể hiện trên bánh xe, các móng ngựa, cánh tay của người phụ nữ, và một số chi tiết tương tự. Rinaldi nhận xét: “Tất cả đã tạo nên sự sống động vô cùng trong tác phẩm, đến một mức độ đáng kinh ngạc; dường như các nhân vật đang thực sự chuyển động”.

Có thể Bezzuoli đã muốn giữ nguyên bức tranh gốc này, để làm tư liệu tham khảo, hoặc bởi vì ông đã gắng công hoàn thiện bức tranh khiến nó có chỗ đứng như một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt.

Chi tiết của bức “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu”, năm 1848, tranh của Giuseppe Bezzuoli (1784-1855). Chất liệu: Than chì, màu lót xám, được làm nổi bằng màu thân xe trắng, trên bốn tờ giấy nâu sáng, 135 3/4 inch x 189 1/2 inch. (Bản quyền: nhà đấu giá Christie’s)
“Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu” của Giuseppe Bezzuoli. Tranh sơn dầu. Galleria degli Uffizi – Galleria d’Arte Moderna, Palazzo Pitti, ở Florence, Italy. (Thư viện ảnh DeAgostini / Bardazzi /Hình ảnh: Bridgeman, nhà đấu giá Christie’s)

Trong cả hai bức tranh, Thần tình yêu vẫn luôn ngồi ở ghế sau của chiếc xe, nhưng trong bức tranh màu, chàng thậm chí trông còn hờ hững hơn. Trong khi cánh tay trái của chàng tựa hờ lên người phụ nữ, cánh tay phải của chàng ôm giữ cây cung, cũng chẳng có dây cung, kẹp giữa hai chân của mình một cách trễ nải hơn. Trong bức tranh này, chàng cũng không có bất kỳ mũi tên nào, còn ống tên đã hoàn toàn biến mất. Nhưng điều không thay đổi là chàng ta vẫn đang dõi vọng theo vị tiểu thần tiên mang chiếc vòng, người đang còn nắm giữ cho chàng một chút hi vọng và điều tốt lành cho con người.

Ai không từng trăn trở khi tình yêu phải đối mặt với sự ích kỉ, hoặc khi lý trí phải đối mặt với sự đam mê? Nội hàm ý nghĩa thâm sâu của bức tranh “Người phụ nữ điên cuồng điều khiển cỗ xe tình yêu” là sự nhắc nhở lớn cho con người: Chớ để sự đam mê và cuồng vọng mất lý trí trong tình yêu dẫn ta tới bờ nguy hiểm.

 Bức vẽ khổng lồ và cực hiếm này đã tạo ra một vũ đài cho các ý kiến phản hồi từ nhiều chuyên gia, bằng một hình thức nghệ thuật ẩn dụ giá trị nhất – một câu chuyện ngụ ngôn cho loài người.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Hạo Nhiên biên dịch