Người ta hay dùng 4 chữ “nằm gai nếm mật” để chỉ quá trình chịu đựng mọi gian khổ để hoàn thành việc lớn. Hỏi ai đã từng nằm trên giường gai, ai đã từng nếm mật đắng, hay đây chỉ là phép ví von cho văn vẻ mà thôi?

“Nằm gai nếm mật” dịch từ “Ngoạ tân thường đảm” (臥薪嘗膽), là câu chuyện được sử chép lại về Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu bên Trung Quốc. Hai nước Ngô và Việt đánh nhau, nước Việt đại bại tại Cối Kê. Vua nước Việt là Câu Tiễn phải mình trần sang lạy vua Ngô là Phù Sai xin hàng. Ngô vương bắt vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin, quan tướng quốc là Phạm Lãi theo hầu. Cả ba đều bị giam trong ngục đá.

Hằng ngày, vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi phải cắt cỏ, hốt phân ngựa, gánh nước rửa dọn chuồng ngựa, kiếm củi nấu cơm… Suốt thời gian ba năm, vua tôi sống vô cùng vất vả cực nhọc, nhưng vẫn bền chí đợi thời. Một hôm Ngô vương Phù Sai bệnh, Câu Tiễn nghe theo lời của Phạm Lãi chịu nếm phân của Phù Sai để chiếm được lòng tin. Nhờ đó mà cả ba được phóng thích về nước.

Trở về cố quốc, nhớ đến nỗi thất bại nhục nhã và bị giam cầm làm nô lệ, Câu Tiễn vô cùng căm uất, lòng canh cánh mưu toan báo thù. Bấy giờ, giao quốc chính cho Văn Chủng, giao quân chính cho Phạm Lãi, nhà vua tôn hiền đãi sĩ, kính người già, thương kẻ nghèo, đối xử trăm họ như anh em nên được mọi người mến phục. Đến mùa làm ruộng, Câu Tiễn cũng vác cày đi cày. Vương phi thì chăm việc dệt cửi, cùng muôn dân chia sự lao khổ, ăn mặc rất tiết kiệm.

Câu Tiễn chăm chỉ làm việc suốt ngày đêm. Khi nào buồn ngủ thì lấy cỏ lục (rau răm) xoa vào mắt cho cay làm mắt phải mở. Chân lạnh muốn co thì dầm nước lạnh. Mùa đông lạnh thì ôm giá. Mùa hè nóng nực thì ngồi bên lửa.

Một lần, Phạm Lãi đến gần chỗ vua thường nằm phát hiện ra, dưới chỗ vua nằm là một lượt gai, phía trên treo lủng lẳng một túi mật, thỉnh thoảng vua lại nhấm một giọt. Thấy lạ, Phạm Lãi bèn hỏi:

– Muôn tâu, sao lại như thế này?

Thành ngữ "Nếm mật nằm gai" bắt nguồn như thế nào?
Phạm Lãi thấy lạ mới hỏi vua. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Câu Tiễn thong thả trả lời:

– Tự hành, đó cũng là nuôi chí. Ta làm như vậy là để nhớ những cay đắng, tủi nhục từ trận Cối Kê thảm hại năm xưa.

Việt vương theo 7 kế phá Ngô của Văn Chủng, mới thi hành được 3 thì nước Việt hưng thịnh, nước Ngô suy. Cuối cùng nước Việt báo được thù, thôn tính nước Ngô, và Ngô vương tự tử.

Từ đó, thành ngữ “nếm mật nằm gai” được dùng để chỉ sự chịu đựng gian khổ mà nuôi chí lớn. Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi cũng dùng 4 chữ này để miêu tả quá trình khởi nghĩa gian khổ lâu dài của nghĩa quân Lam Sơn, quyết tâm đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi:

“Núi Lam Sơn dấy nghĩa,

Chốn hoang dã nương mình,

Ngắm non sông căm nổi thế thù,

Thề sống chết cùng quân nghịch tặc,

Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa,

Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối,

Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,

Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.

Những trằn trọc trong cơn mộng mị,

Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi”.

Nhà văn hoá Hoàng Đạo Thuý cũng từng ngợi ca ý chí của Bình Định vương Lê Lợi trong cuốn “Trai nước Nam làm gì”:

“Một người có chí khí là ông Thái Tổ nhà Lê. Làm một người cày ruộng mà không chịu ép mình, mười năm gian nan mà công việc làm đến được. Gương sáng của ta đó.

Có tài năng mà không có chí khí thì tài năng mà làm gì. Không tài năng mà có chí khí thì rồi cũng có tài năng, cũng làm được. Bao nhiêu người thành công, xét đến gốc là nhờ chí khí cả”.

Thành ngữ "Nếm mật nằm gai" bắt nguồn như thế nào?
Chính vì có ý chí cao xa Lê Lợi mới có thể làm nên nghiệp lớn. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Có người cho rằng sống ở trên đời là để hưởng thụ an nhàn thoải mái, con đường nào mang đến sự an nhàn thoải mái thì đi theo. Khi xưa, nếu Việt vương Câu Tiễn thực sự chịu hàng phục Ngô vương, thì hẳn ông sẽ không phải vất vả khó nhọc đày ải thân mình, nhưng đổi lại nghìn năm sau ông vẫn mang nỗi nhục là ông vua mất nước. Lê Lợi cũng từng được tướng nhà Minh trao cho chức quan để dụ theo, nhưng ông không chịu khuất phục.

Lê Lợi “ẩn giấu ở núi rừng làm nghề cày cấy; đọc sách kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách Thao Lược; hậu đãi các tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản; ngầm nuôi các kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu bọn anh hùng hào kiệt; đều được lòng vui vẻ của họ” (theo Lam Sơn thực lục). Vậy nên, Câu Tiễn và Lê Lợi mới làm nên nghiệp lớn. 

Thanh Ngọc