Khương Sinh là một trong những “côn đồ chính trị” khét tiếng nhất trong lịch sử ĐCSTQ. Ông ta tàn nhẫn không giới hạn, tạo ra lượng lớn án giả oan sai. Tuy nhiên, ông ta lại được đề bạt trọng dụng làm phó chủ tịch Trung ương, trở thành “lãnh đạo đảng và quốc gia” cấp cao thứ tư trong ĐCSTQ. Đó là vì sao? 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Khương Sinh là một trong những “côn đồ chính trị” khét tiếng nhất trong lịch sử ĐCSTQ. Ông ta tàn nhẫn không còn giới hạn, đã tạo ra một lượng lớn các bản án giả oan sai.

Tuy nhiên, một người đã làm tất cả những điều bại hoại như vậy cuối cùng lại được đề bạt trọng dụng làm phó chủ tịch Trung ương, trở thành “lãnh đạo đảng và quốc gia” cao tầng thứ tư trong ĐCSTQ. Vì sao lại như vậy?

Hôm nay, chúng tôi dựa trên hồi ký của Sư Triết, dịch giả tiếng Nga của Mao Trạch Đông và các tài liệu khác, sẽ cho các bạn biết lý do.

Hai lần đề bạt then chốt

Khương Sinh trong một đời, hai lần được Mao Trạch Đông đề bạt trọng dụng, lần đầu tiên là trong thời kỳ “chỉnh phong” Diên An.

Vận động Chỉnh phong Diên An năm 1942 nhằm mục đích thiết lập vị trí lãnh đạo cốt lõi của Mao trong ĐCSTQ. Đương thời, Mao chủ yếu dựa vào một tổ chức gọi là “Tổng hội học tập Trung ương”, trong đó đích thân Mao là chủ nhiệm, Khương Sinh là phó chủ nhiệm.

Sau khi đạt được các mục tiêu của cuộc vận động, Khương Sinh được thăng chức ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội VII của ĐCSTQ năm 1945.

Lần thứ hai Khương Sinh được đề bạt trọng dụng là trong thời kỳ “Đại Cách mạng Văn hóa”. Cuộc “Cách mạng Văn hóa” phát động vào năm 1966, mục đích nhằm đảm bảo địa vị độc tài của Mao Trạch Đông trong ĐCSTQ. Trong những ngày đầu của cuộc vận động này, Mao chủ yếu dựa vào tiểu Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương – với vợ Mao, Giang Thanh làm tổ phó, Khương Sinh làm cố vấn.

Khi các địch thủ chính trị của Mao là Lưu Thiếu Kỳ và những người khác lần lượt bị đả đảo, quan chức của Khương Sinh càng làm càng lớn. Từ Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Trung ương ĐCSTQ lần thứ 8 vào tháng 8 năm 1966 đến Đại hội 10 ĐCSTQ năm 1973, ông ta liên tiếp được đề bạt làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, bí thư Ban Bí thư Trung ương, phó chủ tịch Trung ương; tại Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ IV vào tháng 1 năm 1975, ông ta được đề bạt làm phó chủ tịch Quốc hội.

Tại sao Mao Trạch Đông lại đề bạt trọng dụng Khương Sinh?

Chủ yếu có ba nguyên nhân lớn.

Đầu tiên, Khương Sinh chăm sóc hai con trai của Mao khi ông ta ở Liên Xô.

Đầu tháng 7 năm 1936, Dương Thừa Phương, một đảng viên ngầm làm việc trong Công hội Đỏ Thượng Hải, phụng mệnh Trung ương ĐCSTQ cử hai con trai của Mao là Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh đến Liên Xô.

Đầu tháng 8, Khương Sinh, khi đó là phó trưởng đoàn đại biểu ĐCSTQ tại Quốc tế Cộng sản, đã thực hiện chuyến đi đặc biệt từ Moscow đến Marseille, Pháp để đón Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh đến Liên Xô, sắp xếp cho chúng đến Trường Nhi đồng Quốc tế Thứ hai Monino ở ngoại ô Moscow.

Khi đó, Mao Ngạn Anh 14 tuổi và Mao Ngạn Thanh 13 tuổi. Khương Sinh đã dành cho hai người rất nhiều sự quan tâm và chiếu cố, sự chăm sóc nồng nhiệt của ông ta khiến hai anh em vốn từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương của cha, phải chịu đựng rất nhiều, thân lại ở nơi dị quốc cảm thấy đặc biệt ấm áp. Tin tức này đến tai Mao, khiến Mao cảm thấy hài lòng với Khương Sinh.

Lý do thứ hai khiến Khương Sinh được trọng dụng là vì ông ta ủng hộ Mao Trạch Đông cưới Giang Thanh.

Vào tháng 11 năm 1938, Mao Trạch Đông 45 tuổi kết hôn với nam diễn viên hạng ba Thượng Hải 24 tuổi Giang Thanh trong một hang động ở Diên An. Giang Thanh lúc đó tuổi chưa nhiều lắm, nhưng lại là một người dày dặn kinh nghiệm tình trường. Trước đây bà ta tại Thương Hải đã kết hôn và ly hôn đầy tai tiếng, bỏ trốn cùng một công tử phú gia, chung sống với một đạo diễn phim trứ danh, những cuộc tình khét tiếng của bà ta từng gây xôn xao thành phố, được các tờ báo lớn ở Thượng Hải tranh nhau đăng tải.

Tại Thượng Hải, bà ta cũng tham gia hoạt động đảng ngầm của ĐCSTQ, bị công an bắt vào tháng 9 năm 1934 và bị giam hơn hai tháng mới được ra tù. Nhiều người ở Diên An đã biết về những vụ bê bối phong lưu và tình huống bị bắt giữ này, vì vậy, không ít người trong đảng phản đối cuộc hôn nhân giữa Mao và Giang. Tuy nhiên, theo Sư Triết, dịch giả tiếng Nga của Mao Trạch Đông, Khương Sinh đã một tay tác thành cho cuộc hôn nhân giữa Mao và Giang.

Khương Sinh và Giang Thanh là đồng hương ở Chư Thành, Sơn Đông. Vào tháng 11 năm 1937, ba tháng sau khi Giang Thanh đến Diên An, Khương Sinh từ Moscow trở về Diên An và được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Các vấn đề Xã hội Trung ương, bộ trưởng Bộ Tình báo Trung ương, hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, và cũng được bổ nhiệm làm bí thư Ban Bí thư Trung ương. Vợ ông ta, Tào Triệt Âu, giữ chức vụ trưởng ban Ban Cán bộ Trường Đảng Trung ương.

Khương Sinh đương nhiên khi nhìn thấy người đồng hương Giang Thanh trẻ trung xinh đẹp, tự nhiên cảm thấy rất thân thiết. Khi đó, ông ta muốn lợi dụng Giang Thanh để xây cho mình bậc thang thăng tiến.

Sư Triết nhớ lại: “Không lâu sau khi tôi trở về Trung Quốc, Khương Sinh đã nói với tôi: Để cải thiện các mối quan hệ xã hội và thiết lập tình hữu nghị ở Trung Quốc, có hai pháp bảo: một là dạy học, làm giáo viên có thể có học sinh khắp thiên hạ. Người Trung Quốc có câu ‘một ngày là thầy, cả đời là cha’, học sinh tự nhiên sẽ ủng hộ bạn, không giống như người Liên Xô có mối quan hệ thầy trò đạm bạc. Thứ hai là làm ông tơ bà nguyệt, giới thiệu vợ cho người khác.”

“Khương Sinh yêu cầu Giang Thanh chủ động tìm đến chủ tịch (Mao). Nếu không có sự chỉ dẫn của Khương Sinh, Giang Thanh sẽ không dám to gan như vậy. Nếu không có sự sắp xếp của Khương Sinh, Giang Thanh sẽ không thể vào nơi ở của chủ tịch.”

“Giang Thanh nói với tôi, chính là Khương Sinh đã nói với bà ta rằng: Chủ tịch ở một mình, cả đời không có người chăm sóc, cô nên quan tâm quan tâm.”

Khi đó, người vợ thứ ba của Mao, Hạ Tử Trân, đã bất hòa với Mao vì mối quan hệ thân mật của ông ta với một phụ nữ Trung Quốc tên là Ngô Lợi Lợi, và một phụ nữ người Mỹ tên Smedley, bà này đã rời Diên An đến Tây An, chuẩn bị đi Liên Xô. Điều này chỉ tạo cơ hội cho Giang Thanh tận dụng tình thế.

Giang Thanh nghe lời Khương Sinh, bắt đầu tiếp cận Mao bằng cách giúp Mao dọn phòng và quét dọn. Mao vốn đã háo sắc, Giang Thanh lại chủ động tiếp cận, ông ta làm sao có thể cự tuyệt? Một đến hai đi, Giang Thanh có khi cả đêm không về nhà. Sau khi biết tin Mao và Giang có quan hệ luyến ái, rất nhiều người trong đảng, bao gồm các quan chức cao tầng đều phản đối, tuy nhiên Khương Sinh kiên quyết ủng hộ cuộc hôn nhân của Mao với Giang Thanh. Điều này khiến Mao càng tín nhiệm ông ta hơn.

Lý do thứ ba khiến Khương Sinh được trọng dụng là vì ông ta rất giỏi lấy lòng Mao Trạch Đông.

Trong thời kỳ Diên An đã diễn ra cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt giữa Vương Minh, đại biểu phe “lưu học sinh Liên Xô” của ĐCSTQ và Mao Trạch Đông, đại biểu của “phe bản thổ”. Kết quả đấu tranh là: Vương Minh bại, Mao Trạch Đông thắng.

Khương Sinh vốn là thành viên của phe “lưu học sinh Liên Xô”, khi Vương Minh còn là trưởng phái đoàn ĐCSTQ tại Quốc tế Cộng sản, ông ta giữ chức phó trưởng, luôn đi theo sau Vương Minh, làm cái kiệu cho Vương. Tuy nhiên, khi thấy Vương Minh không còn thế lớn nữa, địa vị lãnh đạo cốt lõi của Mao trong ĐCSTQ được Trung ương ĐCS Liên Xô công nhận, Khương Sinh lập tức đứng về phía Mao, gây rắc rối cho Vương Minh. Nhanh chóng chuyển phe, cộng với hai lý do nêu trên, Khương Sinh được Mao bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Ủy ban Học thuật Trung ương, đảm nhận vai trò lãnh đạo vận động chỉnh phong toàn đảng.

Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, Khương Sinh đã thua Nhiêu Sấu Thạch khi tranh chức bí thư thứ nhất Cục Hoa Đông thuộc Trung ương ĐCSTQ, chỉ trở thành bí thư thứ hai của Cục Hoa Đông. Sau đó, ông ta thời gian dài cáo bệnh, đợi đến khi có cơ hội mới trở lại.

Cho đến năm 1954, Mao Trạch Đông đả đảo cái gọi là “liên minh phản đảng Cao Cương và Nhiêu Sấu Thạch”.

“Địch thủ chính trị” Nhiêu Sấu Thạch bị đả đảo, “căn bệnh” của Khương Sinh ngay lập tức được chữa khỏi. Năm 1956, sau khi phục xuất trở lại, ông ta trở thành ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của ĐCSTQ.

Khi đó, Khương Sinh nghe tin Mao Trạch Đông chuẩn bị dành nhiều tinh lực hơn cho việc nghiên cứu lý luận, nên tìm mọi cách giả dạng bản thân thành “người có thẩm quyền lý luận” để tiếp cận Mao.

Tháng 3 năm 1957, Khương Sinh được bổ nhiệm làm tổ phó tiểu Tổ Văn hóa Giáo dục Trung ương; tháng 3 năm 1959, ông ta được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm ban biên tập “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Khương Sinh cũng kiến nghị thành lập một tiểu tổ lý luận trực thuộc tiểu Tổ Văn hóa Giáo dục Trung ương, tự nhậm tổ trưởng. Nửa cuối năm 1959, ông ta còn kiêm nhiệm công tác của Trường Đảng Trung ương, từ đó ông ta lãnh đạo công tác lý luận của ĐCSTQ.

Một trọng tâm trong công tác lý luận của Khương Sinh làm là sùng bái cá nhân Mao. Ông ta tâng bốc Mao, nói: “Tư tưởng Mao Trạch Đông là đỉnh cao của chủ nghĩa Mác – Lê”; trong các đảng anh em “Mao Trạch Đông là người minh hiển nhất, nổi bật nhất và toàn diện nhất trong sự phát triển của chủ nghĩa Mác”; sinh viên Trường Đảng Trung ương “phải học Mao trước khi học các tác phẩm của chủ nghĩa Mác – Lê”…

Một trọng tâm khác trong công tác lý luận của Khương Sinh là phối hợp với Mao trong nỗ lực trở thành lãnh tụ phong trào cộng sản quốc tế, trong quá trình phản đối “chủ nghĩa xét lại Liên Xô”, tổ chức khởi thảo “cửu bình Liên Xô Cộng sản đảng”.

Nhóm viết do Khương Sinh lãnh đạo đã thay Mao tổng kết “Lý luận tiếp tục cách mạng dưới chế độ chuyên chính giai cấp vô sản”. Đây là cơ sở lý luận quan trọng nhất để Mao phát động cuộc “Cách mạng văn hóa”. Tất nhiên, Khương Sinh có thể leo lên vị trí cao trong thời đại cực tả đó là vì ông ta là kẻ thanh trừng người khác rất tàn nhẫn.

Khương Sinh gia nhập ĐCSTQ vào năm 1925, từng công tác trong chi cục đặc vụ của ĐCSTQ, tham gia vào vụ ám sát hơn mười người trong gia đình Cố Thuận Chương, nguyên lão lãnh đạo của chi cục đặc vụ. Năm 1934, năm thứ hai sau khi Khương Sinh đến Moscow, Kirov, ủy viên Bộ Chính trị Trung ương ĐCS Liên Xô, bị ám sát, Stalin nhân cơ hội này phát động một phong trào thanh trừng lớn. Từ đó cho đến năm 1937, Khương Sinh đã đích thân trải qua quá trình đại thanh trừng này, học tập được không ít thủ đoạn chỉnh người.

Trong thời gian đó, phái đoàn của ĐCSTQ tại Quốc tế Cộng sản đã thành lập một cơ quan đặc biệt gồm Vương Minh và Khương Sinh để liệt kê các tội danh tăng cường, bao gồm “phái Trotskyist”, “gián điệp quốc tế”, “đặc vụ Nhật Bản”, “đặc vụ Quốc dân đảng”, “gián điệp bị tình nghi”, v.v. Những sinh viên là đảng viên ĐCSTQ ở Liên Xô bị kết tội là phản cách mạng, bị kết án tù, bị đày đi đày, đi trại lao động cưỡng bức, thậm chí bị giết hại.

Trong thời kỳ chỉnh phong Diên An, cuộc thanh trừng của Khương Sinh cũng vô cùng tàn bạo. Các thủ đoạn của ông ta bao gồm “từ không sinh có”, “chụp mũ loạn xạ”, “túm tóc loạn xạ”, “vung gậy loạn đả”, thậm chí giết người.

Theo “Hồi ký của Sư Triết”, ông từng đến thăm bệnh viện Hòa Bình ở Liễu Thụ Điếm, Diên An và nhìn thấy “một xác chết nam giới, khoảng 30 tuổi, ngâm trong một chiếc thùng lớn ở sảnh”.

Y tá trưởng đi cùng nói: “Cái này là dùng để giải phẫu y học, ban đầu có ba cái, một cái đã bị giải phẫu xong, cái còn lại chỉ còn một nửa, chỉ có cái này là hoàn chỉnh, còn chưa sử dụng… Họ đều là những phần tử phản cách mạng, bị Khương Sinh phê chuẩn xử lý. Chúng tôi hoàn toàn không biết danh tính hay nguồn gốc của họ.”

Sư Thạch hỏi: “Khi được đưa đến đây họ còn sống không?” Y tá trưởng trả lời: “Tất nhiên. Họ được đưa đến đây với danh nghĩa chữa bệnh, sau đó bị xử lý.”

Trần Vân, một nguyên lão của ĐCSTQ, từng nói: “Khương Sinh là quỷ, không phải người.”

Lịch sử một thế kỷ của ĐCSTQ luôn đi kèm với những cuộc tranh đoạt quyền lực thảm khốc vô tình. Trong tình huống cực đoan, một số người vì để bảo vệ bản thân, hoặc vì để leo lên vị trí cao, mà phải phục tùng đảng tính, hủy hoại nhân tính, từ người biến quỷ, làm đủ mọi việc thương thiên hại lý.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch