Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Là Hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đế vương cổ đại, đất nước ông trị vì trở thành trung tâm của cả thế giới, văn minh Trung Hoa lên đến đỉnh cao dưới thời của ông, trở thành kiểu mẫu lịch sử. Chúng ta đang nói đến Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Bóng tối của lịch sử đã che khuất đi nhiều sự thật về ông, hãy cùng chúng tôi phủi đi lớp bụi thời gian, lần lại những trang sử đã thất lạc về vị quân vương vĩ đại ấy. 

Xem thêm: Phần 1  Phần 2 , Phần 3

Từ sau khi Tùy Dạng Đế tiền triều giành được chính quyền, đông đô Lạc Dương bèn trở thành trung tâm của cả nước, vùng đất này vốn là ở Trung Nguyên, nằm ở trung tâm của Đại Vận Hà. Nhưng lúc này, Lạc Dương đã bị Vương Thế Sung chiếm đoạt. Vương triều Đại Đường nếu muốn thống nhất thiên hạ, ắt phải lấy được Lạc Dương…

Thoát khỏi vòng vây

Trong thời gian Lý Uyên đánh chiếm Trường An, Vương Thế Sung khi ấy đang cùng giao chiến với quân Ngõa Cương. Đội quân này tiếng tăm hiển hách, nhưng vào tháng 9 đầu năm Võ Đức (năm 618), mấy chục vạn đại quân Ngõa Cương cuối cùng đều bị đại bại dưới tay Vương Thế Sung. Vương Thế Sung đánh bại quân Ngõa Cương của Lý Mật, lại có thêm được một bộ phận tướng sĩ và châu huyện của Lý Mật.

Tháng 10, Lý Mật đến nhờ vả triều Đường, không lâu sau bởi ông ta phản lại nhà Đường mà bị giết. Còn Vương Thế Sung lúc này chiếm giữ Lạc Dương, và chiếm được một phần địa bàn ở Hà Nam của nhà Đường. Tháng 4 năm thứ 2 niên hiệu Võ Đức (năm 619), Vương Thế Sung xưng đế, lấy quốc hiệu là nhà Trịnh, khí thế rất là hùng mạnh.

Tháng 5, năm thứ ba, niên hiệu Võ Đức (năm 620), Thái Tông sau khi tiêu diệt Lưu Vũ Chu từ tiền tuyến Sơn Tây về đến Trường An. Trải qua hơn một tháng nghỉ ngơi chỉnh đốn, đến tháng 7 ông phụng mệnh của Cao Tổ, dẫn quân xuất chinh, đông tiến Lạc Dương, thảo phạt Vương Thế Sung. Đội quân đóng ở Cốc Châu. Tướng quân của Đại Đường là La Sĩ Tín dẫn quân tiên phong bao vây Từ Giản (30 dặm về phía đông, huyện Tân An, Hà Tây ngày nay).

Vương Thế Sung dẫn theo 30 vạn tinh binh đến cứu viện. Thái Tông dẫn theo kị binh nhẹ thăm dò quân tình, bất ngờ gặp phải Vương Thế Sung, hai bên xảy ra trận ác chiến. Bởi quân số chênh lệch quá lớn, hơn nữa do đường sá hiểm trở, lại bị Vương Thế Sung bao vây, Thái Tông lệnh cho toàn tướng sỹ mở con đường máu đột phá vòng vây, còn bản thân ông cũng thân chinh đốc thúc.

Khi đó, đại tướng của Vương Thế Sung là Đơn Hùng Tín dẫn kỵ binh xông lên trước giáp công, thế trận tấn công thật là vô cùng hiểm ác, Thái Tông tả xung hữu đột, trái phải bắn cung, ai nấy đều bị trúng tên mà ngã xuống, trong trận chiến này, đích thân ông bắt được đại tướng của Vương Thế Sung là Yến Hân. Trở về doanh trại sau cuộc huyết chiến, khắp mặt Thái Tông bám đầy bụi đất xa trường đến nỗi ngay cả binh tướng dưới quyền cũng nhận không ra nên mới chặn ông ở ngoài cửa mà nhất định không cho vào doanh trại.

Thái Tông bèn gỡ mũ giáp xuống, lúc này hết thảy tướng sỹ mới hân hoan chào đón Thái Tông khải hoàn. Thừa thắng, ngay ngày hôm sau, Thái Tông dẫn theo 5 vạn kỵ binh đánh chiếm Từ Giản, Vương Thế Sung hay tin này sợ quá cho rút toàn bộ quân phòng thủ đang trấn giữ Từ Giản về lại Lạc Dương.

Tạo hình vua Đường Thái Tông trên màn ảnh (Ảnh: youtube.com)

Thái Tông liền cử Tổng quản hành quân là Sử Vạn Bảo từ Nghi Dương đi về phía nam chiếm giữ Long Môn, Lưu Đức Uy từ Thái Hành đi về phía đông bao vây Hà Nội, Vương Quân Khoách từ Lạc Khẩu chặn đứng con đường vận chuyển lương thảo của Vương Thế Sung; lại cử Hoàng Quân Hán dẫn theo thủy quân ban đêm từ sông Hiếu Thủy xuôi dòng đi xuống tập kích thành Hồi Lạc.

Từ Hoàng Hà trở về phía nam lúc này, không ai là không hưởng ứng quân Đường; trái lại binh tướng dưới quyền của Vương Thế Sung khi ấy hết thành lũy này đến thành lũy khác nối tiếp nhau chủ động đầu hàng. Đại quân của Đường Thái Tông tiến vào chiếm giữ Lạc Dương, quay mặt về phía bắc Mang Sơn, liên doanh áp sát Lạc Dương với khí thế dễ như trở bàn tay vậy. Mấy tháng tiếp sau đó, binh tướng trấn giữ các nơi còn lại của Vương Thế Sung cũng lũ lượt kéo đến đầu hàng:

Tháng 7 năm 620, Trưởng sử Vĩ Châu là Trương Công Cẩn và Thứ sử Vĩ Châu là Thôi Khu dâng thành Vĩ Châu quy hàng nhà Đường; tháng 8, Đặng Châu quy hàng; tháng 9, Tổng quản Hiển Châu là Điền Toán dùng toàn bộ 25 châu xin quy hàng; Tổng quản Quân Châu của Vương Thế Sung là Dương Khánh xin hàng; Thứ sử Úy Châu Thời Đức Duệ lấy toàn bộ 7 châu xin hàng; tháng 10, đại tướng Trương Trấn Chu xin hàng, tiếp theo đó, Vinh, Biện, Vĩ, Dự, v.v… 9 châu lần lượt đến quy hàng. Đến đây, các quận huyện xung quanh Lạc Dương đều đã nằm trong tay Thái Tông, Lạc Dương đã trở thành một tòa thành trơ trọi.

Cũng trong tháng 9 năm 620, Thái Tông dẫn theo 500 kỵ binh đến lăng Tuyên Võ Đế Bắc Ngụy để thị sát chiến địa, Vương Thế Sung bèn lợi dụng cơ hội này dẫn theo 1 vạn kỵ binh bất ngờ xuất hiện, vây kín toàn bộ đội quân của Đường Thái Tông ở trong. Đại tướng của Vương Thế Sung là Đơn Hùng Tín phi ngựa, giương giáo đâm thẳng về phía Thái Tông, chủ lực của quân Đường khi ấy muốn cứu viện cũng không kịp, mắt thấy chủ tướng – Thái Tông sắp phơi thây dưới ngựa mà đau đớn cho cảnh “nước xa không cứu được lửa gần”. 

Thật may thay vào đúng tích tắc nguy hiểm cận kề ấy, dũng tướng thân tín dưới trướng Thái Công là Uất Trì Kính Đức tức thời thúc ngựa hô lớn, rồi cứ thuận theo thế phi ngựa vắt ngang mà vận hết sức bình sinh đâm Đơn Hùng Tín. Bị chặn đánh bất thần, Hùng Tín thất kinh mà ngã xuống ngựa. Uất Trì Kính Đức nhân đó mà bảo vệ được Thái Tông xông ra thoát khỏi vòng vây. 

Đường Thái Tông thoát nạn trong gang tấc (Ảnh minh họa: soha.vn)

Thắng lớn ở Thanh Thành

Tháng 2 năm thứ 4 niên hiệu Võ Đức, quân Đường tiến vào chiếm giữ cung Thanh Thành. Dinh lũy Thanh Thành khi ấy còn chưa xây xong, Vương Thế Sung dẫn theo 2 vạn binh mã xuất hiện tấn giữ ở cổng, bày trận đối diện Cốc Thủy. Thái Tông cùng Uất Trì Kính Đức lúc này một chủ, một tướng hợp bích tiên phong lập tức thống lãnh kỵ binh xông vào phá trận của Vương Thế Sung như vào trong chốn không người, quân Đường sĩ khí vang dội, hào khí ngất trời, tiền hô hậu ủng theo sát phía sau, đánh bại đội quân của Vương Thế Sung chỉ trong chốc lát. Tướng địch là Trấn Trí Lược bị bắt, quân Đường giết chết hơn nghìn quân địch, lại bắt giữ thêm 6 nghìn bại binh của Thế Sung. Thảm bại sau trận chiến này, Vương Thế Sung từ đó không dám tùy tiện xuất chiến, bèn sang cầu cứu Đậu Kiến Đức.

Trong cuốn “Tư Trị Thông Giám” có viết: Thái Tông vì để phát huy sở trường dã chiến của kỵ binh quân nhà Đường, đã đặc biệt chọn ra những kỵ binh kiêu dũng nhất, tập hợp thành một nhóm quân tinh nhuệ nhất trong các nhóm quân tinh nhuệ gọi là: ‘Đội quân áo giáp sắt đen’. Tướng sĩ trong nhóm quân đó khắp người đều mặc quân phục và áo giáp màu đen, chia thành hai đội tả – hữu, lại lệnh cho Tần Thúc Bảo, Trình Tri Tiết và Uất Trì Kính Đức, Địch Trưởng Tôn chia nhau thống lĩnh hai đội tả hữu quân. Mỗi lần ra trận, bản thân Thái Tông cũng mặc áo giáp đen, đích thân chỉ huy.

Cuối tháng giêng năm thứ 4 niên hiệu Võ Đức (năm 621), hai tướng dưới trướng của Đường Thái Tông là Khuất Đột Thông và Đậu Quỹ xuất quân đi tuần thị trận địa dinh lũy các quân, giữa đường bỗng gặp phải đội hùng binh của Vương Thế Sung. Quân Đường bất ngờ không kịp chuẩn bị, suýt chút bị quân Trịnh tiêu diệt. Thái Tông hay tin này, đích thân dẫn theo đội quân áo giáp sắt đen tiến đến cứu viện, đại phá Vương Thế Sung, bắt sống tướng lĩnh kỵ binh của quân địch là Cát Ngạn Chương, giết chết và bắt sống hơn 6 nghìn binh mã.

Đầu tháng 2 năm 621, bởi Lạc Dương bị bao vây lâu ngày, lương thực thiếu hụt, Vương Huyền Ứng – con trưởng của Vương Thế Sung đang đóng quân ở Võ Lao nghe tin liền dẫn theo mấy nghìn người vận chuyển lương thảo cứu tế cho cha ở Lạc Dương. Thái Tông hay tin, lệnh cho tướng lĩnh là Lý Quân Hâm xuất binh tập kích. Vương Huyền Ứng vội vàng ứng chiến, bị Lý Quân Hâm đánh tan tác, toàn bộ lương thảo đều rơi vào trong tay quân Đường, Vương Huyền Ứng đành phải một mình trốn về Lạc Dương.

Thái Tông cảm thấy thời cơ phát động cuộc tổng tấn công với Lạc Dương đã chín muồi, liền cử Vũ Văn Sĩ về triều xin lệnh. Lý Uyên phê chuẩn thỉnh cầu. Thái Tông được lệnh, bèn vào ngày 23 tháng 2 năm 621 dẫn theo đại quân tiến vào chiếm giữ cung Thanh Thành.

Quân Đường vừa đến nơi còn chưa kịp thiết lập doanh trại, Vương Thế Sung đã đích thân dẫn 2 vạn quân mã xuất thành tấn công. Các tướng khi ấy đều sợ, Thái Tông lệnh cho kỵ binh tinh nhuệ bày trận ở dưới núi Mang Sơn, sau đó thân chinh dẫn theo các vị tướng lĩnh tiến lên phía lăng Võ Đế Bắc Ngụy quan sát tình hình quân địch, đoạn ông nói với tả hữu rằng: “Quân địch đã đến bước đường cùng, lần này Vương Thế Sung dốc hết toàn bộ binh lực vào trận chiến này cũng chỉ là tìm may trong một trận. Hôm nay nếu ta công phá được, lần sau quân địch sẽ không còn dám xuất thành nữa!”. Bèn lệnh cho Khuất Đột Thông dẫn theo 5 nghìn người vượt qua Cốc Thủy, tấn công Vương Thế Sung. Sau đó, Thái Tông đích thân dẫn theo đội quân áo giáp đen xông vào trận địch.

Trận chiến sinh tử giữa Quân Trịnh và quân Đường. (Ảnh: soha.vn)

Thái Tông cưỡi con tuấn mã có tên “Táp lộ tử” toàn thân màu tím phi nhanh như bay, dẫn theo chỉ mấy chục kỵ binh tinh nhuệ nhất, giống như mũi tên vừa rời dây cung cứ thế mà xông thẳng vào trận địch, cuối cùng lại xuyên ngang qua mà ra, chỉ trong chốc lát đã làm xáo trộn hết thảy đội quân tiên phong của Vương Thế Sung. Binh sĩ quân Trịnh thấy khí thế ấy đã tim đập chân run, vô cùng hoảng sợ, chưa đánh đã muốn bại rồi, trong trận chiến ấy, quân địch bị giết chết nhiều vô số kể.

Lúc này, để gỡ thế bí Vương Thế Sung cũng mau chóng tập kết những bộ hạ đang chạy tán loạn mà bày ra thế trận lần nữa, tiếp tục ác chiến với quân Đường. Trận chiến sinh tử giữa Quân Trịnh và quân Đường này diễn ra vô cùng khốc liệt, bắt đầu từ giờ Thân cứ thế mà ác chiến mãi cho đến giờ Ngọ, quân Trịnh nhiều lần bị kỵ binh của quân Đường đánh cho tan tác, nhưng Vương Thế Sung vẫn nhiều lần ngoan cường chỉnh binh tái chiến, cuối cùng sức tàn lực kiệt quân địch dần dần lui trận, Thái Tông thừa thắng như trẻ tre chỉ huy binh sĩ truy kích, một lần bắt gọn hết thảy cả đám tàn quân. Trong trận chiến ấy quân Trịnh bị giết tổng cộng khoảng 8 nghìn người.

Vương Thế Sung sau nhiều lần thảm bại mất hết cả dũng khí, từ đó không dám xuất chiến, chỉ là tự thủ trong thành, đợi chờ viện quân của Đậu Kiến Đức. Quân Đường đào chiến hào dưới thành Lạc Dương, và bố trí phòng thủ dài khắp xung quanh để ngăn Vương Thế Sung đột phá vòng vây. Trong thành Lạc Dương của Vương Thế Sung khi đó cố thủ vững như thành đồng, phòng bị vô cùng chặt chẽ, đạn pháo, tên nỏ do quân Trịnh từ trên thành bắn xuống gây ra khá nhiều tổn thất và thương vong cho quân Đường, Vương Thế Sung bước đầu đã đạt được mục đích thủ thành chiến đấu.

Thái Tông dẫn quân bốn mặt công thành, ngày đêm không nghỉ, trải qua mười mấy ngày cũng chưa thể phá được. Tướng sĩ quân Đường đều mệt mỏi lui về, Tổng quản hành quân Lưu Hồng Cơ xin được thu quân, Thái Tông nói: “Hôm nay ồ ạt đến đây, chi bằng hãy làm một mẻ, khỏe suốt đời. Các châu phía Đông đều đã hàng phục, duy chỉ có Lạc Dương tòa thành lẻ loi này, thế không trụ được lâu, công quả sắp thành, cớ sao lại bỏ về!”. Nói dứt lời bèn hạ lệnh trong quân rằng: “Lạc Dương chưa phá, sẽ không trở về, ai dám trái lệnh, trảm không tha!”.

Kể từ đó, mọi người không ai dám nói chuyện trở về nữa. Đường Cao Tổ sau khi nghe tin cấp báo về tình hình quân Đường ở Lạc Dương cũng có phần lo lắng, bèn hạ mật lệnh cho Thái Tông rút quân trở về. Thái Tông dâng biểu nói: Lạc Dương nhất định có thể công phá được, lại cử Phong Đức Di vào triều nói rõ hình thế. Phong Đức Di nói với Cao Tổ rằng: “Vương Thế Sung tuy chiếm ưu thế, những người đi theo ông ta đều là những kẻ thất phu theo lệnh mà hành xử. Giờ chỉ có một thành Lạc Dương này mà thôi, nếu ta dốc hết trí lực, công hạ chỉ là chuyện trong nay mai. Nay nếu trở về, thế giặc phục hồi, càng liên kết với nhau, ngày sau ắt khó đánh bại!”. Đường Cao Tổ nghe theo kiến nghị của Thái Tông, không còn yêu cầu thu quân trở về nữa.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Vũ Dương biên dịch