Trong sự nghiệp quân sự của mình, Tào Tháo đã viết rất nhiều binh thư có giá trị, thể hiện cái nhìn sắc bén về binh pháp của ông. Đỗ Mục đời Đường từng nhận xét: “Sách của Tôn Vũ có hàng trăm ngàn chữ, Ngụy Vũ đã cắt bỏ chỗ thừa, viết thêm phần tinh túy mà thành sách này”.

Truyền thuyết kể rằng, trong vũ trụ bao la rộng lớn này đã có rất nhiều sinh mệnh trên Thiên giới chuyển sinh vào Trung Thổ để kết duyên. Sau khi kết duyên họ lại chuyển sinh sang vùng đất khác. Tại nhân gian, khi vận số sắp hết cũng là lúc thay triều đổi đại. Thời điểm ấy đã diễn ra rất nhiều biến hóa của thiên tượng, như thiên tai nhân họa, chính trị hủ bại, cuối cùng là chiến tranh. Đó cũng là lúc triều đại cũ kết thúc, triều đại mới sắp bắt đầu. Một triều đại mới cùng những con người mới sẽ lại tiến vào làm chủ vùng đất Thần Châu rộng lớn. Chiến tranh, thiên tai, ôn dịch, bệnh tật, sinh lão bệnh tử… đều vì một mục đích giống nhau, bởi vì đây là một phần của thế gian nhân loại. Để giúp diễn tấu màn kịch chiến tranh, Thần đã ban cho con người binh pháp để dùng khi chinh chiến và cách chỉ huy chiến trận.

Nhưng đa phần các binh pháp truyền thừa trong chiến tranh thời cổ đại đều bị thất truyền. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, thời kỳ bách gia chư tử, binh gia lại xuất hiện ở thế gian. Chiến tranh thời Chiến Quốc có quy mô chưa từng thấy, rất nhiều sách lược quân sự cùng với binh pháp đã lưu truyền và được ứng dụng một cách rộng rãi. Trong đó các danh tướng như Tôn Vũ, Ngô Khởi, Tôn Tẫn, Úy Liễu… đã lưu lại binh pháp và binh thư cho hậu thế. Đáng tiếc là đại đa số đều bị thất truyền trong khi thay thời đổi đại. Trong đó, binh pháp của Tôn Vũ, sau lại được Tôn Tẫn bổ sung, được xem là thủ lĩnh của binh pháp thời cổ đại. Ngoài Tôn Vũ thì còn có Hàn Tín – bậc anh hùng được hậu nhân mệnh danh là “Chiến Thần”, đồng thời cũng là người có thể kiêm cả 4 tước vị: vương, hầu, tướng, quan. Ông được thời Hán Sở đánh giá là “Quốc sỹ vô song”, ”mưu lược xuất chúng, công lao không ai sánh bằng”. Di sản ông để lại là bộ binh pháp 3 thiên, nhưng tiếc rằng sau đó cũng đã bị thất truyền.

Tào Tháo thống lĩnh quân sự hơn 30 năm, chinh phạt hơn 50 cuộc chiến. Ông tay không rời sách, ban ngày giảng về sách lược quân sự, ban đêm suy nghĩ về Kinh (ngũ kinh) và Truyện (Tả truyện). Nhờ đó ông nổi tiếng với tài bày binh bố trận một cách xuất sắc, đánh giá quân địch thì dùng cách khắc chế, mưu lược biến hóa như Thần. Ông trước tác binh thư hơn mười ngàn chữ, trong đó có “Tân thư” (tức “Mạnh Đức tân thư”). Người tuân theo sách thì chiến thắng, kẻ trái với lời dạy trong sách thì thất bại. Gia Cát Lượng từng nói: “Tào Tháo có tài năng lấy yếu thắng mạnh, không chỉ là thiên thời mà còn do mưu lược của con người”. Tôn Quyền cũng khen tụng Tào Tháo là người “giỏi quản lý tướng lĩnh, quả là xưa nay hiếm”. Gia Cát Lượng còn khen: “Tào Tháo có trí tuệ và mưu kế tuyệt đỉnh vượt xa người thường”.

Tào Tháo có nhiều binh thư được lưu lại như: Mạnh Đức Tân Thư, Tôn Tử Lược Giải,  Binh Thư Tiếp Yếu, Ngụy Võ Đế Binh Pháp, Tư Mã Pháp Chú, Thái Công Âm Mưu Giải, Tục Tôn Tử Binh Pháp, tuy nhiên chỉ riêng “Tôn Tử Lược Giải” (tức “Tôn Tử binh pháp chú”) là được bảo tồn một cách hoàn chỉnh. Đỗ Mục đời Đường từng nói về cuốn sách này như sau: “Sách của Tôn Vũ có hàng trăm ngàn chữ, Ngụy Vũ đã cắt bỏ chỗ thừa, viết thêm phần tinh túy mà thành sách này”.

Cuốn “Tôn Tử Lược Giải” đã miêu tả binh pháp của Tôn Tử kết hợp với mưu lược của Tào Tháo, nhờ đó mà được truyền lại cho các thế hệ sau. Những vị vua của các triều đại sau này đều sử dụng, noi theo để binh chinh thiên hạ và vương giả trị quốc.

Dưới đây là trích lược và phân tích một vài phần trong các binh thư của Tào Tháo:

“Tôn Tử Lược Giải” 

Lời mở đầu

Tháo nghe nói thời thượng cổ đã có cái lợi của việc binh đao, dùng võ công cứu dân nơi nước lửa. “Luận Ngữ” của Khổng Tử có “Túc Binh” (trang bị quân đội hùng mạnh). Chương Bát Chính sách ”Thượng Thư” viết về quân đội. Kinh Dịch viết: “Quân đội là giữ gìn sự công chính. Đại nhân là đem lại may mắn”. Kinh Thi viết: “Vua bỗng nổi giận, sai chỉnh đốn quân đội”. Các bậc Thánh vương anh minh như Hoàng Đế, Thanh, Vũ đều dùng chiến tranh để tế thế cứu giúp người dân. Trong binh thư Tư Mã Pháp có viết : “Người cố tình sát nhân thì giết đi là được rồi”.

Kẻ chỉ dựa vào vũ lực và quân sự thì sẽ bị diệt vong, kẻ chỉ dựa vào văn hóa và giáo hóa cũng sẽ bị tiêu diệt. Phù Sai và Yển Vương là hai vị vua điển hình cho đạo lý này. Thánh nhân dụng binh thường cất giấu, lúc cần thiết mới sử dụng, bất đắc dĩ mới phải dùng.

Ta đã xem rất nhiều sách lược binh thư, trong đó sách của Tôn Vũ rất thâm sâu. Tôn Tử là người nước Tề, tên là Vũ. Ông đã viết sách “Binh pháp” gồm 13 thiên rồi dâng cho Ngô Vương Hạp Lư, ông dùng ngay các cung nữ để diễn tập binh pháp, cuối cùng ông được phong làm tướng. Ông đã phá nước Sở hùng mạnh ở phía Tây, uy danh chấn động ớc Tềnước Tấn ở phía Bắc. Hơn trăm năm sau thì có Tôn Tẫn, là cháu của Tôn Vũ. Những mưu kế được lập ra rất chi tiết thận trọng trong từng bước đi, vẽ ra mưu toan thâm sâu, không thể nhầm lẫn, nhưng con người hiện nay không biết được giáo huấn sâu sắc. Hơn nữa văn chương phức tạp khó hiểu, nên khi áp dụng ngoài đời thường bị mất đi cốt lõi. Do đó ta đã biên soạn giải thích sơ lược bộ binh thư này.

Trong bài mở đầu Tào Tháo đã đặc biệt chỉ ra: ”Thánh nhân dụng binh thường cất giấu, lúc cần thiết mới sử dụng, bất đắc dĩ mới phải dùng” (Nguyên văn: “Thánh nhân chi dụng binh, tập nhi thì động, bất đắc dĩ nhi dụng chi”). Bài thơ Chu Tụng trong “Kinh Thi” của Khổng Tử viết: ”Chở vũ khí đi giấu, mang cung tên cất vào bao” (Nguyên văn: “Tải tập can qua, tải thác cung thỉ”). Chiến tranh là điều tất nhiên của lịch sử, từ xa xưa các vị Thánh nhân không chỉ không phản đối mà còn chuẩn bị rất tốt cho chiến tranh, xây dựng đội quân hùng mạnh, trang bị đầy đủ vũ khí và quân số, thậm chí còn chủ trương chỉnh đốn quân đội để đối phương thần phục mà không cần chinh chiến. Tào Tháo từng cho rằng: Chỉ cậy vào chiến tranh mà không biết thương xót người dân, không có chính nghĩa và lòng nhân từ thì là hủy diệt đất nước. Trái lại, chỉ cậy vào giảng đạo đức nhân nghĩa mà không chuẩn bị cho chiến tranh, thì cũng mất nước (Nguyên văn: ”Thị võ giả diệt, thị văn giả vong”).

Tào Tháo làm rõ tính tất yếu của chiến tranh và vai trò lịch sử của nó. Trong “Tư Mã Pháp” ông viết: “Kẻ cố tình sát nhân thì có thể giết đi được” (Nguyên văn: ”Nhân cố sát nhân, sát chi khả dã”). Có thể sát nhân vì chiến tranh là thuận với Đạo của Trời, mục đích là để cứu thứ dân và an định đất nước. Trường hợp vong quốc của Ngô Vương và Từ Yển Vương đã nói lên đạo lý này. Theo lịch sử, sau khi đánh bại Việt quốc, Ngô vương Phù Sai không biết rằng xây dựng đất nước là phải an dân trị quốc nên đã đi tranh bá phía Bắc tiến đánh quân Tề. Ông lại họp chư hầu và muốn tranh ngôi bá chủ với nước Tấn, kết quả là Việt vương Câu Tiễn thừa cơ lúc nước Ngô suy yếu mà hủy diệt nước Ngô, khiến Ngô Phù Sai phải tự sát. Còn Từ Yển Vương lại đi đến một cực đoan khác, ông chỉ biết luyện văn, không lo việc quân sự. Chương ”Ngũ Đố” trong sách “Hàn Phi Tử” viết: “Từ Yển Vương ở Hán Đông, là nơi rộng 500 dặm, ông thực thi nhân nghĩa, do đó 36 nước cắt đất triều cống ông. Kinh Văn Vương sợ ông hại đến mình bèn đem quân đi đánh và tiêu diệt nước Từ”.

Tôn Tử Lược Giải” của Tào Tháo có hàng ngàn vạn chữ, thể hiện cái nhìn sắc bén về binh pháp. Tư tưởng quân sự sâu sắc của ông đã được tướng lĩnh các triều đại ca ngợi. Ông nhấn mạnh: “Chiến tranh là vì chính nghĩa để giết những kẻ phản nghịch dẹp loạn, bình định thiên hạ” (Nguyên văn: “Binh dĩ nghĩa động”, trích trong Võ Đế Kỷ của Tam quốc chí). Để giành được thế chủ động, ông chủ trương “Phụng thiên tử để lệnh chư hầu”, dẹp trừ các cuộc bạo loạn bảo vệ nhà Hán, cử binh lính chiếm đóng Hà Bắc, miễn thuế cho những người dân nghèo khó và ban hành lệnh ngăn chặn những kẻ giàu mạnh thu mua thôn tính đất đai, khiến bách tính thân cận có nơi nương tựa, quân đội trở nên cường thịnh.

Tào Tháo thích lựa chọn người tài, xem xét việc chính trị, quan tâm đến tướng sĩ và chăm lo cho sức khỏe của binh lính. Trong “Cổ Xúy Lệnh” ông cho biết: Sở dĩ ta có thể dùng ít binh lính mà vẫn thắng được nhiều quân địch là vì thường quan tâm đến các chiến sỹ. Ví như trước đây có lúc đội nhạc phải đi bộ là vì yêu quý ngựa của chiến sỹ, không thích đặt nhiều chức quan lại là vì yêu quý lương thực của chiến sỹ… Mỗi khi chiến tranh kết thúc, Tào Tháo yêu cầu binh lính dọn dẹp biên giới, dân chúng thì được đưa ra ngoại thành và khuyến khích làm nông, còn quân sĩ thì bị cấm chỉ ca hát ăn mừng chiến thắng.

Tào Tháo yêu cầu các binh tướng phải có 5 mỹ đức (trí, tín, nhân, dũng, nghiêm), đồng thời các tướng sĩ cũng cần phải biết được thiên thời địa lợi là như thế nào.

Ông tuyển dụng người tài với chủ trương là cần người chân thật mà không có quá nhiều khuôn phép (Nguyên văn: ”Phá cách cầu thực”). Bởi vì tướng lĩnh có tài thì quốc gia ắt sẽ an định, nay vì thiên hạ chưa thái bình, nên những lúc khẩn cấp thì cần có người tài. Do đó ông chủ trương tiến cử người tài mà không câu nệ đức hạnh, tiến cử binh sĩ mà không câu nệ sở đoản (Nguyên văn: “Cử hiền vật câu đức hạnh”, “cử sĩ vật phế thiên đoản”, trích trong Võ Đế Kỷ của Tam quốc chí). Tóm lại chỉ cần có tài thì sẽ được tiến cử. Đương nhiên khi quyết định kế sách chiến lược thì ông sẽ thảo luận cùng các tướng sĩ, chọn ra những người tài giỏi trong số đó. Ông thậm chí còn yêu cầu cấp dưới của mình tìm ra những thiếu sót và đưa ra lời khuyên. Vào năm Kiến An thứ 11, ông hạ lệnh:

“Phàm là việc quản lý thế sự điều binh khiển tướng thì nên tìm dùng người phò tá, tránh dùng người trước mặt thuận theo mà sau lưng thì trái lại. Trong Kinh Thư viết ‘nghe dùng mưu kế của ta thì bách tính ắt sẽ không phải hối hận’, ấy cũng chính là lời thỉnh cầu khẩn thiết của kẻ bề tôi. Ta đã gánh vác trách nhiệm trọng đại, làm việc gì cũng sợ sai lầm, vậy mà nhiều năm rồi không hiến được kế sách tốt, chẳng lẽ đó là lỗi sai của ta đã không tận sức nên làm trễ nải đại sự ư? Từ nay về sau, các quan giúp việc như duyện thuộc, trị trung, biệt giá thì vào ngày đầu tháng mọi người hãy tấu trình lên, chỉ ra những thiếu sót đó”.

Tào Tháo cho rằng “nghi lễ không thể quản lý việc quân sự được” (Nguyên văn: “Lễ bất khả trị binh), nhấn mạnh rằng: “Ta giữ luật pháp nghiêm minh trong quân đội”, chú trọng việc lấy pháp trị quân. Ông nhắm thẳng đến tình huống đã xảy ra trong thời kỳ triều Hán bị mất chính quyền để nói: ”Biết sửa chữa sai lầm thì mới có thể trở nên mạnh mẽ” (Nguyên văn: “Củ chi dĩ mãnh”), để khiến cho “cả trên dưới đều hiểu được phép tắc quy chế”. Ông đã đặt ra một bộ luật pháp trong quân binh như Quân Lệnh, Bộ Chiến Lệnh, Thuyền Chiến Lệnh, Luận Lại Sĩ Hành Năng Lệnh, Bại Quân Chỉ Tội Lệnh, mục đích là duy trì sự thống nhất lệnh chỉ huy trong quân đội.

Quân lệnh

Quân lệnh của Ngụy Vũ thời kỳ hậu Hán viết:

Tướng sĩ của ta không giương cung nỏ trong quân đội. Người đi theo đại quân, nếu muốn thử cung nỏ thì được giương cung kéo dây cung, nhưng không được lắp tên. Người vi phạm bị đánh 200 roi, chuyển làm thư lại. Không được đâm chém khoe tài trong doanh trại, vi phạm lệnh sẽ bị tội chết. Đô đốc mà không sửa sai thì phạt 50 trượng.

Lúc ra khỏi doanh trại, ngọn giáo phải dựng đứng, từ từ giương cờ lên và đánh trống, đi 3 dặm thì thu giáo lại, cuộn cờ, ngừng đánh trống. Tướng lĩnh đến doanh trại thì giương cờ, đánh trống, đến doanh trại rồi thì thu cờ lại, ngừng đánh trống. Người không tuân lệnh, cạo đầu làm gương. Khi hành quân thì không được chặt cây ăn trái, như cây dâu tằm, cây chá, cây gai, cây táo ở ruộng vườn.

Bộ chiến lệnh

Đánh 1 hồi trống, kỵ binh phải hành trang đầy đủ. Lại đánh 1 hồi trống nữa, kỵ binh lên ngựa, bộ binh xếp xong đội hình. Hồi trống thứ 3, xuất binh theo thứ tự, đi theo hướng cờ chỉ. Sau khi đến nơi đóng quân thì thu cờ lại, nghe trống lệnh khẩn cấp lập tức dàn trận ngay ngắn. Các trinh sát đi quan sát địa hình, lập tức theo dõi giám sát bốn phía, sẵn sàng dàn trận đánh địch. Các bộ khúc tự sắp xếp quân, kiểm tra quân số, tham quân báo cáo rõ ràng. Kẻ không theo lệnh thì chém đầu.

Binh lính nếu muốn dàn trận tác chiến với doanh trại của địch, trước tiên phải tấu trình rõ ràng rồi mới được dẫn binh tuyên bố dàn trận. Lúc lâm trận thì không được ồn ào để nghe tiếng trống rõ ràng, cờ chỉ phía trước thì tiến, chỉ phía sau thì lui, chỉ sang trái thì tiến sang trái, chỉ sang phải thì tiến sang phải. Người cầm cờ mà không nghe lệnh, tự ý chỉ tiến lùi, sang trái, sang phải thì chém đầu. Trong một ngũ có người không tiến lên, thì ngũ trưởng chém đầu. Ngũ trưởng không tiến thì thập trưởng chém đầu. Thập trưởng không tiến thì đô bá chém đầu. Đốc chiến giám sát các tướng bộ khúc, rút kiếm đi sau, xem ai trái lệnh không tiến lên liền chém ngay.

Một bộ chỉ huy thọ địch, các bộ chỉ huy khác không đến cứu sẽ bị chém. Khi lâm chiến thì binh sỹ bắn cung không được rời trận. Nếu rời bỏ trận địa mà ngũ trưởng, thập trưởng không tố giác thì cùng phải chịu tội như thế. Kẻ không có tướng lệnh mà tự ý đi lại trong trận thì bị chém đầu. Khi lâm trận, kỵ binh bày trận ở hai đầu quân. Tiên phong hãm trận, tiếp đến kỵ binh, quân kỵ binh du kỵ ở sau. Kẻ vi phạm bị cắt tóc và đánh 200 roi. Khi tiến quân, kẻ lùi vào giữa đoàn quân thì bị chém đầu. Khi kỵ binh đối trận với giặc, trước tiên xem địa hình rồi sai một kỵ binh một mình đến đánh giặc, nghe 3 tiếng trống thì kỵ binh từ hai đầu tiến đến đánh, theo hướng cờ chỉ, nghe 3 tiếng chiêng thì rút lui. Đây gọi là đánh đơn. Khi kỵ binh đại chiến thì tiến thoái như pháp quy định.

Quan lại cưỡi ngựa xông vào trận kỵ binh thì chém đầu. Quan lại hô hét lớn thì chém đầu. Truy kích giặc không được một mình phía trước hoặc phía sau, kẻ phạm lệnh bị phạt 4 lạng vàng. Tướng sỹ đánh trận đều không được lấy trâu ngựa quần áo đồ vật, kẻ phạm lệnh bị xử trảm. Tiến đánh, binh sỹ ai nấy theo đội hình mình, người không theo đội hình, tuy có công cũng không được thưởng. Tiến đánh, hậu binh đi trước, tiền binh đi sau thì tuy có công cũng không được thưởng. Lâm trận các nha môn tướng, đốc minh kỵ binh nhận mệnh từ đô đốc. Khi các đô đốc, tướng, quan các bộ khúc giao chiến, hiệu đốc chỉ huy các bộ khúc, đốc thúc sau trận, quan sát nếu thấy có kẻ vi phạm lệnh, khiếp sợ, binh lính tháo chạy thì chém đầu. Người nhà kẻ trốn chạy không bắt và không báo với quan lại thì tất cả đều chịu tội như thế. (Theo “Thông điển” – quyển 149)

Thuyền chiến lệnh

Một hồi trống trận, toàn quân sĩ nghiêm, lại tiếp một hồi trống nữa, toàn đội ngũ tiến đến thuyền. Trật tự chỉnh tề giữ lấy mái chèo, các binh sĩ đều cầm binh khí tiến lên thuyền, xếp vào đúng vị trí. Cờ xí, trống dùi, tất cả đều mang lên thuyền. Hồi trống thứ 3, thuyền lớn thuyền nhỏ theo thứ tự di chuyển, thuyền bên trái không được tiến sang phải, thuyền bên phải không được đi sang trái, trước sau không được thay đổi thứ tự. Kẻ trái lệnh trảm. (Theo “Thông điển” – quyển 149)

Để quán triệt tư tưởng dùng pháp lệnh quản lý quân đội, Tào Tháo đặc biệt chú trọng tuyển chọn các quan lại tư pháp trong quân đội. Ông cho rằng: “Hình phạt là để bảo vệ tính mệnh bách tính trăm họ. Mà quan điển ngục (tư pháp) trong quân đội nếu không đúng người mà bổ nhiệm quản lý việc sống chết của 3 quân thì ta rất lo lắng. Thế nên phải chọn người sáng suốt thông đạt pháp lý để trông coi sử dụng hình phạt cho đúng đắn”. (Theo “Tam quốc chí – Võ Đế Kỷ”)

Bại quân lệnh

Lệnh viết rằng: “Sách ‘Tư Mã pháp’, ‘Tướng quân tử tuy’ viết: Xưa mẹ của Triệu Quát từng tâu vua rằng không nên dùng Triệu Quát, vua không nghe, bà xin không chịu tội liên lụy khi Quát thất bại. Đó là tướng ngày xưa, quân bị thua ở ngoài trận thì người nhà đều bị tội liên lụy. Ta tự làm tướng đích thân chinh chiến, nếu chỉ thưởng công chứ không phạt tội thì không phải là phép nước. Lệnh này quy định các tướng xuất quân, người thất bại phải chịu tội, người làm mất lợi thế thì cách chức quan.” (Theo “Ngụy chí – Vũ Đế kỷ”)

Tào Tháo dùng binh rất giỏi thưởng phạt. Tào Tháo nói: “Nói rõ thưởng phạt thì tuy sai khiến nhiều người cũng như sai khiến một người vậy”. “Thưởng không để quá ngày”. “Kẻ ân tình, thân tín đã hòa hợp, nếu không có hình phạt thì sẽ kiêu ngạo, lười nhác khó sai khiến”. “Ta tự làm tướng đích thân chinh chiến, nếu chỉ thưởng công chứ không phạt tội thì không phải là phép nước. Lệnh này quy định các tướng xuất quân, người thất bại phải chịu tội, người làm mất lợi thế thì cách chức quan”. Không phong quan tước cho người không có công, không thưởng cho tướng sỹ không đánh trận. “Quản lý thời bình thì chuộng đức hạnh, khi có sự vụ thì thưởng người có công”. Thưởng phạt phân minh.

Tào Tháo biết rõ mặt tốt mặt xấu của kinh tế có quan hệ đến thành bại trong chiến tranh. Quân đội mà không có quân nhu, lương thực, tài sản thì đó là “cái đạo diệt vong”. Ông đúc rút kinh nghiệm: “Người Tần phát triển nông nghiệp nhanh chóng mà thôn tính thiên hạ. Hiếu Đế, Vũ Đế lập đồn điền mà bình định được Tây Vực”. Do đó ông mở mang phát triển đồn điền, đạt được mục đích quân đội hùng mạnh, đủ đầy lương thực.

Ngọc Ny – Nam Phương
(Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Nguồn ảnh: youtube.com

Xem thêm: