Lời toà soạn :  Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Là Hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đế vương cổ đại, đất nước ông trị vì trở thành trung tâm của cả thế giới, văn minh Trung Hoa lên đến đỉnh cao dưới thời của ông, trở thành kiểu mẫu lịch sử. Chúng ta đang nói đến Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Bóng tối của lịch sử đã che khuất đi nhiều sự thật về ông, hãy cùng chúng tôi phủi đi lớp bụi thời gian, lần lại những trang sử đã thất lạc về vị quân vương vĩ đại ấy. 

Xem thêm:  Phần 1 , Phần 2

Bắt Tiết Cử

Tiết Cử nguyên là giáo úy phủ Kim Thành dưới triều Tùy, khi Lý Uyên khởi binh, Tiết Cử chiếm cứ quận Kim Thành (Lan Châu, Cam Túc ngày nay) khởi binh, công thành chiếm đất, chiếm cứ vùng Lũng Hữu. Tháng 7, xưng đế, quốc hiệu Tần. Lý Uyên đánh chiếm Trường An. Con trai của Tiết Cử là Tiết Nhân Cảo dẫn binh tiến vào Phù Phong (vùng Phụng Tường, Thiểm Tây ngày nay), bị Thái Tông đánh lui. 

Năm đầu niên hiệu Võ Đức (năm 618), Tiết Cử xâm chiếm Kinh Châu (vùng Kinh Châu, tỉnh Cam Túc ngày nay). Cao Tổ Lý Uyên hạ lệnh: Thái Tông là nguyên soái, dẫn theo nhóm người đại tướng Khuất Đột Thông, đội quân Bát Tổng quản ra kháng cự. Khi đó, Thái Tông bị bệnh sốt rét, ủy thác việc quân cho Lưu Văn Tĩnh, Ân Khai Sơn, và căn dặn họ: “Tiết Cử dẫn binh tiến sâu vào đất ta, lương thực ít ỏi, binh sĩ mỏi mệt, nếu đến khiêu chiến, các ông nhớ phải cẩn thận, chớ có thuận theo. Đợi khi ta khỏi bệnh, sẽ cùng các ông phá trận”.

Khai Sơn sau khi rời khỏi, nói với Văn Tĩnh rằng: “Chúa công lo ông không làm nên trò, vậy nên mới nói như vậy thôi. Thiết nghĩ, nếu quân giặc nghe nói chúa công có bệnh, ắt sẽ khinh ta, chúng ta cần phải cho chúng thấy uy vũ của ta”. Hai người không nghe lời khuyên của Thái Tông, khoe khoang quân uy, bày trận ở tây nam Cao Chỉ, tự phụ binh nhiều mà không thiết lập phòng bị. Tiết Cử đánh úp từ phía sau, Bát tổng quản đều bại, binh sĩ tử thương rất nhiều, Thái Tông ôm bệnh dẫn binh về lại Trường An. Tiết Cử chiếm lĩnh Cao Chỉ.

Tháng 9, Tiết Cử qua đời, Thái Tông được bổ nhiệm làm Nguyên soái công đánh Tiết Nhân Cảo, hai quân giằng co ở thành Thổ Thứ không phân thắng bại, hai bên xây thành đắp lũy giằng co hơn 60 ngày. Tiết Cử có hơn 10 vạn quân, quân thế cường thịnh, nhiều lần đến khiêu chiến. Thái Tông đóng chặt cửa thành không ra.

Các tướng xin nghênh chiến, Thái Tông nói: “Quân ta vừa mới bại trận, sĩ khí sụt giảm, quân địch cậy thắng mà kiêu ngạo, có tâm xem thường quân ta, nên phải đóng chặt bờ lũy mà chờ đợi thời cơ. Quân địch kiêu ngạo, quân ta phấn chấn, chỉ trong một trận là có thể đánh bại được”, và hạ lệnh: “Ai còn dám đòi nghênh chiến, xử trảm không tha!”.

Thái Tông án binh bất động để làm tiêu tan nhuệ khí của đối phương, cuối cùng Tiết quân lương thực ăn hết, tướng địch là Mâu Quân Tài, Lương Hồ Lang đến xin đầu hàng. Thái Tông biết lúc này, quân sĩ của Tiết Nhân Cảo đã không đồng lòng với nhau, thế là thế là lệnh cho Tổng quản hành quân Lương Thực đóng trại ở Thiển Thủy Nguyên để dẫn dụ quân địch xuất chiến.

Tướng địch là Tông La Hầu mừng rỡ, dốc hết quân đội tinh nhuệ tấn công, Lương Thực chỉ phòng thủ chứ không xuất chiến. Tông La Hầu công đánh rất gấp. Thái Tông biết quân địch đã mỏi mệt, nói với các tướng rằng: “Quân địch nhuệ khí sắp tan, quân ta giờ đã đến lúc đánh trả lại”. Liền lệnh cho tướng quân Bàng Ngọc trước tiên đóng trận ở phía nam Thiển Thủy Nguyên dẫn dụ quân địch.

Thái Tông biết quân địch đã mỏi mệt biết rằng đã đến lúc hạ lệnh cho các tướng đánh trả. (Ảnh minh họa: tamhonviet.vn)

Tướng địch Tông La Hầu tập trung quân đội tiến đến đánh lại, quân Bàng Ngọc gần như thất bại. Nhưng Thái Tông đích thân dẫn theo đại quân đánh úp bất ngờ giành lấy được phía bắc Thiển Thủy Nguyên. Tông La Hầu từ xa nhìn trông thấy, lần nữa rút quân trở về kháng cự. Thái Tông dẫn theo mấy chục kỵ binh tinh nhuệ công đánh vào trận địch, cùng với quân Bàng Ngọc nội ứng ngoại hợp ra sức công đánh, Tông La Hầu toàn quân tan tác, mấy nghìn người thiệt mạng, quân sĩ nhảy vào khe núi hẻm núi mà chết nhiều không thể tính đếm.

Thái Tông dẫn theo hơn hai nghìn kỵ binh đuổi theo quân địch đang tháo chạy, đuổi mãi đến Thổ Thứ. Tiết Nhân Cảo vô cùng sợ hãi, bảo vệ quanh thành. Đậu Quỹ ghìm chặt ngựa gắng sức khuyên can Thái Tông, rằng: “Nhân Cảo vẫn chiếm giữ thành trì kiên cố, tuy ta đã đánh bại La Hầu, cũng không thể khinh suất mà tiến vào thành địch, xin hãy án binh quan sát trước đã”.

Thái Tông nói: “Cháu đã suy nghĩ rất lâu, cái thế chẻ tre, không thể để mất được, cậu không cần phải khuyên cháu nữa!”. Thái Tông tiếp tục thừa thắng xông lên. Tiết Nhân Cảo bày trận dưới thành, Thái Tông chiếm cứ Kinh Thủy rồi bày trận, bọn người dũng tướng Hồn Can bên Tiết Nhân Cảo lúc tham gia chiến đấu đã đầu hàng Thái Tông. Tiết Nhân Cảo sợ quá, dẫn binh vào thành cố thủ. Đến lúc trời tối, đại quân Thái Tông lũ lượt kéo đến, bao vây bốn mặt. Nửa đêm, tướng sĩ thủ thành tranh nhau xuống thành đầu hàng. Tiết Nhân Cảo đành phải xin hàng, Thái Tông thu được hơn 1 vạn tinh binh, nam nữ năm vạn người.

Các tướng chúc mừng, bèn hỏi Thái Tông: “Đại Vương đánh một trận mà giành được phần thắng, gấp gáp bỏ lại bộ binh, lại không tiến đánh, khinh kỵ binh mãi đến dưới thành, mọi người đều cho rằng không thể đánh bại được đối phương, thế mà cuối cùng lại có thể giành được phần thắng, vì sao vậy?”. 

Thái Tông đáp rằng: “La Hầu chỉ huy đều là người Lũng Ngoại, binh tướng đều dũng mãnh, ta đặc biệt đánh úp bất ngờ mà công phá, thu hoạch cũng không nhiều. Nếu như trì hoãn tiếp nữa, quân địch đều vào trong thành cả, Nhân Cảo vỗ về an ủi rồi lại trọng dụng, lúc đó mới khó đánh bại; trong lúc cấp bách, đối phương vừa mới bại trận trở về Lũng Ngoại. Sĩ khí hao tổn, Nhân Cảo sợ vỡ mật không rảnh nghĩ cách, nhờ vậy ta mới công đánh được”. Mọi người nghe vậy đều tâm phục. 

Một trận này, Thái Tông thu được rất nhiều kỵ binh tinh nhuệ, vẫn lệnh cho anh em Tiết Nhân Cảo và tướng địch là Tông La Hầu, Địch Trưởng Tôn thống lĩnh. Thái Tông cùng họ du ngoạn, cưỡi ngựa bắn cung, không chút gián cách. Nhóm người quy hàng cảm ân Thái Tông khoan hồng đại lượng, và cũng khiếp sợ trước uy thế của Thái Tông, đều nguyện ý lấy cái chết để đáp đền. Thái Tông khải hoàn trở về, dâng biểu chiến thắng ở thái miếu. Cao Tổ bổ nhiệm Thái Tông là Thái úy, trấn thủ Trường Xuân cung, quan binh Quan Đông toàn bộ đều do ông điều động chỉ huy. Không lâu sau, Thái Tông lại được tấn thăng lên làm Tả võ hầu đại tướng quân, Tổng quản Lương Châu.

Thái Tông khải hoàn trở về không lâu sau, Thái Tông lại được tấn thăng lên làm Tả võ hầu đại tướng quân, Tổng quản Lương Châu. (Ảnh minh họa: soha.vn)

Thái Tông năm sau, trong lúc đi ngang qua chiến trường cũ đánh bại Tiết Cử đã đặc biệt viết một bài thơ biểu đạt hoài niệm:

“Kinh phá Tiết Cử chiến địa”:

Tích niên hoài tráng khí, đề qua sơ trượng tiết.

Tâm tùy lãng nhật cao, chí dữ thu sương khiết.

Di phong kinh điện khởi, chuyển chiến trường hà quyết.

Doanh toái lạc tinh trầm, trận quyển hoành vân liệt.

Nhất huy phân lệ tịnh, tái cử kình nghê diệt.

Vu tư phủ cựu nguyên, thuộc mục trú hoa hiên.

Trầm sa vô cố tích, giảm táo hữu tàn ngấn.

Lãng hà xuyên thủy tịnh, phong vụ bão liên hôn.

Thế đồ cức lưu dịch, nhân sự thù kim tích.

Trường tưởng điểu tiền tung, phủ cung liêu tự thích.

Dịch nghĩa: Đi qua chiến địa công phá Tiết Cử

Nhớ lại bản thân lúc còn là thiếu niên, khí khái anh hùng hừng hực, cầm thương giáo cầm phù tiết, anh dũng giết địch.

Trong lòng sáng chói cao như bầu trời, chí hướng mục tiêu thuần khiết trong sáng như thu sương.

Di dộng binh lực thần tốc như ánh điện, khí thế này như nước Trường Hà cuồn cuộn tuôn trào.

Dinh lũy quân Tiết như sao sa ngoài bầu trời, phút chốc nát tan chìm nghỉm,

Mà trận binh cũng giống như gió cuộn mây ngang, lập tức chia năm xẻ bảy.

Cứ như vậy, một lần đại chiến, khiến cho quân địch rất là kiêu căng phải thu lại,

chiến đầu lần nữa, hoàn toàn tiêu diệt quân địch hung bạo.

Ngồi ở trên xe của đế vương, nhìn xuống vùng đất bằng chiến đấu kịch liệt ngày dạo trước.

Vết tích chiến đấu ác liệt năm nào giữa hai bên, dường như đã bị đất cát chôn vùi, chỉ có chiến xa và bếp lò vẫn lưu giữ lại chút dấu vết ban đầu.

Nước gợn được ánh ắng chiều chiếu rọi, trong suốt biết bao, núi non như những cánh hoa sen, bao phủ trong sương mù, trông thật mờ mờ ảo ảo.

Vật đổi sao rời, thế gian chỉ trong nháy mắt biến hóa muôn hình muôn dạng, vạn vật nơi cõi người, hôm nay đã khác xưa.

Nghĩ lại chiến đấu đẫm máu chốn sa trường trong mấy năm nay, nhìn thấy thiên hạ thái bình trước mắt, mới cảm thấy được sự an ủi sâu sắc trong tâm.

Phá Lưu Vũ Chu

Quan Trung tuy ngày càng củng cố, nhưng Thái Nguyên – vùng đất khởi binh của Lý Uyên, lại sa vào cảnh nguy hiểm. Lưu Vũ Chu là người Mã Ấp, kiêu dũng thiện chiến, kết giao rộng với hào hiệp, chính thức phản lại nhà Tùy. Lại cử sứ giả liên minh với Đột Quyết, Thủy Tất khả hãn Đột Quyết lập Lưu Vũ Chu là “Định Dương khả hãn” (Dương là họ của hoàng tộc triều Tùy). Lưu Vũ Chu xưng đế, quốc hiệu Hán, trở thành một chi nhánh lực lượng quan trọng ở miền bắc Sơn Tây trong cảnh hỗn loạn cuối triều Tùy. Sau khi Lý Uyên dựng lập nên nhà Đường. Lưu Vũ Chu vẫn thường xuyên mượn nhờ lực lượng của Đột Quyết trực tiếp uy hiếp Thái Nguyên, vậy nên không thể xem thường được.

Tháng 4 năm 2 niên hiệu Võ Đức (năm 619), Lưu Vũ Chu liên minh với Đột Quyết, tiến vào chiếm giữ dãy núi Hoàng Xà lĩnh (miền bắc Du Thứ, Sơn Tây). Lý Nguyên Cát đóng giữ ở Thái Nguyên cử Trương Đạt Thành đánh đuổi Lưu Vũ Chu, kết quả quân Đường rơi vào tay giặc. Lưu Vũ Chu đánh chiếm Du Thứ, bao vây các huyện Tịnh Châu.

(Ảnh minh họa: baike.baidu.com)

Lúc này, Tống Kim Cương ở Hà Bắc bị Đậu Kiến Đức đánh bại, đến nương nhờ Lưu Vũ Chu. Tháng 6, Lưu Vũ Chu lệnh cho Tống Kim Cương dẫn ba vạn binh tiến công Thái Nguyên, tướng nhà Đường là Bùi Thích liên tiếp bại trận, Lý Nguyên Cát trấn giữ Thái Nguyên bỏ thành trốn chạy về Trường An. Tấn Châu (vùng Lâm Phần, Sơn Tây ngày nay) cho đến thị trấn Bắc Thành, ngoài Hạo Châu (vùng Phần Dương, Sơn Tây ngày nay) ra, toàn bộ đều đã rơi vào tay của Lưu Vũ Chu. Lưu Vũ Chu hình thành hình thế vây chặt lấy Thái Nguyên. 

Tháng 10, Tống Kim Cương đánh hạ Cối Châu (Dực Thành, Sơn Tây ngày nay). Lã Sùng Mậu, người huyện Hạ, giết chết huyện lệnh, liên minh với Lưu Vũ Chu. Vương Hành Bản chiếm đóng Bồ Bản (phía bắc Vĩnh Tế, Sơn Tây ngày nay) cũng liên minh với Lưu Vũ Chu. Nhà Đường ở bờ đông Hoàng Hà chỉ còn lại một góc nhỏ ở vùng tây nam đất Tấn. Quan Trung đang ở trong cảnh nguy kịch. 

Cao Tổ hạ sắc chỉ, rằng: “Thế giặc đã vậy, khó mà phân tranh, nên bỏ Hoàng Hà đi về phía đông, cẩn thận trấn giữ Quan Tây mà thôi”, Thái Tông lập tức dâng tấu, xin được ra trận: “Thái Nguyên, vốn là nền tảng gây dựng vương nghiệp, là gốc rễ của quốc gia; giàu có sung túc ở Hà Đông, tài nguyên của Kinh Ấp. Nếu để bỏ hết cả, quần thần ắt sẽ thầm oán giận trong lòng. Mong có thể cho nhi thần ba vạn tinh binh, ắt bình định được Lưu Vũ Chu, lấy lại đất Phàn, đất Tấn”. Lúc này, cũng chỉ có Thái Tông có thể xuất chinh, cứu vãn vương triều Lý Đường. Cao Tổ hạ lệnh: Quân đội Quan Trung toàn bộ đều quy về Thái Tông thống lĩnh, tiến đánh Tống Kim Cang, Lưu Vũ Chu.

Tháng 11 cùng năm, Thái Tông thống lĩnh ba vạn tinh binh tiến đến Long Môn quan, đạp băng vượt qua Hoàng Hà, tiến vào chiếm giữ thành Bách, kết trận “bối thủy”, dàn ra trận thế “đưa thân vào chỗ chết rồi sống lại” giằng co với Tống Kim Cương. Thái Tông đồng thời cử binh lính chặt đứt con đường lương thực của Tống quân. Tống Kim Cương bởi một mạch thắng trận, chưa từng thất bại, lần này đi sâu vào lãnh địa Lý Đường, chiến tuyến quá dài, viện trợ khó khăn, thêm nữa lại xem thường quân đội nhà Đường.

Thái Tông nắm chắc cơ hội chiến đấu, lúc này gặp lúc đại tướng của Tống Kim Cương là Uất Trì Kính Đức, Tầm Tương dẫn quân trở về Cối Châu. Thái Tông lệnh cho Binh bộ Thượng thư Ân Khai Sơn, Tổng quản Tần Thúc Bảo chặn đánh ở Mỹ Lương Xuyên, giành được phần thắng, giết hơn hai nghìn quân địch. Ngay sau đó, Kinh Đức, Tầm Tương dẫn theo tinh kỵ viện trợ quân Tống Vương Hành Bản ở Bồ Bản. Thái Tông tự mình thống lĩnh bộ kỵ ba nghìn, giữa đêm từ đường vắng đến An Ấp chặn đánh, quân địch đại bại. Kính Đức, Tầm Tương may mắn dẫn quân thoát thân. Thái Tông bắt hết mọi người trở về thành Bách. Tống Kim Cương muốn đánh không được, mà lại không muốn từ bỏ, con đường lương thực bị chặt đứt, không có lương thảo tiếp tế, lòng quân xao động, cục diện thất bại thấy rõ ngay trước mắt.

Thái Tông tự mình thống lĩnh bộ kỵ ba nghìn, giữa đêm từ đường vắng đến An Ấp chặn đánh, quân địch đại bại. (Ảnh minh họa: timetoast.com)

Tháng 2 năm 3 niên hiệu Chính Đức, Tống Kim Cương cuối cùng bởi quân sĩ đói khát nên phải rút quân trốn chạy, Thái Tông quyết đoán dẫn quân đuổi theo, đuổi kịp Tầm Tương ở Lã Châu, đánh bại quân địch. Quân Đường thừa thắng kéo lên phía bắc, trong một ngày đêm tập kích bất ngờ, dọc đường hơn hai trăm dặm diễn ra mười trận chiến lớn nhỏ. Hai ngày không ăn, ba ngày không cởi áo giáp, đuổi kịp Tống Kim Cang ở Giới Hưu, lại một ngày diễn ra tám trận đánh, đều đánh bại đối phương, bắt và giết hơn mấy vạn người. Nhóm người Uất Trì Kính Đức dẫn theo 8 nghìn tàn quân còn sót lại xin được quy hàng. 

Sau khi Thái Tông đánh bại Tống Kim Cương, Lưu Vũ Chu thấy thế lớn đã qua đi, bèn trốn chạy sang Đột Quyết, cuối cùng lại bị Đột Quyết giết chết. Tống Kim Cương muốn tập hợp tàn quân rồi lại nghênh chiến tiếp, nhưng đã khó có lực hồi thiên, đành phải dẫn theo khoảng trăm tàn quân bên cạnh đi về phương bắc cầu cạnh Đột Quyết, lại cũng bị Đột Quyết giết chết. Vùng đất Thái Nguyên mất rồi lại lấy lại được. Các quận Hà Đông do Lưu Vũ Chu chiếm đóng, đều quy về Đại Đường. Thái Tông lại một lần nữa xoay chuyển cục diện, cứu vớt vương triều Lý Đường khỏi cảnh diệt vong. 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Vũ Dương biên dịch