Khi ở New York, một lần đến thăm Bảo tàng Metropolitan nổi tiếng, sau khi trả tiền, lễ tân đưa cho chúng tôi một tấm vé vào cửa bằng kim loại, có hai cái kẹp trên đó, vì thế nó rất thuận tiện để chúng tôi kẹp vào cổ áo.

Một người bạn nói với tôi rằng, trong quá trình tham quan có thể ra ngoài bất cứ lúc nào, vé vào cửa cũng không bị thu hồi, muốn vào lại cứ dùng tấm vé cũ là được. Nếu chắc chắn không vào lại nữa, thì thả “vé vào cửa” vào hộp kính Acrylic ở lối vào.

Tôi hỏi:

– Vé vào cửa mỗi ngày có thay đổi màu sắc và kiểu dáng không?

Bạn tôi đáp:

– Không

Tôi lại hỏi:

– Vậy nếu, chúng ta đem vé về nhà rồi vài ngày sau lại đến bảo tàng tham quan thì sao? Hoặc là một nhóm khoảng 10 người thì chỉ có 5 người mua vé rồi mang vé ra cho những người khác thì sao?

Bạn tôi cười nói:

– Chỉ có người Việt Nam mới có tư tưởng như thế thôi! Người Mỹ họ suy nghĩ đơn giản hơn nhiều, vào cửa thì cần một tấm vé, không vào nữa thì trả về quầy. Ở Mỹ công dân đều tuân thủ pháp luật nên có rất ít nhân viên soát vé ở cửa vào.

Khi đó, tôi thực sự cảm thấy rất xấu hổ. Chúng ta nghèo không chỉ bởi vì nguyên nhân liên quan đến tài vật, của cải, mà cái nghèo về văn hóa, học thức mới thực sự đáng sợ vậy. 

Gần đây, đến dạy học ở một công ty chế tạo chất bán dẫn Đài Loan tên là TSMC, tôi phát hiện các nhà ăn của TSMC cũng giống như nhà ăn của các nhà sản xuất khác trong Công viên Khoa học, sử dụng mô hình gia công, sạch sẽ và gọn gàng.

Điều khác biệt là nhà ăn sẽ không giúp bạn lấy sẵn thức ăn mà muốn ăn thì bạn phải tự lấy. Ở nơi lấy hoa quả, người ta dán một tờ giấy: “Mỗi người được lấy một túi” (Đã rửa sạch, gọt miếng gọn gàng).

Lối vào nhà ăn cũng có rất ít nhân viên kiểm tra, nhà ăn sử dụng thẻ nhận dạng và tự động khấu trừ vào tiền lương vào cuối tháng. Một trợ lý của TSMC nói với tôi: “Có một nhân viên bị phát hiện vào nhà ăn mà không quẹt thẻ, lần đầu tiên bị cảnh cáo và lần thứ hai bị đuổi việc”.

Tôi phát hiện ra rằng khi sự tin tưởng lẫn nhau càng lớn thì sự quản lý càng đơn giản hơn bao giờ hết, điều đó thuận tiện hơn cho cả hai phía. Tất nhiên như thế thì chi phí cũng ít đi và công việc cũng trở nên thú vị hơn.

Trái lại sự nghi ngờ lẫn nhau chỉ đổi lại sự phòng ngừa, ngăn chặn và giám sát lẫn nhau. Điều ấy không chỉ làm giảm năng suất, mà còn làm công việc trở nên thụ động và không thoải mái.

Bạn thân mến, có phải bạn cũng từng phát hiện rằng khi đồng nghiệp trong một môi trường làm việc tin tưởng lẫn nhau thì làm việc cực kỳ có hiệu quả, hơn thế những sự hợp tác ngầm giữa họ khiến cho công việc càng trở nên thuận lợi, công ty càng thăng tiến hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp nghi ngờ và không hiểu nhau, thì mọi thứ diễn ra rất tồi tệ…

Khi bạn hiểu đạo lý này rồi thì từ giờ hãy mở lòng, đối xử với mỗi người bằng sự cởi mở và thái độ tin tưởng. Ban đầu có thể bạn sẽ thấy mình chịu nhiều tổn thất, mọi người luôn để phòng bạn nhưng đó chỉ là vì mọi người vẫn còn quen với cách làm trước đây của bạn.

Nên nhớ, phải kiên trì! Làm việc đúng thì phải kiên trì, kiên trì mới có thể dài lâu, đi đúng đường rồi thì không sợ đường xa nữa. 

Ngọc Linh
Nguồn: ibook.idv.tw.

Từ Khóa: