“Có thời gian, nếu muốn trao đổi điều gì bí mật với anh em bạn bè, tôi bàn với họ vào quán nhậu rồi nói. Trong đó chỉ có người nói, không có người nghe, cho nên rất bảo mật thông tin, dù là ngồi sát cạnh người lạ cũng an toàn. Về cơ bản, hiện chúng ta đang ở một quán nhậu rất lớn”.

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm

Trong ghềnh thông mọc như nêm

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm

Trong rừng có bóng trúc râm

Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”.

(Côn Sơn Ca – Nguyễn Trãi)

Hồi nhỏ, tôi hay thích lên núi. Hồi đó, gia đình còn nghèo, nên cũng ít được đi. Nhưng đi lần nào là nhớ lần ấy.

Lúc đó chưa lý giải được vì sao thích lên núi. Có lẽ vì thích không khí mát, có tiếng chim ca trong lá, ánh sáng chan hòa. Hoa thơm bướm lượn. Cảnh vật thì hùng vĩ.

Như cái lần đi Côn Sơn Kiếp Bạc hồi dưới 10 tuổi. Tôi leo từng bậc thang không biết mệt lên đến tận đỉnh Côn Sơn nơi ngày xưa cụ Nguyễn Trãi đánh cờ, nghe tiếng thông reo vi vút trong gió. Tôi thấy trong lòng như có suối chảy qua, mát và sảng khoái, có lẽ cũng vì ảnh hưởng bởi bài Côn Sơn Ca của cụ Nguyễn Trãi.

Sau này khi lớn lên, mới hiểu, hóa ra vì mình yêu cảm giác yên bình, tĩnh tại. Cảnh vật làm cho lòng người cũng dịu xuống. Đầu óc thanh thản, nghĩ được nhiều điều sáng.

Tôi luôn yêu cái cảm giác tĩnh tại trong tâm hồn. (Ảnh minh họa: br-art.vn)

Cũng như sở thích vãn cảnh chùa xưa của tôi. Tôi thích đi chùa vào mùa vắng. Ngôi chùa trên núi vắng bóng khách thập phương, chỉ có tiếng khánh, tiếng mõ văng vẳng của các sư tăng trong giờ đọc kinh. Đi Chùa Hương thì không mơ được cầu cúng điều gì hết, chỉ mong một lần được nhìn thấy cảnh “Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi” như trong thơ “Cô hái mơ” của cụ Nguyễn Bính. Thực sự là chưa bao giờ đạt được ước nguyện ấy.

Đấy là mơ ước được tức cảnh sinh tình. Nhưng khi tôi lớn lên, những cảnh trí cô tịch u nhã ấy ngoài đời đã biến mất. Chỗ nào cũng nườm nượp người. Ở những danh lam thắng cảnh nơi thế giới văn minh tôi cũng không tìm được cảm giác yên bình ngày nhỏ ở Côn Sơn. Đừng nói là ở lễ hội Chùa Hương hay Đền Trần của hiện tại.

Đời cứ thế trôi đi, luôn luôn bị vây bọc trong âm thanh ồn ã của cuộc sống hiện đại. Âm thanh trong lòng cũng cảm ứng, bên ngoài ồn thì bên trong cũng ồn. Khó mà nghĩ được điều gì thực sự sáng suốt trong khung cảnh ấy. Khi có nhiều tiếng nói trong lòng cất lên thì nghe cái gì đây? Sống một vài ngày tạm thế còn được. Chứ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác trong nhịp sống quay cuồng, nhộn nhạo ấy thì rất không ổn. Dần dần, tôi có cảm giác đang sống trong một chiếc máy giặt. Tâm không tĩnh thì đời sẽ gặp nhiều sai lầm phiền toái. Và sống rất vô nghĩa.

Có thời gian, nếu muốn trao đổi điều gì bí mật với anh em bạn bè, tôi bàn với họ vào quán nhậu rồi nói. Trong đó chỉ có người nói, không có người nghe, cho nên rất bảo mật thông tin, dù là ngồi sát cạnh người lạ cũng an toàn. Về cơ bản, hiện chúng ta đang ở một quán nhậu rất lớn.

Cũng như câu chuyện ông bố sôi sục vào phòng tìm đồng hồ mà không thấy. Con trai vào tìm thì thấy. Bố hỏi: Sao con tìm được? Con trai trả lời: Con ngồi yên lặng thì mới nghe được tiếng tích tắc của nó, thì mới tìm được.

Cuộc sống hiện đại lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt như thể muốn cuốn người ta đi vậy. (Ảnh: enternews.vn)

Cho nên, tôi rất thèm những lúc được ngồi một mình trong yên lặng. Lúc ấy không ham muốn gì, tâm tình không bị kích động. Bỗng nhiên tôi nhớ lại được nhiều sự việc, kiểm điểm lại được mình. Tôi có thể nghĩ được những điều hay ho mà trong vòng xoáy mưu sinh, tôi khó mà có được.

Vì vậy, với người đang có tâm tình kích động, tôi chẳng nói gì. Khi người ta giận dữ, khi dục vọng gào thét, khi họ đang ghen tức đố kỵ, hay sợ hãi bất an, hay vui sướng cuồng điên, nói chung nhân tâm các loại đủ cả, thì trong đầu người ta có hàng ngàn tiếng nói tranh nhau giành ảnh hưởng. Lúc ấy mình nói làm sao lọt tai được. Lúc ấy, một cái vỗ vai thân ái với người đủ thân tình có khi lại có tác dụng hơn.

Sau này, khi tu luyện Phật Pháp rồi, tôi mới hiểu. Côn Sơn bên ngoài ấy trong thời đại này là không còn nữa đâu, cũng không trông đợi được đâu. Cái Côn Sơn ấy nên tìm ở trong lòng mình, dù xung quanh mình là quán nhậu. Mà quán nhậu ngày càng nhiều.

Lúc ấy, sau khi đã tạm buông bỏ được những tạp âm của những giận dữ, lo lắng, muộn phiền, trách móc, đau khổ, sợ hãi, danh lợi,… thì tôi nghe được tiếng nói sáng suốt của tâm mình khe khẽ cất lên. Vì lời hay bao giờ cũng khiêm nhường và lặng lẽ, không tranh về âm lượng nhưng sáng, thấm và ấm.

Và dòng suối trong mát hồi nhỏ lại róc rách trong tâm hồn. Tôi đã về lại với Côn Sơn.

Văn Bé