Các hoàng đế vĩ đại trong lịch sử, dù ở phương Đông hay ở phương Tây, đều là những biểu tượng lớn của lịch sử. Ở họ, ta thấy được khí chất, khả năng lãnh đạo tuyệt vời cùng với lòng say mê văn hóa, nghệ thuật , giúp đặt định những yếu tố căn bản cho văn minh nhân loại. 

Hoàng đế Khang Hy của Trung Hoa và vua Louis XIV của nước Pháp có những điểm tương đồng kỳ lạ trong vai trò là người bảo trợ cho văn hóa, nghệ thuật phát triển. 

Khang Hy đại đế

Trong số hàng trăm quân vương trong lịch sử Trung Hoa, Hoàng đế Ái Tân Giác La Huyền Diệp, tức Khang Hy đế triều nhà Thanh (1654 – 1722) là một đỉnh cao đồ sộ. Ông được đánh giá là một trong những vị Hoàng đế tài ba lỗi lạc bậc nhất lịch sử, là người đã thiết lập sự thịnh trị dài trên 130 năm của nhà Thanh bằng hàng loạt chiến dịch quân sự cũng như những chính sách tích cực. Hoàng đế Khang Hy có tinh thần đam mê học hỏi đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Ông thông thạo văn thơ và hội họa. Ông cũng am hiểu sâu rộng về những tác phẩm kinh điển của cổ nhân.

Khang Hy đam mê thư pháp truyền thống Trung Hoa. Người ta cũng cho rằng, Hoàng đế Khang Hy là vị vua hiếm có trong lịch sử có lòng say mê và bảo hộ gần như tuyệt đối các giá trị nhân văn. Ông còn là người rất cấp tiến, không ngại học hỏi nền khoa học hiện đại của phương Tây. Trong quyển “Tiểu sử Hoàng đế Khang Hy” do một nhà truyền giáo phương Tây viết, có nói rằng, Khang Hy rất tập trung tinh lực trong việc học tập. Ông tập luyện rất chăm chỉ và có kế hoạch học tập tỉ mỉ, rõ ràng. Ông cũng không ngần ngại đặt câu hỏi khi không hiểu điều gì. Do có bản tính hiếu kỳ, mỗi ngày ông dành hàng giờ để tìm tòi, học hỏi. 

Tranh vẽ Hoàng đế Khang Hy (ảnh: Wikipedia).

Khang Hy luôn giữ quyển sổ ghi chép quá trình học tập bên mình và về phòng đọc đi đọc lại nhiều lần. Ông cũng thường học toán học, sử dụng các dụng cụ để hiểu hơn về những kiến thức hình học Euclide. Chắc hẳn ông đã tốn rất nhiều công sức để khắc ghi quá trình suy luận toán học. 

Sự xuất sắc hơn người của ông không chỉ thể hiện trong việc lãnh đạo đất nước oai phong một cõi mà còn ở việc ông là người tinh thông văn học và nghệ thuật. Ông từng nghiên cứu tất cả các tác phẩm kinh điển của các bậc thánh hiền như: Tứ Thư, Ngũ Kinh, Sử ký, Hán thư, Tư trị thông giám… Khang Hy cũng rất tinh thông thơ văn, thư họa, am hiểu tam cương ngũ thường của Nho gia, có học thức uyên bác đọc hiểu văn tự Hán, Mông, trở thành vị Hoàng đế có học thức uyên thâm bậc nhất của nhà Thanh.

Hoàng đế Louis XIV

Ở Pháp, thời kỳ mà Vua Louis đời thứ XIV (1638 – 1715) cai trị được coi là Thế kỷ Huy hoàng. Vua Louis thứ XIV ở Pháp (hay còn gọi là Vua Mặt Trời) cai trị 72 năm, dài hơn so với bất kỳ thời gian cai trị của các vương giả khác ở châu Âu.

Ở phương Tây, Hoàng đế Louis XIV cũng được biết đến là một vị vua rất tận tụy. Ông thường nghiên cứu chuyện quốc sự với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông đã giành được rất nhiều chiến thắng vinh quang sau hàng loạt trận đánh trong suốt cuộc đời.

Hoàng đế Louis XIV được mệnh danh là “chủ nhân của Châu Âu”, “Hoàng đế vĩ đại nhất thế giới”. Thời gian ông tại vị được hình dung là thời kỳ vĩ đại nhất, phát triển nhất của nước Pháp, vương triều của ông tiếp cận gần nhất với sự hoàn hảo. Hoàng đế Louis XIV vĩ đại ngự trong cung điện Versailles lộng lẫy gần như cùng thời với Khang Hy đại đế ở trong Tử Cấm Thành. Họ cũng đều kế vị ngôi vương từ khi còn nhỏ, lại có kinh nghiệm cai trị đất nước phong phú, đưa quốc gia của mình phát triển thịnh vượng. Hơn 300 năm trước, hai vị quân chủ được truyền cảm hứng từ hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây khác nhau. Với tầm hiểu biết nhìn xa trông rộng và khát khao cháy bỏng muốn tìm hiểu về văn minh của đối phương, họ thực sự đã mở cánh cửa giao lưu lân bang cho hai quốc gia vĩ đại hàng đầu thế giới thời bấy giờ: Pháp và Trung Hoa. 

Tranh vẽ vua Louis XIV (ảnh: Wikipedia).

Sự giao thoa văn hóa Trung – Pháp

Hoàng đế Khang Hy đã có dịp học hỏi khoa học, y học, lịch thiên văn học, giải phẫu người. Ông cũng rất say sưa những món đồ thủ công bằng kính và men của Pháp chủ yếu là nhờ vào những lần trao đổi văn hóa Trung – Pháp. Còn Louis XIV cũng yêu thích gốm sứ, nghệ thuật và văn hóa Trung Hoa. Đồ sơn mài và nội thất luôn nằm trong danh mục yêu thích của Louis XIV. Ông đặc biệt thích gốm xanh Pháp – những đồ thủ công bắt chước thủ pháp chế tác của Trung Hoa. Người Trung Quốc cũng bắt chước những nghề thủ công của Pháp. Sự bắt chước giữa Trung Quốc và Pháp lúc đó dựa trên sự tôn trọng của mỗi bên dành cho nền văn hóa của nhau.

Vào đầu thế kỷ 17, vì Pháp không phải là cường quốc về hàng hải, nên không có giao thương trực tiếp bằng thuyền bè giữa Trung Quốc và Pháp. “Công ty Đông Ấn” của Pháp không có liên hệ trực tiếp nào với Trung Quốc. Các tàu của họ chỉ chuyển một số hàng hóa Trung Quốc sang Pháp qua Ấn Độ. Vào thời điểm đó, bậc thầy thêu của Pháp Walrette và nghệ sĩ làm vườn Robin đã tạo ra Hiệp hội thêu, nơi cung cấp cho nghệ nhân thêu các mẫu thêu theo phong cách phương Đông và thiết kế theo các phong cách khác nhau, thể hiện tình yêu của người Pháp đối với phương Đông.

Vào giữa thế kỷ 17, đồ gốm Trung Quốc vẫn được coi là báu vật quý hiếm với các nước hải ngoại. Chỉ có một vài cung điện lớn như Versailles mới có thể trưng bày và thu thập đồ gốm một cách có quy mô lớn. Vào thời điểm đó, có thể nhìn thấy ảnh hưởng của cuộc sống cung đình Trung Quốc hầu như ở khắp mọi nơi trên đất nước Pháp. Hoàng đế Louis XIV đã quen với việc sử dụng đồ gia dụng được sản xuất tại Trung Quốc hoặc theo phong cách Trung Quốc. Trong Cung điện Versailles, hoàng hậu có một bộ đồ gia dụng hoàn chỉnh của Trung Quốc. Trong văn phòng của hoàng tử, có bày bốn chiếc ghế bành có tay vịn và ghế gấp của Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả trong nhà người hầu của Hoàng đế cũng những đồ dùng sản xuất tại Trung Quốc như bàn, bình hoa và thảm thêu… 

Đồ sứ châu Á đã trở nên rất phổ biến ở Pháp dưới thời vua Louis XIV, trong ảnh là bình gốm thời Khang Hy (ảnh: brewminate).

Năm 1670, Hoàng đế Louis XIV xây dựng Cung điện Trianon cho Bà Montespan. Cung điện mô phỏng phong cách kiến ​​trúc Trung Quốc và được gọi là “Cung điện Trung Quốc”. Ngay cả các hoạt động giải trí được tổ chức chúc mừng các ngày kỷ niệm trong Cung điện Versailles cũng thường có các chủ đề về Trung Quốc, hoàng đế và hoàng hậu đều trực tiếp tham gia nhiều lần. Tại lễ hội Carnival năm 1667, vũ hội được tổ chức tại Cung điện Versailles và Louis XIV đã chủ trì lễ khai mạc. Hoàng đế đã hóa trang thành người Trung Quốc. 

Tại lễ hội Carnival năm 1685, Philip em trai của Hoàng đế xuất hiện cuối cùng, ông mặc trang phục và hóa trang thành một đại thần của Trung Quốc. Vào tháng 1 năm 1700, Versailles đã tổ chức một đại vũ hội lớn và hoàng đế Louis XIV xuất hiện trên sân khấu với một chiếc ghế kiểu Trung Quốc. Louis XIV cũng dự tính việc thành lập Louvre như một “cung điện quốc tế”, bao gồm đại sảnh kiểu Trung Quốc và Italia.

Điều đáng chú ý quan tâm đó là, mặc dù việc đối ngoại giao thương với Trung Quốc không phải là chủ yếu, nhưng hoàng đế Louis XIV lại luôn cố gắng liên hệ trực tiếp với Trung Quốc. Khi bắt đầu lên nắm quyền, hai nước có rất ít liên hệ qua lại. Nhiều năm sau trong giai đoạn ông trị vì, giao lưu hai nước mới dần được tăng cường. Ông từng phái đại thần và thuyền buôn tới Trung Quốc, xây dựng quan hệ giao thương buôn bán, tổ chức các hoạt động vũ hội với Trung Quốc, tiếp kiến đại thần Trung Quốc đến Pháp.

Hoàng đế Khang Hy đã học hỏi được rất nhiều kiến thức về thiên văn học, toán học từ phương Tây (ảnh: Wikimedia).

Đồ gốm Trung Quốc vào Châu Âu ban đầu được giới thượng lưu sử dụng để trang trí nhà. Vào cuối thế kỷ 17, trên thị trường Châu Âu xuất hiện nhiều chủng loại gốm khác nhau vô cùng phong phú, đa dạng. Ngoài bộ đồ pha trà, đồ ăn, hộp đựng trà, hộp đựng đường, hộp sữa, hộp đựng rao cạo râu… còn có các loại đồ gốm có hình chim muông, động vật, và các nhân vật lịch sử. Đặc biệt đồ gốm sứ có hình tượng Phật được người phương Tây rất yêu thích và muốn sưu tầm. Trong khi đó, những bộ đồ pha cà phê là mặt hàng bán chạy nhất ở Châu Âu. Khi đó, Hoàng đế Louis đã phái người tới Trung Quốc đặt đồ gốm sứ với biểu tượng của nước Pháp như áo giáp, quân đội, và các hoa văn tiêu biểu của nước Pháp.

Năm 1698, Pháp thành lập “công ty Trung Quốc” và con tàu buôn đầu tiên của Pháp “Amphrityite” đã đi thẳng đến Trung Quốc. Nó đã đậu ở Macau vào ngày 24 tháng 10 và đến Quảng Châu vào ngày 31 cùng tháng. Việc buôn bán giao thương chính thức đồ gốm sứ giữa hai nước từ đó bắt đầu. Ngoài việc mua đồ sẵn có của các thương nhân, đơn đặt hàng còn được gửi đến Cảnh Đức Trấn. Có những thợ gốm và họa sĩ chuyên sản xuất đồ sứ xuất khẩu. Họ quen thuộc với công việc của những đơn đặt hàng và có thể làm theo yêu cầu của khách.

Các bức tranh hoặc đồ vật được cung cấp đều được mô phỏng chính xác, và đồ sứ theo lịch của Pháp được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Con tàu trở về Pháp năm 1700, lại tới Trung Quốc năm 1701 và trở về Pháp năm 1703. Trong hai lần, một số lượng lớn lụa, đồ gốm sứ và sơn mài đã được vận chuyển từ Trung Quốc đến Pháp. Có một thời, Pháp thịnh hành sử dụng đồ lụa, đồ sứ, sơn mài và tráng men. Năm 1705, “công ty Trung Quốc” đổi tên thành “Công ty Hoàng gia Trung Quốc”, điều này cho thấy hoàng đế Louis XIV rất coi trọng việc giao thương với Trung Quốc.

Vào cuối thời Louis XIV, sự gia tăng khối lượng nhập khẩu của nhiều loại sơn mài Trung Quốc khác nhau làm đồ sơn mài bắt đầu lan rộng ở Pháp, và thiết kế của Phương Đông gần như chiếm ưu thế chính yếu. Đồ nội thất, ghế và ba toong đều sơn vẽ về Trung Quốc. Các quý tộc cũng sử dụng kiệu kiểu Trung Quốc như một biểu hiện tầng lớp của họ. Do đó, trong giới thượng lưu, các quy định khác nhau về kiểu kiệu và màu sắc đều hoàn toàn bắt chước Trung Quốc.

Dưới sự dẫn dắt của giới quý tộc, “khẩu vị Trung Quốc” thực sự đã phổ biến trong giới thượng lưu Pháp trong thế kỷ 18 và lan sang Đức, Anh và các nước khác, và chi phối tới khiếu thẩm mỹ của người châu Âu trong một thời gian dài.

Kiên Định
Theo Secretchina

Từ Khóa: